Vàng da sơ sinh
Vàng da sơ sinh là tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh với mức độ và nguyên nhân khác nhau, khiến cho nhiều mẹ lo lắng. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu chi tiết vấn đề này trong bài viết sau nhé.
1. Vàng da sơ sinh là gì?
Vàng da sơ sinh còn được gọi là hoàng đản. Đây được hiểu là tình trạng nồng độ bilirubin (sắc tố mật) trong máu tăng lên quá cao, vượt quá 17mmol/L. Vì vậy, lượng sắc tố mật này sẽ thấm vào da và các tổ chức liên kết gây ra hiện tượng vàng da. Vàng da sơ sinh là bệnh xảy ra ở 25 – 30% với trẻ đủ tháng và rất hay gặp ở trẻ sinh thiếu tháng.
Thông thường, vàng da ở trẻ sơ sinh được xem là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, xuất hiện trong khoảng thời gian 24h sau sinh và thường tự hết sau 1 tuần (đối với trẻ đủ tháng) hay xấp xỉ 2 tuần đối với trẻ sinh thiếu tháng (< 36 tuần tuổi).
Vàng da sơ sinh thường ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) nhưng cũng có thể tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có nguy cơ sẽ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Vàng da ở trẻ sơ sinh
2. Cách nhận biết trẻ bị vàng da sơ sinh
Theo các chuyên gia, thường thì dấu hiệu của trẻ sơ sinh vàng da sẽ xuất hiện từ ngày thứ hai hoặc thứ tư sau khi trẻ chào đời. Để đánh giá và xác định mức độ vàng da ở trẻ sơ sinh nên quan sát dưới ánh sáng tự nhiên là cách tốt nhất.
Nên kiểm tra bằng cách dùng ngón tay nhấn nhẹ nhàng lên trán của bé hoặc mũi khoảng 2 giây sau đó thả ra. Nếu da trẻ có màu vàng tại vị trí ép thì khả năng cao trẻ bị vàng da. Ngược lại, nếu sau khi ép vùng da của em bé không xuất hiện màu vàng, màu da chỉ hơi nhẹ so với màu sắc bình thường thì da của trẻ bình thường.
Vàng da sơ sinh thường sẽ nhận thấy đầu tiên trên mặt của bé. Nếu tình trạng tiến triển, vàng da có thể xuất hiện màu vàng trong mắt, ngực, bụng, cánh tay và chân.
Dấu hiệu nhận biết vàng da ở trẻ sơ sinh
3. Nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da sơ sinh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Tăng sản xuất bilirubin
Như chúng ta đã biết, Bilirubin là sắc tố có màu vàng cam, hình thành trong quá trình phá vỡ hồng cầu. Trong lúc này, chức năng gan của bé chưa hoàn thiện, dẫn đến việc gan không thể lọc thải hết Bilirubin ra khỏi máu và làm tăng nồng độ Bilirubin trong máu. Việc dư thừa này là nguyên nhân chính gây ra vàng da. Một số nguyên nhân gây tăng sản xuất bilirubin trong máu trẻ có thể kể đến như:
– Bất đồng nhóm máu mẹ và con: Khi có sự bất đồng giữa nhóm máu mẹ và con sẽ dẫn đến hệ thống miễn dịch của mẹ hình thành các kháng thể gây phá hủy hồng cầu của con. Thường gặp là bất đồng nhóm máu mẹ – con trong hệ ABO (mẹ nhóm máu O sinh ra con nhóm máu A hoặc B) hay bất đồng nhóm máu mẹ – con hệ Rh (mẹ có nhóm máu Rh-, sinh con có nhóm máu Rh+).
– Bệnh lý tại hồng cầu làm cho hồng cầu dễ vỡ: Chẳng hạn như trẻ bị bệnh lý màng hồng cầu, thiếu men G6PD, Thalassemia,…
– Vết bầm máu to ở trẻ khi sinh: Với những trẻ sơ sinh bị vết bầm tím thường sẽ có mức độ Bilirubin cao hơn do sự phân hủy của các tế bào máu đỏ.
– Sinh non: Em bé sinh ra khi chưa đủ 36 tuần tuổi có khả năng cao bị vàng da sơ sinh. Nguyên nhân là do gan không thể xử lý nhanh Bilirubin như trẻ sơ sinh đủ tháng.
Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin
Khi trẻ bị mắc một trong số các bệnh lý như: Hội chứng Crigler – Najjar, hội chứng Gilbert, trẻ sinh non, thiếu hụt hormone, mẹ bị chứng đái tháo đường thai kỳ, bệnh lý chuyển hóa di truyền (galactosemia, rối loạn chuyển hóa tyrosin, methionin, suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu α1-antitrypsin,…) cũng có thể dẫn đến tình trạng vàng da.
Tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột (tăng chu trình ruột gan)
Những trẻ sinh ra bị hẹp môn vị, tắc ruột non, sử dụng thuốc gây liệt ruột, phình đại tràng bẩm sinh, tắc ruột phân su,… đều có nguy cơ làm tăng khả năng tái hấp thu bilirubin từ ruột và dẫn tới vàng da.
Vàng da sữa mẹ
Thông thường, trong những ngày đầu tiên sau khi sinh ra, một số trẻ sẽ gặp khó khăn khi bú mẹ hoặc sữa mẹ chưa tiết đủ cho trẻ bú. Do đó, dẫn đến việc trẻ mất nước, thiếu năng lượng và làm tăng mức độ tái hấp thu bilirubin từ ruột gây vàng da.
Để khắc phục tình trạng này, cách đơn giản là mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn và đồng thời theo dõi mọi hoạt động của trẻ.
Nguyên nhân gây vàng da sơ sinh
4. Phương pháp tối ưu nhất điều trị vàng da sơ sinh
Đối với những trẻ được bác sĩ chẩn đoán là bị vàng da sinh lý mức độ nhẹ thì cách khắc phục vô cùng đơn giản. Mẹ chỉ cần cho bé tắm nắng vào mỗi sáng khoảng 7 – 7 giờ 30 phút. Các mẹ đặt bé ở gần cửa sổ – nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, trong khoảng 1 – 2 tuần thì vàng da sinh lý sẽ tự khỏi. Việc phơi nắng này không chỉ giúp bé nhanh hết vàng da mà còn góp phần hỗ trợ tổng hợp vitamin D, chống còi xương.
Còn đối với trường hợp vàng da sơ sinh nặng hơn, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để có phác đồ điều trị thích hợp. Hiện nay, có các phương pháp thường được các bác sĩ chỉ định trong điều trị vàng da sơ sinh như:
– Chiếu đèn:
+ Đây là phương pháp điều trị đơn giản, an toàn, hiệu quả và hay được sử dụng trong điều trị vàng da do tăng Bilirubin gián tiếp. Sử dụng ánh sáng với bước sóng từ 400 – 500nm và cực đại ở 450 – 460nm tương ứng với đỉnh hấp thụ của Bilirubin (ánh sáng có màu xanh dương).
+ Cơ chế của chiếu đèn có thể giải thích là do năng lượng ánh sáng xuyên qua da tác động lên các phân tử Bilirubin nằm trong lớp mỡ dưới da. Do đó, làm thay đổi cấu trúc của các phân tử Bilirubin gián tiếp thành các sản phẩm đồng phân hoặc sản phẩm quang oxy hoá. Đây là những sản phẩm tan được trong nước, không gây độc và đào thải qua gan (qua mật) và thận (qua nước tiểu).
+ Kỹ thuật rọi đèn: Dùng đèn rọi vào da trẻ được cởi trần, dùng các dụng cụ hỗ trợ che kín mắt và bộ phận sinh dục, xoay trở để làm tăng diện tích da tiếp xúc với ánh sáng. Việc rọi đèn có thể thực hiện liên tục hoặc cách quãng, rọi đèn 1 chiều hoặc 2 chiều.
Phương pháp chiếu đèn điều trị vàng da sơ sinh
– Immunoglobulin tĩnh mạch (IVIg): Đối với trường hợp vàng da sơ sinh có liên quan đến sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và bé thì nên áp dụng phương pháp này. Sự bất đồng này dẫn đến trẻ sẽ mang kháng thể từ mẹ làm tăng sự phân hủy của các tế bào máu trong em bé. Việc truyền tĩnh mạch của các globulin miễn dịch – protein trong máu có thể góp phần làm giảm mức độ kháng thể, khắc phục tình trạng vàng da và giảm bớt sự cần thiết phải truyền máu trao đổi.
– Trao đổi truyền máu: Đây là liệu pháp rất ít khi sử dụng, chỉ được chỉ định khi vàng da nặng không đáp ứng với điều trị khác. Phương pháp này được thực hiện bao gồm nhiều lần rút số nhỏ của máu, làm loãng ra các kháng thể bilirubin và sau đó truyền máu trở lại vào em bé.
5. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị vàng da sơ sinh
Để hỗ trợ phòng ngừa và điều trị vàng da sơ sinh ở trẻ, các mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:
– Hiện nay, nhiều mẹ thường mắc phải sai lầm trong thiết kế phòng trẻ sơ sinh thường quá kín và tối. Việc này sẽ rất khó trong việc nhận biết màu da của trẻ và cũng như các biểu hiện bất thường khác trên da bé. Bởi vậy, các chuyên gia khuyên rằng bố mẹ nên cho trẻ nằm phòng thoáng mát, sạch sẽ, điều kiện ánh sáng tốt. Thỉnh thoảng cho trẻ ra sưởi nắng trong thời gian hợp lý từ 7 giờ đến 7 giờ 30 phút sáng, việc làm này cũng giúp hạn chế được các trường hợp vàng da ở mức độ nhẹ và giúp bổ sung vitamin D cho trẻ.
– Nên cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên, sẽ góp phần tăng lượng Bilirubin đào thải trong phân của bé. Mẹ nên cho trẻ bú khoảng 8 – 12 lần/ngày cho một vài ngày đầu tiên. Đối với trẻ gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ có thể sử dụng thêm các sản phẩm sữa ngoài trong một vài ngày và sau đó trở lại cho con bú.
Trên đây là một số chia sẻ của Dược Điển Việt Nam về tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh. Mong rằng với những gì chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về tình trạng này và nếu còn điều gì thắc mắc hãy liên hệ ngay chúng tôi theo số hotline để được tư vấn cụ thể hơn.