Phân biệt vàng da sinh lý – vàng da bệnh lý

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Phân biệt vàng da ở trẻ sơ sinh

Phân biệt vàng da ở trẻ sơ sinh

Cách nhận biết vàng da sơ sinh sinh lý và bệnh lý là một vấn đề sức khỏe ở trẻ nhỏ được rất nhiều ba mẹ quan tâm hiện nay. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam làm rõ vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Làm sao để biết trẻ bị vàng da?

Hiện tượng vàng da sơ sinh rất dễ nhận biết thông qua việc quan sát bằng mắt thường dưới ánh sáng tự nhiên. Vì vậy, để kiểm tra xem em bé nhà mình có đang mắc phải vàng da sơ sinh hay không, bố mẹ nên nhìn trẻ bằng ánh sáng tự nhiên của mặt trời, không nên nằm phòng tối và quan sát trẻ bằng ánh sáng đèn sẽ rất khó phát hiện.

Cách tốt nhất là nên quan sát da của trẻ vào mỗi buổi sáng trong khoảng 1 tuần sau khi sinh để phát hiện mức độ vàng da. Mẹ có thể dùng đầu ngón tay ấn nhẹ lên da trẻ khoảng 2 giây sau đó buông ra. Nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Đối với những trường hợp nặng vàng da sẽ biểu hiện rõ rệt sau 1 – 2 ngày tuổi, vàng da tăng nhanh mỗi ngày và xuất hiện ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể trẻ.

Cách nhận biết trẻ bị vàng da

Cách nhận biết trẻ bị vàng da

2. Phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và bệnh lý

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, vàng da sơ sinh được chia thành 2 nhóm là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý.

Phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và bệnh lý

Phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và bệnh lý

Vàng da sinh lý

– Vàng da sinh lý có thể mức độ nhẹ, thường gặp sau khi trẻ sinh được 24 giờ và sẽ tự mất đi trong một thời gian ngắn. Thông thường, tình trạng này sẽ biến mất sau khoảng 1 tuần đối với trẻ đẻ đủ tháng và ít nhất 2 tuần với trẻ sinh thiếu tháng.

– Biểu hiện:

+ Trẻ em bị vàng da sinh lý chỉ xuất hiện các biểu hiện vàng da đơn thuần, mức độ ít mà không kèm theo triệu chứng nào bất thường khác như thiếu máu, bỏ bú, lừ đừ, gan lách to,…

+ Nước tiểu của bé có màu vàng hoặc sẫm vàng.

+ Theo quy định, nồng độ Bilirubin trong máu đối với trẻ sơ sinh đủ tháng là dưới 12mg và đối với trẻ thiếu tháng không vượt quá 14mg. Đồng thời, tốc độ tăng Bilirubin trong máu phải dưới ngưỡng 5mg/24giờ.

– Nguyên nhân gây hiện tượng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh:

+ Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được giải thích là do sự tích tụ quá mức của Bilirubin – chất có màu vàng cam được sản sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ giải phóng hay còn gọi là sắc tố mật.

+ Đây là hiện tượng này xảy ra rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Ở trẻ sơ sinh có lượng tế bào hồng cầu rất cao và các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ, thay bằng tế bào mới. Trong khi đó, gan của trẻ lại chưa đủ trưởng thành, hoạt động của gan chưa được hoàn thiện để đào thải hết Bilirubin khỏi máu vì vậy gây nên hiện tượng vàng da.

+ Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần tuổi, gan của trẻ sẽ phát triển và các chức năng mà gan đảm nhiệm sẽ được hoạt động đảm bảo xử lý được lượng Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào. Do vậy, nếu trẻ bị vàng da sinh lý thì bố mẹ hoàn toàn yên tâm, không cần can thiệp y khoa.

Vàng da bệnh lý

– Trong một vài trường hợp khác, vàng da sơ sinh có thể là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó trong vòng 24 giờ sau sinh.

– Một số biểu hiện để bố mẹ nhận biết trẻ bị mắc vàng da do bệnh lý như:

+ Biểu hiện của vàng da bệnh lý là vàng da với mức độ đậm hơn và xuất hiện sớm.

+ Vàng da sinh lý kéo dài, không thể tự khỏi sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và khoảng 2 tuần đối với trẻ sinh thiếu tháng.

+ Đồng thời, mức độ vàng da cùng rộng hơn vàng da sinh lý. Trẻ có thể bị vàng da toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân, thậm chí cả kết mạc mắt. Bên cạnh vàng da, trẻ còn có còn các biểu hiện bất thường khác kèm theo như trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật,…

+ Xét nghiệm Bilirubin trong máu trẻ tăng cao bất thường.

– Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vàng da sơ sinh này thường liên quan đến yếu tố bệnh lý như:

+ Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con (ABO, Rh).

+ Bệnh lý tan máu (thiếu men G6PD, nhiễm trùng, hồng cầu hình liềm), xuất huyết dưới da, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật), chậm đi phân su, nhiễm virus bào thai.

– Bệnh vàng da sơ sinh bệnh lý thường có 2 mức độ:

+ Mức độ nhẹ: Ở mức độ này da bé chỉ hơi vàng so với bình thường, vàng da xuất hiện ở mặt và thân mình. Bé không có biểu hiện quấy khóc và vẫn bú sữa bình thường.

+ Mức độ nặng: Lúc này da vàng sậm, lan rộng xuống các chi và toàn cơ thể. Trẻ bú ít và có thể bỏ bú. Nếu trẻ bị vàng cả chân và tay thì lúc này bệnh đã chuyển biến xấu, tiên lượng nặng và có thể dẫn đến tử vong.

– Không giống với vàng da sinh lý có thể tự khỏi, vàng da bệnh lý không thể tự khỏi nếu như không có các can thiệp y khoa. Nếu không phát hiện sớm và điều trị có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thâm nhập vào não gây nhiễm độc thần kinh, thậm chí trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị hại não suốt đời.

3. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc vàng da sơ sinh cao

Vàng da sơ sinh là hiện tượng có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, tuy nhiên nhóm đối tượng sau thường có khả năng mắc vàng da sơ sinh cao hơn so với những trẻ khác:

– Không cùng nhóm máu với mẹ: Nếu trẻ và mẹ không có cùng một nhóm máu thì rất có thể trẻ sẽ có nguy cơ bị vàng da. Nguyên nhân được giải thích là do các kháng thể từ mẹ có thể thông qua nhau thai xâm nhập vào máu của trẻ làm cho các tế bào hồng cầu bị phá vỡ nhanh hơn bình thường. Khi bị vỡ, tế bào hồng cầu phóng thích vào máu một lượng lớn chất Bilirubin. Chính sự gia tăng của Bilirubin trong máu khiến cho làn da trẻ có màu vàng.

– Người mẹ bị thiếu hụt enzym glucose-6-phosphate dehydrogenase cũng làm tăng nguy cơ sinh con bị vàng da.

– Trẻ sinh non: Đối với trẻ sinh non khi chưa đủ tuần thường có nguy cơ bị vàng da rất cao. Lúc này chức năng gan của trẻ sinh non chưa hoàn thiện so với trẻ sinh đủ tháng nên việc loại bỏ Bilirubin sẽ chậm hơn.

– Trẻ bú mẹ muộn: Theo các nhà khoa học, với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ngay trong vài giờ đầu sau sinh sẽ làm giảm nguy cơ bị vàng da hơn so với trẻ bú mẹ muộn. Sữa mẹ được cho là có khả năng giúp đào thải nhanh Bilirubin qua đường tiêu hoá. Vì vậy, việc cho trẻ bú sữa mẹ sớm và thường xuyên vừa làm giảm nguy cơ vàng da sơ sinh, vừa cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan chức năng của bé, đặc biệt là gan.

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc vàng da sơ sinh

Đối tượng có nguy cơ cao bị vàng da sơ sinh

4. Tắm nắng có thể điều trị vàng da sơ sinh hay không?

Việc cho trẻ tắm nắng trong điều trị vàng da sơ sinh có thực sự hiệu quả? – Đây là câu hỏi chung của rất nhiều mẹ khi có con bị vàng da sơ sinh. Theo các chuyên gia, việc cho trẻ tắm nắng là việc mẹ nên làm cho con. Tuy nhiên, tắm nắng cho trẻ phải thực hiện đúng cách và thời gian phù hợp. Thông thường, các chuyên gia khuyên rằng nên cho bé tắm nắng mỗi ngày trong thời gian 30 phút đến 1 giờ vào buổi sáng ( 7 giờ đến 7 giờ 30 phút). Việc làm này có thể giúp hỗ trợ điều trị vàng da sinh lý ở trẻ và cung cấp vitamin D.

Tuy nhiên, việc tắm nắng không thể điều trị được tình trạng vàng da sơ sinh bệnh lý, do cường độ ánh sáng của nắng sớm quá yếu và không thể để trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài. Lúc này, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh và bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.

Tắm nắng có điều trị được vàng da sơ sinh hay không?

Tắm nắng có điều trị được vàng da sơ sinh hay không?

Mong rằng với những gì chúng tôi chia sẻ đã giúp bạn đọc phần nào hiểu được sự khác nhau giữa vàng da sơ sinh sinh ý và bệnh lý. Trong quá trình tìm hiểu còn vấn đề gì băn khoăn hãy liên hệ ngay chúng tôi theo số hotline để được giải đáp cụ thể hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *