Vi khuẩn HP
Helicobacter pylori (HP) là một loại vi khuẩn phát triển chủ yếu trong đường tiêu hóa, có khả năng gây ra loét dạ dày tá tràng. Vậy cách lây truyền và triệu chứng khi nhiễm HP như thế nào? Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!
1. Tổng quan về vi khuẩn HP
1.1 Vi khuẩn HP là gì? Khi nào thì gây bệnh?
Helico trong Helicobacter pylori có nghĩa là hình xoắn ốc, thể hiện vi khuẩn có hình dạng xoắn ốc. Nó xâm nhập vào cơ thể và sống trong đường tiêu hóa. Sau nhiều năm hoặc một thời gian, khi có đủ khả năng gây bệnh, chúng gây ra các bệnh đường tiêu hóa
Hơn 50% dân số thế giới đang chứa vi khuẩn HP trong hệ thống đường tiêu hóa. Chúng có thể sống trong môi trường acid khắc nghiệt của dạ dày nhờ khả năng thay đổi môi trường xung quanh bằng cách tạo ra enzym urease. Giúp tạo ra phản ứng với urê, trung hòa acid dạ dày để chúng có thể tồn tại. Đồng thời, cấu trúc hình xoắn ốc giúp chúng xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn dù niêm mạc dạ dày được bảo vệ bởi lớp chất nhầy và tế bào miễn dịch. Chính vì vậy, xoắn khuẩn HP có thể tồn tại và gây ra các vấn đề về dạ dày.
Tuy nhiên, không cần hoang mang, cũng đừng lo lắng nhé! Khi có thói quen tốt như vệ sinh sạch sẽ, dùng nước sạch, cơ thể có hệ miễn dịch tốt, vi khuẩn tồn tại nhưng không thể gây bệnh.
1.2 Vi khuẩn HP có lây không?
Chưa biết chính xác vi khuẩn HP lây nhiễm như thế nào. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nó có khả năng truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc với nước bọt, chất nôn hoặc phân chứa HP. Hoặc lây lan qua nước bị ô nhiễm, thức ăn. Chính vì vậy, có thể nhiễm vi khuẩn HP khi không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với nước, thực phẩm bị ô nhiễm.
Nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP phụ thuộc vào lối sống, môi trường xung quanh. Một số người có tỷ lệ mắc cao hơn những người khác, bao gồm:
– Sống chung với những người nhiễm vi khuẩn HP.
– Không có nước sạch.
– Không vệ sinh sạch sẽ.
– Chủng tộc cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP. Người gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ nhiễm khuẩn lớn nhất chiếm 60% dân số.
Trẻ em nếu tiếp xúc với yếu tố gây bệnh sẽ dễ nhiễm vi khuẩn HP hơn như trong các trường hợp tiếp xúc với nước bọt của người nhiễm HP như hôn, nhai cơm cho trẻ, sử dụng chung đồ dùng cá nhân, ăn thực phẩm không đảm bảo, đồ ăn chưa chín,…
1.3 Vi khuẩn HP có nguy hiểm không?
Khi cơ thể nhiễm vi khuẩn HP có thể dẫn đến các biến chứng sau:
– Vết loét dạ dày tá tràng: HP có thể phá hủy hàng rào bảo vệ của dạ dày và ruột non tạo điều kiện cho acid hình thành các vết loét. Tỷ lệ người có nhiễm vi khuẩn HP dẫn tới loét dạ dày tá tràng là 10%.
– Viêm niêm mạc dạ dày: vi khuẩn HP kích thích niêm mạc dạ dày gây ra viêm dạ dày. Nhiễm khuẩn nặng và không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương niêm mạc như chảy máu, sẹo, thiếu máu và hạ huyết áp.
– Ung thư dạ dày: khoảng 1% những người bị nhiễm HP sẽ phát triển thành ung thư. Do chúng có khả năng gây ra những biến đổi trong tế bào niêm mạc dạ dày nên một số ít người tiến triển thành ung thư dạ dày.
Nhiễm vi khuẩn HP có thể dẫn đến loét dạ dày tá tràng
2. Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP
Nếu bị loét dạ dày tá tràng sẽ xuất hiện tình trạng đau âm ỉ hoặc đau rát ở bụng, đặc biệt khi dạ dày đang trống rỗng như giữa các bữa ăn hoặc ban đêm. Cơn đau có thể chỉ trong vài phút hoặc kéo dài đến vài giờ. Triệu chứng này sẽ thuyên giảm khi ăn, uống hoặc sử dụng các thuốc kháng acid.
Các dấu hiệu khác của bệnh loét dạ dày tá tràng, bao gồm:
– Ợ hơi quá mức.
– Cảm thấy đầy bụng.
– Buồn nôn, nôn mửa.
– Ợ nóng, sốt.
– Sụt cân không biết rõ nguyên nhân.
Khi vết loét trở nặng hơn, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe:
– Thay đổi màu sắc của phân như sẫm đỏ, đen hoặc chảy máu.
– Khó thở.
– Ngất xỉu, chóng mặt.
– Cảm thấy mệt mỏi.
– Da nhợt nhạt.
– Nôn ra máu hoặc có màu giống bã cà phê.
– Đau bụng dữ dội.
Nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày. Dấu hiệu để nhận biết bệnh này, bao gồm:
– Bụng đau hoặc sưng.
– Buồn nôn, nôn mửa.
– Không thấy đói.
– Thấy no sau khi chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn.
– Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Những triệu chứng trên phổ biến ở nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, nếu bất kỳ triệu chứng nào kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời.
3. Điều trị vi khuẩn HP
3.1 Xét nghiệm vi khuẩn HP
Nếu như đang gặp các triệu chứng của loét dạ dày tá tràng, người bệnh cần lựa chọn bệnh viện, phòng khám uy tín để chẩn đoán, xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Sử dụng một số nhóm thuốc như giảm đau chống viêm NSAID có thể dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Chính vì vậy, quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng để có phương pháp điều trị thích hợp.
Một số phương pháp để chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP phổ biến như:
– Xét nghiệm máu: các bác sĩ tiến hành lấy một lượng nhỏ máu từ cánh tay để tìm kháng thể chống lại vi khuẩn HP. Tuy nhiên, kháng thể trong máu có thể tồn tại sau nhiều năm đã diệt hết hoàn toàn vi khuẩn HP bằng kháng sinh. Chính vì vậy, nó hữu ích để xác định có nhiễm khuẩn HP hay không và không hiệu quả để xác định đã diệt hết vi khuẩn HP.
– Kiểm tra phân: sử dụng kháng thể đối với HP để xác định xem có kháng nguyên trong phân hay không. Tuy nhiên khác với xét nghiệm máu, nó có thể được thực hiện để kiểm tra việc tiêu diệt vi khuẩn có hiệu quả hay không.
– Kiểm tra hơi thở bằng một chiếc túi chất lỏng chứa urê. Nếu nhiễm vi khuẩn HP sẽ làm urê chuyển thành carbon dioxide. Sự hiện diện của carbon dioxide chứng minh có nhiễm xoắn khuẩn HP.
Để kiểm tra chính xác các vết loét, có thể sử dụng:
– Nội soi là xét nghiệm chính xác để chẩn đoán vi khuẩn HP. Thực hiện bằng một ống có gắn camera nhỏ qua miệng giúp quan sát cổ họng, dạ dày và tá tràng. Đồng thời có thể thu thập được mẫu để kiểm chứng sự hiện diện của vi khuẩn HP bằng cấy vi trùng, sinh thiết và mô học,… và xác định mức độ nghiêm trọng của viêm loét dạ dày tá tràng hay tế bào ung thư nếu có.
– Ngoài ra còn có chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính CT.
Xét nghiệm máu giúp tìm kháng thể của vi khuẩn HP
3.2 Phác đồ điều trị HP
Hiện nay chưa có vacxin để ngăn chặn sự xâm nhập và lây nhiễm vi khuẩn HP. Việc điều trị loét dạ dày tá tràng do nhiễm HP với mục đích tiêu diệt vi khuẩn, chữa lành niêm mạc dạ dày và ngăn chặn vết loét tái phát. Một số loại thuốc được dùng để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, bao gồm:
– Kháng sinh như amoxicillin, metronidazol, clarithromycin, tetracyclin, tinidazol. Vi khuẩn HP khó tiêu diệt do khả năng phát triển đề kháng do đó cần kết hợp 2 hoặc 3 loại kháng sinh hoặc các nhóm thuốc khác để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất.
– Giảm lượng acid trong dạ dày bằng cách ngăn chặn kênh proton, như esomeprazol, dexlansoprazol, lansoprazol, pantoprazol, omeprazol hoặc rabeprazol.
– Muối Bismuth giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng nhờ khả năng tăng tiết chất nhầy bao phủ lên vết loét, ức chế hoạt tính của pepsin. Đồng thời cùng với kháng sinh diệt vi khuẩn HP.
– Thuốc kháng histamin giúp ngăn cản bài tiết dịch vị. Bao gồm famotidin, cimetidin, ranitidin, nizatidin.
Sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn HP
Phác đồ điều trị loét dạ dày tá tràng dùng 3 thuốc trong 1 tuần như sau:
– Amoxicilin 1g x 2 lần/ngày + Clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày + Esomeprazol 20mg x 2 lần/ngày.
– Clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày + Metronodazole 400mg x 2 lần/ngày + Esomeprazol 20mg x 2 lần/ngày.
– Amoxicilin 1g x 2 lần/ngày + Clarithromycin 500mg x 2 lần/ngày + Lansoprazol 30mg x 2 lần/ngày.
Phải tuân thủ số lượng, thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng thuốc kháng sinh sai cách, vi khuẩn có thể kháng thuốc, dẫn đến điều trị nhiễm khuẩn trở nên khó khăn hơn. Sau 1-2 tuần điều trị, tiến hành kiểm tra hơi thở hoặc phân để đảm bảo tiêu diệt hết vi khuẩn.
3.3 Điều trị vi khuẩn HP trong bao lâu?
Hầu hết loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP có thể lành sau vài tuần điều trị. Để đảm bảo hiệu quả cao nhất cần tránh giảm đau bằng thuốc NSAIDs do nguy cơ làm nặng thêm vết loét.
Ngoài việc sử dụng các thuốc Tây y, người bệnh cũng có thể sử dụng các bài thuốc đông y được dân gian lưu truyền để chữa đau dạ dày do vi khuẩn HP như hoàng liên, chè dây, lá mơ, dạ cẩm…
4. Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn HP
Để bảo vệ bản thân và gia đình phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh, cần phải làm gì? Người bệnh nên thực hiện một số biện pháp dưới đây để phòng ngừa vi khuẩn HP:
– Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến các món ăn, đây là một con đường phổ biến dẫn đến lây nhiễm rất nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có cả nhiễm khuẩn HP.
– Không sử dụng đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm,… với người khác.
– Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
– Không hôn hoặc mớm đồ ăn cho trẻ.
– Không sử dụng thức ăn, đồ ăn chưa được nấu chín hoặc nước uống không sạch.
– Căng thẳng, thức ăn cay không gây ra loét nhưng khiến vết loét khó lành hơn và cơn đau khó chịu, trầm trọng hơn. Vì vậy hạn chế đồ ăn cay và kiểm soát tốt tâm lý của bản thân.
Kiểm soát tốt tâm lý cùng là một cách hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
5. Nhiễm vi khuẩn HP không nên ăn gì? Nên ăn gì?
Những đối tượng bị nhiễm vi khuẩn HP cần phải điều trị bằng kháng sinh, phối hợp với các thuốc khác. Do đó, các bác sĩ khuyến nghị một số thực phẩm có khả năng hỗ trợ điều trị HP như.
– Những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, bao gồm:
+ Các loại rau và quả: súp lơ, củ cải, dâu tây, anh đào, việt quất…
+ Những chế phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua, kim chi,…
+ Một số thực phẩm khác như dầu oliu, mật ong, nghệ,…
Những thực phẩm này giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng xảy ra trong cơ thể
– Cùng với đó, không nên ăn một số thực phẩm như cà phê, rượu, đồ ăn cay nóng, chứa acid như cam quýt,… do nguy cơ làm nặng thêm tình trạng trào ngược dạ dày, co thắt thực quản gây khó tiêu, ợ chua,…
Với tỷ lệ chứa vi khuẩn HP cao, mỗi người cần thực hiện chính xác những biện pháp phòng ngừa để đem lại hiệu quả. Đồng thời, tránh những thói quen có thể dẫn đến nhiễm khuẩn cho trẻ như hôn hoặc mớm thức ăn. Trang bị cho mình những kiến thức tốt, khoa học sẽ bảo vệ được sức khỏe của bản thân và cả gia đình.