Ù tai có phải là bệnh không?
Nhiều khi ta thường gặp tình trạng âm thanh lẫn lộn, khó nghe ở trong tai gây cảm giác khó chịu. Đây là biểu hiện của ù tai. Liệu hiện tượng đó có phải dấu hiệu cảnh báo cơ thể đăng mắc bệnh lý gì không, hãy cũng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Ù tai là gì?
Ù tai là tình trạng nghe thấy tiếng ồn ở trong tai. Có thể là tiếng gầm, tiếng lách cách, tiếng vo ve hoặc tiếng rít. Tùy từng người mà mức độ tiếng ồn, tần suất xuất hiện sẽ khác nhau. Tình trạng này có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai tai trái và phải.
Ù tai không phải một tình trạng bệnh lý mà đây chỉ là triệu chứng của một vài tình trạng khác như tuổi già, chấn thương tai hoặc rối loạn tâm lý.
Theo thống kê, có khoảng 50 đến 60 triệu người ở Hoa Kỳ gặp phải hiện tượng này và nó đặc biệt phổ biến ở những người trên 55 tuổi. Một vài nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng số lượng người bị ù tai trên toàn cầu đang ngày một gia tăng. Thậm chí nhiều người trẻ cũng báo cáo rằng họ gặp phải tình trạng này.
Ù tai là tình trạng nghe thấy tiếng ồn trong tai
2. Nguyên nhân gây ù tai
Các nguyên nhân gây ù tai thường gặp là:
– Tiếng ồn: Đây được coi là nguyên nhân thường gặp nhất. Nếu bạn sử dụng các thiết bị âm thanh như tai nghe, loa,…hay nghe tiếng ồn từ môi trường xung quanh với âm lượng lớn trong thời gian dài rất có thể bạn sẽ bị ù tai.
– Tuổi tác: Sau 60 tuổi chức năng thính giác thường suy giảm và sẽ thường cảm thấy ù tai.
– Tắc ráy tai: Ráy tai có giúp bảo vệ ống tai khỏi bụi bẩn và ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật. Tuy nhiên nếu để ráy tai tích tụ quá nhiều sẽ dẫn đến giảm thính lực hoặc kích thích màng nhĩ, từ đó dẫn đến hiện tượng này.
– Thay đổi xương tai: Xơ cứng tai hay còn gọi là cứng xương trong tai giữa có thể ảnh hưởng tới thính giác và dẫn đến ù tai. Đây là một tình trạng gây ra bởi sự phát triển bất thường của xương và thường có tính di truyền.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn như:
– Bệnh Meniere: Đây là một bệnh gây rối loạn thính lực và biểu hiện thường gặp nhất của bệnh là ù tai kèm theo chóng mặt. Bệnh có thể gây điếc vĩnh viễn.
– Chấn thương đầu hoặc cổ: Các chấn thương ở vùng đầu hoặc cổ có thể ảnh hưởng tới vùng tai trong, các dây thần kinh thính giác trong tai hoặc các chức năng của não liên quan tới thính giác.
– Rối loạn khớp thái dương hàm (rối loạn TMJ): Ù tai cũng là một trong các triệu chứng của bệnh nên nếu gặp phải tình trạng trên rất dễ cảm thấy ù tai.
– Rối loạn chức năng ống Eustachian: Ống Eustachian là ống nối tai giữa với vòm họng. Nó có chức năng xả dịch dư thừa ở tai giữa. Ống chỉ mở khi nhai, ngáp và nuốt. Bằng một lý do nào mà ống bị tắc sẽ gây cảm giác đau và ù tai.
– Lối sống không lành mạnh: Sử dụng rượu bia, thuốc lá, hoặc các chất kích thích khác thường xuyên cũng có thể dẫn tới ù tai.
– Tác dụng phụ của một số thuốc: Một số thuốc khi sử dụng liều quá cao cũng gây nên triệu chứng ù tai như
+ Kháng sinh: Polymyxin B, Erythromycin, Vancomycin,…
+ Thuốc điều trị ung thư: Methotrexate, Cisplatin..
+ Thuốc lợi tiểu quai (Furosemid)
+ Thuốc điều trị sốt rét (Quinin),
+ Aspirin và một số loại thuốc chống trầm cảm.
Tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn là nguyên nhân chính gây ù tai
3. Biểu hiện của bệnh ù tai
Người mắc ù tai thường cảm thấy âm thanh trong tai có thể là tiếng rít, tiếng vo ve, tiếng gầm,… Tùy từng người mà âm thanh nghe thấy và tần suất nghe thấy sẽ là khác nhau. Và âm thanh có thể xuất hiện ở một tai hoặc cả hai tai.
Ù tai thường gồm hai kiểu:
– Ù tai chủ quan: Chỉ mình bệnh nhân nghe thấy tiếng ù. Tiếng ù có thể do các yếu tố ở cả trong và ngoài tai. Ngoài ra nó cũng có thể do các dây thần kinh thính giác làm ảnh hưởng tới các tín hiệu âm thanh.
– Ù tai khách quan: Đây là loại ù tai mà khi thăm khám bác sĩ cũng có thể nghe thấy được. Nguyên nhân thường do các mạch máu hoặc các cơ co bóp.
4. Các biến chứng của ù tai
Ù tai tuy không ảnh hưởng tới tính mạng tuy nhiên nếu để thời gian dài không điều trị có thể gây ra một vài tình trạng sau:
– Mệt mỏi.
– Rối loạn giấc ngủ.
– Khó tập trung.
– Ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ.
– Phiền muộn.
– Lo lắng và cáu gắt.
Điều trị các biến chứng trên tuy không làm hết ù tai nhưng sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ù tai gây mệt mỏi, lo âu, khó tập trung và mất ngủ
5. Chẩn đoán ù tai
Để xác định chính xác tình trạng, mức độ tình trạng ù tai và đưa ra cách điều trị tốt nhất cho người bệnh, bác sĩ cần dựa vào tiền sử, các biểu hiện cũng như kết quả từ các xét nghiệm cận lâm sàng.
Tìm hiểu bệnh sử
Khi nghi ngờ bệnh nhân bị ù tai bác sĩ cần khai thác cẩn thận các yếu tố như:
– Bệnh sử:
+ Thời gian bắt đầu bệnh nhân cảm thấy ù tai.
+ Trong gia đình có người bị ù tai không?
+ Ù tai có kèm theo một số biểu hiện của rối loạn tiền đình như nghe kém, đầy tai, chóng mặt).
− Tính chất ù tai:
+ Bị ù 1 bên hay cả 2 bên. Nếu 1 bên thì ù tai bên nào?
+ Âm sắc của tiếng ù, kiểu tiếng ù (đều đều, theo nhịp mạch, tiếng click, tiếng thổi), liên tục hay ngắt quãng.
− Bệnh nhân có các yếu tố dễ dẫn đến ù tai như chấn thương đầu, tiếp xúc với tiếng ồn, sử dụng thuốc độc với tai.
Khám lâm sàng
– Ống tai:
+ Cẩn thận kiểm tra xem bệnh nhân có bị mắc dị vật, nhiều ráy tai, có bị chảy dịch tai hay không?
+ Màng nhĩ có bị tình trạng nhiễm trùng như sưng, đỏ hay bị thủng, có khối u đỏ/xanh tím.
+ Kiểm tra thính lực, phản xạ âm học cơ hòm nhĩ, điện động mắt đỏ.
– Thần kinh sọ, đặc biệt là chức năng tiền đình.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Các xét nghiệm được thực hiện để xác định rõ tình trạng cũng như mức độ nghiêm trọng của triệu chứng ù tai.
– Qua hình ảnh học:
+ Chụp cắt lớp (CT) xương thái dương có và không có cản quang
+ Chụp mạch não đồ.
– Xét nghiệm huyết học:
– Tìm tác nhân dị ứng: Đánh giá tình trạng dị ứng của bệnh nhân do các tác nhân gây dị ứng trong khí thở, thức ăn, môi trường sống.
– Các nghiệm pháp khác/test glyxerin: Đánh giá tăng áp lực mê nhĩ.
6. Điều trị ù tai như thế nào?
Tùy từng bệnh nhân sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp. Các biện pháp điều trị thường gồm:
– Sử dụng máy trợ thính: Thường được dùng cho các bệnh nhân suy giảm thính lực có kèm ù tai. Nếu bạn nghe các âm thanh bên ngoài tốt hơn bạn sẽ ít để ý tới chứng ù tai của mình.
– Máy tạo âm thanh đeo, để bàn: Sử dụng các thiết bị này giúp tạo ra các âm thanh dễ chịu khiến bạn quên đi chứng ù tai. Đây được coi như một biện pháp hỗ trợ giúp bạn cảm thấy dễ chịu trong sinh hoạt, thư giãn và ngủ.
– Nếu nguyên nhân do các khối u trong tai thì cần tới gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị để loại bỏ các khối u đó.
– Cấy ghép ốc tai: Được sử dụng cho những người bị ù tai kèm theo mất thính lực nghiêm trọng. Ốc tai điện tử đi qua phần bị tổn thương của tai trong và gửi tín hiệu điện kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác. Thiết bị mang lại âm thanh bên ngoài giúp che đi chứng ù tai và kích thích sự thay đổi trong các mạch thần kinh.
– Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số loại thuốc như chống trầm cảm, lo âu để điều trị.
Sử dụng máy trợ thính giúp cải thiện thính lực và quên đi cảm giác ù tai
7. Các biện pháp phòng tránh bị ù tai
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một số biện pháp để ngăn ngừa bệnh ù tai như:
– Sử dụng các thiết bị bảo vệ tai để làm giảm tác động của âm lượng nghe được nếu phải làm việc trong các môi trường có âm thanh lớn.
– Không sử dụng tai nghe, loa,… với âm lượng quá lớn và trong thời gian dài.
– Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để có một sức khỏe tốt. Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác mà có gây hại tới thính giác.
– Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo âu.
– Vệ sinh tai thường xuyên, tránh để ráy tai quá nhiều dẫn tới tắc ráy tai và các tình trạng viêm nhiễm khác.
– Tuân thủ liều lượng khi sử dụng thuốc, đặc biệt là những thuốc có tác dụng phụ liên quan tới ù tai.
Thực hiện một lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa ù tai
Nhìn chung, ù tai tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nó làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Hãy giữ cho mình một thói quen ăn uống và sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa ù tai một cách hiệu quả nhất. Nếu tình trạng ù tai kéo dài mà không khỏi thì bạn nên tới các cơ sở y tế để thăm khám và nhận sự tư vấn của các bác sĩ.