Viêm lợi, còn được gọi là viêm nướu, là bệnh răng miệng khá phổ biến và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Tuy nhiên do bệnh này diễn biến thầm lặng và không có biểu hiện rõ ràng nên thường khiến cho nhiều người không biết rằng bản thân đang bị viêm lợi. Tìm hiểu ngay nguyên nhân, triệu chứng của bệnh để biết cách phòng và điều trị viêm lợi và các bệnh về răng miệng hiệu quả.
I. Viêm lợi là gì?
Lợi bình thường có màu hồng nhạt, không có dấu hiệu sưng, chảy máu, hơi thở thơm tho. Lợi đóng vai trò bảo vệ, che chở và giữ cho chân răng chắc chắn. Khi răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ, vi khuẩn tồn tại trong các mảng bám và cao răng sẽ gây ra viêm lợi.
Bệnh rất dễ phát hiện và điều trị nhưng nếu không được chữa trị sớm sẽ chuyển sang giai đoạn chảy máu lợi, làm yếu chân răng, thậm chí là rụng răng.
Răng miệng không được vệ sinh sạch sẽ, xuất hiện các mảng bám sẽ gây viêm lợi
Người bị viêm lợi thường trải qua 2 giai đoạn:
– Viêm lợi cục bộ: Lợi sưng đỏ, phồng lên, có thể chảy máu khi tác động đến, đặc biệt là lúc đánh răng. Giai đoạn này không gây đau đớn cho người bệnh, không ảnh hưởng đến chân răng và các tổ chức quanh răng. Viêm lợi giai đoạn này dễ chữa trị nhưng tỉ lệ tái phát cũng rất cao.
– Viêm cận răng: Khi lợi bị viêm nhưng không được điều trị đúng cách sẽ khiến cho các mảnh vụn thức ăn bám lại trên răng, gây nhiễm khuẩn. Các mảng bám tích tụ nhiều, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Lâu ngày, lợi bị viêm sưng, chảy máu, gây đau nhức, răng miệng có mùi hôi khó chịu. Nặng hơn nữa là tụt lợi, làm lộ ra chân răng, phá hủy hàm và các mô liên kết. Hậu quả là răng trở nên lỏng dần và cuối cùng là rụng ra.
II. Nguyên nhân gây viêm lợi
Có nhiều tác nhân gây ra viêm lợi, có thể kể đến như:
– Vệ sinh răng miệng kém, dẫn đến hình thành các mảng bám răng, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, gây viêm lợi, sâu chân răng. Nặng hơn là rụng răng.
– Nghiện rượu, thuốc lá: Các báo cáo cho thấy, tỷ lệ viêm lợi và các bệnh răng miệng khác ở người nghiện thuốc lá, rượu cao hơn người bình thường. Những đối tượng này thường có mức độ mảng bám trên răng nhiều hơn người bình thường. Uống rượu nhiều còn gây khô miệng, mất cân bằng hệ vi sinh, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Hút thuốc lá nhiều có tỉ lệ bị viêm lợi hoại tử loét, khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể dẫn đến viêm quanh răng hoại tử loét, thậm chí là rụng răng.
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây viêm lợi
– Ăn nhiều đồ cay: Sử dụng đồ cay nhiều có thể gây ra tình trạng sưng, nóng, thậm chí là loét miệng. Các loại thức ăn cay nóng hợp khẩu vị nhiều người, đặc biệt là mùa đông nhưng làm tăng nguy cơ bị sưng, viêm lợi.
– Ăn đồ ăn nóng, lạnh đột ngột: Việc sử dụng những đồ uống, thực phẩm quá cứng sẽ khiến cho vị trí bị viêm lợi bị bỏng lạnh hoặc nóng. Khi sử dụng những loại thực phẩm lạnh như kem, nước đá còn khiến cho răng ê buốt, khó chịu.
– Chải răng không đúng cách sẽ gây xước lợi, khiến lợi bị tổn thương mà không loại bỏ hết các mảng bám răng, thức ăn thừa trên răng. Ngoài ra, không vệ sinh sạch sẽ vùng lưỡi và nướu, vệ sinh bàn chải không đúng cách cũng là nguyên nhân gây ra hôi miệng, viêm lợi.
– Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt: Kinh nguyệt của người phụ nữ cũng là yếu tố gây ra viêm lợi? Nghe có vẻ rất kỳ lạ, tuy nhiên đúng là như vậy. Trong những ngày đèn đỏ, sự cân bằng nội tiết tố cũng thay đổi, bao gồm cả Estrogen. Nồng độ Hormon estrogen tăng cao có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng như sưng và viêm lợi.
– Tiểu đường: Khi mắc bệnh tiểu đường, đường huyết trong máu cao kéo dài gây tổn thương và phá hủy các mạch máu quanh chân răng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Người bị đái tháo đường có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch suy giảm, khả năng chống lại các vi khuẩn gây bệnh kém. Do đó, những đối tượng này dễ bị những bệnh về răng miệng hơn người bình thường, trong đó có viêm lợi, tụt lợi, thậm chí là rụng răng.
III. Triệu chứng viêm lợi
Khi bị viêm lợi, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu sau:
– Độ sâu của rãnh lợi tăng.
– Lợi không còn màu hồng nhạt mà có biểu hiện sưng đỏ dọc theo một hoặc nhiều răng.
– Lợi sưng lên và có thể chảy máu khi tác động vào, thường không gây đau.
Có thể bị chảy máu khi có lực tác động vào
– Có nhiều mảng bám trên răng cứng, màu vàng nhạt hoặc nâu đen.
– Tổ chức chân răng lỏng.
– Miệng thường có mùi hôi.
Các biểu hiện trên có thể tự khỏi sau một vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, có thể tiến triển thành viêm quanh răng, gây nhiễm trùng, áp xe, viêm mô tế bào… Do đó, tuy viêm lợi là một căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng chúng ta cũng không được chủ quan với nó.
VI. Biến chứng nguy hiểm của viêm lợi
Khi bị viêm lợi, nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng như:
1. Viêm nha chu
Khi viêm lợi kéo dài nhưng chưa có giải pháp điều trị đúng có thể gây ra viêm nha chu. Người bị viêm nha chu có các triệu chứng như:
– Lợi bị chảy máu dù không có tác động nào.
– Lợi sưng đỏ, có thể có mũ.
– Các tế bào của nướu trở nên lỏng lẻo, răng lung lanh, chức năng ăn uống, nhai nuốt cũng giảm.
Viêm nha chu là một biến chứng nghiêm trọng của viêm lợi
2. Rụng răng
Đây là biến chứng nặng nhất khiến nhiều người lo sợ. Khi viêm lợi không được điều trị dứt điểm, các liên kết quanh răng sẽ trở nên lỏng lẻo, gây ra mất răng.
Rụng răng sẽ ảnh hưởng đến quá trình ăn uống của người bệnh, làm thay đổi diện mạo khuôn mặt, tiêu xương hàm, tăng nguy cơ mất thêm răng…
3. Viêm phổi
Viêm lợi nặng dễ khiến vi khuẩn xâm nhập từ khoang miệng vào phổi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi. Biến chứng này có thể xảy ra ở người gặp các vấn đề về hô hấp như xoang, ngạt mũi…
V. Điều trị viêm lợi
1. Điều trị viêm lợi tại nhà
Khi phát hiện bị viêm lợi, chúng ta có thể sử dụng các nguyên liệu đơn giản tại nhà để cải thiện nhanh tình trạng của bệnh.
– Nước muối: Với công dụng sát khuẩn hiệu quả, nước muối có thể làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn, ngoài ra nó còn giúp làm dịu chỗ viêm, loại bỏ thức ăn thừa còn bám trên răng, ngăn ngừa hôi miệng. Không nên pha nước muối quá đặc hoặc ngậm nước muối quá lâu có thể gây mòn men răng.
Súc miệng nước muối giúp cải thiện viêm lợi hiệu quả
– Tinh dầu sả: Có nhiều ý kiến cho rằng, tinh dầu sả giúp đánh bay mảng bám, chữa viêm lợi hiệu quả. Tuy nhiên, cần pha loãng tinh dầu sả, chỉ cần nhỏ 2-3 giọt tinh dầu vào khoảng 200-250ml nước, không nên sử dụng quá nhiều tinh dầu sẽ gây kích ứng thêm cho lợi.
– Tinh dầu tràm trà: Nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng nước súc miệng chứa tinh dầu tràm trà giúp cải thiện đáng kể tình trạng chảy máu do viêm lợi. Tinh dầu tràm trà có thể gây phát ban, nóng nhẹ hoặc dị ứng, do đó nếu sử dụng lần đầu tiên, nên pha tinh dầu thật loãng. Sau đó, khi đã quen dần, có thể nhỏ 2-3 giọt với khoảng 200-250ml nước ấm để súc miệng. Ngoài ra, bạn có thể nhỏ thêm 1 giọt tinh dầu tràm trà vào kem đánh răng để chải răng, giúp tăng hiệu quả sát khuẩn, cải thiện tình trạng viêm lợi.
– Ngoài ra, có thể sử dụng các loại dược liệu khác để làm nước súc miệng điều trị viêm lợi như đinh hương, lá ổi, nghệ…
2. Thuốc điều trị viêm lợi
Nước súc miệng là giải pháp được lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm lợi. Bên cạnh các loại nước súc miệng có thể tự pha chế tại nhà, có thể dùng các loại nước súc miệng đang có trên thị trường, chứa các hoạt chất kháng khuẩn, sát khuẩn như Hexetidin, Zin gluconat, Chlorinedioxid… giúp loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn hiệu quả.
Nước súc miệng là lựa chọn hàng đầu trong điều trị viêm lợi
Khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng, người bệnh cần đến các phòng khám, bệnh viện uy tín để được điều trị kịp thời. Các thuốc kháng sinh thường được dùng cho bệnh viêm lợi bao gồm:
– Kháng sinh nhóm Beta-lactam, Macrolid… thường dùng với mục đích tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa một số bệnh lý răng miệng như viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng…
– Thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol, Aspirin): Có công dụng làm giảm nhanh chóng cơn đau do viêm lợi. Lưu ý, Aspirin có khả năng chống kết tập tiểu cầu, không dùng cho người mắc bệnh máu khó đông, sốt xuất huyết.
– Thuốc Corticoid, NSAIDs: Giúp kháng viêm, giảm đau mạnh, giúp giảm ngay các triệu chứng sưng đỏ, đau nướu răng.
Không nên tự ý sử dụng thuốc trong điều trị viêm lợi, cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Điều trị không đúng cách, sai liều lượng có thể khiến bệnh nặng hơn và tăng nguy cơ biến chứng, nhờn thuốc.
VI. Phòng tránh viêm lợi hiệu quả
Để phòng ngừa viêm lợi và các biến chứng của viêm lợi, chúng ta nên thực hiện một số biện pháp sai:
– Lấy cao răng định kỳ. Thường xuyên kiểm tra các vấn đề về răng miệng để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, có thể dùng chỉ nha khoa sau khi ăn để làm giảm nguy cơ hình thành các mảng bám răng.
– Không nên dùng các vật sắc nhọn chọc vào khe răng, gây viêm nhiễm.
– Lựa chọn bàn chải răng phù hợp, đánh răng đúng cách để giảm nguy cơ tổn thương lợi. Chải răng 2 lần/ngày trước khi ngủ và khi mới thức dậy giúp răng miệng luôn sạch sẽ, ngăn ngừa viêm nhiễm.
Chải răng đúng cách để phòng ngừa viêm lợi
– Không ăn các loại thực phẩm quá cay, hoặc nóng, lạnh đột ngột để giảm các tổn thương cho lợi.
– Súc miệng và uống nước sau khi ăn, đặc biệt là sau khi ăn một lượng lớn đồ ngọt.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về viêm lợi, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Viêm lợi rất dễ điều trị nhưng khả năng tái phát cũng rất cao, khi có biến chứng thì việc điều trị cũng gặp phải rất nhiều khó khăn và tốn kém về chi phí. Do đó, nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, cần đến ngay những phòng khám nha khoa hoặc bệnh viện uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.