Thụ tinh nhân tạo – Cẩm nang những điều cần biết

Thụ tinh nhân tạo IUI

Thụ tinh nhân tạo IUI

Vô sinh – hiếm muộn đang trở thành căn bệnh thời đại tỉ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng Việt Nam đang là 7,7% làm nảy sinh nhiều hệ lụy về an sinh xã hội. Bên cạnh việc điều trị nguyên nhân gây vô sinh thì sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản được các bác sĩ khuyến khích để tăng tỉ lệ thụ thai thành công đem đến hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong đó thụ tinh nhân tạo đang là một trong các phương pháp được dùng phổ biến hiện nay. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về phương pháp này qua bài viết dưới đây!

I. Thụ tinh nhân tạo là gì?

Thụ tinh nhân tạo viết tắt là IUI (intrauterine insemination) là phương pháp bơm trực tiếp tinh trùng của người chồng vào trong buồng tử cung của người vợ vào thời điểm thích hợp nhất để tăng khả năng thụ thai.

Trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản thì thụ tinh nhân tạo gần với cách thụ tinh tự nhiên nhất. Sau khi quan hệ bình thường, tinh trùng vào được âm đạo và theo đó bơi tự do theo cổ tử cung vào buồng tử cung tìm về phía 2 vòi trứng để gặp trứng sẵn sàng cho việc thụ tinh tạo hợp tử. Nhưng trong trường hợp tinh trùng không khỏe hay quá trình di chuyển của tinh trùng có nhiều trắc trở thì rất ít tinh trùng có thể đến được đích. Chất nhầy ở cổ tử cung thường sẽ ngăn cản tinh trùng xâm nhập sâu hơn.  Dự tính ở điều kiện bình thường phải có khoảng 200 con tinh trùng đến được vòi trứng thì mới đủ để 1 con tinh trùng vào được trứng.  Do vậy thụ tinh nhân tạo là phương pháp chọn lựa tinh trùng chất lượng nhất và đưa chúng vào buồng tử cung của người phụ nữ để đạt đủ số lượng đảm bảo cho việc thụ thai có thể diễn ra. 

Thụ tinh nhân tạo IUI là gì?

Thụ tinh nhân tạo IUI là gì?

Thụ tinh nhân tạo là phương pháp hỗ trợ sinh sản cổ điển được áp dụng thành công lần đầu trên người vào năm 1973 bởi bác sĩ John Hunter tại London. Nhờ đó đã mở ra hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có được đứa con thân yêu của mình. 

II. Thụ tinh nhân tạo dành cho những đối tượng nào?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh cũng như khả năng thụ thai của mỗi người vợ lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.Vì vậy thụ tinh nhân tạo thường được chỉ định cho các đối tượng sau:

1. Trường hợp muốn có con theo phương pháp này

Phụ nữ độc thân không muốn lấy chồng hay các cặp vợ chồng đồng tính nhưng vẫn có nhu cầu sinh con nên họ cần sử dụng tinh trùng hiến tặng để mang thai. Khi đó phương pháp thụ tinh nhân tạo được sử dụng để đưa tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ để hỗ trợ thụ thai. 

2. Trường hợp vợ chồng vô sinh 

Vô sinh không rõ nguyên nhân: Thụ tinh nhân tạo là phương pháp đầu tiên được chỉ định khi không thể xác định nguyên nhân gây vô sinh.

Vô sinh do yếu tố tinh trùng người chồng

Nếu người chồng không có đủ lượng tinh trùng hay tinh trùng có bất thường về mặt cấu trúc, hình dạng, kích thước, khả năng di chuyển kém sẽ làm giảm tỉ lệ tinh trùng vào được tử cung, tiếp cận trứng và giảm khả năng thụ thai thành công. Vì vậy khi sử dụng thụ tinh nhân tạo sẽ hỗ trợ người chồng lấy được đủ lượng tinh trùng cũng như sàng lọc những tinh trùng chất lượng tốt để bơm vào buồng tử cung của người vợ.

Tinh trùng bất thường gây vô sinh

Tinh trùng bất thường gây vô sinh

Người vợ bị dị ứng với một số protein trong tinh dịch: 

Trường hợp này hiếm khi xảy ra. Khi tinh dịch xuất vào trong âm đạo khiến cho bề mặt niêm mạc âm đạo bị kích ứng, gây đỏ rát nên thường sử dụng bao cao su để giảm tình trạng này xảy ra. Nhưng do đó lại làm giảm khả năng thụ thai. Khi sử dụng thụ tinh nhân tạo sẽ giúp loại bỏ tinh dịch và đưa thẳng tinh trùng của người chồng vào buồng tử cung, hạn chế sự tiếp xúc của tinh dịch với âm đạo hay tử cung người vợ. 

Vô sinh do yếu tố liên quan đến cổ tử cung: 

Cổ tử cung là bộ phận kết nối giữa âm đạo và buồng tử cung dài khoảng 3-4cm. Ở cổ tử cung có chất nhầy giúp bảo vệ, ngăn ngừa tác nhân bên ngoài tấn công gây nhiễm trùng tử cung. Khi trứng trưởng thành đợi để thụ tinh thì chất nhầy này sẽ thay đổi và mỏng hơn cho phép tinh trùng đi qua. Tuy nhiên nếu cổ tử cung bất thường như mắc bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung sẽ tăng tiết và làm chất nhờn trở nên đặc hơn khiến cho tinh trùng khó di chuyển vào sâu bên trong cổ tử cung. Ngoài ra chúng làm thay đổi pH trong âm đạo ảnh hưởng và có thể làm chết tinh trùng ngay khi chúng vừa được xuất vào trong âm đạo. Hoặc nếu trong cổ tử cung có sẹo cũng làm bất thường niêm mạc cổ tử cung khiến đường đi của tinh trùng gặp khó khăn hơn. Do đó thụ tinh nhân tạo sẽ đưa tinh trùng vào thẳng buồng tử cung, làm giảm đi các yếu tố gây bất lợi cho tinh trùng ở cổ tử cung.

Vô sinh do bất thường cổ tử cung

Vô sinh do bất thường cổ tử cung

Vô sinh do lạc nội mạc tử cung

Đây là bệnh lý do máu kinh nguyệt lẫn có mảnh nhỏ của nội mạc tử cung bị bong ra, chảy ngược lại, xâm nhập vào các bộ phận khác như ống dẫn trứng, buồng trứng, phổi, não…Một trong các biến chứng là gây vô sinh. Thụ tinh nhân tạo được chỉ định trong trường hợp này để giúp người phụ nữ có thai.

Vô sinh do rối loạn phóng noãn

Rối loạn phóng noãn khiến trứng không được phóng ra theo đúng chu kỳ và chất lượng trứng không đảm bảo gây ra vô sinh. Khi áp dụng thụ tinh nhân tạo sẽ điều hòa lại việc rụng trứng, tăng khả năng thụ thai thành công.

Ngoài ra thụ tinh nhân tạo còn áp dụng cho trường hợp khi vợ chồng đang điều trị bệnh với những phương pháp giảm khả năng có con tự nhiên như xạ trị, người vợ có kháng thể kháng tinh trùng nhẹ hoặc khi muốn lưu giữ tinh trùng….

Điều kiện cần để thực hiện thụ tinh nhân tạo là ở người phụ nữ phải có ít nhất một vòi trứng còn thông và tinh trùng của người chồng chỉ ở mức rối loạn vừa và nhẹ. Nếu như vợ chồng bạn rơi vào một trong các trường hợp sau bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng các phương pháp hỗ trợ khác:

– Lạc nội mạc tử cung mức độ nặng.

– Bị tắc vòi trứng cả 2 bên.

– Nam giới suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng ở mức nặng…. 

III.Quy trình thực hiện thụ tinh nhân tạo

Trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp hỗ trợ sinh sản nào, người vợ và chồng sẽ được khám tổng quát để phát hiện nguyên nhân gây vô sinh và được bác sĩ tư vấn sử dụng biện pháp phù hợp nhất cũng như giải thích quy trình, cảnh báo các tai biến có thể xảy ra và chi phí điều trị. 

1. Chuẩn bị gì để thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công?

Để việc thụ tinh nhân tạo đạt tỉ lệ thành công cao cần có sự chuẩn bị chu đáo ở cả người vợ (cũng như người phụ nữ xin tinh trùng) và người chồng. 

Chuẩn bị cho người vợ

– Mỗi một tháng thông thường sẽ có 1 quả trứng rụng vào khoảng ngày 16 của chu kỳ kinh nguyệt nên thực hiện thụ tinh nhân tạo vào ngày đó sẽ cho tỉ lệ thành công cao. Bác sĩ có thể để trứng rụng tự nhiên và tính ngày rụng trứng để thực hiện nhưng như vậy tỉ lệ thụ thai không đảm bảo nên thường người phụ nữ sẽ sử dụng thuốc kích trứng để đẩy nhanh thời gian chờ và tạo ra nhiều nang trứng trưởng thành. 

– Người phụ nữ được chỉ định dùng thuốc kích thích buồng trứng vào ngày thứ 2-3 của chu kỳ kinh nguyệt. Khoảng ngày 6-7 người vợ sẽ đến siêu âm để bác sĩ theo dõi sự phát triển của nang trứng để có những điều chỉnh phù hợp và dự đoán được ngày rụng trứng để có thể đưa tinh trùng vào.

Người vợ sử dụng thuốc kích trứng

Người vợ sử dụng thuốc kích trứng

– Khoảng ngày 9-10 sẽ có nang noãn trưởng thành, người vợ sẽ được tiêm thuốc kích thích rụng trứng, và sẽ tiến hành bơm tinh trùng tại thời điểm 36h (bơm 1 lần) hoặc 24h và 48h (bơm 2 lần) sau mũi tiêm HCG.

– Trong khoảng thời gian chờ trứng rụng người vợ sẽ được kiểm tra tổng thể toàn bộ tử cung và chuẩn bị môi trường tốt nhất cho sự làm tổ của phôi thai. 

Chuẩn bị cho người chồng

Song song với việc chuẩn bị cho vợ thì người chồng cũng cần thực hiện các thao tác theo quy trình để tiến hành lấy mẫu tinh trùng. 

– Nếu như người chồng đang mắc bệnh nhiễm khuẩn như giang mai, lậu…thì cần điều trị triệt để trước khi thực hiện lấy tinh trùng. Cần tránh quan hệ tình dục từ 2-7 ngày trước khi lấy mẫu tinh dịch.

Chuẩn bị mẫu tinh trùng

Chuẩn bị mẫu tinh trùng

– Người chồng sẽ thực hiện lấy mẫu tinh dịch tại các cơ sở y tế bằng phương pháp thủ dâm, cần lưu ý rửa tay và vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ trước khi thực hiện. 

– Mẫu tinh dịch thu được sẽ được sẽ trải qua quy trình lọc rửa để loại bỏ các thành phần có thể gây kích ứng cho cơ thể người vợ cản trở sự thụ tinh và đánh giá lại các chỉ số của tinh dịch đồ để có được mẫu tinh trùng đủ số lượng với các tinh trùng khỏe mạnh nhất để tăng cơ hội thụ thai. 

2. Các bước kỹ thuật để đưa tinh trùng vào buồng trứng

Sau khi đã thực hiện xong các bước chuẩn bị cho người vợ và có được mẫu tinh trùng của người chồng (hoặc của người hiến tặng) sẽ thực hiện thao tác bơm tinh trùng vào tử cung với các bước cơ bản như sau:

– Người phụ nữ nằm trên bàn với tư thế phụ khoa.

– Các kỹ thuật viên sẽ sử dụng mỏ vịt để mở âm đạo, vệ sinh âm đạo, cổ tử cung bằng nước muối sinh lý. 

– Hút mẫu tinh trùng đã được lọc rửa vào bơm tiêm đã được gắn với catheter. Đặt ống catheter vào trong âm đạo đi qua cổ tử cung và vào trong tử cung.

– Bơm từ từ tinh trùng vào buồng tử cung. 

– Sau đó nhẹ nhàng rút ống thông ra và tháo mỏ vịt.

– Để người phụ nữ nằm nghỉ trong vòng 30 phút.

Bơm tinh trùng vào tử cung

Bơm tinh trùng vào tử cung

Các thao tác thực hiện khá đơn giản với thời gian chỉ khoảng 3-5 phút. Sau thời gian nghỉ ngơi thì người vợ có thể trở về nhà. 

3. Sau khi thực hiện thụ thai nhân tạo cần làm gì?

Sau khi tiến hành thủ thuật trên người phụ nữ có thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên cũng cần chú ý để không ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi thai.

– Tuân thủ theo các hướng dẫn về các quy định cũng như việc dùng thuốc của bác sĩ. Người vợ sẽ được dùng progesteron hỗ trợ pha hoàng thể.

– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ với khẩu phần ăn đa dạng.

– Vận động hợp lý, nhẹ nhàng nhưng cũng không nên chỉ nằm lì 1 chỗ và cũng hạn chế các hoạt động mạnh, quá sức. 

Sau khoảng 14 ngày người vợ sẽ đến bệnh viện để kiểm tra kết quả thụ thai. Nếu may mắn có thai thì thực hiện việc thăm khám, dưỡng thai bình thường như việc mang thai tự nhiên. Như vậy nếu thuận lợi ngay lần thực hiện đầu tiên thi quá trình thụ thai nhân tạo chỉ mất khoảng 25-30 ngày. Trong trường hợp chưa đậu thai, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn quan hệ tình dục bình thường trong 2-3 tháng và quay lại để thực hiện việc bơm tinh trùng lần kế tiếp. 

Nếu như thất bại nhiều lần với phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI thì bác sĩ sẽ chỉ định chuyển sang các phương pháp để tăng tỉ lệ thụ thai cao hơn như thụ tinh trong ống nghiệm IVF, trứng trưởng thành trong ống nghiệm IVM, tiêm tinh trùng vào trứng ICSI…

Kiểm tra có thai sau 14 ngày thụ nhân tạo

Kiểm tra có thai sau 14 ngày thụ nhân tạo

IV. Khi thụ tinh nhân tạo có xảy ra nguy hiểm gì không?

Việc thực hiện thụ tinh nhân tạo khá đơn giản ít có biến chứng nghiêm trọng nhưng vẫn có thể gặp các rủi ro như:

– Mang đa thai: Việc sử dụng thuốc kích thích buồng trứng và kích thích rụng trứng có thể khiến buồng trứng có nhiều hơn 1 nang noãn trưởng thành cũng như có nhiều hơn 1 quả trứng chín nên tăng khả năng mang thai đôi hoặc thai ba. Mang đa thai gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi vì dễ gây sảy thai, sinh non, con sinh ra bị thiếu cân…

– Việc thực hiện thủ thuật đưa ống thông vào âm đạo của người phụ nữ không cẩn thận, thao tác mạnh tay dễ dẫn đến chảy máu và làm tổn thương tử cung.

– Nếu quá trình lọc rửa tinh trùng hay kỹ thuật thực hiện không đảm bảo vô trùng rất dễ dẫn đến nhiễm khuẩn tử cung và buồng trứng. 

Thụ tinh nhân tạo có thể gây đa thai

Thụ tinh nhân tạo có thể gây đa thai

V. Tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh nhân tạo

Đối với thụ tinh nhân tạo, việc mang thai thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

– Tuổi của người mẹ. 

– Chất lượng, số lượng tinh trùng của người chồng.

– Công tác chuẩn bị trước khi thực hiện nhân tạo có tốt hay không.

– Thời điểm bơm tinh trùng có đúng vào thời điểm rụng trứng hay không?

– Chăm sóc người phụ nữ sau thụ tinh nhân tạo….

Trong các yếu tố trên tuổi người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thành công của phương pháp này. Tuổi càng cao thì tỷ lệ thành công càng giảm. Theo nghiên cứu trên 2019 trường hợp thì ở độ tuổi 20-30 tuổi tỷ lệ mang thai là 17,6%, tỷ lệ sinh là 13%. Con số này giảm dần và chỉ còn tỷ lệ mang thai 5,4% và tỷ lệ sinh 3% nếu thực hiện ở phụ nữ trên 40 tuổi. Do đó phương pháp thụ tinh nhân tạo chỉ khuyên áp dụng với phụ nữ dưới 35 tuổi để đạt tỷ lệ thành công cao nhất.

VI. Chi phí thực hiện thụ tinh nhân tạo

Vấn đề về chi phí là câu hỏi mà nhiều cặp vợ chồng thắc mắc. Với loại hình dịch vụ này thì chi phí phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

– Cơ sở vật chất nơi thực hiện: Việc thăm khám, thực hiện ở một cơ sở có chất lượng dịch vụ tốt, trang thiết bị hiện đại sẽ có chi phí cao hơn nhưng bạn sẽ được đảm bảo hơn về tỉ lệ thành công khi thực hiện. 

– Các chi phí khác kèm theo như sử dụng thuốc hỗ trợ,  chi phí thăm khám bệnh, điều trị bệnh nếu có phát sinh, chi phí lọc rửa tinh trùng…Nếu như nhận tinh trùng từ người hiến tặng thì cũng sẽ phải trả thêm phí.

Nhìn chung mỗi một trường hợp thực hiện thụ tinh nhân tạo chi phí sẽ rơi vào khoảng 3-8 triệu VNĐ tùy vào từng gói dịch vụ. 

Chi phí thực hiện thụ tinh nhân tạo

Chi phí thực hiện thụ tinh nhân tạo

VII. Nên thực hiện thụ tinh nhân tạo ở đâu?

Chi phí cũng như tỷ lệ thành công của việc thụ tinh nhân tạo cũng phụ thuộc vào cơ sở y tế thực hiện. Bạn nên chọn các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín có đầy đủ trang thiết bị y tế cũng như đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao để đảm bảo cho việc thụ tinh nhân tạo thành công và ít để lại biến chứng. 

Ở nước ta có nhiều bệnh viện uy tín tiến hành việc thụ tinh nhân tạo mà các cặp vợ chồng có thể lựa chọn như: Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh…

Nên thực hiện thụ tinh nhân tạo ở đâu? 

Nên thực hiện thụ tinh nhân tạo ở đâu? 

Thụ tinh nhân tạo là một trong phương pháp hỗ trợ sinh sản phổ biến được sử dụng để mang lại niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. So với các phương pháp khác đây là phương pháp đơn giản nhất. Hy vọng qua bài viết trên bạn cũng như các cặp vợ chồng hiếm muộn có thêm thông tin bổ ích về quá trình thụ tinh nhân tạo để khí thực hiện cho kết quả tốt nhất. 

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *