Viêm lợi nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Viêm lợi có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào với nguyên nhân chủ yếu do vấn đề vệ sinh răng miệng kém. Bệnh gây đau nhức khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày trong đó có chuyện ăn uống. Việc chọn lựa thực phẩm cho người bị viêm lợi cần cẩn trọng hơn. Vậy người bị viêm lợi nên ăn gì, kiêng gì? Để có lời giải đáp chi tiết cho câu hỏi trên hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.
I. Viêm lợi nên ăn gì?
Bên cạnh điều trị tích cực thì đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng sẽ giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện tình trạng viêm, sưng ở nướu lợi.
1. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Các thực phẩm giàu chất xơ không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru mà còn có tác động tốt đến việc vệ sinh răng miệng. Các mảng bám hình thành do thức ăn không được loại bỏ sạch là nguyên nhân chủ yếu gây viêm lợi. Nhờ khả năng loại bỏ mảng bám của chất xơ nên đây là nhóm thực phẩm người bị viêm lợi khuyến cáo nên sử dụng. Bên cạnh đó các chất xơ cũng kích thích tuyến nước bọt tăng tiết để tránh miệng bị khô, hạn chế vi khuẩn phát triển gây khô miệng.
Chất xơ có nhiều trong các loại rau và hoa quả tươi như: Bông cải xanh, củ cải, cà rốt, các loại đậu, táo, lê…Theo nhu cầu mỗi người cần 20-25g chất xơ mỗi ngày. Kết hợp việc chọn thực phẩm và chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đủ cho cơ thể tránh dư thừa.
Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ
2. Thực phẩm giàu acid lactic
Theo các chuyên gia acid lactic có tác dụng tốt với người bị viêm lợi. Acid lactic giúp kích thích miễn dịch và kìm hãm sự phát triển vi khuẩn có hại gây bệnh vùng miệng họng. Ngoài ra còn tăng cường hệ tiêu hóa giúp cơ thể hấp thu tốt hơn.
Để bổ sung acid lactic có thể tham khảo các thực phẩm lên men như bánh mỳ, bánh bao, sữa chua…
Thực phẩm giàu acid lactic
3. Bổ sung thực phẩm chứa nhiều Vitamin C
Vitamin C là một chất bảo vệ tự nhiên, có khả năng chống lại chất oxy hóa, gốc tự do cũng như tham gia nhiều quá trình sinh lý của cơ thể…Vitamin C giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại nhiều vi khuẩn gây bệnh, giúp răng miệng khỏe mạnh, nhanh lành các vết lở loét trong miệng.
Vitamin C có nhiều trong các hoa quả họ cam, quýt, bưởi, ổi, ớt chuông…Tuy nhiên cần lưu ý không nên sử dụng quá nhiều vì thành phần acid trong cam chanh có thể gây đau, rát ở những nơi lợi đang viêm sưng, làm tình trạng viêm lợi nghiêm trọng hơn.
Vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể
4. Nên ăn nhiều tỏi và gừng
Tỏi và gừng là 2 loại gia vị truyền thống trong mỗi căn bếp ở Việt Nam. Hơn nữa tỏi và gừng còn được coi là vị thuốc chữa rất nhiều bệnh trong đó có viêm lợi.
– Hoạt chất Allicin trong tỏi có khả năng diệt khuẩn tốt nên hạn chế hoạt động vi khuẩn làm nặng hơn tình trạng viêm vùng nướu lợi. Tỏi cũng giúp giảm đau các vết lở loét vùng miệng. Do đó tỏi là một nguyên liệu rất tốt cho người bị viêm lợi. Nên sử dụng tỏi trong các món ăn hàng ngày. Bên cạnh đó có thể dùng trực tiếp bằng cách đập dập nhánh tỏi chà lên vùng lợi bị viêm hoặc ép lấy nước, thêm muối bôi lên vùng sưng viêm giảm đau nhức hiệu quả.
– Trong gừng cũng chứa nhiều thành phần có tính chống viêm, ngăn cản vi khuẩn xâm nhập gây hại trên răng miệng nên người bị viêm lợi hoặc các bệnh lý răng miệng khác sử dụng gừng sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả. Gừng có thể bổ sung vào khi chế biến các món ăn hàng ngày hoặc sử dụng trà gừng mật ong, nước ép gừng cũng giúp giảm đau nhức vùng lợi hiệu quả.
Gừng giúp giảm viêm lợi
5. Trà xanh
Trà xanh được biết đến với đặc tính kháng khuẩn tự nhiên. Hợp chất Polyphenol có trong trà xanh có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn tại khoang miệng, giảm đau nhức tại vùng nướu viêm. Trà xanh cũng giúp khử mùi, giảm hôi miệng và mang lại hơi thở thơm mát.
Để tăng tính chống viêm, giảm đau nhức bạn có thể uống trà xanh hàng ngày hoặc dùng nước trà để súc miệng 2 lần/ngày để loại bỏ vi khuẩn. Tuy nhiên cần chú ý không sử dụng trà quá đặc vì có thể gây mất ngủ.. Sau khi uống trà nên vệ sinh răng miệng cẩn thận để tránh làm xỉn màu răng.
Trà xanh giảm nhiễm khuẩn răng miệng
6. Mật ong
Nhiều tài liệu đã chỉ ra những lợi ích của mật ong đối với sức khỏe con người. Mật ong có nhiều dưỡng chất đồng thời có khả năng khử trùng tốt, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập nên có tác dụng tốt trong việc giảm viêm, đau nhức ở nướu lợi. Mật ong thường xuyên kết hợp với chanh bởi vì Vitamin C trong chanh giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể, cải thiện tình trạng viêm nướu hiệu quả hơn.
Mật ong – chanh giảm tình trạng viêm lợi
II. Viêm lợi nên kiêng ăn gì?
Khi bị viêm lợi thì tình trạng răng miệng khá yếu nên cần tránh một số loại thực phẩm để tránh làm bệnh trầm trọng hơn. Một số thực phẩm mà người bị viêm lợi nên kiêng gồm:
1. Thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột
Đường và tinh bột được coi là 2 ‘’thủ phạm’’ chính hình thành nên các mảng bám trên răng. Hơn nữa đường cũng tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây phá hủy men răng gây sâu răng, viêm lợi…Vì vậy khi bị sưng, viêm lợi người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu đường và tinh bột như các loại nước ngọt, bánh kẹo, hoa quả sấy khô…
Đồ ngọt làm nặng hơn tình trạng viêm lợi
2. Đồ ăn lạnh hoặc cay nóng
Đồ ăn quá lạnh hay cay nóng sẽ làm răng của bạn càng thêm ê buốt, nhạy cảm hơn khi tiếp xúc. Khi bị viêm lợi sức khỏe răng miệng đẽ yếu nên gặp các tác nhân kích thích mạnh như nước lạnh, kem, đồ nóng, món ăn chứa nhiều tiêu, ớt… sẽ càng khiến lợi bị sưng hơn, cảm giác đau nhức càng nặng nề hơn. Do đó cần hạn chế những thực phẩm quá lạnh hay quá cay nóng ở người viêm lợi.
Hạn chế đồ ăn cay nóng để giảm sưng viêm ở nướu lợi
3. Đồ chua
Các món có vị chua hay đồ muối chua như xoài xanh, cóc bao tử, cà muối, dưa muối…. rất là kích thích vị giác, giúp mau tiêu, giúp đỡ ngán khi ăn các món ăn nhiều dầu mỡ nhưng ăn nhiều lại không hề tốt cho sức khỏe răng miệng. Lượng acid có trong các đồ muối chua có thể gây bỏng rát và khiến lợi bị sưng viêm hơn. Vì vậy cần hạn chế sử dụng các thực phẩm này trong khi điều trị viêm lợi cho bệnh nhân.
Ăn nhiều đồ muối chua làm viêm lợi nặng hơn
4. Thực phẩm gây khô miệng
Nước bọt có vai trò quan trọng với sức khỏe, chúng giúp trung hòa môi trường trong miệng, rửa trôi vi khuẩn cũng như mảng bám thức ăn còn sót lại. Nếu miệng bị khô sẽ sẽ làm tăng nguy cơ gây lở loét miệng, hôi miệng, dễ bị sâu răng, nứt môi, vì đó là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển. Tình trạng viêm nhiễm ở lợi cũng từ đó mà trở nên ngày càng nghiêm trọng. Chính vì vậy người bệnh viêm lợi cần tránh các tác động gây ức chế sự tiết nước bọt của cơ thể như sử dụng các chất ngọt nhân tạo, các chất kích thích như rượu bia, cà phê, hút thuốc lá…
Bia, rượu, thuốc lá…ức chế tiết nước bọt tăng nguy cơ viêm lợi
5. Hạn chế thực phẩm cứng, dùng những loại thịt dai
Những loại thịt như gà, bò…chứa rất nhiều dinh dưỡng nhưng chúng thường khá dai và nhiều thớ thịt. Khi ăn những sợi thịt dai này thường mắc vào trong các kẽ răng và khó để lấy ra. Khi loại bỏ không cẩn thận cũng dễ làm xước, chảy máu, gây sưng lợi, chân răng.Nếu không vệ sinh sạch thì sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi và phá hủy răng cũng như gây viêm lợi. Để ăn các loại thịt này bạn nên băm nhỏ và ninh nhừ để hạn chế chúng mắc lại vào các kẽ răng.
Hạn chế các loại thịt dai ở người viêm lợi
Bên cạnh đó người bị viêm lợi cũng tránh ăn, cắn các thực phẩm quá cứng như các loại quả cứng phải cắn, các loại hạt sấy khô…vì khi dùng lực cũng sẽ tác động nhiều đến phần lợi bị viêm nên càng tăng thêm cảm giác đau nhức.
Ngoài việc chú ý chọn lựa thực phẩm để không làm nặng thêm tình trạng răng miệng thì điều quan trọng nhất là đảm bảo việc vệ sinh sạch sẽ hàng ngày và chăm sóc sức khỏe răng miệng định kỳ. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với điều trị tích cực sẽ nhanh cải thiện tình trạng viêm lợi cho bệnh nhân.