Viêm phế quản phổi là gì?
Viêm phế quản phổi là một tình trạng gây viêm phổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu viêm phế quản phổi là như thể nào, chúng nguy hiểm ra sao và cách điều trị? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây!
I. Viêm phế quản phổi là gì?
Phế quản là những đường dẫn khí lớn kết nối với khí quản với phổi. Các phế quản này sau đó được tách thành nhiều ống khí nhỏ được gọi là tiểu phế quản, cấu tạo nên phổi. Ở cuối tiểu phế quản là những túi nhỏ chứa khí gọi là phế nang, nơi diễn ra quá trình trao đổi oxy từ phổi và CO2 từ máu.
Viêm phế quản phổi là một loại viêm phổi gây ra tình trạng viêm ở các phế nang trong phổi khiến các phế nang chứa đầy chất lỏng và cả phế quản. Chúng làm suy giảm chức năng bình thường của phổi, dẫn đến một loạt các vấn đề về hô hấp.
Viêm phế quản phổi là loại viêm phổi phổ biến nhất ở trẻ em. Chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh chiếm 85% tổng số các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
II. Triệu chứng của viêm phế quản phổi
Các triệu chứng của viêm phế quản phổi từ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các dấu hiệu này có thể giống như các loại viêm phổi khác. Có nhiều khả năng nặng hơn ở những người có hệ thống miễn dịch suy giảm, như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người đang mắc một số bệnh khác hoặc đang uống thuốc.
1. Triệu chứng viêm phế quản phổi ở người lớn
Bệnh viêm phế quản phổi thường bắt đầu với các dấu hiệu giống như cúm và nặng hơn trong những ngày sau đó. Chúng bao gồm:
– Sốt, ớn lạnh, rùng mình.
– Khó thở như thở gấp, thở nhanh…
– Đau ngực trở nên tồi tệ hơn khi ho hoặc hít thở sâu.
– Ho ra chất nhầy hoặc thậm chí cả máu.
– Đổ mồ hôi.
– Đau cơ, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt.
– Ăn không ngon, buồn nôn, nôn mửa.
– Lú lẫn, mất phương hướng, nhất ở người lớn tuổi.
Khó thở – triệu chứng của viêm phế quản phổi
2. Triệu chứng viêm phế quản phổi ở trẻ em
Trẻ em và trẻ sơ sinh có thể xuất hiện những triệu chứng khác nhau. Triệu chứng phổ biến nhất của viêm phế quản phổi ở đối tượng này là ho. Ngoài ra có thể có:
– Trẻ khó ngủ, dễ cáu gắt, cảm thấy co rút cơ ngực.
– Nhịp tim nhanh.
– Trẻ không có hứng thú trong việc ăn uống.
III. Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi và yếu tố nguy cơ
1. Nguyên nhân
Phần lớn các trường hợp viêm phế quản phổi là do vi khuẩn, một số ít do virus hoặc nấm. Những vi sinh vật này xâm nhập vào phế quản và phế nang, sau đó bắt đầu sinh sôi. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ giúp cơ thể tự sản sinh ra các tế bào bạch cầu tấn công lại những vi trùng này gây nên tình trạng viêm.
Những vi khuẩn có thể gây bệnh, bao gồm:
– Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae.
– Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae.
– Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli.
Một số ít do virus SARS -Cov-2, hoặc nấm như Aspergillus fumigatus.
2. Viêm phế quản phổi có lây không?
Viêm phế quản phổi là một bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan. Người bệnh ho, hắt hơi tạo ra những giọt có khả năng lây nhiễm. Sau khi người khỏe mạnh hít phải những giọt chứa mầm bệnh này, chúng sẽ cư trú ở cổ họng (mũi hoặc hầu họng), tiếp theo là đến phế nang phổi thông qua sự hút dịch. Khi lượng vi khuẩn nhiều hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn thương, độc tố và sự nhân lên của vi khuẩn sẽ tăng. Kết quả là người lành mang bệnh có tổn thương phế quản và nhu mô phổi.
Khoảng thời gian để một người khởi phát bệnh tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh. Thông thường thời gian ủ bệnh thường từ 3-6 ngày. Các triệu chứng có xu hướng bắt đầu xuất hiện sau 7 ngày kể từ khi phơi nhiễm.
Đường lây của viêm phế quản phổi
3. Các yếu tố nguy cơ
Một số đối tượng sau có thể tăng khả năng phát triển thành bệnh viêm phế quản phổi, bao gồm:
– Tuổi tác: Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người từ 65 tuổi trở.
– Môi trường: Những người thường xuyên làm việc trong hoặc đến bệnh viện có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Lối sống: Suy dinh dưỡng, hút thuốc, tiền sử uống nhiều rượu.
– Đang mắc một số bệnh mạn tính như bệnh phổi (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), HIV/AIDS, người hóa trị hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, tiểu đường, bệnh tim, viêm khớp dạng thấp, ung thư…
Bệnh viêm phế quản phổi thường liên quan đến bệnh viện. Những người đến để điều trị các bệnh khác thường có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, cơ thể sẽ khó khăn hơn trong việc chống lại vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác.
IV. Các biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản phổi
Viêm phế quản phổi nặng hoặc không được điều trị có thể để lại những biến chứng, nhất là những người có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi…
Bệnh tác động đến hô hấp, do đó có thể trở nên rất nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Các biến chứng của viêm phế quản phổi cụ thể như sau:
– Suy hô hấp: Điều này xảy ra khi quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide thiết yếu trong phổi gặp trục trặc. Bệnh nhân cần phải sử dụng máy thở để có thể cải thiện hô hấp.
– Hội chứng hô hấp cấp tính: Là dạng suy hô hấp nặng hơn và đe dọa tính mạng.
– Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm độc máu, nhiễm trùng huyết): Trường hợp này gây ra phản ứng quá mức làm tổn thương các mô và cơ quan trong cơ thể. Bệnh có thể gây suy đa tạng, tử vong.
– Áp xe phổi: Khiến túi chứa khí trong phổi chuyển thành chứa đầy mủ ở hai bên.
Trong năm 2015, trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới chết vì viêm phổi là 920.000 ca. Tỷ lệ chủ yếu là do viêm phế quản phổi.
Suy hô hấp – Biến chứng của bệnh viêm phế quản phổi
V. Chẩn đoán viêm phế quản phổi
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và hỏi các triệu chứng của bạn. Có thể sử dụng ống nghe để nghe tiếng thở và các âm thanh bất thường của hơi thở. Viêm phế quản phổi có thể nhầm lẫn với các bệnh thông thường như cảm lạnh, cúm, gây khó khăn trong chẩn đoán.
Nếu bác sĩ nghi ngờ, có thể yêu cầu hoặc làm thêm một số xét nghiệm để xác định chính xác loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh:
– Chụp X-quang hoặc CT ngực: Giúp bác sĩ xem bên trong phổi và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
– Xét nghiệm máu: Phát hiện những dấu hiệu nhiễm trùng như thay đổi bất thường số lượng bạch cầu.
– Nội soi phế quản: Giúp nhận thấy những tổn thương trong phổi như viêm.
– Cấy đờm: Phát hiện nhiễm trùng từ chất nhầy.
– Đo nồng độ oxy trong máu.
VI. Điều trị viêm phế quản phổi
Các lựa chọn điều trị viêm phế quản phổi bao gồm cả việc chăm sóc tại nhà và sử dụng thuốc kê đơn.
1. Chăm sóc tại nhà
Nghỉ ngơi và sử dụng thuốc hợp lý
Những người không có vấn đề khác về sức khỏe có thể hồi phục trong vòng 1-3 tuần. Có thể điều trị viêm phế quản phổi nhẹ tại nhà bằng cách kết hợp nghỉ ngơi và sử dụng thuốc. Để hồi phục nhanh hơn bạn nên:
– Uống nhiều nước để làm loãng chất nhầy và giảm tình trạng khó chịu khi do.
– Dùng theo đơn thuốc của bác sĩ:
+ Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn. Mọi người sẽ cảm thấy dễ chịu hơn từ 3-5 ngày sử dụng thuốc. Lưu ý cần uống hết đợt thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát hoặc hiện tượng kháng thuốc.
+ Trong trường hợp do virus, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng virus, do nấm thì kê đơn thuốc kháng nấm.
Điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ em cần chứ ý thêm như:
– Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
– Sử dụng máy phun sương để giữ cho đường thở thông thoáng hơn.
2. Điều trị tại cơ sở y tế
Những trường hợp viêm phế quản phổi nặng có thể cần nhập viện và điều trị. Khi nồng độ oxy trong máu thấp cần phải nhận liệu pháp oxy để giúp chỉ số này trở lại bình thường.
VII. Phòng ngừa bệnh viêm phế quản phổi
Các biện pháp chăm sóc đơn giản có thể giảm nguy cơ mắc và phát triển của bệnh viêm phế quản phổi như rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc bệnh, không hút thuốc…
Tiêm phòng cũng giúp ngăn ngừa bệnh. Thông thường các loại viêm phổi do vi khuẩn có thể được dự phòng bằng vacxin phế cầu khuẩn dành cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Tiêm phòng ngăn ngừa viêm phế quản phổi
Viêm phế quản phổi là phổ biến nhưng nếu không được điều trị đúng cách, nó có thể cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người. Điều quan trọng là hãy bảo vệ chính bản thân mình và người thân trong gia đình bằng những biện pháp thích hợp. Đặc biệt khi mắc bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra. Chúc các bạn có thật nhiều sức khỏe.