Viêm tụy cấp là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, nguyên nhân chính là do sử dụng rượu bia. Bệnh có nguy cơ tử vong lớn nếu không điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Hãy cùng tìm hiểu thêm về viêm tụy cấp để có biện pháp xử trí khi mắc bệnh.
1. Viêm tụy cấp là gì?
Viêm tuỵ cấp là tình trạng viêm các nhu mô tuyến tụy cấp tính với các mức độ khác nhau và có thể gây tử vong. Hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh cao. Theo thống kê, có khoảng 25 – 75 trường hợp/100.000 dân/năm mắc bệnh.
Viêm tụy cấp là do quá trình hoạt hóa của các proenzyme ngay tại tụy gây ra sưng, phù nề tụy. Một số trường hợp có thể gây ra chảy máu và dẫn đến hoại tử nhu mô tụy.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Các nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm tụy cấp được biết đến như:
– Sử dụng quá nhiều rượu bia – đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh.
– Nguyên nhân chuyển hóa:
+ Tăng Canxi máu trong các bệnh u tuyến giáp, cường cận giáp,…
– Do sỏi ở ống mật chủ, u tụy hay u bóng Vater, giun chui ống mật hoặc dị vật gây tắc nghẽn các ống dẫn chung, tắc cơ vòng Oddi nên dẫn đến dòng chảy ống tụy bị ngưng lại.
– Sau phẫu thuật ở phần bụng gần tụy và xung quanh tụy.
– Sau nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).
– Khi bị chấn thương và bầm dập vùng tụy.
– Nhiễm ký sinh trùng, virus…cũng có thể gây viêm tụy cấp.
– Một số nhóm thuốc có tác dụng phụ gây viêm tụy cấp như: Mercaptopurin, Tetracyclin, 6MP, Furosemide,…
– Ngoài ra, có từ 10 – 15% trường hợp viêm tụy cấp nhưng chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Lạm dụng rượu bia – nguyên nhân gây viêm tụy cấp
3. Các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp
3.1 Triệu chứng lâm sàng
– Đau bụng cấp: Cơn đau dữ dội, kéo dài nhiều giờ, xuất hiện một cách đột ngột ngay sau bữa ăn nhiều chất đạm, dầu mỡ hay khi sử dụng nhiều rượu, bia. Đau chủ yếu ở vùng thượng vị, sau đó diễn biến nặng hơn lan ra sau lưng hoặc lan sang hạ sườn 2 bên. Thường dễ bị nhầm lẫn với đau dạ dày.
– Nôn: Lúc đầu nôn ra thức ăn, sau đó là dịch mật, dịch dạ dày, thậm chí là máu. Khi nôn xong sẽ cảm thấy dễ chịu, đỡ đau hơn.
– Chướng bụng, bí trung tiện: Thường gặp khi viêm tụy cấp hoại tử nặng. Nguyên nhân là do liệt ruột cơ năng.
– Triệu chứng kèm theo: Sốt, khó thở, tụt huyết áp, mạch bất ổn, thiểu niệu,…
Đau bụng – triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp
3.2 Triệu chứng cận lâm sàng
Ngoài các biểu hiện trên lâm sàng để chẩn đoán chính xác viêm tụy cấp có thể cần thêm các xét nghiệm cận lâm sàng.
– Xét nghiệm sinh hóa:
+ Amylase máu tăng gấp hơn 3 lần bình thường, thường gặp ở 70% các trường hợp viêm tụy cấp. Chỉ số này tăng ngay sau cơn đau khoảng 1 – 2 giờ, đỉnh điểm là sau 24 giờ và trở về bình thường sau 2 – 3 ngày.
+ Cytokine huyết thanh tăng.
+ Lipase tăng.
+ CRP tăng có ý nghĩa tiên lượng.
– Xét nghiệm công thức máu:
+ Bạch cầu trung tính tăng, Hematocrit tăng nguyên nhân do máu bị cô đặc.
+ Ở các bệnh nhân nặng còn xuất hiện tình trạng rối loạn đông máu.
4. Biến chứng của viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là một bệnh vô cùng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, gây ra các biến chứng nặng, thậm chí là gây tử vong. Cần thận trọng với một số biến chứng nguy hiểm của viêm tụy cấp:
– Sốc: Biến chứng xảy ra ở những ngày đầu của bệnh. Nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn nặng hoặc xuất huyết.
– Xuất huyết: Biến chứng này xuất hiện ngay tại tuyến tụy, trong khoang bụng, ở ống tiêu hóa hay một số cơ quan khác, khiến các mạch máu bị tổn thương. Nó thường xảy ra trong tuần đầu tiên của viêm tụy cấp. Các trường hợp khi đã có biến chứng này thì đa phần đều có tiên lượng nặng.
– Nhiễm trùng tại tuyến tụy: Thường gặp ở cuối tuần đầu hay đầu tuần thứ hai của bệnh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của các ổ áp xe tuyến tụy làm viêm phúc mạc toàn thể và khiến hoại tử mô. Đa số các trường hợp này đều được tiên lượng nặng.
– Suy hô hấp cấp.
– Nang giả tụy: Nguyên nhân gây ra nang là do quá trình đóng kén để khu trú tổn thương nhu mô tụy. Biến chứng này sẽ có ở tuần thứ 2 hay tuần thứ 3 của bệnh. Trong các nang giả tụy sẽ chứa enzym tuyến tụy, một số chất dịch và các mảnh vỡ ra từ nhu mô tuyến tụy. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ tiến triển thành các ổ áp xe hoặc gây bội nhiễm.
5. Cách điều trị viêm tụy cấp
Khi có các biểu hiện bất thường và nghi ngờ là viêm tụy cấp cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để nhận điều trị.
– Điều trị nội khoa: Các phương pháp này dùng để điều trị triệu chứng, làm giảm đau, chăm sóc sức khỏe,… Biện pháp lọc máu liên tục (CRRT) có thể kết hợp cùng trong quá trình điều trị nội khoa.
– Điều trị ngoại khoa là điều trị từ nguyên nhân viêm tụy cấp. Các phương pháp có thể áp dụng đó là tiến hành các thủ thuật để lấy giun, lấy sỏi, phẫu thuật túi mật, phẫu thuật tụy và cai nghiện rượu,…
– Theo thống kê, hiện nay có đến 90% trường hợp viêm tụy cấp là thể phù. Do vậy, phác đồ điều trị trong 1 tuần chủ yếu sử dụng phương pháp nội khoa.
– Khi các cơn đau có xu hướng thuyên giảm thì mới cho bệnh nhân ăn, bắt đầu là nước đường, sau đó đến nước cháo đường và rồi ăn cháo loãng để hạn chế sự tiết dịch.
– Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và các biểu hiện của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc giảm tiết hoặc kháng sinh thích hợp.
Điều trị viêm tụy cấp bằng phương pháp phẫu thuật
6. Phòng bệnh viêm tụy cấp thế nào?
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
– Hạn chế tối đa đồ uống có cồn và không hút thuốc lá.
– Nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện ra bệnh sớm và có phương pháp điều trị kịp thời, phòng các trường hợp bệnh khi phát hiện ra đã chuyển biến nặng.
– Điều trị và thường xuyên theo dõi các bệnh nhân có triệu chứng tăng Triglyceride.
– Thực hiện một chế độ sinh hoạt lành mạnh. Duy trì thói quen ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ.
– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm tụy cấp. Mong rằng những thông tin chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh viêm tụy cấp. Nếu bạn đang có các dấu hiệu của viêm tụy cấp hãy đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn điều trị phù hợp nhất.