Tiểu đường thai kỳ là gì?
Hiện nay, tiểu đường trong thời kỳ mang thai là 1 bệnh lý khá phổ biến. Tuy đa phần, chỉ số đường máu sẽ ổn định lại sau sinh nhưng nếu không chú ý và cải thiện tình trạng bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm khó lường. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quát về bệnh cũng như nguyên tắc, phương pháp điều trị, phòng ngừa hiệu quả.
I. Bạn hiểu gì về tiểu đường thai kỳ?
Bác sĩ giải đáp thắc mắc về tiểu đường thai kỳ cho sản phụ
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Hiện nay, tiểu đường thai kỳ (hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ) là 1 trong những bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Bệnh thường phát triển ở khoảng tuần thai thứ 24.
Đây là bệnh lý liên quan đến sự rối loạn dung nạp glucose của các tế bào trong cơ thể, dẫn tới lượng đường huyết tăng cao hơn mức bình thường. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, thông thường mức đường máu sẽ ổn định trở lại sau khi sinh.
2. Đối tượng nào dễ mắc tiểu đường trong thời kỳ mang thai?
Tiểu đường thai kỳ có thể gặp ở tất cả các phụ nữ đang mang thai, tuy nhiên nguy cơ gặp phải nhiều hơn ở những đối tượng sau:
– Gia đình có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường.
– Tiền sử sinh con có cân nặng từ 4kg.
– Nguy cơ tăng cao hơn khi có tiền sử đái tháo đường thai kỳ trong lần man thai trước.
– Tỉ lệ mắc cao hơn đối với phụ nữ trên 35 tuổi.
– Trường hợp trước đây đã từng mang thai nhưng thai bị chết lưu, sẩy thai liên tiếp không tìm được nguyên nhân, sinh non, thai bị dị tật.
– Hội chứng đa nang buồng trứng.
II. Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào đối với mẹ và thai nhi?
Tiểu đường thai kỳ nguy mẹ hại con
1. Đối với mẹ
Phụ nữ mang thai mà bị tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ bị các tai biến trong sản khoa cao hơn những phụ nữ bình thường khác. Một số tai biến có thể gặp như:
– Tăng huyết áp:
So với bình thường, phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn những người khác. Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng sản khoa: Tiền sản giật, nhồi máu não, suy gan, suy thận, tăng tỷ lệ sẩy thai, chết lưu và sinh non. Vì vậy, việc theo dõi huyết áp, cân nặng và xét nghiệm protein niệu rất cần thiết cho phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nói riêng cũng như phụ nữ có thai nói chung.
– Sinh non:
Sinh non cũng là 1 trong các biến chứng có thể xảy ra khi người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân dẫn đến việc đứa trẻ ra đời sớm là do sự kiểm soát đường máu muộn, nhiễm khuẩn tiết niệu, tiền sản giật hoặc đa ối (hiện tượng nước ối tăng nhiều hơn mức bình thường), huyết áp tăng.
– Sảy thai và thai chết lưu:
Đái tháo đường thai kỳ khiến cho nguy cơ dẫn đến sảy thai cao hơn. Vì vậy để tránh biến chứng này, sản phụ cần chú ý theo dõi đường máu thường xuyên, đặc biệt ở những phụ nữ có tiền sử sảy thai hoặc thai lưu trong những lần mang thai trước.
– Nhiễm khuẩn tiết niệu:
Ở những sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, nhiễm khuẩn tiết niệu có thể xảy ra nếu lượng đường huyết không được kiểm soát. Nhiễm khuẩn tiết niệu không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, cụ thể nên rất khó trong chẩn đoán phát hiện sớm. Nếu không điều trị, nó sẽ gây ra viêm đài bể thận dẫn đến suy thận hoặc nhiễm trùng nước ối, tăng ceton máu, sinh non.
– Ảnh hưởng khác:
Không chỉ ảnh hưởng tới quá trình sinh nở, tiểu đường thai kỳ còn có thể tiến triển thành tiểu đường type 2 trong tương lai. Hơn nữa, người có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ còn có nguy cơ cao bị đái tháo đường ở những lần sinh sau. Ngoài ra, đây cũng là đối tượng dễ bị béo phì, tăng cân quá mức sau sinh hoặc giữ cân, chậm về dáng sau sinh nếu không có chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.
2. Đối với thai nhi
Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ tới sự phát triển của thai nhi chủ yếu ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ.
– Những bất thường hay xảy ra ở tuần thứ 6-7 của thai kỳ: tự sẩy thai, thai không phát triển, dị tật bẩm sinh.
– Vào giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, do lượng glucose máu tăng cao và truyền từ mẹ sang con khiến cho thai nhi tăng tiết Insulin. Đây chính là nguyên nhân gây ra việc thai tăng trưởng quá mức ở giai đoạn cuối của thai kỳ.
– Ngoài ra, một số ảnh hưởng nghiêm trọng khác có thể xảy ra như:
+ Hạ glucose máu và bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh.
+ Tử vong ngay sau sinh.
+ Các bệnh lý về hô hấp.
+ Tăng hồng cầu.
+ Tăng nguy cơ béo phì và mắc tiểu đường tuýp 2 sớm ở trẻ.
III. Phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ
Sản phụ thuộc đối tượng có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ có thai sẽ được kiểm tra chỉ số đường huyết bằng cách thực hiên nghiệm pháp dung nạp glucose. Xét nghiệm này được thực hiện ở khoảng tuần thai thứ 24 tới tuần thai thứ 28 nhằm chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường.
Xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường thai kỳ
IV. Thực đơn hợp lý để ngăn ngừa bị tiểu đường thai kỳ
Ăn thực phẩm gì để tránh tiểu đường thai kỳ?
Trong thời kỳ mang thai, để hạn chế nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cũng như ngăn ngừa những ảnh hưởng của bệnh tới mẹ và bé, thai phụ cần chú ý trong việc lựa chọn thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, tinh bột, chất đạm, chất béo lành mạnh trong bữa ăn hàng ngày cũng như các bài tập thể dục hợp lý.
– Không ăn quá nhiều bánh kẹo, nước uống chứa hàm lượng đường cao: bánh quy, bánh ngọt, nước giải khát, nước ép hoa quả có quá nhiều đường, kẹo,…Bới vì đây là những thực phẩm chứa đường đã qua tinh chế, không tốt cho sức khỏe và dễ gây đái tháo đường cho phụ nữ có thai.
– Hạn chế đồ ăn chứa nhiều tinh bột xấu hoặc chứa lượng carbohydrate ẩn: khoai tây, đồ ăn nhanh (khoai tây chiên. gà rán, burger, pizza,…).
– Không nên lạm dụng uống nước đường, nước mía khi mang thai.
Tham khảo thêm thực đơn cho phụ nữ mang bầu để phòng tránh tiểu đường thai kỳ qua bài viết: TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ NÊN ĂN GÌ?
Trên đây là tất tần tật những lưu ý về tiểu đường thai kỳ, những người đang và dự định mang thai nên tìm hiểu kỹ để tang bị cho mình những kiến thức hữu ích, đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.