Hoàn an thai – Dược điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
hoan-an-thai

Công thức

Cao ban long (Colla Cornus Cervi)                                                 16 g
Sa nhân (Fructus Amomi)                                                               20 g
Hoài sơn (Tuber Dioscorcae persimilis)                                        120 g
Thục địa (Radix Rehmanniae glutinosae praeparata)                    80 g
Trữ ma căn (Radix Boehmeriae niveae)                                         80 g
Tô ngạnh (Caulis Perillae)                                                               12 g
Hương phụ (Rhizoma Cyperi)                                                         20 g
Tục đoạn (Radix Dipsaci)                                                                42 g
Ngải cứu (Herba Artemisiae vulgaris)                                             80 g
Trần bì (Pericarpium Citri reticulatae perenne)                               20 g
Mật ong vừa đủ (Mel q.s)                                                            1000 g

Điều chế

Ngải cứu: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái ngắn, phơi khô.

Tục đoạn: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái lát dày 2 mm đến 5 mm, phơi hoặc sấy nhẹ, tẩm với rượu đủ ấm đều (khoảng 10 %), ủ cho thấm rồi sao vàng xém cạnh.

Hoài sơn, Trữ ma căn, Hương phụ, Thục địa: Chế theo chuyên luận riêng.

Sa nhân, Tô ngạnh, Trần bì: Loại tạp và vi sao.

Các vị thuốc được sấy khô ở nhiệt độ dưới 70 °C, tán bột và trộn đều qua rây số 180. Thục địa nấu thành cao mềm có hàm ẩm 30 %. Rồi hòa nóng Cao Ban long trong cao thục địa. Mật ong cô luyện. Cứ 100 g bột dùng 90 g đến 120 g cao Thục địa – Cao Ban long và Mật ong.

Tất cả được trộn nóng tạo thành khối bột dẻo rồi chia thành viên 9 g.

Chế phẩm phải đáp ứng các yêu cầu trong chuyên luận “Thuốc hoàn” Phụ lục 1.11 và các yêu cầu sau:

Tính chất

Hoàn mềm hình cầu nhuận dẻo, màu nâu đen bóng, đường kính 20 mm đến 22 mm, vị ngọt đắng nhẹ, thơm mùi Ngải cứu và Hương phụ.

Xem thêm: Cao đặc Ích mẫu (Extractum Leonuri japonici spissum) – Dược điển Việt Nam 5

Định tính hoàn an thai

A. Soi bột

Lông che chở đầu đa bào 3 tế bào dài 13 μm đến 15 μm, chân đơn bào dài 3 μm đến 6 μm (hình chữ T).

Các tinh thể calci oxalat hình cầu có đường kính 5 μm đến 9 μm. Đám tế bào tiết tinh dầu chứa 3 đến 4 tế bào có đường kính 5 μm đến 20 μm. Túi tinh dầu nằm rải rác có đường kính 30 μm đến 40 μm. Mạch điểm rộng khoảng 30 μm.

B. Định tính Sa nhân

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat (7 : 3).

Dung dịch thử: Lấy 20 g chế phẩm đã cắt nhỏ, thêm 40 ml ethanol (TT), ngâm 4 h, lọc, để bay hơi dịch lọc ở nhiệt độ phòng đến cắn. Hòa tan cắn trong 1 ml ethanol (TT) được dung dịch chấm sắc ký.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g Sa nhân (mẫu chuẩn), thêm 10 ml ethanol (TT), ngâm trong 4 h, lọc. Để bay hơi tự nhiên dịch lọc đến cắn. Hòa tan cắn trong 1 ml ethanol (TT) được dung dịch chấm sắc ký.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký cho đến khi dung môi đi được khoảng 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có 3 vết cùng giá trị Rf và màu sắc với 3 vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

C. Định tính Ngải cứu

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat – aceton – acid fomic (15:2:2; 1).

Dung dịch thử: Lấy 10 g chế phẩm đã cắt nhỏ, thêm 50 ml nước, đun sôi trong 1 h. Để nguội, lọc, cô dịch lọc trong cách thủy đến cắn. Hòa tan cắn trong 10 ml ethyl acetat (TT). Lọc, cô dịch lọc trên cách thủy tới cạn. Hòa tan cắn trong 1 ml ethanol (TT).

Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g Ngải cứu (mẫu chuẩn) đã cắt nhỏ, thêm 50 ml nước và tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 μl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký cho đến khi dung môi đi được khoảng 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, quan sát dưới đèn tử ngoại, bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có màu sắc và giá trị Rf tương tự như các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Xem thêm: Cao hy thiêm – Dược điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không được quá 15.0 % (Phụ lục 12.13).

Định lượng chất bay hơi

Cân chính xác khoảng 100 g chế phẩm đã cắt nhỏ cho vào bình cầu. Tiến hành định lượng chất bay hơi trong chế phẩm theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7).

Chất bay hơi thu được trong chế phẩm xác định theo công thức:

X% = ( V2 – V1) × 100 / m

Trong đó:

  • V1 là thể tích Xylen cho vào bình hứng ( 1 ml );
  • V2 là thể tích tinh dầu và Xylen đọc được cuối cùng;
  • m là khối lượng mẫu cất chất bay hơi (g)

Chế phẩm phải chứa ít nhất 0,08% chất bay hơi.

Bảo quản

Trong lọ kín, để nơi khô mát, tránh mốc mọt.

Công năng, chủ trị

Công năng: An thai, dưỡng huyết, chỉ huyết.

Chủ trị: các trường hợp động thai, rong huyết, mệt mỏi, nôn, hoa mắt, chóng mặt, tiểu tiện vàng, đại tiện táo.

Cách dùng, liều lượng hoàn an thai

Dùng 2 lần một ngày, mỗi lần 1 viên, uống với nước ấm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *