Viêm Amidan là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến, dễ xảy ra ở trẻ nhỏ do sức đề kháng yếu. Nếu không điều trị tốt, Viêm Amidan có thể gây ra các biến chứng nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Cùng tìm hiểu thêm để kịp thời phòng ngừa và điều trị viêm Amidan cho trẻ nhỏ, tránh để lại những biến chứng nguy hiểm.
I. Tổng quan về bệnh viêm amidan ở trẻ
Viêm Amidan là căn bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Theo thống kê của bộ y tế, có đến 80% đối tượng bị viêm Amidan là trẻ em từ 3-7 tuổi.
Các chuyên gia tai-mũi-họng cho biết, Amidan là một cơ quan miễn dịch quan trọng của trẻ nhỏ, một trong những hàng rào bảo vệ trẻ khỏi các yếu tố gây hại của môi trường bên ngoài. Viêm Amidan ở trẻ cũng được chia làm 2 loại như người lớn:
– Viêm Amidan cấp:
+ Amidan bị sưng đỏ, gây ra cảm giác đau rát, khó chịu ở họng.
Viêm Amidan gây đau rát ở họng
+ Khi viêm còn ở mức độ nhẹ, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng cảm cúm, viêm họng thông thường. Ở một số trường hợp nặng, có thể có mủ (viêm Amidan cấp mủ).
– Viêm Amidan mạn tính:
+ Khi viêm Amidan mới xuất hiện, không phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm mạn tính như dạng viêm amidan hốc mủ.
+ Các triệu chứng sưng, đau họng kéo dài dai dẳng và dễ tái phát. Trẻ có nguy cơ bị viêm Amidan hốc mủ, gây suy hô hấp.
II. Nguyên nhân khiến trẻ mắc viêm Amidan là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây viêm Amidan ở trẻ có thể kể đến như:
– Thời tiết: Trẻ có sức đề kháng kém, đặc biệt là lúc giao mùa khiến bé không kịp thích nghi dẫn đến cổ họng đau rát, Amidan sưng đỏ.
– Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Đánh răng không kỹ, lười đánh răng khiến các vi khuẩn phát triển mạnh mẽ. Thức ăn không được làm sạch còn dễ hình thành mảng bám răng, tăng nguy cơ sâu răng.
– Mắc thức ăn trong Amidan: Do Amidan có cấu trúc khe, hốc nên thức ăn dễ mắc tại đây, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ và gây viêm.
– Chế độ sinh hoạt hàng ngày: Trẻ em thường rất hiếu động, thích tìm hiểu, khám phá môi trường xung quanh. Tuy nhiên, sau khi chơi ở môi trường có nhiều bụi bẩn, trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng sẽ khiến cho vi khuẩn xâm nhập vào họng và gây bệnh.
– Một số yếu tố nguy cơ khác: Một số bệnh lý hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm xoang… hay sự xâm nhập của các vi khuẩn, virus khác như virus cúm, sởi, ho gà… cũng làm tăng nguy cơ bị viêm Amidan.
III. Dấu hiệu nhận biết viêm amidan ở trẻ?
Khi trẻ bị viêm Amidan sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình như:
– Amidan bị phù nề: Họng sưng tấy, rát, khó thở, thở khò khè. Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi thường có biểu hiện hay quấy khóc nhiều đặc biệt là vào ban đêm, bỏ bú mẹ…
Trẻ nhỏ dễ quấy khóc khi bị viêm Amidan
– Đau rát họng, khó nuốt do họng sưng tấy.
– Ho khan có đờm: Trường hợp trẻ bị Amidan hốc mủ sẽ gây ho có đờm rất khó chịu.
– Sốt cao 39-40 độ. Tình trạng sốt cao kéo dài bao lâu phụ thuộc vào tình trạng của bệnh.
– Trường hợp nhiễm trùng lan rộng, trẻ còn có thể thấy đau đầu, đau tai, xuất hiện hạch ở cổ.
– Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như hơi thở có mùi hôi, trẻ cảm thấy khô đắng miệng, nuốt nước bọt, chảy nước dãi thường xuyên, ngủ ngáy…
Nếu bệnh kéo dài mãn tính, có thể xuất hiện nhiều triệu chứng hơn khiến bé cảm thấy mệt mỏi. Các bậc phụ huynh cần chú ý điều trị cho trẻ để bệnh nhanh chóng khỏi.
IV. Viêm Amidan ở trẻ có nguy hiểm không?
Viêm Amidan là căn bệnh phổ biến, nếu điều trị sớm bệnh sẽ chóng khỏi và không để lại các “tai họa ngầm” cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
– Sưng viêm, áp-xe quanh Amidan: Khi viêm Amidan cấp không được điều trị, nhiễm khuẩn lan dần và tạo thành mủ. Mức độ đau nặng hơn, có thể đau ở tai, khó nuốt, đau khi nuốt, nước bọt chảy ra, khó khăn khi mở miệng…
– Viêm Amidan có thể dẫn đến viêm nhiễm ở các cơ quan khác như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản…
– Trường hợp nặng hơn khi viêm kéo dài có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, viêm màng ngoài tim cấp, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp…
V. Điều trị bệnh viêm Amidan ở trẻ hiệu quả nhất?
Khi trẻ bị viêm Amidan, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám y tế và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
1. Thuốc điều trị viêm Amidan cho trẻ
Thông thường, viêm Amidan thường nhẹ, cha mẹ được hướng dẫn cách chăm sóc cho trẻ bằng các biện pháp như súc miệng cho trẻ bằng nước muối, cho trẻ uống nhiều nước, nghỉ ngơi, ăn nhẹ…
– Viêm do virus: Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, vệ sinh mũi họng bằng dung dịch sát khuẩn.
– Viêm do vi khuẩn: Dùng thuốc kháng sinh để ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn.
– Bên cạnh đó, ba mẹ có thể sử dụng các bài thuốc dân gian từ rau diếp cá, húng chanh, lá hẹ… để chữa amidan cho trẻ. Tuy nhiên do niêm mạc mũi họng của trẻ còn non yêu nên ba mẹ chỉ nên sử dụng cho những trẻ lớn, với tần suất ít hơn.
2. Có nên cắt Amidan cho trẻ?
Nhiều ý kiến cho rằng, không thể cắt Amidan với trẻ còn quá nhỏ, sau 15 tuổi mới được cắt Amidan. Điều này là không chính xác, có thể cắt Amidan ở bất kỳ độ tuổi nào.
Có thể cắt Amidan ở bất kỳ độ tuổi nào
Một số trường hợp nên cắt Amidan:
– Amidan sưng to, gây bít tắc đường thở.
– Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, ngừng thở khi ngủ.
– Viêm Amidan có biến chứng, gây viêm nhiễm ở các cơ quan khác.
– Viêm Amidan tái phát trên 3 lần/năm.
– Phát triển bất thường ở vùng sọ, mặt.
– Áp xe quanh Amidan.
– Amidan to một bên, nghi ngờ ung thư.
Không được cắt Amidan khi trẻ đang bị viêm Amidan cấp, có biến chứng tại chỗ hoặc mắc bệnh toàn thân khác.
3. Chăm sóc cho trẻ khi bị viêm Amidan
Súc miệng với nước muối:
– Viêm amidan là do tình trạng viêm nhiễm gây ra, vì thế nước muối ấm giúp sát trùng, tiêu diệt vi khuẩn.
– Cần súc miệng thường xuyên cho đến khi tình trạng viêm giảm bớt. Hướng dẫn trẻ trẻ súc miệng để sát khuẩn quanh miệng, vùng amidan và tránh để trẻ không nuốt nước muối khi súc miệng.
– Sử dụng các bài thuốc dân gian như mật ong, nghệ, giấm táo… cho trẻ uống để hỗ trợ chống viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
– Xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ như sử dụng thức ăn mềm, các loại rau xanh, thực phẩm giàu protein… Hạn chế đồ ăn khó nuốt, nhiều dầu mỡ…
Xem thêm: Viêm amidan nên ăn gì và kiêng gì để mau khỏi!
VI. Phòng ngừa viêm amidan ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, do đó cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau để phòng bệnh hiệu quả:
– Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột nếu trẻ không kịp thích nghi thì rất dễ bị sưng, viêm amidan. Cần chú ý giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, che nắng, đội mũ cho trẻ khi thời tiết nắng gắt để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh hiệu quả.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng sạch để bảo vệ sức khỏe răng miệng, đồng thời phòng ngừa sự tấn công của vi khuẩn vào các cơ quan bên trong, bao gồm Amidan.
Vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ để phòng Amidan
– Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường hoặc tới nơi đông người, giúp ngăn cản một phần vi khuẩn, virus, khói bụi cùng các tác nhân gây bệnh khác.
– Tạo cho trẻ môi trường sống trong lành, thoáng mát, ít khói bụi.
Viêm Amidan ở trẻ em không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không chữa trị nhanh chóng có thể gây ra nhiều biến chứng toàn thân. Do đó, cha mẹ cần hiểu rõ về bệnh để phòng bệnh và có biện pháp điều trị hiệu quả cho trẻ