Ung thư vú nên ăn gì ?
Chế độ ăn uống hàng ngày có phần ảnh hưởng đến việc điều trị cũng như ngăn ngừa ung thư vú. Các thực phẩm tốt sẽ giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện tình trạng bệnh. Và ngược lại có một số sản phẩm cần tránh vì chúng có thể giảm hiệu quả của điều trị. Để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất cho bệnh nhân ung thư vú thì bạn đọc không thể bỏ qua bài viết dưới đây!
1. Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng như thế nào đến bệnh nhân ung thư vú?
Ngoài việc tuân thủ theo các phương pháp chữa bệnh của bác sĩ thì để bệnh nhân có kết quả điều trị tốt nhất cần phải lưu ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Chế độ ăn rất quan trọng đối với người mắc bệnh ung thư nói chung và bệnh ung thư vú nói riêng.
Tổ chức Y tế thế giới đã thông kê hàng năm ở Việt Nam có khoảng 30% bệnh nhân ung thư tử vong vì sức khỏe suy kiệt trước khi do bị khối u ảnh hưởng. Nguyên nhân có thể là do nhận thức sai lầm rằng ăn nhiều sẽ làm các khối u tăng phát triển và dẫn đến việc kiêng khem quá mức. Hoặc do bệnh nhân chỉ quá chú trọng vào việc điều trị, bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cân nặng giảm 5% thì sẽ rút ngắn ⅓ thời gian sống của bệnh nhân.
Ăn uống đầy đủ giúp bồi bổ sức khỏe cho người ung thư vú
Bệnh nhân bị suy kiệt sức khỏe phần nhiều do tác động của khối u gây nên, bên cạnh đó còn ảnh hưởng của việc dùng thuốc, hóa chất, xạ trị…Nhiều bệnh nhân không thể hoàn thành được liệu trình điều trị do không đủ điều kiện sức khỏe và như vậy làm giảm hiệu quả điều trị, làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng và giảm thời gian sống của bệnh nhân.
Chính những lúc sức khỏe bị suy yếu nhất một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ có tác dụng:
– Giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường thể lực, ổn định cân nặng.
– Tăng sức đề kháng cho cơ thể.
– Cải thiện triệu chứng bệnh, giảm các tác dụng bất lợi do các phương pháp điều trị gây ra.
Vì vậy đối với người bệnh ung thư vú cần ăn uống đầy đủ chất, đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng gồm đạm, tinh bột, chất béo, các vitamin và khoáng chất. Nên chọn các thực phẩm sạch, tươi ngon và kiêng các thực phẩm có nguy cơ cao kích thích sự phát triển của khối u.
Trong quá trình điều trị ung thư vú người bệnh sẽ rất mệt mỏi, thay đổi khẩu vị. Nếu có hóa trị liệu thường xuyên bị buồn nôn và nôn nên để cải thiện tình trạng này cần lưu ý:
– Thay đổi thực đơn hàng ngày, cho bệnh nhân ăn những món họ thích.
– Chia nhỏ bữa ăn, ăn làm nhiều lần để dễ hấp thụ chất dinh dưỡng. Mỗi ngày nên có 5-6 bữa ăn.
– Không nên ăn lúc bị đói vì sự co bóp mạnh của dạ dày sẽ tăng cảm giác buồn nôn hơn.
– Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, các món ăn mềm, dễ nhai nuốt…
2. Người bệnh ung thư vú nên ăn gì?
Đối với người bệnh ung thư cần chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời nên bổ sung thêm một số nhóm chất giúp tăng cường sức đề kháng.
Ăn đầy đủ dinh dưỡng
Đối với người bệnh ung thư cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có thể trạng tốt nhất chống chọi với bệnh cũng như các tác dụng phụ trong các đợt điều trị. Mỗi bữa ăn của người ung thư vú cần có đủ các nhóm chất:
– Tinh bột: Nên chọn từ các thực phẩm có nguồn tinh bột tốt như yến mạch, ngũ cốc, khoai lang…Hạn chế các tinh bột đã qua tinh chế
– Chất đạm: Hãy lựa chọn nguồn đạm lành mạnh từ thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…Nên ưu tiên lựa chọn nguồn chất đạm từ thực vật như đậu phụ, các loại hạt…nhưng vẫn phải cân đối giữa protein từ động và thực vật. Nên sử dụng thịt trắng từ gia cầm, cá hơn là thịt đỏ…
– Chất béo: Chọn nguồn chất béo tốt, hàm lượng acid béo không no không quá 50% tổng năng lượng.
– Vitamin và khoáng chất.
Ăn đầy đủ dinh dưỡng
Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Các chất chống oxy hóa giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, giảm các tác dụng phụ của các đợt hóa trị, xạ trị…Hơn nữa còn có thể giảm tiến triển của khối u cũng như giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Một số hợp chất mà người bệnh ung thư vú nên bổ sung là:
– Lycopene: Có nhiều trong các loại quả như gấc, cà chua, dưa hấu…
– Flavonoid có tác dụng đặc biệt tốt với phụ nữ mãn kinh giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Flavonoid có trong các loại trà, hành tây, bông cải xanh…
– Carotenoid cũng giúp giảm nguy cơ ung thư vú, có nhiều trong các loại rau quả màu xanh, vàng như cà rốt, bí đỏ, khoai lang cải xoăn, rau bina…
– Các hợp chất phenolic: Có nhiều trong trà xanh, súp lơ xanh, bắp cải, cà chua, dưa chuột, đậu nành…
– Vitamin C: Chủ yếu trong các loại quả họ cam, quýt, bưởi, lê, táo, ớt chuông, rau màu xanh đậm…
– Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, khoai lang, mầm đậu…
Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Thực phẩm nhiều chất xơ
Các chất xơ tự nhiên trong rau xanh, hoa quả, các loại hạt ngũ cốc…giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, phòng táo bón, các bệnh tim mạch, kiểm soát lượng đường trong máu…Đặc biệt chúng cũng giúp giảm tỷ lệ mắc ung thư vú.
Uống đủ nước
Với bệnh nhân ung thư nên uống từ 8-12 ly nước mỗi ngày. Uống đều đặn ngay cả khi không khát.
Người bệnh ung thư vú có nên ăn đậu nành?
Trong đậu nành có chứa một chất là isoflavone có cấu trúc tương tự estrogen nên nhiều người lo ngại sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú vì sự phát triển của các tế bào ung thư nhạy cảm với estrogen. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy không có cơ sở nào để kết luận đậu nành làm tăng nguy cơ ung thư vú, Hơn nữa ở phụ nữ có ung thư vú âm tính với thụ thể hormone thì đậu nành còn có nhiều tác dụng bảo vệ. Đậu rất giàu vitamin và các khoáng chất cần thiết như vitamin A, B1, B2, D, E, Ca, Fe, Mg,…Chất đạm từ đậu cũng tốt hơn từ thịt và chúng cũng ít chất béo xấu hơn.
Người bệnh ung thư vú có nên ăn đậu nành?
3. Người bệnh ung thư vú nên tránh ăn gì?
Chất kích thích, bia, rượu, thuốc lá
Lạm dụng rượu bia gây tổn hại nhiều đến sức khỏe và càng nghiêm trọng hơn đối với người bị ung thư khi thể chất đang suy kiệt nhiều. Một số nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa việc uống nhiều rượu làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể và gây tổn hại đến DNA trong tế bào. Điều đó làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn, các tế bào ung thư tăng phát triển và lây lan. Hơn nữa lạm rụng rượu bia còn khiến tinh thần mệt mỏi, mất tỉnh táo, có những suy nghĩ tiêu cực, xuống tinh thần…Tất cả những điều đó đều làm giảm hiệu quả của việc điều trị bệnh.
Người ung thư vú không sử dụng chất kích thích
Các loại thịt đỏ
Nên hạn chế chọn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, cừu…trong các món ăn cho người bị ung thư vú. Trong thịt đỏ chứa nhiều chất béo không bão hòa gây hại cho sức khỏe.
Các thực phẩm chế biến sẵn
Đối các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản có nguy cơ tạo thành các chất có hại gây ung thư, nguy hại đến người bệnh ung thư vú. Hơn nữa sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ ta cũng không kiểm soát được lượng muối, đường trong món ăn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Các thức ăn lạnh, nhiều gia vị cay nóng cũng là nhóm thực phẩm mà người bệnh ung thư vú cần tránh.
Thực phẩm chứa nhiều đường
Đồ ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt…luôn có một sức hấp dẫn khó cưỡng nhưng chúng lại không hề tốt với cơ thể chúng ta. Mỗi ngày chúng ta cần nạp khoảng 25g đường để duy trì các hoạt động. Khi cơ thể nạp quá mức nhu cầu sẽ làm tăng lượng glucose trong máu, dẫn đến giải phóng nhiều insulin, làm tăng mức độ hoạt động của estrogen và làm tăng nguy cơ ung thư vú.Trong một nghiên cứu trên chuột thì những con chuột sử dụng nhiều đường hơn thì các khối u tuyến vú phát triển mạnh hơn, lây lan nhanh và di căn sớm hơn các con chuột khác.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa chúng ta cần phải loại bỏ đường hoàn toàn mà chỉ nên nạp đủ lượng cần thiết và tránh các thực phẩm chứa đường tinh luyện như bánh ngọt, kẹo, thực phẩm chế biến sẵn, các loại hoa quả sấy khô, trái cây nhiều dường như mít, chuối…
Tránh các thực phẩm nhiều đường
Thức ăn chưa được nấu chín
Sức đề kháng của người bệnh ung thư vú rất yếu. Hơn nữa các đợt điều trị làm giảm mạnh số lượng bạch cầu trong cơ thể. Trong các thực phẩm sống, không đảm bảo vệ sinh có thể có nhiều vi khuẩn, sán cư ngụ nên khi ăn sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hơn. Do đó hãy nấu chín các thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp trước khi ăn.
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết sẽ giúp người bệnh ung thư vú xây dựng được cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất. Việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vú cũng rất quan trọng trong điều trị bệnh, giúp bệnh nhân mau hồi phục.