Ung thư gan – Cẩm nang những điều cần biết

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Ung thư gan cũng là căn bệnh có tỉ lệ mắc rất cao ở nước ta và nguy cơ tử vong cũng gần bằng với số người mắc bệnh

Ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến, thường gặp trên thế giới. Ung thư gan cũng là căn bệnh có tỉ lệ mắc rất cao ở nước ta và nguy cơ tử vong cũng gần bằng với số người mắc bệnh. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu ngay những thông tin cơ bản về ung thư gan để biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

1. Ung thư gan là gì?

Ung thư gan là tình trạng các tế bào ung thư gây hại phát triển ở gan. Theo nguồn gốc khởi phát, ung thư gan được chia thành ung thư gan nguyên phát và thứ phát:

– Ung thư gan thứ phát do các tế bào ung thư ở các cơ quan khác của cơ thể di căn vào gan gây ra các khối u như ung thư đại trực tràng dẫn đến ung thư gan do sự các tế bào ung thư từ đại trực tràng theo máu đến gan.

– Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính xuất hiện ở gan khi có sự bất thường về hình thái và chức năng của các tế bào gan. Các tế bào ung thư gan phân chia mạnh mẽ gây ảnh hưởng đến các mô liền kề và có thể lây lan sang những bộ phận khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan. Ung thư gan nguyên phát bao gồm ung thư biểu mô tế bào gan, ung thư biểu mô đường mật và u nguyên bào gan. Trong đó thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào gan, chiếm tới 85% tỉ lệ ung thư nguyên phát.

2. Các giai đoạn phát triển của ung thư gan

Để biết tình trạng hiện tại của người bệnh, sau khi khám, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận người bệnh đang bị ung thư gan giai đoạn nào. Ung thư gan được chia thành 4 giai đoạn:

– Giai đoạn I: Phát hiện có một khối u đơn độc, chưa xâm lấn mạch máu hay lan đến các hạch bạch huyết lân cận hay các vùng khác.

– Giai đoạn II: Một hoặc nhiều khối u đã phát triển vào các mạch máu hoặc nhiều khối u, chưa xâm lấn đến hạch bạch huyết hay các vùng ngoài gan.

– Giai đoạn III: Đã có sự xâm lấn vào một nhánh tĩnh mạch chính của gan hay các bộ phận khác như túi mật, vỏ bao quanh gan. Khối u chưa lan đến các hạch lân cận hay di căn xa.

– Giai đoạn IV: Khối u trong gan phát triển vào các mạch máu hay cơ quan lân cận và cả các phần khác của cơ thể.

Ung thư gan được chia thành 4 giai đoạn:

3. Nguyên nhân ung thư gan

Cho đến nay, nguyên nhân gây ung thư gan chưa được xác định rõ, tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư gan như:

– Những người mắc các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan… Nguy cơ viêm gan B phát triển thành ung thư gan cao hơn so với bình thường lên đến 100 lần.

– Uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá…

Rượu bia, thuốc lá là tác nhân dẫn đến ung thư

Rượu bia, thuốc lá là tác nhân dẫn đến ung thư

– Gia đình có người mắc bệnh ung thư gan.

– Người mắc các bệnh tiểu đường, thừa cân, béo phì.

– Giới tính: Tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn 2 – 3 lần so với nữ giới, tuy nhiên hiện nay tỉ lệ ung thư gan ở nữ giới cũng không hề thấp.

– Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây ung thư gan như Aflatoxin – độc chất được tìm thấy trong ngũ cốc, đậu nành, lúa mì, đậu phộng hay do di truyền, các nguyên nhân gây xơ gan…

4. Những dấu hiệu cảnh báo ung thư gan

Các biểu hiện của ung thư gan bao gồm:

– Vàng da, vàng mắt. Viêm gan là một trong những yếu tố dẫn đến ung thư gan, biểu hiện thường gặp là vàng da vàng mắt. Nếu xuất hiện tình trạng này, cần đến ngay cơ sở y tế để xác định chính xác nguyên nhân gây vàng da.

– Chán ăn, mệt mỏi, sụt cân liên tục. Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa các chất. Do đó, bệnh gan thường thể hiện thông qua sự thay đổi ở hệ thống tiêu hóa. Nếu người bệnh cảm thấy chán ăn, bụng đầy chướng, mệt mỏi, ngán đồ dầu mỡ thì đó là sự cảnh báo về những vấn đề về gan, cho thấy gan đang yếu đi.

– Táo bón, tiêu chảy: Hệ tiêu hóa bị rối loạn, thường xuyên bị táo bón, tiêu chảy dù người bệnh đã có sự tiết chế trong việc ăn uống cũng là một tín hiệu “cầu cứu” của các cơ quan tiêu hóa, bao gồm gan.

– Thường xuyên đau ở vùng thượng vị. Người bệnh thường cảm thấy đau âm ỉ, đau nhói hoặc đau quằn quại ra phía sau lưng. Đây là dấu hiệu cảnh báo rối loạn tiêu hóa hoặc cũng có thể là ung thư gan.

Bệnh nhân ung thư gan thường xuyên bị đau vùng thượng vị

Bệnh nhân ung thư gan thường xuyên bị đau vùng thượng vị

– Đau vai phải: Khi ung thư gan tiến triển mạnh, các dây thần kinh dưới cơ hoành bị chèn ép.Một số dây thần kinh ở khu vực này có liên kết với các dây thần kinh ở vai phải, do đó, người bệnh có cảm giác bị đau vai phải khi mắc ung thư gan.

– Tụ dịch trong gan: Người bệnh bị chướng bụng, bụng to lên trong thời gian ngắn, thậm chí có thể sờ thấy gan.

Nếu thấy những triệu chứng bất thường của cơ thể, hãy nhanh chóng đến các phòng khám, bệnh viện uy tín để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

5. Chẩn đoán

Tầm soát ung thư gan giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn rất sớm. Người bệnh nên thăm khám sức khỏe ngay cả khi không có triệu chứng gì để phát hiện bệnh sớm và điều trị cũng giúp giảm các thương tổn về thể chất hay tâm lý, giảm chi phí điều trị.

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư gan phổ biến nhất là siêu âm gan và xét nghiệm máu tìm dấu vết AFP trong máu:

– AFP là Protein có trong thai nhi, sau khi trưởng thành tỷ lệ AFP trong máu rất thấp. Ở bệnh nhân ung thư gan, chỉ số AFP tăng lên bất thường. Tuy nhiên, khi kết quả xét nghiệm ban đầu cho chỉ số AFP tăng, không có nghĩa là người bệnh bị ung thư. Chỉ số AFP tăng chỉ là biểu hiện nghi ngờ ung thư gan, nên thực hiện các phương pháp tầm soát khác để xác định chính xác bệnh.

– Phương pháp siêu âm gan: Giúp phát hiện được khối u nhỏ hơn 1cm mà không ảnh hưởng đến cơ thể. Ngoài ra, siêu âm gan còn giúp phát hiện xơ gan và một số bệnh khác về gan.

– Ngoài ra, có thể chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) ổ bụng. Kỹ thuật này cho hình ảnh chi tiết hơn, thu được hình ảnh gan 3 chiều, giúp xác định kích thước và vị trí khôi u cũng như việc u đã lan rộng ra hay chưa.

6. Các phương pháp điều trị ung thư gan

Tùy thuộc vào kích thước khối u cũng như tình trạng sức khỏe, có thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật, hóa – xạ trị, liệu pháp đích…

– Khối u nhỏ: Có thể phẫu thuật để loại bỏ khối u, cắt gan, ghép gan.

– Khối u kích thước lớn: Đốt khối u gan bằng nhiệt từ sóng cao tần, vi sóng, tiêm cồn, xạ trị, hóa trị, liệu pháp đích…

– Khối u lớn, xâm lấn di căn sang các cơ quan khác: Lựa chọn phương pháp hoá tắc mạch, xạ trị chiếu trong chọn lọc…

Tùy vào kích thước, số lượng khối u mà có biện pháp điều trị khác nhau

Tùy vào kích thước, số lượng khối u mà có biện pháp điều trị khác nhau

Một số phương pháp điều trị ung thư gan có thể kể đến như:

– Phẫu thuật: Áp dụng khi người bệnh phát hiện ung thư sớm, khối u nhỏ, mới chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ của gan.

– Ghép gan:

+ Cắt bỏ hoàn toàn gan, thay thế bằng một tạng gan mới được hiến tặng, khỏe mạnh.

+ Gan khỏe mạnh có khả năng phát triển trở lại, do đó, cũng có thể thực hiện ghép gan từ người hiến sống, lấy 1 phần gan khỏe mạnh, cắt ra và ghép sang cho người bệnh. Như vậy, cả gan còn lại trên cơ thể người hiến hay người ghép đều có thể khôi phục về kích thước ban đầu nếu thành công.

+ Lưu ý, khi ghép gan, cần dùng thuốc chống đào thải để ngăn ngừa cơ thể đào thải tạng ghép.

– Bào mòn u:

+ Thủ thuật phá hủy tế bào ung thư bằng cách sử dụng nhiệt hoặc cồn đốt, có thể thực hiện lại phương pháp bào mòn u nếu u phát triển trở lại.

+ Khi thực hiện phương pháp này, cần sử dụng kỹ thuật siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để đưa đầu kim đến vị trí ung thư. Sau khi gây tê tại chỗ, nhiệt từ tia Laser, sóng vô tuyến hay cồn được truyền qua kim đến khối u, để phá hủy và tiêu diệt chúng.

– Hóa trị:

+ Sử dụng các thuốc chống ung thư để tiêu diệt khối u, ngăn cản sự phân chia và tăng sinh tế bào ung thư.

+ Biện pháp này giúp kiểm soát triệu chứng của ung thư gan, tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều phù hợp với phương pháp này.

+ Các loại thuốc hóa trị được tiêm vào tĩnh mạch hoặc dùng dưới dạng viên nén. Ngoài ra, cũng có thể thực hiện bằng cách tiêm trực tiếp và khối u ở gan cùng với gel/các hạt nhựa nhỏ để chặn dòng máu đến khối u.

– Xạ trị: Là phương pháp sử dụng các tia năng lượng cao tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn ngừa khối u lan rộng, phát triển. Tuy nhiên, không nên sử dụng nhiều vì gan không thể chịu được phóng xạ liều cao.

– Liệu pháp đích: Sử dụng thuốc hoặc các chất khác để ức chế sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư bằng cách can thiệp vào các phân tử cụ thể, liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển khối u.

Có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u để điều trị ung thư gan giai đoạn đầu

Có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u để điều trị ung thư gan giai đoạn đầu

Quá trình điều trị ung thư gan rất khó khăn, thời gian phát hiện bệnh càng muộn, kích thước khối u càng lớn thì thời gian sống của bệnh nhân càng ít:

– Giai đoạn 1: Khối u vẫn khu trú trong gan, điều trị không quá phức tạp, cơ hội sống trên 5 năm khoảng 31%. 

– Giai đoạn 2: Khối u lan rộng tới nhiều mô, xâm lấn vào các mạch máy cơ hội sống trên 5 năm khoảng 19%. 

– Ung thư giai đoạn 3: Cơ hội sống trên 5 năm khoảng 11%. 

– Ung thư gan giai đoạn cuối: Thời gian sống trên 5 năm chỉ còn 3%.

Liệu pháp tâm lý cũng đóng vai trò rất quan trọng với bệnh nhân ung thư gan. Cần giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng giúp làm giảm sự tiến triển của bệnh.

7. Phòng ngừa ung thư gan

Để ngăn ngừa ung thư, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

– Tiêm phòng virus viêm gan B. Viêm gan B có nguy cơ cao phát triển thành ung thư gan, do đó cần tiêm phòng viêm gan B để ngăn ngừa khả năng tiến triển thành ung thư.

– Hạn chế rượu bia, thuốc lá, không ăn quá nhiều thịt và mỡ động vật để giảm gánh nặng chuyển hóa các chất cho gan.

– Ăn nhiều rau quả, trái cây tươi, nói không với đồ ăn sẵn, chứa nhiều muối.

– Tăng cường vận động cơ thể, ngủ đủ giấc để gan có thời gian nghỉ ngơi, thải độc.

– Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường, từ đó có biện pháp điều trị bệnh sớm, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Ung thư gan rất nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được căn bệnh này nếu thực hiện chế độ sống khoa học, lành mạnh. Hãy lắng nghe những dấu hiệu cảnh báo của cơ thể để nhanh chóng thăm khám bác sĩ, phát hiện và điều trị bệnh sớm nhằm bảo vệ bản thân trước bất kỳ căn bệnh nào, không chỉ ung thư gan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *