Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh – Cha mẹ chớ chủ quan

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Trào ngược dạ dày là tình trạng rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày là tình trạng rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 50% tỉ lệ trẻ sinh ra gặp phải vấn đề này. Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm và không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên chủ quan, cần phải biết rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và xử lý khi trẻ bị trào ngược dạ dày. Đừng bỏ lỡ những thông tin qua bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.

1. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh là gì?

Trào ngược dạ dày là hiện tượng xảy ra khi thức ăn từ dạ dày có thể trào ngược lên thực quản. Tình trạng này có khả năng xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, bao gồm cả người lớn, trẻ em, trẻ sơ sinh.

Trào ngược dạ dày ở trẻ có thể do vấn đề sinh lý hoặc bệnh lý và có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Nếu trào ngược dạ dày do sinh lý, cha mẹ cần thay đổi tư thế cho trẻ ăn và cả chế độ ăn để giảm bớt tình trạng này. Trường hợp trào ngược do bệnh lý, nên mang trẻ đi khám để được xác định nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc và phẫu thuật nếu cần thiết.

2. Phân biệt trào ngược dạ dày sinh lý và bệnh lý ở trẻ sơ sinh

Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể do bệnh lý hoặc nguyên nhân sinh lý. Cha mẹ cần nắm rõ để biết cách xử trí kịp thời, giúp cải thiện tình trạng này.

Trào ngược dạ dày sinh lý:

– Xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít, thường xuất hiện sau khi trẻ được cho bú mẹ và không gây ra triệu chứng nghiêm trọng.

– Thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và giảm dần khi trẻ lớn lên.

– Trẻ bị trớ sữa, ọc sữa nhiều lần trong ngày nhưng vẫn chơi đùa, bú đều và lên cân tốt.

Trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý thường gặp ở trẻ < 6 tháng tuổi

Trào ngược dạ dày thực quản do sinh lý thường gặp ở trẻ < 6 tháng tuổi

Trào ngược dạ dày thực quản do bệnh lý:

– Xảy ra thường xuyên hơn, dễ gặp ở trẻ trên 1 tuổi.

– Các triệu chứng thường kéo dài, ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo tình trạng của mỗi trẻ.

– Dấu hiệu thường gặp là dễ ọc sữa, trẻ chậm lên cân, biếng ăn, gầy gò, hay bị khò khè kéo dài, viêm phổi tái phát nhiều lần…

Cha mẹ cần chú ý theo dõi các biểu hiện trào ngược dạ dày của trẻ để có biện pháp can thiệp sớm và kịp thời.

3. Nguyên nhân

Trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày – thực quản có thể do một số nguyên nhân như sau:

– Khi bú mẹ, sữa từ miệng xuống thực quản, đi vào dạ dày qua tâm vị. Cơ vòng thực quản dưới tại tâm vị đóng vai trò như một chiếc van một chiều, giúp ngăn cản thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Hệ tiêu hóa, bao gồm các cơ van tâm vị của trẻ sơ sinh còn yếu và xốp. Do đó, khi trẻ bú sữa mẹ sai tư thế, sữa và không khí trong dạ dày cùng dâng lên, gây trào ngược.

– Thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày không được tiêu hóa, tạo điều kiện thuận lợi để gây ra hiện tượng trào ngược.

– Dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang, rất dễ khiến trẻ bị trào ngược dạ dày. Sau khi bú mẹ, trẻ lại được đặt nằm ngang hoặc nghiêng bên phải, cũng rất dễ gây nôn trớ.

– Trẻ cũng có thể bị trào ngược dạ dày thực quản sau khi tiếp xúc với khói thuốc lá và cafein trong sữa mẹ.

– Mẹ không kiểm soát lượng sữa cho trẻ bú, khiến chúng ăn quá nhiều dẫn đến tăng áp lực dạ dày thực quản, đặc biệt là khi thay đổi tư thế hoặc ở những trẻ bị bệnh phổi mãn tính nguy cơ trào ngược tăng lên.

Trẻ ăn quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến trào ngược

Trẻ ăn quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến trào ngược

– Những nguyên nhân khác gây ra trào ngược dạ dày thực quản như:

+ Dị ứng thức ăn, thường gặp là dị ứng sữa.

+ Nguyên nhân bệnh lý như liệt dạ dày (dạ dày chậm tháo rỗng), khiếm khuyết trong chu trình Ure, bệnh Galactosemia, không dung nạp fructose di truyền).

+ Bất thường về giải phẫu như ruột quay dở dang, hẹp tá tràng.

3. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ thường không gây hại, tuy nhiên nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng chủ yếu là kích ứng do acid dạ dày và thiếu hụt calo vì thường xuyên bị trào ngược.

– Viêm thực quản: Tùy tình trạng trào ngược dạ dày nặng hay không, trẻ có thể bị viêm thực quản với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có thể hẹp thực quản, nặng nhất là Barrett thực quản, có nguy cơ dẫn đến ung thư.

– Ảnh hưởng đến hô hấp: Trẻ dễ bị ho, thở khò khè kéo dài. Ngoài ra, trẻ cũng có khả năng bị khàn tiếng hoặc hen suyễn. Nếu trẻ hít phải dịch dạ dày trào ngược lên có thể gây ra viêm phổi. Các biện pháp điều trị thông thường không mang lại hiệu quả.

– Tác động đến tai mũi họng như: Mòn răng, viêm tai, viêm xoang…

– Nguy cơ trẻ bị sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn…

Trào ngược dạ dày - thực quản có thể dẫn đến viêm thực quản

Trào ngược dạ dày – thực quản có thể dẫn đến viêm thực quản

4. Chẩn đoán

Để xác định nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh, ngoài các đánh giá triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ có thể chỉ định chụp phim dạ dày – ruột, đo pH thực quản, nội soi…

– Nôn trớ là triệu chứng rất phổ biến, có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh như rối loạn tiêu hóa, nôn dịch mật, viêm màng não, xuất huyết não, rối loạn thần kinh thực vật… Cần loại trừ các nguyên nhân này trước khi kết luận trẻ bị trớ sữa do trào ngược dạ dày thực quản.

– Trẻ nhũ nhi có các dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản và không có biến chứng nặng có thể thực hiện điều trị nội khoa trào ngược dạ dày thực quản, nếu các triệu chứng cải thiện hoặc mất đi, các bác sĩ có thể kết luận trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản mà không cần thực hiện các xét nghiệm khác.

– Nếu nghi ngờ trẻ bị trào ngược do dị ứng thức ăn, có thể cho bé ăn sữa thuỷ phân hoàn toàn (giảm chất gây dị ứng) trong 7 – 10 ngày để xác định nguyên nhân.

– Nếu trẻ không đáp ứng với điều trị thử, hoặc có nguy cơ biến chứng, cần được đánh giá thêm. Chụp hàng loạt phim dạ dày – ruột thường được chỉ định đầu tiên để chẩn đoán trào ngược và tìm ra các bất thường giải phẫu gây trào ngược,

– Trường hợp nghi ngờ trào ngược dạ dày do liệt dạ dày, cần kiểm tra thời gian làm trống dạ dày.

– Nếu trẻ bị ho, thở khò khè, có thể đánh giá sự trào ngược bằng cách đo pH thực quản hoặc ghi điện trở kháng trong lòng thực quản.

– Nội soi dạ dày – ruột và sinh thiết đôi có thể được chỉ định để chẩn đoán nhiễm trùng, dị ứng thức ăn hoặc phát hiện, đánh giá mức độ viêm thực quản.

4. Điều trị

Để điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ, tốt hơn hết là bố mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Thông thường, nếu trẻ bị trào ngược dạ dày – thực quản do sinh lý, chỉ cần thay đổi tư thế và chế độ ăn sẽ giúp cải thiện nhanh tình trạng này. Còn nếu do bệnh lý, phải thăm khám bác sĩ để có chỉ định phù hợp.

Bạn đọc có thể tham khảo một số giải pháp điều trị trào ngược ở trẻ sơ sinh như sau:

Thay đổi chế độ ăn

Nếu trẻ trào ngược dạ dày do sinh lý, thông thường nó sẽ tự khỏi theo thời gian khi trẻ lớn dần. Tuy nhiên, nếu thay đổi chế độ ăn hợp lý sẽ giúp giảm các triệu chứng và khiến bé dễ chịu hơn.

Bước đầu tiên, hầu hết mẹ thường được khuyên nên cho trẻ ăn dặm, cho trẻ ăn các thức ăn đặc hơn và giữ trẻ tư thế thẳng đứng từ 20 – 30 phút sau khi ăn có thể làm giảm trào ngược đáng kể.

Cho trẻ ăn các thức ăn đặc hơn giúp giảm nguy cơ trào ngược

Cho trẻ ăn các thức ăn đặc hơn giúp giảm nguy cơ trào ngược

Sự chênh lệch áp lực giữa dạ dày và thực quản là một trong những nguyên nhân gây trào ngược. Cho trẻ ăn thành các bữa nhỏ, cho ăn nhiều bữa hơn nhưng vẫn phải duy trì đủ lượng sữa trong 24 giờ sẽ làm giảm trào ngược dạ dày – thực quản mà vẫn giúp trẻ đủ dinh dưỡng để phát triển. Ngoài ra, vỗ lưng cho trẻ sau khi ăn cũng giúp giảm áp lực dạ dày, từ đó, giảm nguy cơ trào ngược.

Mẹ có thể lựa chọn sữa giảm dị ứng (sữa thủy phân hoàn toàn) cho trẻ bị dị ứng thức ăn, tránh nguy cơ dị ứng thức ăn và tăng thời gian làm rỗng dạ dày.

Ngoài ra, cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, cafein để giảm tình trạng kích ứng, dị ứng gây nôn trớ.

Thay đổi tư thế

Tư thế cho trẻ bú chưa hợp lý làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản. Mẹ nên lưu ý:

– Khi trẻ bú mẹ trực tiếp, cho trẻ bú bên vú trái trước, sau đó chuyển bé bú vú bên phải. Khi bé mới bú, lượng sữa trong dạ dày còn ít nên có thể nằm nghiêng bên phải, khi dạ dày của bé đã nhiều sữa thì nên được nằm nghiêng bên trái, để sữa dễ dàng đi xuống hơn, không gây trào ngược.

– Trẻ bú bình: Đặt bình sao cho đầu núm vú của bình luôn đầy sữa để tránh trẻ hít phải không khí vào dạ dày. Không nên cho ăn khi đang khóc vì bé có thể nuốt nhiều hơi xuống dạ dày, dẫn đến căng bụng, dễ gây trào ngược.

– Khi trẻ bú xong, nên bế theo tư thế thẳng trong khoảng 15 – 20 phút. Có thể giúp bé ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ vào lưng. Hạn chế cho trẻ bú nằm vì dễ bị sặc, trớ sữa. Không nâng trẻ lên xuống sau khi bú.

Vỗ lưng cho trẻ sau khi bú để giảm hơi trong dạ dày

Vỗ lưng cho trẻ sau khi bú để giảm hơi trong dạ dày

Điều trị bằng thuốc

Khi trẻ bị trào ngược do bệnh lý hoặc các phương pháp trên không mang lại hiệu quả, cha mẹ nên báo cho bác sĩ để có giải pháp can thiệp kịp thời.

Có thể chỉ định các loại thuốc như:

– Thuốc kháng Histamin-2.

– Thuốc ức chế bơm proton.

– Thuốc làm tăng tháo rỗng dạ dày

Các thuốc được sử dụng thường là Ranitidine, Omeprazole. Tuy nhiên, công dụng chính của chúng là giảm tiết acid dạ dày, do đó hiệu quả vẫn chưa chắc chắn. Ngoài ra, việc giảm axit dạ dày khiến trẻ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn, cha mẹ cần chú ý phòng bệnh cho trẻ.

Trẻ sơ sinh bị giảm nhu động dạ dày có thể được chỉ định thuốc làm tăng rỗng dạ dày như Erythromycin. Metoclopramide đã được sử dụng trước đây nhưng dường như không có hiệu quả và gây ra nhiều tác dụng phụ.

Phẫu thuật

Trường hợp trào ngược dạ dày thực quản nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên, có thể xem xét đến giải pháp phẫu thuật nhưng thường rất hiếm.

Phẫu thuật được chỉ định chủ yếu là phẫu thuật bao đáy vị, giúp thắt chặt cơ thắt thực quản dưới. Biện pháp này rất hiệu quả trong điều trị trào ngược ở trẻ, tuy nhiên có thể gây đau khi trẻ nôn và nếu bọc quá chặt, trẻ có thể mắc chứng khó nuốt.

Trào ngược dạ dày, thực quản ở trẻ sơ sinh không phải tình trạng hiếm gặp và có nhiều nguy hiểm. Nếu biết cách chăm sóc trẻ, các triệu chứng này sẽ cải thiện nhanh chóng. Mong rằng, qua bài viết này, các ông bố, bà mẹ sẽ hiểu thêm cách chăm sóc trẻ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *