Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ dễ bị viêm đường tiết niệu cao hơn bình thường. Rất nhiều người lo lắng viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Tìm hiểu ngay những thông tin cơ bản về viêm đường tiết niệu khi mang thai để biết cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả.
1. Vài nét về viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu bao gồm viêm đường tiết niệu trên và viêm đường tiết niệu dưới. Do đường niệu đạo ngắn, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm đường tiết niệu cao hơn so với nam giới. Có đến khoảng 40% tỉ lệ nữ giới mắc bệnh này ít nhất một lần trong đời.
Viêm đường tiết niệu dưới bao gồm viêm niệu đạo, viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt ở nam giới. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu trên (viêm thận – bể thận).
Viêm đường tiết niệu dưới không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm đường tiết niệu trên
2. Nguyên nhân viêm đường tiết niệu khi mang thai
Viêm nhiễm đường tiết niệu chủ yếu là do vi khuẩn gây ra. Khi mang thai, đặc biệt là ba tháng cuối thai kỳ, bà bầu thường có nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu nhiều hơn do một số yếu tố sau:
– Khối lượng cơ tử cung tăng, có xu hướng nghiêng sang phải, chèn ép vào đường tiết niệu, dẫn đến nguy cơ ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sống và gây bệnh.
– Do cấu tạo cơ quan sinh dục của phái nữ, có âm đạo và hậu môn gần nhau, nguy cơ nhiễm khuẩn từ hậu môn sang âm đạo cao hơn.
– Khi mang thai, nội tiết tố của mẹ cũng thay đổi, nước tiểu bị cô đặc, nguy cơ tiểu đường thai kỳ tăng… những yếu tố này cũng khiến vi khuẩn dễ phát triển hơn.
– Theo thời gian, kích thước thai nhi lớn dần, việc vệ sinh vùng kín của mẹ cũng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, quan hệ tình dục thiếu an toàn khi có thai cũng là yếu tố thuận lợi giúp vi khuẩn dễ tấn công vào đường tiết niệu.
Đường niệu đạo ở nữ giới ngắn, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập và gây viêm
2. Dấu hiệu
Bà bầu khi bị viêm đường tiết niệu cũng có những triệu chứng viêm nhiễm như những đối tượng khác. Tùy mức độ của bệnh mà các biểu hiện có thể rõ ràng hoặc không.
Những dấu hiệu viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể kể đến như:
– Tiểu tiện không tự chủ.
– Đi tiểu nhiều hơn bình thường, lượng nước tiểu ít.
– Nước tiểu đục, có mùi hôi bất thường, có thể có cả máu.
– Thường xuyên bị chuột rút.
– Đau tức vùng bụng dưới, đau lưng, có cảm giác ớn lạnh, buồn nôn, nôn và có thể bị sốt.
Đau tức vùng bụng dưới là dấu hiệu cảnh báo viêm đường tiết niệu
– Đau rát, khó chịu khi đi tiểu.
– Đau khi quan hệ tình dục.
Do đó, khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường có nghi ngờ viêm nhiễm đường tiết niệu, mẹ nen
3. Viêm đường tiết niệu khi mang thai có nguy hiểm không?
Viêm đường tiết niệu có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, dẫn đến nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời:
– Viêm đường tiết niệu có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên trong, dẫn đến viêm bể thận, viêm cầu thận, thậm chí là suy thận. Tỉ lệ này tăng cao ở người đã có tiền sử mắc các vấn đề về thận như sỏi thận, viêm thận.
– Động thai, sảy thai khi mang thai ba tháng đầu.
– Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, sinh non, suy hô hấp, thiếu máu, tiền sản giật… cho mẹ.
– Mẹ bị viêm đường tiết niệu khi mang bầu có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, nhiễm trùng sơ sinh…
4. Chẩn đoán
Các triệu chứng của viêm đường tiết niệu có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh như:
– Hội chứng bàng quang không do nhiễm khuẩn như viêm phần phụ, sỏi bàng quang, sỏi niệu quản thấp, viêm đại trực tràng, u bàng quang.
– Tiểu đường, các bệnh lý ống kẽ thận, bệnh đái tháo nhạt.
Cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác
Để xác định có phải bà bầu thực sự bị viêm đường tiết niệu hay không, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để xác định bệnh như:
– Xét nghiệm nước tiểu:
+ Đục, có mủ.
+ Bạch cầu tăng.
+ Vi khuẩn niệu trên 100.000 VK/ml nước tiểu.
+ Protein nước tiểu không có, tuy nhiên, nếu bệnh nhân tiểu ra máu hoặc mủ, có thể tìm thấy Protein xuất hiện trong nước tiểu.
– Cấy vi trùng trên mẫu nước tiểu.
– Xét nghiệm chức năng thận, men gan, CRP.
– Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Trường hợp suy thận cấp, Ure, Creatinin máu tăng.
– Khám phụ khoa kiểm tra tình trạng viêm nhiễm.
5. Cách chữa viêm đường tiết niệu khi mang thai
Thuốc điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu
Sau khi chẩn đoán chính xác bệnh, tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng đối tượng.
– Khi bị viêm đường tiết niệu dưới, có thể điều trị ngoại trú, chỉ sử dụng kháng sinh, phối hợp với chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Kháng sinh được dùng trong điều trị thường là nhóm Beta-lactam do chưa có báo cáo về nguy cơ sảy thai, dị tật thai nhi khi dùng cho phụ nữ đang mang thai.
– Ở trường hợp nhiễm khuẩn nặng, người bệnh bị viêm đường tiết niệu trên, cần điều trị tại bệnh viện. Sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ.
Dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ
– Theo kinh nghiệm ban đầu hiệu quả, thường sử dụng Cephalexin, Nitrofurantoin, Trimethoprim/Sulfamethoxazole. Tuy nhiên cần lưu ý:
+ Chỉ sử dụng Nitrofurantoin khi không có lựa chọn thay thế phù hợp và chỉ dùng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Không dùng Nitrofurantoin khi gần đến ngày dự sinh, trong khi chuyển dạ và sinh con do tăng nguy cơ thiếu máu tán huyết ở trẻ sơ sinh. Tỉ lệ vàng da sơ sinh tăng khi mẹ dùng thuốc trong 30 ngày cuối thai kỳ.
+ Trimethoprim/Sulfamethoxazole thường dùng khi bị viêm đường tiết niệu trên hoặc viêm đường tiết niệu nhiều lần. Thuốc làm tăng khả năng dị tật thai nhi, vàng da sơ sinh. Chỉ nên sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ, khi không có lựa chọn tốt hơn.
Cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nhiều thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, không được lạm dụng thuốc trong điều trị bệnh. Ngoài ra, bà bầu cần thăm khám thường xuyên, nếu nhận thấy thai nhi có biểu hiện bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Chế độ ăn cho bà bầu khi bị viêm đường tiết niệu
Khi bị viêm đường tiết niệu, để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho trẻ, bà bầu cần:
– Ăn nhiều trái cây, rau xanh.
– Bổ sung các thực phẩm giàu Probiotic (lợi khuẩn) như sữa chua, kim chi, sữa chua uống…
– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như cam chanh, bưởi, dứa, cà chua, súp lơ, cải bắp…
– Hạn chế sử dụng các loại rượu, bia, đồ uống có chứa chất kích thích.
– Không nên ăn các loại đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
– Không ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều đường để phòng tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ, làm tăng mức độ viêm nhiễm tiết niệu.
– Hạn chế ăn hải sản do chúng có thể gây ngứa ngáy, khó chịu ở vùng kín.
Chế độ ăn phù hợp giúp hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu
Điều trị tại nhà
Với những trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu nhẹ, mẹ bầu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn. Không được tự ý dùng thuốc hay bất kỳ mẹo dân gian nào mà chưa có sự cho phép của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế.
– Trà gừng: Giúp làm ấm cơ thể mẹ, chứa nhiều hoạt chất có tính kháng khuẩn, giúp hỗ trợ điều trị các nhiễm khuẩn tiết niệu.
– Nước cam pha cùng dừa non: Sự kết hợp này giúp tăng cường sức đề kháng, lợi tiểu, giảm viêm, chống nhiễm khuẩn hiệu quả.
– Trà bạc hà: Làm giảm ốm nghén, cải thiện hô hấp, cải thiện hô hấp, chống viêm, nhiễm khuẩn.
Các biện pháp này rất an toàn, lành tính, không gây hại cho thai nhi. Do đó, mẹ bầu có thể lựa chọn các phương pháp này theo tư vấn của bác sĩ.
6. Cách phòng tránh viêm đường tiết niệu khi mang thai
Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn bình thường, do đó, để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu, bà bầu nên tuân thủ một số vấn đề sau đây:
– Chế độ ăn uống khoa học: Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp duy trì sức khỏe khi mang thai, phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn. Mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm như:
+ Sữa chua: Giúp tăng cường lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, táo bón…
+ Tránh các loại đồ ăn cay nóng, đồ uống có chứa các chất kích thích.
+ Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi giúp cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất cần cho cơ thể.
– Uống đủ nước mỗi ngày: Bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày sẽ giúp làm tăng thải trừ các chất ra khỏi cơ thể. Uống nhiều nước cũng làm tăng cảm giác muốn đi tiểu hơn bình thường, hạn chế nguy cơ nước tiểu bị đọng lại.
– Không nhịn tiểu: Đi tiểu ngay khi có cảm giác muốn đi, không nên nhịn tiểu trong thời gian dài sẽ dẫn đến nước tiểu bị cô đặc, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Không nhịn tiểu để tránh ứ đọng nước tiểu, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
– Mặc đồ lót thoáng mát, đúng kích cỡ: Đồ lót đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ vùng kín khỏi nhiễm khuẩn và các tổn thương khác. Sử dụng đồ lót khô thoáng, chất liệu thấm hút tốt, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn, nấm phát triển. Ngoài ra, nên thay đồ lót mới 6 tháng/lần để đảm bảo vệ sinh, không dùng chung, giặt chung đồ lót với người khác.
– Giữ vệ sinh vùng kín luôn sạch sẽ: Khi mang thai, niêm mạc của người phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn trước nhiều lần, không dùng dung dịch vệ sinh có tính tẩy rửa mạnh dễ gây bỏng rát, kích ứng ra. Nếu dùng dung dịch vệ sinh, chỉ nên dùng vệ sinh bên ngoài, không thụt rửa sâu bên trong, dễ gây tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu gây nhiễm khuẩn.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo đúng lịch trình của bác sĩ, giúp theo dõi sự phát triển bình thường của bé và các dấu hiệu bất thường, cảnh báo một số bệnh mẹ có thể mắc phải khi mang thai, từ đó có giải pháp điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về tình trạng viêm nhiễm tiết niệu khi mang thai. Mong rằng, qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm hiểu biết về căn bệnh này và hướng dẫn cho các mẹ bầu, để thai kỳ khỏe mạnh, an toàn sinh con.