Vắc xin dại tế bào dùng cho người là một chế phẩm đông khô hoặc dạng lỏng được sản xuất từ chủng virus dại cố định phù hợp, phát triển trên nuôi cấy tế bào và được bất hoạt bằng phương pháp đã được thẩm định, vắc xin được hồi chỉnh ngay trước khi sử dụng như quy định ghi trên nhãn lọ để tạo ra một dung dịch trong suốt, có thể có màu sắc tùy theo chỉ thị pH có mặt trong vắc xin.
Vắc xin dại tế bào phải đáp ứng các yêu cầu chung của vắc xin dùng cho người.
Sản xuất
Sản xuất vắc xin dại tế bào dựa trên hệ thống chủng virus giống và hệ thống ngân hàng tế bào được sử dụng để virus dại nhân lên. Quy trình sản xuất phải có được hiệu suất vắc xin ổn định, đạt các yêu cầu về tính sinh miễn dịch, tính an toàn và ổn định.
Xem thêm: VẮC XIN BCG (Vaccinum BCG cryodessicatum) – Dược điển Việt Nam 5
Hệ thống tế bào cho virus nhân lên
Virus dại có thể nhân lên trên tế bào lưỡng bội người, tế bào phổi gà, tế bào Vero hoặc tế bào trứng chuột đất vàng Trung Quốc (CHO – Chinese Hamstcr Ovary).
Chủng virus giống gốc
Chủng virus dại được sử dụng để sản xuất phải có hồ sơ chi tiết, trong đó ghi rõ nguổn gốc chủng và các đời cấy chuyển.
Chủng virus sản xuất được cấy chuyển không quá 5 lần từ chủng giống gốc và chỉ các loạt chủng virus sản xuất đạt các yêu cầu sau đây mới tiếp tục được sử dụng để sản xuất vắc xin.
Nhận dạng: Mỗi loạt chủng virus sản xuất phải được xác định là virus dại bằng kháng thể đặc hiệu với virus dại.
Hiệu giá virus: Nồng độ của mỗi loạt chủng virus sản xuất được xác định bằng phương pháp tiêm truyền trên não chuột hoặc bằng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang trên nuôi cấy tế bào để đảm bảo tính ổn định của quy trình sản xuất.
Vô khuẩn: Loạt chủng virus sản xuất phải đạt được yêu cầu về vô khuẩn (Phụ lục 15.7).
Nuôi cấy virus và thu hoạch
Toàn bộ quy trình lưu giữ ngân hàng tế bào và cấy chuyển tế bào đểu phải được thực hiện trong điều kiện vô khuẩn, không có mặt của các tế bào khác loại. Huyết thanh động vật (không được dùng huyết thanh người) được phép sử dụng trong môi trường nuôi cấy, nhưng trong môi trường cuối cùng để duy trì tế bào phát triển giúp virus nhân lên không được chứa huyết thanh động vật, môi trường này có thể chứa albumin huyết thanh người. Huyết thanh và trypsin dùng để tách tế bào và dùng trong môi trường nuôi cấy không được có mặt các tác nhân gây nhiễm ngoại lai. Môi trường nuôi cấy tế bào phải có chỉ thị pH như đỏ phenol và kháng sinh được phép sử dụng với nồng độ thấp nhất vẫn có được hiệu quả. Khoảng 10 % số lượng tế bào nuôi cấy dùng cho sản xuất được để lại không gây nhiễm, đây là các tế bào chứng. Hỗn dịch virus được thu hoạch một hoặc nhiều lần trong quá trình nuôi cấy. Nhiều lần thu hoạch từ cùng một loạt nuôi cấy sản xuất có thể trộn lại với nhau và được xem như một mẻ gặt đơn.
Một mẻ gặt đơn phải đạt các yêu cầu sau đây mới được sử dụng để tiến hành bước bất hoạt virus.
Nhận dạng: Mẻ gặt đơn có chứa virus phải được xác định là virus dại bằng kháng thế đặc hiệu.
Hiệu giá virus: Hiệu giá virus được xác định bằng nhiều phương pháp: Tiêm truyền trên não chuột nhắt trắng, kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang trên nuôi cấy tế bào hoặc bằng kỹ thuật ELISA. Hiệu giá được sử dụng như một chỉ số theo dõi tính ổn định của quy trình sản xuất.
Tế bào chứng: Tế bào chứng của mỗi loạt nuôi cấy tế bào sản xuất phải đạt yêu cầu về thử nghiệm nhận dạng và không có mặt các tác nhân ngoại lai.
Tinh chế và bất hoạt
Mẻ gặt virus có thể được cô đặc và tinh chế các phương pháp phù hợp; mỗi mẻ gặt virus được bất hoạt bằng phương pháp đã được thẩm định tại một giai đoạn ấn định của quy trình sản xuất. Phương pháp bất hoạt phải đảm bảo virus dại bị bất hoạt hoàn toàn mà không làm mất đi hoạt tính sinh miễn dịch của nó. Nếu sử dụng beta-propiolacton để bất hoạt, nồng độ không được vượt quá 1:3500.
Một hỗn dịch virus sau bất hoạt phải đạt được yêu cầu sau đây mới được sử dụng để sản xuất vắc xin bán thành phẩm:
An toàn đặc hiệu:
Xác định sự có mặt của các virus dại còn khả năng gây nhiễm trong các mẫu sau khi bất hoạt bằng thử nghiệm an toàn đặc hiệu trên chuột nhắt trắng. Chuột phải khoẻ mạnh và tăng cân bình thường sau thời gian theo dõi 14 ngày.
Động vật thí nghiệm: Sử dụng ít nhất 10 chuột nhắt trắng 4 tuần tuổi có khối lượng từ 11 g đến 13 g. Lựa chọn những chuột khoẻ mạnh, không có biểu hiện bệnh lý và tăng cân bình thường trong thời gian cách ly ít nhất là 5 ngày trước khi tiến hành thử nghiệm.
Cách tiến hành: Mẫu thử nghiệm không pha loãng được tiêm vào não với liều 0,03 ml cho mỗi chuột.
Theo dõi và đọc kết quả: Toàn bộ chuột thử nghiệm phải được theo dõi và cân hàng ngày trước và sau khi tiêm. Thời gian theo dõi sau tiêm là 14 ngày. Trong suốt thời gian theo dõi, chuột phải khoẻ mạnh, tăng cân và không được có các triệu chứng bất thường.
Kiểm định vắc xin bán thành phẩm cuối cùng
Vắc xin bán thành phẩm cuối cùng được sản xuất từ một hay nhiều hỗn dịch virus dại bất hoạt. Chất ổn định được phép sử dụng có thể được thêm vào để duy trì hoạt tính của sản phẩm trong và sau khi đông khô. Một loạt vắc xin bán thành phẩm cuối cùng phải đạt được các yêu cầu sau đây mới được sử dụng để sản xuất vắc xin thành phẩm.
Hàm lượng glycoprotein
Hàm lượng glycoprotein được xác định bằng phương pháp hóa miễn dịch phù hợp như thử nghiệm khuếch tán miễn dịch đơn, kỹ thuật ELISA hoặc thử nghiệm gắn kháng thể. Hàm lượng glycoprotein nằm trong giới hạn cho phép tùy thuộc vào từng nhà sản xuất.
Vô khuẩn
Đạt vô khuẩn (Phụ lục 15.7).
Kiểm định vắc xin thành phẩm
Vắc xin thành phẩm được đóng vào các lọ vô trùng và được đông khô để duy trì tính ổn định của vắc xin. Lọ vắc xin được đóng chặt để tránh nhiễm khuẩn và hơi ẩm.
Một loạt vắc xin thành phẩm phải đạt được các yêu cầu dưới đây mới được xuất xưởng:
Nhận dạng
Trong vắc xin phải chứa kháng nguyên của virus dại và được xác định bằng phương pháp hóa miễn dịch phù hợp với kháng thể đặc hiệu, tốt nhất là kháng thể đơn dòng.
An toàn đặc hiệu
Xác định sự có mặt của các virus dại còn khả năng gây nhiễm trong các mẫu sau khi bất hoạt bằng thử nghiệm an toàn đặc hiệu trên chuột nhắt trắng. Trong trường hợp thử nghiệm an toàn đặc hiệu trên chuột đã được thực hiện với hỗn dịch virus bất hoạt đạt yêu cầu thì có thể không cần tiến hành lại thử nghiệm này đối với vắc xin thành phẩm.
Vô khuẩn
Vắc xin dại phải đạt được yêu cầu về vô khuẩn (Phụ lục 15.7).
Chất gây sốt
Vắc xin phải đạt yêu cầu về chất gây sổt. Thử nghiệm được thực hiện bằng cách tiêm cho mỗi thỏ 1 liều đơn vắc xin dùng cho người và được pha loãng 10 lần (Phụ lục 15.12).
An toàn chung
Vắc xin phải đạt yêu cầu về an toàn khi thử nghiệm trên chuột lang và chuột nhắt. Chuột khỏe mạnh và tăng trọng bình thường sau 7 ngày theo dõi (Phụ lục 15.11)
Độ ẩm tồn dư
Phụ lục 15.35.
Công hiệu
Phải kiểm tra công hiệu đối với tất cả các lô vắc xin thành phẩm. Thực hiện theo phương pháp N.I.H. (Phụ lục 15.31).
Thử nghiệm có giá trị khi:
ED50 của vắc xin mẫu chuẩn và vắc xin mẫu thử đều nằm trong khoảng giữa liều tiêm lớn nhất và nhỏ nhất.
Phân tích thống kê cho thấy đạt yêu cầu về tuyến tính và song song.
Giới hạn độ tin cậy của công hiệu tương quan nằm trong khoảng 25 % đến 400 %.
Tiêu chuẩn: LD50 của chủng thử thách (CVS – Challenge virus strain) phải nằm trong khoảng 10-100 LD50/0,03 ml.
Công hiệu của vắc xin phải không nhỏ hơn 2,5 IU/liều tiêm cho người.
Sản xuất chủng virus thử thách (CVS): Tiêm chủng CVS vào não chuột nhắt trắng, khối lượng từ 11 g đến 13 g, khi chuột có biểu hiện của nhiễm virus dại, nhưng trước khi chúng bị chết, tiến hành giết chuột và gặt não. Não chuột được nghiền nát và pha trong dung dịch phù hợp để có nồng độ cuối là 20 %. Chia hỗn dịch này thành các phần nhỏ trong các lọ, đậy kín và bảo quản ở nhiệt độ dưới âm 60 °C (-60 °C).
Chuẩn độ chủng CVS: Làm tan băng 1 lọ chủng thử thách, pha loãng chủng ở các độ pha phù hợp. Mỗi độ pha của chủng CVS được tiêm vào não cho 10 chuột với liều 0,03 ml/chuột. Theo dõi chuột trong vòng 14 ngày sau tiêm. Tính LD50 của chủng CVS theo công thức Reed – Muench dựa vào số chuột liệt hoặc chết, chỉ những chuột liệt hoặc chết sau ngày thứ 5 mới được tính.
Chất hấp phụ
Nếu chất hấp phụ được thêm vào vắc xin thì hàm lượng chất hấp phụ được xác định bằng phương pháp đã được phê duyệt.
Tiêu chuẩn: Theo qui định hiện hành.
Chất bảo quản
Nếu chất bảo quản được thêm vào vắc xin thì hàm lượng chất bảo quản được xác định bằng phương pháp đã được phê duyệt.
Tiêu chuẩn: Theo qui định hiện hành.
Đóng gói, bảo quản
Đóng gói: Bao gồm 1 lọ vắc xin đông khô và 1 lọ nước hồi chỉnh.
Vắc xin dại tế bào được đóng dạng đông khô trong lọ thủy tinh trung tính.
Bảo quản: vắc xin dại phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 °C đến 8 °C.
Nhãn
Những thông tin đối với nhãn, hộp, tờ hướng dẫn sử dụng phải đáp ứng những yêu cầu của các quy định hiện hành.
Xem thêm: VẮC XIN HAEMOPHILUS INFLUENZAE TYP b CỘNG HỢP – Dược điển Việt Nam V
Chỉ định, liều dùng
Dùng bơm tiêm hút toàn bộ nước hồi chỉnh cho vào lọ vắc xin đông khô, lắc thật kỹ cho đến khi tan hoàn toàn, vắc xin phải được tiêm ngay sau khi đã hồi chỉnh, bơm kim tiêm phải được hủy bỏ ngay sau khi tiêm vắc xin. Tiêm bắp vùng cơ delta, đối với trẻ em nên tiêm bắp đùi tốt hơn. Không tiêm vào những vùng có nhiều tổ chức lỏng lẻo dưới da.
Lịch tiêm vắc xin dại phụ thuộc vào từng đối tượng khác nhau. Có 3 nhóm đối tượng chính:
Tiêm dự phòng các đối tượng có nguy cơ cao (tiếp xúc với virus dại):
Tiêm 3 mũi cơ bản vào các ngày: 0, 7, 28.
Mũi tăng cường: sau 1 năm.
Cứ sau 5 năm, nhắc lại 1 lần.
Lịch tiêm vào ngày 28 có thể thay thế bằng lịch tiêm vào ngày 21.
Tiêm điều trị các đối tượng nghỉ ngờ hoặc chắc chắn bị nhiễm virus dại (chó cắn):
Nếu đối tượng bị cắn chưa có miễn dịch với virus dại
Liều tiêm 0,5 ml, giống nhau giữa người lớn và trẻ em.
Tiêm 5 mũi: lịch tiêm vào các ngày 0, 3, 7, 14, 28.
Trong trường hợp có nhiều vết cắn hoặc cào xước, nhiều nước bọt… thì phải tiêm thêm globulin miễn dịch dại ngay vào ngày 0 với liều lượng:
Globulin miễn dịch dại người: 20 IU/kg cân nặng.
Globulin miễn dịch dại ngựa: 40 IU/kg cân nặng.
Vắc xin nên tiêm vào các vị trí đối diện với vị trí tiêm globulin miễn dịch.
Trong các trường hợp nặng, ví dụ do vết cắn rộng hoặc vết cắn gần thần kinh trung ương, thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể tiêm liền 2 mũi vắc xin trong cùng một ngày 0.
Nếu đối tượng bị cắn đã có miễn dịch với virus dại:
Trường hợp đã tiêm vắc xin trong vòng 5 năm: Tiêm tiếp 2 mũi vắc xin vào các ngày 0, 3.
Trường hợp đã tiêm vắc xin trên 5 năm hoặc tiêm nhưng không đầy đủ liệu trình: Nên áp dụng liệu trình tiêm giống như các đối tượng chưa có miễn dịch với virus dại.