banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Củ Chóc (Thân rễ) (Rhizoma Typhonii trilobati) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Củ chóc

Tên khác: Bán hạ nam, Chóc chuột

Thân rễ già được chế biến thành phiến khô của cây Chóc chuột Typhonium trilobatum (L.) Schott, họ Ráy (Araceae).

Mô tả

Phiến có hình tròn, hình trứng, hình bầu dục dài, đường kính thường là 0,5 cm đến 3 cm, ít khi đến 4 cm; dày 0,1 cm đến 0,3 cm; màu trắng đục, trắng ngà hay vàng nhạt. Xung quanh phiến còn ít vỏ mỏng và vết tích sẹo của rễ con. Thể chất chắc, khô cứng, giòn, dễ bẻ gãy. Vị nhạt, gây tê lưỡi, ngứa.

Vi phẫu

Lớp bần gồm nhiều lớp tế bào hình chữ nhật, dài 50 µm đến 80 µm, rộng 10 µm đến 15 µm. Lớp ngoài thường bị bong tróc ra (ở thân rễ chưa chế biến). Mô mềm gồm những tế bào hình cầu, đa giác, thành mỏng, vách méo mó, đường kính 50 µm đến 120 µm. Trong mô mềm có các tế bào chứa nhiều hạt tinh bột, các bó tinh thể calci oxalat hình kim, các tế bào chứa chất nhầy. Các bó libe-gỗ nằm rải rác trong mô mềm, các bó phía trong thường lớn hơn phía ngoài, thành của các mạch gỗ ít hóa gỗ.

Xem thêm: Ổi – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Màu trắng ngà hay nâu nhạt. Vị nhạt, gây tê lưỡi. Soi kính hiển vi thấy: Nhiều hạt tinh bột tròn, hình chuông, hình bầu dục, hình nhiều cạnh, đứng riêng lẻ hay kép đôi, kép ba, ít khi kép 4 hoặc kép 5 đường kính từ 5 µm đến 25 µm, rốn hình vạch hơi cong. Tinh thể calci oxalat hình kim riêng lẻ hay hợp thành bó, dài 35 µm đến 40 µm. Mảnh mạch vòng, mạch xoắn đường kính 15 µm đến 18 µm. Chất tiết màu vàng nâu, nâu đen.

Định tính

A. Cân 3 g bột thô dược liệu trong bình nón nút mài, thấm ẩm bằng 3 ml dung dịch amoniac 10 % (TT), để 30 min. Thêm 8 ml cloroform (TT), ngậm trong 4 h (thỉnh thoảng lắc nhẹ). Gạn, lọc lấy dịch cloroform. Cô cách thủy đến cắn. Hòa tan cắn trong 5 ml dung dịch acid sulfuric 10 % (TT). Dùng dung dịch này chia vào 3 ống nghiệm để làm các phản ứng sau:
Ống 1: Thêm 2 giọt thuốc thử Bouchardat (TT), xuất hiện tủa nâu đỏ. ,
Ống 2: Thêm 2 giọt thuốc thử Mayer (TT). xuất hiện tủa trắng,
ống 3: Thêm 2 giọt thuốc thử Dragendorff (TT), xuất hiện tủa vàng cam.
B. Cân 5 g bột thô dược liệu, nghiền với 10 ml nước nóng. Thêm 30 ml ethanol 75 % (TT), ngâm 12 h. Lọc lấy dịch. Cô trên cách thủy đến khi còn khoảng 3 ml.

Lấy 0,5 ml dịch chiết trên vào ống nghiệm, thêm 5 giọt thuốc thử ninhydrin 0,1 % trong aceton (TT), đun sôi nhẹ trong khoảng 2 min. Dịch thử dần chuyển màu sang tím hồng, xanh tím.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: n-Butanol – acid acetic – nước (4:1:5).
Dung dịch thử: Lấy khoảng 10 g bột thô dược liệu cho vào bình nón nút mài, thấm ẩm bằng 3 ml dung dịch amoniac 10 % (TT), để 30 min. Thêm 30 ml cloroform (TT), ngâm trong 4 h (thỉnh thoảng lắc nhẹ). Gạn, lọc lấy dịch cloroform. Cô cách thủy đến khi còn khoảng 1 ml, dùng làm dịch chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 10 g bột Củ chóc (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ờ nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 1 % trong ethanol 96 % (TT). Sấy bản mỏng ở 105 oC đến khi các vết hiện rõ. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết tương tự về màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Xem thêm: Thuyền thoái – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 °C, 5 h).

Tạp chất

Không quá 1,0% (Phụ lục 12.11).

Tỷ lệ vụn nát

Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.12).

Chế biến

Thu hoạch rễ củ vào tháng 8 hoặc tháng 9, khi cây lụi. Đào lấy rễ củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con. Đổ thành đống, ủ khoảng 7 đến 10 ngày đến khi vỏ ngoài mềm nát, chà sát cho tróc hết lớp vỏ ngoài. Đồ bằng hơi nước đến khi củ chín đều (không còn nhân trắng đục). Thái phiến dày 0,2 cm đến 0,3 cm. Phơi (hoặc sấy) đến khi khô kiệt.

Bào chế

Công thức:
Bán hạ nam phiến 1000 g
Phèn chua (bột) 100 g
Gừng tươi 100 g
Nước vo gạo vừa đủ.
Tiến hành: Lấy 1 kg gạo, vo lấy 3 L dịch nước. Ngâm phiến bán hạ trong 2 ngày, mỗi ngày thay nước một lần. Gạn bỏ dịch ngâm, rửa nhẹ bằng nước sạch đến khi hết nước đục trắng.

Hòa tan phèn chua trong 3 L nước sạch. Ngâm bán hạ tiếp trong 2 ngày đêm đến khi không còn ‘‘nhân trắng đục”. Vớt ra, rửa sạch, phơi khô.

Gừng tươi, giã nát, thêm 100 ml nước sạch, nghiền kỹ, ép lấy dịch. Làm 2 lần như vậy. Trộn đều dịch gừng, tẩm vào bán hạ ở trên, ủ 2 h đến 3 h, thỉnh thoảng đảo cho dịch nước gừng thấm đều.

Sao đến khi phiến bán hạ chuyển sang màu vàng đậm.
Tiêu chuẩn bán hạ chế: Phiến tròn hoặc mảnh vụn, kích thước không nhỏ hơn 0,2 cm. Thể chất khô giòn, màu vàng đậm đến nâu, cạnh phiến cháy. Mùi thơm đặc trưng của gừng. Vị cay nhẹ, không ngứa.
Định tính: Lấy 5 g bột thô dược liệu đã chế, nghiền với 10 ml nước nóng. Thêm 30 ml ethcmol 75 % (TT). ngâm 12 h. Lọc lấy dịch. Cô trên cách thủy đến khi còn khoảng 3 ml.

Cho 0,5 ml dịch chiết trên vào ống nghiệm, thêm 5 giọt dung dịch ninhydrin 0.1 % trong aceton (TT), đun sôi nhẹ trong khoảng 2 min. Dung dịch trong ống nghiệm không chuyển màu.

Bảo quản

Để nơi khô ráo.

Tính, vị, quy kinh

Cay, ôn. Vào kinh tỳ, vị, phế.

Công năng, chủ trị

Hóa đàm táo thấp, giáng nghịch chỉ nôn, giáng khí chỉ ho.

Chủ trị: Nôn, buồn nôn, đầy chướng bụng; ho đờm nhiều; trừ thấp trệ ở người béo bệu.

Cách dùng, liều lượng

Dạng thuốc sắc phối hợp với vị thuốc khác.
Ngày dùng từ 4 g đến 12 g.
Dùng cho phụ nữ có thai phải phối hợp với Hoàng cầm,  Bạch truật.

Kiêng kỵ

Phản Ô đầu. Không phối hợp với Phụ tử.
Không nên dùng cho người âm hư, ho khan, khạc máu.
Thận trọng khi dùng cho người mang thai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *