U xơ tử cung
U xơ tử cung là một trong những bệnh phụ khoa ở phụ nữ, gặp nhiều trong độ tuổi từ 35-50 tuổi. Khối u phát triển gây đau vùng bụng dưới, chảy máu, có thể chèn ép lên đường tiêu hóa, tiết niệu, gây nguy hiểm cho phụ nữ khi mang thai và trong quá trình sinh. Do vậy nếu không được chẩn đoán và điều trị hiệu quả thi hậu quả do biến chứng gây ra có thể rất nặng nề, không may mắn có thể gây vô sinh ở phụ nữ.
I. U xơ tử cung là bệnh gì?
Theo định nghĩa y học, u xơ tử cung là bệnh lý chỉ các khối u lành tính của các tế bào cơ trơn trên thành tử cung. Kích thước trung bình của các khối u khoảng 15cm.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Theo thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ trên 30 tuổi là 50% và tăng lên hơn 70% khi qua tuổi 45. Nhiều người có khối u ở tử cung nhưng chúng không gây đau, chảy máu, hay cảm giác bị chèn ép… Tuy nhiên tỷ lệ chuyển thành dạng có triệu chứng cũng không nhỏ, khoảng 25% người da trắng và 50% người da đen. U xơ tử cung cũng có xu hướng gặp nhiều ở phụ nữ có cân nặng lớn với yếu tố tác động tiềm ẩn như việc sinh con, sử dụng chất kích thích. Ở phụ nữ chưa mang thai thì tỷ lệ mắc bệnh có thể cao hơn những phụ nữ khác.
Hình ảnh tử cung bình thường và tử cung có u xơ
II. Phân loại u xơ tử cung
Các dạng khác nhau của u xơ tử cung được phân loại dựa vào vị trí của khối u trên thành tử cung, bao gồm:
– U xơ tử cung dưới thanh mạc: Đây là loại u xơ tử cung gặp nhiều nhất, xuất hiện ở dưới bề mặt bên ngoài của tử cung. Khối u hình thành từ trong cơ và thường phát triển hướng ra ngoài tử cung. Có cuống gây xoắn và hoại tử u.
– U xơ tử cung trong cơ: Khối u phát triển trong lòng khối cơ của thành tử cung.
– U xơ tử cung dưới niêm mạc. Tần suất gặp ít nhất, vị trí ở dưới lớp lót của tử cung. Ban đầu khối u hình thành từ cơ tử cung nhưng phát triển hướng vào trong tử cung làm lớp niêm mạc nhô lên, có thể che lấp toàn bộ buồng tử cung. Loại u xơ này có thể có cuống, thò ra đến cổ tử cung và gây nhiễm trùng.
Một số dạng u xơ tử cung
Ngoài ra còn có u xơ xảy ra trong dây chằng rộng (trong dây chằng), u xơ vòi trứng, hoặc u xơ cổ tử cung. Tần suất gặp hiếm hơn trên so với 3 dạng trên.
Các u xơ có cuống hầu hết đều có đa nhân sơ, mỗi nhân sơ hình thành từ 1 tế bào cơ trơn. U xơ có thể phát triển nhanh hơn nếu chúng được cung cấp dinh dưỡng từ máu và các dạng thoái hóa, hoại tử trong cơ thể.
III. Nguyên nhân của bệnh u xơ tử cung
Hiện nay bệnh nguyên của u xơ tử cung vẫn chưa được các nhà khoa học giải đáp rõ ràng. Có ý kiến cho rằng u xơ tử cung có liên quan nội tiết khi các tế bào khối u có đáp ứng với thay đổi của nồng độ hormone estrogen và progesteron. Một số chuyên gia lại đồng ý với giả thuyết về gen di truyền khi tìm thấy các rối loạn nhiễm sắc thể trong khối u.
Dù nguyên nhân chưa được giải đáp nhưng nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu như người phụ nữ có các yếu tố sau:
– Bị căng thẳng, stress kéo dài.
– Quan hệ tình dục quá sớm và không an toàn.
– Có viêm tử cung, cổ tử cung.
– Bệnh lý trên tuyến giáp.
– Cân nặng thay đổi đột ngột không lý do…
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc u xơ tử cung
IV. Dấu hiệu nhận biết u xơ tử cung
Ở một số trường hợp các khối u nhỏ và sẽ không biểu hiện triệu chứng bên ngoài. Tuy nhiên khi kích thước lớn thì sẽ gây ra các triệu chứng bao gồm:
1. Chảy máu âm đạo
Đây là triệu chứng chính gặp trong 60% trường hợp mắc bệnh, đặc trưng ở phụ nữ khi chưa mãn kinh. Đầu tiên khối u sẽ gây rối loạn kinh nguyệt, làm cho chu kỳ kéo dài hơn. Sau đó chúng tác động và làm dày lớp nội mạc ở thành tử cung dẫn đến mỗi khi đến kì lớp niêm mạc bong tróc sẽ khiến máu kinh ra nhiều hơn kèm theo các mô vụn nội mạc tử cung.
Lúc đầu có thể là máu ra ít, rong kinh nhưng sau đó là cường kinh và có thể xảy ra băng huyết.
2. Đau bụng dưới
Khi khối u có kích thước to sẽ chèn ép lên các bộ phận vùng chậu hay hạ vị gây đau, khó chịu vùng bụng, cảm giác nặng như có vật gì đè nén. Những cơn đau bụng dưới có thể kéo dài âm ỉ hoặc chia thành từng cơn ngắt quãng.
Đặc biệt khi vào chu kỳ kinh nguyệt cơn đau có thể dữ dội hơn. Nguyên nhân do tử cung co bóp để đẩy máu kinh ra ngoài và khiến các mạch máu xung quanh khối u bị co thắt. Điều đó khiến cho khối u không được nuôi dưỡng, bị hoại tử tạo ra các cơn đau đớn. Tình trạng này nguy hiểm và cần được can thiệp cấp cứu kịp thời.
Triệu chứng của u xơ tử cung
3. Ra nhiều khí hư
Bệnh nhân ra nhiều khí hư loãng, có mùi hôi khó chịu đặc biệt khi có nhiễm khuẩn.
4. Đau, chảy máu khi quan hệ
Khi các khối u nằm ở âm đạo thì khi sinh hoạt sẽ tạo áp lực lớn trong lòng âm đạo gây cảm giác đau và chảy máu với lượng ít hoặc vừa.
5. Đi tiểu nhiều
Khi khối u chèn ép lên bàng quang sẽ làm nhỏ thể tích chứa nước tiểu khiến bệnh nhân đi tiểu nhiều lần hơn.
6.Táo bón
Nếu khối u xơ tử cung chèn ép lên đường ruột, đặc biệt là trực tràng sẽ cản trở đường di chuyển của khối chất thải gây ra tình trạng táo bón, đầy hơi, khó tiêu…
V. Bị u xơ tử cung nguy hiểm như thế nào?
Ở mỗi cá nhân thì mức độ ảnh hưởng của bệnh cũng khác nhau. Với kích thước nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe có khi không cần điều trị gì và sẽ tự biến mất khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên u xơ tử cung thường phát triển chậm, thầm lặng và khi kích thước lớn có thể gây các biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
1. Biến chứng toàn thân
Thiếu máu
– Đây vừa là biểu hiện cũng vừa là biến chứng của u xơ tử cung. Do tình trạng chảy máu nhiều và kéo dài trong chu kỳ kinh nguyệt nên bệnh nhân mất lượng máu lớn, làn da trở nên kém sắc, xanh xao, người mệt mỏi, hay bị hoa mắt, chóng mặt. Nếu thiếu máu mãn tính cơ thể gầy yếu, giảm năng suất làm việc.
– Nếu xảy ra cường kinh thì sẽ mất lượng máu lớn đột ngột gây trụy tim mạch, thiếu máu lên não gây choáng váng, ngất xỉu, có thể dẫn đến tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời.
Khối u xơ to gây chèn ép cơ giới
Khi khối u phát triển tăng kích thước sẽ chèn ép lên các bộ phận lân cận tùy thuộc vào vị trí khối u như:
– Chèn ép vào bàng quang gây tiểu rắt, tiểu nhiều lần.
– Chèn ép vào niệu quản gây ứ nước bể thận, nguy cơ gây viêm bể thận, sỏi thận…
– Chèn ép vào trực tràng gây táo bón.
– Chèn ép vào đám rối thần kinh thắt lưng gây đau mỏi thắt lưng lan xuống đùi.
Nhiễm khuẩn
Có thể nhiễm khuẩn ngay tại khối u hoặc các bộ phận xung quanh.
– Nhiễm khuẩn ngay tại khối u: Thường xảy ra khi khối u dưới niêm mạc phát triển thành dạng có cuống và thò ra ngoài tử cung ở dạng polyp.
– Bên cạnh đó còn có thể gây nhiễm khuẩn niêm mạc tử cung, viêm ống dẫn trứng cấp tính hoặc mãn tính gây khó có thai.
U xơ tử cung chèn ép gây đau bụng dữ dội
Xoắn cuống khối u
Biến chứng hay gặp nếu có nhân xơ có cuống dưới phúc mạc. Bệnh nhân sẽ bị đau bụng dữ dội, đột ngột vùng hạ vị, đau tăng dần; bệnh rất nhanh có thể chuyển thành viêm phúc mạc và gây tử vong.
Thoái hóa
Khi khối u không được nuôi dưỡng sẽ dẫn đến thoái hóa, hoại tử vô khuẩn tạo các u xơ mềm/cứng gây khó khăn cho việc chẩn đoán.
Nhiều người vẫn lo ngại liệu u xơ tử cung có tiến triển thành ung thư. Câu trả lời là: Các khối u đa số ở dạng lành tính và khả năng biến đổi từ u xơ tử cung thành sarcom cơ tử cung có tỷ lệ rất thấp chưa đến 0,1%.
2. Biến chứng liên quan đến sản khoa
Vì bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở nên mọi người có nhiều quan tâm liệu có ảnh hưởng đến khả năng mang thai, sự phát triển của thai nhi hay trong quá trình sinh nở hay không.
U xơ tử cung ảnh hưởng đến khả năng mang thai
Khi bị u xơ tử cung người phụ nữ sẽ khó có thai hơn và thậm chí nặng hơn là vô sinh do:
– Niêm mạc tử cung không bình thường, khó tạo điều kiện thích hợp cho hợp tử bám vào niêm mạc.
– Khi khối u nằm ở eo hoặc kẽ tử cung gây bít tắc, biến dạng tử cung, khó khăn cho việc mang thai.
– Khối u xơ cũng làm tăng co bóp của tử cung khiến tinh trùng khó gặp trứng cũng như khiến cho hợp tử tạo thành di chuyển đến làm tổ trên thành tử cung.
– Nồng độ estrogen cao nên khiến khó rụng trứng, khó có cơ hội thụ thai.
U xơ tử cung gây sảy thai
U xơ tử cung dễ gây sảy thai
Với bệnh nhân mắc u xơ tử cung vẫn có thể mang bầu, tuy nhiên cần phải cẩn thận vì tăng nguy cơ sảy thai.
– Khối u có kích thước lớn chèn vào thai nhi hạn chế cung cấp dinh dưỡng qua nhau thai khiến thai nhi chậm phát triển. Có trường hợp làm thai chết lưu nhưng khá hiếm gặp.
– U xơ tử cung cũng khiến bất thường ngôi thai, thai nhi không xoay được về chiều thuận để sinh, dẫn đến sinh non hoặc gây tắc khiến việc chuyển dạ trở nên khó khăn.
– Phụ nữ bị u xơ tử cung cũng tăng khả năng bị chảy máu do còn sót rau trong thời kỳ sổ rau cao hơn 2 lần so với người bình thường.
– Khối u cũng có thể trở thành u tiền đạo gây tắc đường của em bé khi đẻ thường.
VI. Chẩn đoán u xơ tử cung
Thông thường u xơ tử cung mà không biểu hiện triệu chứng khó có thể nhận ra mà chỉ vô tình phát hiện khi đi siêu âm chẩn đoán các bệnh phụ khoa khác. Trong trường hợp người phụ nữ thấy có các triệu chứng như đã liệt kê như trên hoặc cảm thấy bất thường gì hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
1. Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng
– Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng gặp phải như: ra máu buồng tử cung, đau hạ vị, ra khí hư…
– Kết hợp với các thăm khám lâm sàng:
+ Nhìn thấy khối u nổi gồ lên ở vùng hạ vị.
+ Nắn bụng: Có thể sờ thấy khối u rắn ở vùng hạ vị, cảm nhận sự di động theo cổ tử cung.
+ Đặt mỏ vịt : Có thể nhìn thấy các polyp có cuống nằm ngoài tử cung.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
– Siêu âm là một biện pháp đơn giản có thể dễ dàng phát hiện và chẩn đoán u xơ tử cung. Các hình ảnh của khối u sẽ được biểu hiện thông qua siêu âm phần phụ qua thành bụng. Bệnh nhân sẽ được khuyến cáo uống nhiều nước, nhịn tiểu trước khi siêu âm vì hình ảnh rõ nét hơn, bác sĩ sẽ đánh giá kết quả tốt hơn.
– Một vài trường hợp bệnh nhân phải làm thêm siêu âm bằng đầu dò âm đạo hoặc soi, chụp buồng âm đạo để chẩn đoán các polyp dưới niêm mạc. Chụp cộng hưởng từ MRI cũng được sử dụng giúp đánh giá và phân biệt u xơ tử cung với các bệnh lý ác tính khác trên tử cung.
– Ngoài ra còn xét nghiệm tế bào học nếu kèm theo các thương tổn cổ tử cung.
Siêu âm tử cung qua thành bụng
3. Chẩn đoán phân biệt
Các bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán phân biệt u xơ tử cung với một số bệnh khác mà có các triệu chứng gần như giống nhau:
– Sờ, nắn thấy có khối rắn: Nghi ngờ bệnh nhân có thai,
– Khối u ở buồng trứng: Phân biệt nhờ vào hình ảnh siêu âm, chụp buồng tử cung và triệu chứng thực thể khi thấy khối u di động độc lập với tử cung.
– Ung thư niêm mạc tử cung: Khai thác các triệu chứng, khám lâm sàng, siêu âm và làm xét nghiệm tế bào học.
VII. Các phương pháp điều trị u xơ tử cung
Việc chỉ định phương pháp điều trị u xơ tử cung cần phải phù hợp với tình trạng của bệnh cũng như mong muốn của bệnh nhân.
Một số trường hợp không cần điều trị:
– Nếu khối u không lớn và cũng không gây triệu chứng.
– Nếu khối u phát hiện ở người tiền mãn kinh/mãn kinh nhưng không có bất thường thì nên quản lý theo dõi, việc điều trị không cần thiết bởi bì dần dần khối u sẽ biến mất.
Hiện nay, để điều trị u xơ tử cung có triệu chứng các bác sĩ đang sử dụng điều trị nội khoa bằng thuốc, các phương pháp can thiệp ít xâm lấn, phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ tử cung.
1. Điều trị u xơ tử cung bằng thuốc
– Do có giả thuyết u xơ tử cung là do nguyên nhân nội tiết nên bệnh nhân sẽ được kê đơn sử dụng các thuốc hormone để điều trị bệnh như các chất chủ vận GnRH, chọn lọc thụ thể estrogen phân tử (SERM)…Ngoài ra dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như NSAID giảm đau…
– Việc sử dụng thuốc thực ra không điều trị căn nguyên bệnh mà giúp giảm cải thiện triệu chứng, kích thước khối u để hỗ trợ cho các phương pháp can thiệp hay phẫu thuật sau này.
Điều trị u xơ tử cung bằng thuốc
2. Can thiệp ít xâm lấn
Đây là phương pháp điều trị bảo tồn cho bệnh nhân khi giúp giảm triệu chứng, hạn chế tác dụng phụ của thuốc cũng như tránh việc phẫu thuật để giữ lại khả năng sinh sản. Một số phương pháp có thể kể đến như đốt sóng cao tần, phương pháp nút mạch tử cung…
Tuy nhiên hiệu quả điều trị của phương pháp can thiệp ít xâm lấn chưa thể đánh giá đầy đủ. Vẫn còn tỷ lệ khá cao bệnh nhân thất bại điều trị, khối u tái phát và trong trường hợp đó cần thực hiện chỉ định cắt bỏ tử cung.
3. Phẫu thuật loại bỏ khối u
Đây được coi là phương pháp điều trị u xơ tử cung triệt để nhất. Việc chỉ định phẫu thuật được đánh giá kỹ càng khi bệnh nhân đạt đủ các điều kiện để phẫu thuật. Thưởng trong các trường hợp tình trạng bệnh nặng, khối u quá to, chảy máu nhiều, không đáp ứng với thuốc điều trị…Hiện nay phẫu thuật chia ra làm 2 mức độ đó là: Phẫu thuật bóc u xơ và phẫu thuật cắt bỏ tử cung toàn phần hoặc bán phần. Việc can thiệp cắt bỏ tử cung cần được cân nhắc cẩn thận theo tình trạng bệnh, mong muốn mang thai của bệnh nhân để thực hiện vì ảnh hưởng rất lớn đến việc có con sau này.
Phẫu thuật bóc tách u xơ tử cung
VIII. Cần làm gì để phòng tránh u xơ tử cung
Để chăm sóc sức khỏe thật tốt, phòng bệnh cũng như hạn chế tối đa nguy cơ u xơ tử cung gây các biến chứng nặng về, chị em phụ nữ nên lưu ý các điểm sau:
– Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để có thể phát hiện sớm các khối u để có biện pháp quản lý phù hợp.
– Báo cáo với bác sĩ ngay và đi khám nếu như phát hiện các triệu chứng bất thường liên quan đến bệnh.
– Kiểm soát tình trạng cân nặng với chế độ ăn và luyện tập phù hợp, bởi vì bệnh có xu hướng cao hơn ở người thừa cân, béo phì.
– Lối sống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng.
Kiểm soát cân nặng phòng u xơ tử cung
Trên đây là những thông tin khái quát giúp bạn đọc có được những hiểu biết sơ lược nhất về u xơ tử cung. Mặc dù là u lành tính nhưng nếu không can thiệp kịp thời thì nguy cơ về các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng mang thai của chị em phụ nữ sau này.