Nhiều người nghĩ rằng, sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối gan bị ung thư và tiến hành điều trị thì sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật, các tế bào ung thư vẫn có thể tiếp tục phát triển, hình thành nên các khối u mới, gây ung thư. Vậy nguyên nhân tái phát là gì? Điều trị ung thư gan tái phát như thế nào? Tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây!
1. Nguyên nhân tái phát ung thư gan
Phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, liệu pháp điều trị, tình trạng sức khỏe người bệnh, nguy cơ tái phát ung thư gan ở mỗi người là khác nhau.
Một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ tái phát ung thư gan như:
– Điều trị ung thư gan nguyên phát không triệt để, dẫn đến các tế bào ung thư tiếp tục phát triển trong gan, hình thành khối u và gây tái phát bệnh.
– Do các phương pháp điều trị phẫu thuật, hóa trị, xạ trị không triệt để loại bỏ khối u.
– Một số nghiên cứu cho rằng, mang thai ngay sau khi mới điều trị ung thư gan sẽ làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Nguyên do là ở thời điểm này, cơ thể người phụ nữ chưa hồi phục hoàn toàn sau khi điều trị mà mang thai ngay cũng khiến cơ thể nhạy cảm hơn, khả năng miễn dịch bị giảm xuống.
Mang thai ngay sau khi điều trị ung thư gan làm tăng nguy cơ tái phát
Sau khi điều trị ung thư gan, người bệnh cần được theo dõi và thăm khám định kỳ giúp bác sĩ biết được tình trạng sức khỏe và nguy cơ ung thư gan tái phát để điều trị bệnh kịp thời.
2. Các loại ung thư gan tái phát
Ung thư gan thường tái phát sau hai năm đầu điều trị, có thể xuất hiện ở vị trí gần hoặc ngay tại nơi phát triển khối u trước đó. Dựa vào vị trí tái phát trong cơ thể, ung thư gan tái phát được chia thành 3 loại:
– Tái phát tại chỗ: Khối u mới hình thành ở đúng vị trí ung thư ban đầu hoặc rất gần với vị trí đó.
– Tái phát vùng: Các tế bào ung thư phát triển tại các hạch bạch huyết gần gan.
Các khối u có thể hình thành ngay tại vị trí cũ
– Tái phát xa: Các tế bào ung thư đã di căn tới những cơ quan khác trong cơ thể như xương phổi, vú, hoặc não. Tình trạng này được gọi là ung thư gan thứ phát.
Người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện khối u tái phát sớm (nếu có), giúp điều trị bệnh kịp thời.
3. Chẩn đoán
Sau khi phát hiện ung thư gan và đã được điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật như cắt gan, ghép gan, các bác sĩ sẽ hẹn lịch thăm khám để theo dõi tình trạng người bệnh sau đó. Khi khám lại, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm nếu cần thiết.
Việc thăm khám định kỳ thường xuyên sẽ giúp phát hiện các tế bào ung thư gan mới hình thành để biết bệnh có tái phát hay không.
Nếu nghi ngờ ung thư gan tái phát sau điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm chẩn đoán khác để đưa ra kết luận chính xác, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.
4. Các phương pháp điều trị
Sau khi được chẩn đoán ung thư gan tái phát, tùy thuộc vào tình trạng người bệnh, có thể sử dụng các liệu pháp điều trị sau:
– Cắt lại gan:
Cắt lại gan sau cắt gan tái phát ung thư gan là biện pháp an toàn, tăng thời gian sống thêm ở người bệnh với tỷ lệ sống thêm 5 năm 19 – 56%.
– Cắt gan lại nội soi:
Giải pháp tốt nhất cho các tổn thương ngoại vi, áp dụng khi cắt gan nhỏ hoặc cắt phân thùy T.
Phương pháp này khá an toàn với người bệnh đã cắt gan lớn mổ mở, gan xơ, tổn thương 1 bên hay khối u nằm ở vị trí sau trên. Cắt gan lại nội soi ít gây mất máu hơn, thời gian nằm viện phục hồi cũng ngắn hơn.
– Ghép gan sau cắt gan:
Phương pháp này giúp cắt bỏ triệt để khối u, điều trị khỏi hoàn toàn các bệnh lý gan nền. Tuy nhiên, phương pháp ghép gan thường khó thực hiện do thiếu nguồn gan được hiến tặng, thời gian chờ đợi lâu, kỹ thuật ghép gan khó, cần được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn.
Tùy thuộc vào từng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị ung thư gan tái phát phù hợp
– Tiêu hủy u tái phát:
Khi các tế bào ung thư tái phát, hình thành nhiều khối u với kích thước nhỏ trong gan. Sử dụng nhiệt hoặc hóa chất để phá hủy trực tiếp hay phần lớn khối u bằng cách tiêm cồn, sử dụng sóng vi tần, cao tần tiêu diệt khối u…
Các phương pháp này mang lại hiệu quả cao giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
– Tái phát ngoài gan:
Khi có 1 hoặc 2 khối u di căn đơn độc ngoài gan, tình trạng sức khỏe ổn định, chức năng gan tốt, các tái phát trong gan được kiểm soát tốt có thể chỉ định cắt bỏ tổn thương di căn hoặc phương pháp điều trị đích.
5. Lưu ý sau điều trị ung thư gan tái phát và cách phòng ngừa
Sau khi phát hiện ung thư gan tái phát và điều trị bệnh, để nhanh chóng hồi phục sức khỏe và phòng ngừa bệnh tiếp tục tái phát, người bệnh cần lưu ý:
– Ăn uống khoa học: Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, tốt cho sức khỏe. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn thành nhiều bữa (3-6 bữa) để cơ thể dễ hấp thu thức ăn hơn.
– Tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt, thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe.
Tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về phòng bệnh gan
– Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, thực phẩm lên men hoặc chưa được chế biến chín kỹ.
– Tránh rượu bia và các đồ uống có ga, chất kích thích.
– Tùy vào thể trạng người bệnh thiết lập chế tập luyện nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, chạy bộ, tập dưỡng sinh…
– Duy trì tâm lý thoải mái, tránh lo lắng, căng thẳng, suy nghĩ nhiều. Người nhà bệnh nhân cũng nên dành nhiều thời gian chăm sóc, nói chuyện hoặc cùng người bệnh giúp họ giảm lo sợ, tích cực điều trị bệnh hơn.
Đối với các bệnh ung thư, bao gồm ung thư gan, bệnh có chữa khỏi hoàn toàn và tái phát hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, người bệnh cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao hơn.