VẮC XIN THỦY ĐẬU (Vaccinum varicella vivum) – Dược điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
VẮC XIN THỦY ĐẬU

Vắc xin thủy đậu là chế phẩm đông khô được sản xuất từ chủng virus thủy đậu sống giảm độc lực, phát triển trên tế bào lưỡng bội người, vắc xin được hồi chỉnh với dung dịch hồi chỉnh ngay trước khi dùng tạo thành dung dịch trong, cho màu khi có mặt chỉ thị pH.
Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu dưới đây.

Sản xuất

Sản xuất vắc xin dựa trên hệ thống chủng giống gốc virus và hệ thống ngân hàng tế bào. Phương pháp sản xuất phải cho thấy hiệu suất vắc xin thủy đậu sống giảm độc lực ổn định về tính sinh miễn dịch và tính an toàn cho người sử dụng. Virus trong vắc xin thành phẩm sẽ không được cấy chuyển trên tế bào vượt quá đời thứ 38 tính từ đời virus gốc.

Xem thêm: VẮC XIN THƯƠNG HÀN UỐNG (Vaccinum febris typhoidi perorale vivum) – Dược điển Việt Nam 5

Chủng sản xuất

Chủng virus thủy đậu sẽ được nhận dạng là chủng Oka thông qua hồ sơ bao gồm thông tin về nguồn gốc của chủng, phương pháp giảm độc lực và đời cấy chuyển đã được đánh giá trên lâm sàng là đã giảm độc và có hiệu quả. Các lô chủng phải được sản xuất trên cùng một loại tế bào sử dụng để sản xuất vắc xin thành phẩm. Chủng được bảo quản ở nhiệt độ dưới âm 20°C (-20°C) nếu ở dạng đông khô hoặc dưới âm 60°C (-60°C) nếu không ở dạng đông khô.
Chỉ có những lô chủng virus đạt những yêu cầu sau đây mới được sử dụng để sản xuất.
Nhận dạng: Lô chủng giống gốc và chủng sản xuất được nhận dạng là virus thủy đậu bởi phương pháp trung hòa huyết thanh trên tế bào, sử dụng kháng thể đặc hiệu.
Nồng độ virus: Nồng độ virus của lô chủng sản xuất và lô chủng giống gốc được xác định theo quy định để đảm bảo tính ổn định của sản xuất.
Tác nhân ngoại lai: Lô chủng sản xuất phải tuân thủ những yêu cầu đối với chủng vắc xin virus sống.

Lựa chọn tế bào cho sản xuất

Dòng tế bào dùng cho sản xuất vắc xin thủy đậu phải dựa trên hệ thống ngân hàng tế bào. Tế bào có nguồn gốc từ người được bảo quản ở âm 70°C (-70 °C) hoặc trong nitrogen lỏng. Cơ quan kiểm định quốc gia phải phê chuẩn ngân hàng tế bào gốc và số lượng tối đa số đời cấy chuyển đã được thiết lập.

Môi trường nuôi cấy tế bào

Huyết thanh sử dụng cho nuôi cấy tế bào phải không nhiễm vi khuẩn, nấm, Mycoplasma và các virus, tác nhân ngoại lai khác.
Penicilin và các beta-lactam khác không được sử dụng trong bất cứ giai đoạn sản xuất nào.
Các kháng sinh khác có thể được sử dụng ở các giai đoạn sản xuất nhưng phải được cơ quan kiểm định quốc gia chấp nhận.

Các mẻ gặt đơn

Trước khi cấy lô chủng virus, tế bào phải được kiểm tra xem có bị hủy hoại do các tác nhân gây nhiễm không. Nếu có bằng chứng của bất kỳ một tác nhân ngoại lai nào thì toàn bộ nhóm tế bào liên quan sẽ không được sử dụng để sản xuất vắc xin.
Sau khi cấy virus, tế bào được ủ ở điều kiện nhiệt độ thích hợp. Nếu huyết thanh động vật được sử dụng trong môi trường phát triển hoặc môi trường duy trì để nuôi cấy tế bào thì huyết thanh phải được loại bỏ khỏi tế bào trước hoặc sau khi cấy virus nhưng phải trước khi tiến hành thu hoạch virus, tế bào nuôi cấy phải được rửa và môi trường phát triển phải được thay thế bằng môi trường duy trì không có huyết thanh.
Các tế bào nuôi đã được gây nhiễm từ mẻ gặt đơn sẽ được làm sạch và hộn lại. Hỗn dịch tế bào được xử lý bằng sóng siêu âm hoặc là các phương pháp thích hợp khác.

Mẻ hộn virus

Mẻ hộn virus được điều chế từ một hoặc vài mẻ gặt đơn đạt tiêu chuẩn. Mẻ hộn virus phải được kiểm tra tính vô khuẩn. Những mẫu chưa kiểm tra được ngay phải bảo quản ở âm 60°C (-60°C).
Mẻ hộn virus được tinh sạch bằng phương pháp thích hợp và loại được tối đa các mảnh vỡ tế bào. Số lượng virus sống phải được xác định bằng phương pháp chuẩn độ trên tế bào có đối chiếu với mẫu chuẩn virus thủy đậu sống.

Kiểm định vắc xin bán thành phẩm cuối cùng

Bán thành phẩm được sản xuất bằng cách trộn các mẻ hỗn dịch virus. Chỉ những chất bảo quản, tá chất hoặc dung dịch được cơ quan kiểm định quốc gia phê chuẩn mới được cho vào bán thành phẩm. Những chất này phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tính an toàn và hiệu lực của sản phẩm.

Vô khuẩn

Đạt yêu cầu về vô khuẩn (Phụ lục 15.7).
Nếu vắc xin có chứa chất bảo quản, phải tiến hành phương pháp thích hợp để ngăn chặn các yêu tố gây nhiễu đối với thử nghiệm vô khuẩn.

Kiểm định vắc xin thành phẩm

Cảm quan

Mỗi loạt vắc xin thành phẩm sau khi sản xuất phải được kiểm tra bằng cảm quan để đảm bảo các lọ hay ống vắc xin trước khi xuất xưởng đều phải đạt yêu cầu về cảm quan như: không có vật lạ trong lọ vắc xin; nắp hay nút phải chặt và đảm bảo tính nguyên vẹn. Nếu ống hay lọ vắc xin nào không đạt yêu cầu cần được loại bỏ.

Nhận dạng

Kiểm tra nhận dạng được thực hiện trên ít nhất 1 lọ thành phẩm từ mỗi lô thành phẩm cuối cùng bằng phưong pháp thích hợp do cơ quan kiểm định quốc gia phê chuẩn.
Nhận dạng kháng nguyên trong vắc xin được xác định bằng phương pháp trung hòa huyết thanh trên tế bào với kháng thể đặc hiệu, hoặc sử dụng huyết thanh miễn dịch đặc hiệu.

Công hiệu

Sử dụng phương pháp có độ chính xác cao để xác định hàm lượng virus. Dùng mẫu chuẩn virus thủy đậu phù hợp để thẩm định quy trình.
Tiêu chuẩn chấp thuận: Hàm lượng virus không ít hơn 2,0 x 103 PFU/liều đơn ở người.
Đối với tính ổn định nhiệt cùng cần được cơ quan kiểm định quốc gia xem xét như một yếu tố trong việc thiết lập tính ổn định của quá trình sản xuất.

An toàn chung

Đạt yêu cầu về an toàn chung (Phụ lục 15.11).

Vô khuẩn

Đạt yêu cầu về vô khuẩn (Phụ lục 15.7).

Độ ẩm

Không được quá 2,0 % (Phụ lục 15.35).

Độ ẩm tồn dư trong mẫu phải được xác định bằng phương pháp thích hợp do cơ quan kiểm định quốc gia phê chuẩn.

Hàm lượng protein huyết thanh động vật tồn dư

Nếu huyết thanh được sử dụng trong nuôi cấy tế bào thì hàm lượng albumin huyết thanh tồn dư phải ít hơn 50 ng/liều đơn ở người.

Bảo quản

Vắc xin thủy đậu nên đóng liều đơn ở dạng đông khô và được bảo quản ở nhiệt độ 2°C đến 8°C.
Nếu sử dụng trong điều kiện bảo quản khác thì phải được thẩm định đầy đủ và được phê chuẩn bởi cơ quan kiểm định quốc gia.

Xem thêm: VẮC XIN THƯƠNG HÀN Vi POLYSACCHARID (Vaccinum Vi polysacaridi typhoidi) – Dược điển Việt Nam 5

Hạn dùng

Hạn sử dụng phải được phê chuẩn của cơ quan kiểm định quốc gia.

Nhãn

Những thông tin đối với nhãn, hộp, tờ hướng dẫn sử dụng phải đáp ứng theo yêu cầu của các quy định hiện hành và cần có các thông tin như sau:
Chủng virus sử dụng sản xuất vắc xin;
Tên tế bào dùng sản xuất vắc xin;
Nồng độ thấp nhất của virus;
Thời gian hoàn nguyên và thời gian sử dụng vắc xin sau khi hoàn nguyên;
Khuyến cáo với phụ nữ có thai;
Tránh tiếp xúc với chất tẩy rửa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *