Viêm nang lông vùng kín – Nỗi niềm thầm kín khó nói!

Bệnh viêm nang lông vùng kín

Bệnh viêm nang lông vùng kín

Viêm nang lông là bệnh lý da liễu khá là phổ biến, có thể xuất hiện tại bất kỳ vùng da nào trong đó có viêm nang lông vùng kín. Khi mắc bệnh vùng da sẽ xuất hiện các mụn mủ gây sưng, ngứa ngáy và đau rát. Có thể do ở vị trí nhạy cảm nên nhiều người bỏ qua và để bệnh phát triển nặng gây các tổn thương tại bộ vùng da quanh bộ phận sinh dục. Vậy nếu bị viêm nang lông vùng kín chúng ta sẽ xử trí như nào và có cách nào để phòng ngừa hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé. 

I. Tìm hiểu chung về viêm nang lông vùng kín 

Tỉ lệ mắc viêm nang lông vùng kín ngày càng tăng. Bệnh có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới nhưng thường cao hơn ở nữ giới do vùng kín ẩm hơn tạo điều kiện sinh trưởng cho vi khuẩn và nấm.

1. Hình ảnh của viêm nang lông vùng kín 

Khi bị viêm nang lông vùng kín người bệnh sẽ cảm thấy rất khó chịu và có các biểu hiện đặc trưng như là:

– Lỗ chân lông bị sưng đỏ, xuất hiện các mụn đỏ hay trắng mọc xung quanh nang lông. Chúng có thể mọc riêng lẻ hoặc cụm lại từng đám.

– Các nốt mụn có ở phần đùi trong, phần lông mu và cả môi âm hộ ở nữ giới.

– Xuất hiện các khối sưng tấy gây cảm giác đau rát, ngứa ngáy, khó chịu.

– Các mụn có thể là mụn nước hoặc mụn mủ rất dễ bị vỡ ra.

Hình ảnh của viêm nang lông vùng kín

Hình ảnh của viêm nang lông vùng kín

Tình trạng nổi mụn này có thể nhầm với việc lên mụn trứng cá bình thường. Để phân biệt hãy nhìn vào đặc điểm của nốt mụn. Nếu thấy có lông ở giữa vết sưng thì đó là viêm nang lông chứ không phải mụn trứng cá. Viêm nang lông có thể trông như vết muỗi đốt hoặc vết sưng tấy. Viêm nang lông vùng kín do lông mọc ngược có thể trông giống như một mảnh nhỏ dưới da hoặc một vết lồi lên với một đốm hoặc đường sẫm màu (đây là lông bị mắc kẹt).

2. Nguyên nhân gây viêm nang lông vùng kín

Cũng giống như bệnh viêm nang lông nói chung, các nguyên nhân gây viêm nang lông vùng kín là:

– Do nhiễm khuẩn, phổ biến là tụ cầu (Staphylococcus aureus), virus và nấm.

– Do lông mọc ngược: Mồ hôi, bụi bẩn, tế bào da chết gây tắc nghẽn nang lông khiến lông bị mọc ngược. 

– Mặc quần áo, quần lót quá chật làm tăng cọ xát với vùng da bộ phận sinh dục, tăng tiết mồ hôi, làm bong da chết nên tăng nguy cơ gây viêm nang lông.

– Hay tắm bồn với nguồn nước không đảm bảo tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập.

– Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ.

– Hay dùng dao cạo: Khi cạo lông sẽ khiến lông mọc lại bị cứng hơn, vùng da ở đó cũng nhạy cảm hơn nên dễ bị tác nhân bên ngoài tấn công. Hơn nữa nếu bất cẩn có thể làm tổn thương da, càng tạo điều kiện xuất hiện viêm nang lông vùng kín.

– Do thay đổi hormon: Đối với phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi nồng độ hormone cúng có thể dẫn đến viêm nang lông ở vùng kín. 

Tụ cầu (Staphylococcus aureus) gây viêm nang lông vùng kín

Tụ cầu (Staphylococcus aureus) gây viêm nang lông vùng kín

3. Viêm nang lông vùng kín có nguy hiểm không?

Ban đầu bệnh viêm nang lông vùng kín có thể chỉ hơi rát nhưng nếu không điều trị kịp thời viêm nang lông rất dễ gây áp xe sinh dục. Các mụn nhiễm trùng dưới da chứa đầy mủ trắng, vi khuẩn một khi vỡ ra sẽ gây nhiễm khuẩn lan rộng ra các vùng da khác. Nếu nặng hơn nếu nhiễm trùng vào sâu trong da hơn sẽ làm tổn thương nang lông và ngăn không cho lông mọc lại vĩnh viễn. 

Viêm nang lông vùng kín có thể sẽ tự lành trong khoảng 3 tuần. Nếu kết hợp điều trị sẽ rút ngắn thời gian hơn. Nhưng với người hệ miễn dịch đang suy yếu thì tình trạng viêm càng nặng và kéo dài hơn, gây khó khăn cho việc điều trị. 

II. Điều trị viêm nang lông vùng kín

Một khi thấy xuất hiện các biểu hiện của viêm nang lông vùng kín, các mụn nhọt ngày càng lớn, tình trạng đau rát thì đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị triệt để. Phát hiện sớm thì việc điều trị bệnh khá là đơn giản.

Dựa vào tình trạng bệnh mà sẽ có các cách điều trị phù hợp. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ có thể chưa cần dùng đến thuốc nhưng nếu bệnh nghiêm trọng thì phải sử dụng các can thiệp ngoại khoa để điều trị. Trong quá trình điều trị không tự ý gãi để tránh làm vỡ các mụn nước và các đồ dùng như khăn tắm, quần áo nên để riêng để tránh vi khuẩn bám sang đồ dùng của người khác. 

1. Các biện pháp điều trị viêm nang lông vùng kín đơn giản tại nhà

Nếu ở người có hệ miễn dịch hoạt động tốt, viêm nang lông vùng kín chỉ mới bắt đầu còn ở mức độ nhẹ thì có thể chỉ cần thực hiện một số biện pháp điều trị với nguyên liệu tự nhiên để da tự phục hồi.

Dầu dừa

Dầu dừa là một nguyên liệu quen thuộc có nhiều lợi ích trong việc làm đẹp, chăm sóc da. Dưỡng chất này thân thiện ít gây kích ứng trên da; có tính kháng khuẩn tốt, giúp tẩy tế bào chết trên da…Do đó được sử dụng cho người bị viêm nang lông vùng kín giúp da nhanh được hồi phục nhanh hơn.

Cách thực hiện rất đơn giản với một số bước như sau:

– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và dùng khăn riêng thấm khô nước.

– Lấy một lượng dầu dừa vừa đủ lên lòng bàn tay rồi thoa lên vùng da đang bị viêm nang lông.

– Massage nhẹ nhàng trong 3-5 phút và để dầu khô tự nhiên. Sau đó rửa lại thật sạch với nước ấm.

Dầu dừa giúp điều trị viêm nang lông vùng kín

Dầu dừa giúp điều trị viêm nang lông vùng kín

Nước muối sinh lý: Người bị viêm nang lông sử dụng nước muối sinh lý để vùng da đang bị mụn hàng ngày giúp cải thiện bệnh đáng kể. Nước muối loãng hay nước muối sinh lý có nồng độ phù hợp duy trì độ pH cho da. Đồng thời có tính kháng khuẩn, giúp rửa trôi vi khuẩn gây bệnh, loại bỏ bã nhờn và da chết giúp giảm nguy cơ viêm nang lông tiến triển nặng hơn.  

Mật ong và nghệ

Hai nguyên liệu trên đều có khả năng chống viêm và tính kháng khuẩn rất tốt, hỗ trợ hiệu quả cho việc điều trị cho viêm nang lông vùng kín. Ngoài ra còn thúc đẩy da mau lành hơn, giảm các vết thâm, sẹo. 

Cách thực hiện:

– Chuẩn bị 1 thìa cà phê mật ong và trộn đều với 2 thìa bột nghệ cùng 3 thìa sữa chua không đường tạo hỗn hợp đặc sệt.

– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Bôi hỗn hợp thu được lên vùng da nổi mụn viêm. 

– Massage nhẹ nhàng hoặc để hỗn hợp khô lại trong 10 phút. Sau đó rửa lại thật sạch với nước ấm.

Điều trị viêm nang lông vùng kín nhờ mật ong - nghệ

Điều trị viêm nang lông vùng kín nhờ mật ong – nghệ

2. Điều trị viêm nang lông vùng kín bằng thuốc

Nếu tình trạng viêm nang lông vùng kín không thuyên giảm sau 2 tuần, mụn viêm lan rộng và nặng hơn mặc dù đã áp dụng các biện pháp chăm sóc ở trên thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được kê đơn điều trị bằng thuốc. Đồng thời các bệnh nhân có suy giảm miễn dịch thì ban đầu cũng nên được dùng thuốc điều trị vì bệnh sẽ ngày càng nặng hơn và dễ tiễn triển sang các biến chứng hơn.

Khi điều trị bằng thuốc bệnh nhân tuyệt đối cần tuân thủ điều trị tuyệt đối, không tự ý dùng thuốc nếu chưa được bác sĩ chỉ định. Các loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm nang lông vùng kín là:

– Thuốc kháng sinh: Ban đầu bệnh nhân sẽ được kê các loại thuốc kháng sinh bôi ngoài da, thuốc sát khuẩn để điều trị. Nếu trong trường hợp nặng sẽ được dùng kháng sinh đường uống để cho tác dụng toàn thân. 

– Thuốc kháng nấm: Nếu như nguyên nhân gây viêm nang lông là do vi nấm thì các loại thuốc kháng nấm sẽ được các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân.

– Thuốc giảm đau chống viêm cùng các thuốc chống dị ứng (kháng histamin H1) sẽ được sử dụng để giảm tình trạng ngứa ngáy hay khi vùng da bị viêm sưng tấy gây đau rát dữ dội.

Dùng thuốc kháng sinh bôi ngoài da để điều trị viêm nang lông vùng kín

Dùng thuốc kháng sinh bôi ngoài da để điều trị viêm nang lông vùng kín

3. Can thiệp ngoại khoa điều trị viêm nang lông vùng kín

Nếu các tổn thương trên da quá nặng, tình trạng nhiễm trùng không thể kiểm soát bằng thuốc thì can thiệp tiểu phẫu để điều trị sẽ là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân viêm nang lông vùng kín.

– Tiểu phẫu: Khi các nốt viêm mưng mủ nặng, nhiễm trùng phức tạp thì các bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật rạch chích mủ để giảm đau, hạn chế các nhiễm trùng lan rộng hơn giúp da nhanh lành và gần như ít để lại sẹo. 

– Điều trị bằng tia laser: Với phương pháp này sẽ dùng năng lượng của tia laser để triệt lông nhờ đó mà việc vệ sinh, loại bỏ mụn mủ ở các nang lông cũng dễ dàng hơn. Tỉ lệ người bệnh tái phát sau khi điều trị bằng tia laser khá thấp. Tuy nhiên chi phí thực hiện khá đắt và bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ như bị phồng rát da, đổi màu da… 

Tiểu phẫu để dẫn lưu mủ trong điều trị viêm nang lông vùng kín

Tiểu phẫu để dẫn lưu mủ trong điều trị viêm nang lông vùng kín

III. Phòng ngừa viêm nang lông vùng kín

Các biện pháp giúp phòng ngừa viêm nang lông gồm có:

– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ với các dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp, dịu nhẹ.

– Lau khô vùng kín sau mỗi lần tắm rửa rồi mới mặc quần áo.

– Chọn quần lót mềm mại, có độ thoáng khí tốt, thấm mồ hôi. Quần lót cần được giặt sạch, phơi ở nơi thoáng khí và thay mới thường xuyên để đảm bảo vệ sinh, tránh tích tụ vi khuẩn, nấm.

– Mặc quần áo rộng rãi thoải mái, tránh đồ bó sát hoặc vải quá cứng. 

– Không nên lạm dụng dùng dao cạo hay các sản phẩm triệt lông vùng kín. Nếu cạo lông nên dùng dao cạo 1 lần, thao tác cẩn thận và bôi kem dưỡng ẩm sau khi cạo. Nên tham khảo các biện pháp triệt lông nư dùng tia laser để tránh làm tổn thương đến da.

– Nếu có bất kỳ biểu hiện nổi mụn bất thường nào cần xin tư vấn của bác sĩ tuyệt đối không tự ý điều trị và dùng thuốc khi chưa có chỉ định. 

Vệ sinh vùng kín đúng cách để ngăn ngừa viêm nang lông vùng kín

Vệ sinh vùng kín đúng cách để ngăn ngừa viêm nang lông vùng kín

Trên đây là những thông tin tổng quát về nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa viêm nang lông vùng kín. Để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân cần chú ý đến việc giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị ngăn bệnh có biến chứng nặng nề hơn.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *