Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Trong những tháng năm đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên sức đề kháng còn yếu, trẻ rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và viêm phế quản. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp ba mẹ có biện pháp phòng và điều trị viêm phế quản ở trẻ tốt nhất, nhanh chóng nhất.
1. Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?
Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là hiện tượng viêm cấp tính ở niêm mạc phế quản nhưng chưa lan xuống nhu mô phổi. Bệnh còn có tên gọi là sưng cuống phổi.
Ở trẻ sơ sinh, bệnh thường được gặp ở 4 dạng phổ biến:
– Viêm thanh khí phế quản: Đường hô hấp bị nhiễm trùng, thanh và khí quản bị sưng to khiến trẻ bị khó thở.
– Viêm phế quản cấp: Ống phế quản trong phổi của trẻ bị sưng viêm khiến trẻ bị ho, khó thở…
– Viêm phế quản bội nhiễm: Là hậu quả của viêm phế quản. Nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến nhiễm trùng các vị trí khác.
– Viêm tiểu phế quản: Bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi, là tình trạng nhiễm trùng phổi làm cho tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ.
2. Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Rất dễ nhận ra các dấu hiệu của trẻ sơ sinh khi bị mắc viêm phế quản. Đầu tiên trẻ sẽ bị sốt nhẹ kèm triệu chứng ho, hắt hơi và sổ mũi. Cùng với đó trẻ sẽ bứt rứt, khó chịu, có thể bỏ bú mẹ, nôn trớ, hoặc thở khò khè.
Sau 3 ngày, bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn. Trẻ chuyển sang sốt cao trên 38,5 độ C và ho có đờm, thở khò khè kèm việc bỏ bú, mệt mỏi, bỏ chơi.
Sốt là một biểu hiện khi bị viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Nếu không được chẩn đoán và chữa trị đúng cách, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm sau:
– Hơi thở khó nhọc, khò khè, lồng ngực co thắt thành hình rút lõm dưới xương ức.
– Sốt cao có thể lên 40 độ C, sốt li bì, còn có thể kèm theo cả co giật.
– Ho có đờm, sổ mũi. Nước mũi có màu vàng hoặc màu xanh. Kèm theo đó, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, tiêu chảy…
– Đầu lưỡi, quanh môi…có thể tím tái.
3. Nguyên nhân viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh dễ bị mắc viêm phế quản. Chủ yếu đến từ các tác nhân bên ngoài xâm nhập làm tổn thương hệ hô hấp của trẻ như sự thay đổi thời tiết, vi khuẩn, khói bụi môi trường…
– Thời tiết thay đổi đột ngột: Cơ thể của trẻ sơ sinh sẽ đáp ứng chậm hơn với sự thay đổi từ nóng sang lạnh nên dễ bị viêm phế quản.
– Không khí bị ô nhiễm: Do còn quá nhỏ, hàng rào hô hấp bảo vệ chưa hoàn thiện nên trẻ rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng với các tác nhân trong không khí như bụi bẩn, khói xe, khói thuốc lá, mùi hóa chất… Sự tiếp xúc với những tác nhân trên dễ gây tổn thương cho niêm mạc hô hấp của trẻ và cũng là 1 trong nguyên nhân dẫn đến viêm phế quản ở trẻ sơ sinh.
– Vi khuẩn gây bệnh: Đây có thể coi là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường hô hấp của trẻ sơ sinh. Các vi khuẩn thường gây bệnh thường gặp như liên cầu khuẩn, tụ cầu, phế , cầu… Chúng luôn thường trực trú ngụ ở các hốc khoang mũi – họng trong cơ thể và chờ cơ hội để xâm nhập. Trong 6 tháng đầu, trẻ bú mẹ và được nhận miễn dịch thụ động thông qua sữa mẹ để chống lại các tác nhân gây bệnh tấn công. Tuy nhiên khi sức đề kháng bị suy giảm thì các vi khuẩn sẽ tấn công lại, khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh.
Vi khuẩn là 1 tác nhân gây viêm phế quản cho trẻ sơ sinh
4. Cách điều trị viêm phế quản cho trẻ sơ sinh
Khi trẻ chỉ vừa mới mắc bệnh ba mẹ cần điều trị ngay, tránh để bệnh ngày càng nặng hơn, gây khó khăn trong việc chữa trị. Bệnh không được trị khỏi sẽ tái phát nhiều lần, có thể tiến triển thành viêm phổi để lại những hậu quả nặng nề.
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị viêm phế quản ba mẹ cần lưu ý những điểm sau:
– Nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị chuẩn xác nhất.
– Khi trẻ bị sốt hãy dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó ba mẹ có thể dùng khăn ấm chườm toàn thân để làm giảm thân nhiệt cho trẻ.
– Có thể dùng các thuốc long đờm để giảm tắc nghẽn đường thở nhưng cần phải cẩn trọng vì phản xạ đẩy đờm ra của trẻ còn yếu nên không cẩn thận sẽ khiến trẻ khó thở hơn.
– Chú ý luôn phải giữ ấm cho trẻ, nhưng không được đắp quá nhiều chăn vì có thể làm trẻ ra mồ hôi nhiều hơn dẫn đến bị cảm.
– Cho trẻ uống đủ nước ấm, tăng cường bú mẹ tránh để trẻ bị mất nước.
– Rửa mũi cho trẻ hàng ngày bằng nước muỗi sinh lý hay các sản phẩm rửa mũi chuyên dụng để loại bớt chất nhầy, nước mũi giúp đường thở thông thoáng hơn.
Vệ sinh mũi trong điều trị viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ khi bị viêm phế quản
5. Phòng tránh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
– Như đã đề cập ở trên, khi sức đề kháng của trẻ bị suy giảm sẽ dễ bị vi khuẩn tấn công hơn. Do vậy trong khoảng 6 tháng đầu đời, hãy cho trẻ bú mẹ hoàn toàn (nếu có thể) sẽ giúp bảo vệ bé toàn diện nhất. Trong sữa mẹ có sẵn các kháng thể sẽ giúp bé chống lại các tác nhân tấn công từ môi trường trong khi chờ hệ miễn dịch hoàn chỉnh. Ngoài ra có thể cho trẻ sử dụng một số thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng.
Cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu để tạo miễn dịch
– Ba mẹ không được tự ý dùng thuốc gì cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, nhất là kháng sinh. Nếu dùng tràn lan sẽ gây kháng thuốc tạo cơ hội cho các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp tấn công mạnh mẽ.
– Hàng ngày nên vệ sinh tai-mũi-họng cho trẻ bằng các dung dịch vệ sinh hay nước muối sinh lý giúp loại đi bụi bẩn, giảm khả năng vi khuẩn tấn công.
– Bên cạnh đó giữ sạch môi trường xung quanh trẻ cũng rất quan trọng. Tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng đường hô hấp như khói bụi, hóa chất, lông thú, phấn hoa…
– Luôn mặc đủ ấm cho trẻ, không nên mặc quá nhiều quần áo cũng như không được mặc quá phong phanh. Phòng ngủ của trẻ cần thông thoáng, không khí trong lành. Nếu có sử dụng điều hòa nên giới hạn chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài trong khoảng 2-3 độ C.
Bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể được điều trị khỏi dễ dàng nếu ba mẹ phát hiện sớm và thực hiện các biện pháp điều trị khoa học. Hy vọng qua những thông tin chia sẻ bên trên sẽ hữu ích giúp ba mẹ hiểu, phòng và điều trị viêm phế quản cho trẻ sơ sinh tốt nhất.