Lá đã phơi hay sấy khô của cây Chè đắng (Ilex kaushue S.Y.Hu; Syn. Ilex kudingcha C.J. Tseng), họ Trâm bùi (Aquifoliaceae).
Mô tả
Lá hình bầu dục thuôn dài hay hình mác ngược, dài 10 cm đến 22 cm, rộng 4 cm đến 7 cm, cuống ngắn 1 cm đến 1,5 cm. Gân hình lông chim, mỗi bên có khoảng 10 gân đến 14 gân tạo với gân giữa một góc lớn hơn 45°. Mặt trên lá màu xanh thẫm, bóng, mặt dưới lá màu xanh nhạt, đầu lá nhọn, ngắn. Mép lá xẻ răng cưa nhỏ, đầu răng cưa màu đen, cứng như sừng. Vị rất đắng.
Vi phẫu
Gân giữa của lá có mặt trên hơi lõm, mặt dưới lồi. Lớp cutin dày phủ toàn bộ biểu bì trên, biểu bì dưới cả phần gân lá và phần phiến lá. Mô dày gồm 1 đến 2 hàng tế bào nằm sát biểu bì trên và 3 đến 4 hàng tế bào nằm sát biểu bì dưới của gân lá. Cung libe-gỗ lớn nằm ở giữa gân lá, cung libe ở phía dưới cung gỗ, bao trùm hai đầu cung gỗ. Bó sợi tập trung nhiều ở hai đầu cung libe-gỗ, sát với phiến lá, một số bó khác nằm rải rác quanh cung libe (thường có nhiều ở những lá già, ở lá non ít có). Mô mềm gồm các tế bào hình tròn, thành mỏng, kích thước lớn. Mô giậu gồm 2 hàng tế bào hình chữ nhật, xếp thẳng góc và sát với biểu bì trên của phiến lá. Mô khuyết rộng, chiếm 1/2 bề dày của phiến lá. Có rất nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai nằm rải rác trong mô dày, mô giậu và mô mềm.
Xem thêm: Nhục đậu khấu – Dược Điển Việt Nam 5
Bột
Bột màu xanh lục, vị rất đắng. Soi bột dưới kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì mang tế bào lỗ khí. Mảnh mô mềm. Sợi xếp thành bó hoặc riêng lẻ, thành rất dày, khoang rất hẹp, phía ngoài gồ ghề. Rất nhiều tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mạch mạng, mạch xoăn, mạch thang.
Định tính
A. Lấy 3,0 g bột dược liệu (qua rây số 250), thêm 50 ml ethanol 80 % (TT), đun trên cách thủy trong 30 min. Lọc, cô dịch lọc trên cách thủy còn khoảng 6 ml (dịch A), cho vào 3 ống nghiệm, mỗi ống nghiệm 1 ml để làm các phản ứng sau:
Ống 1: Thêm một ít bột magnesi (TT) và 3 giọt đến 4 giọt acid hydrocloric (TT), đun nóng trên cách thủy, dung dịch xuất hiện màu hồng.
Ống 2: Thêm 2 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT), xuất hiện tủa màu đỏ nâu.
Ống 3: Thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), dung dịch chuyển màu xanh đen.
B. Cho vào ống nghiệm 5 ml dung dịch acid hydrocloric 0,1 N (TT), thêm 5 giọt dịch A. Lắc mạnh trong 15 s, xuất hiện nhiều bọt bền vững.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: n-Butanol – ethanol – amoniac (7:2:5).
Dung dịch thử: Lấy 2 ml dịch A, bốc hơi dung môi trên cách thủy. Hòa cắn trong 0,5 ml methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 3,0 g bột lá Chè đắng (mẫu chuẩn) và tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được 10 cm đến 12 cm, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí. Phun lên bản mỏng dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT). sấy bản mỏng ở 100°C cho đến khi hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường.
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có 6 vết màu đỏ nâu, cùng màu và cùng giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Xem thêm: Thổ Phục Linh – Dược Điển Việt Nam 5
Độ ẩm
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 2 g, 105°C, 4 h).
Tạp chất
Không quá 1 % (Phụ lục 12.11).
Định lượng
Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu (qua rây số 250), cho vào bình Soxhlet, thêm 100 ml ether dầu hỏa (40°C đến 60°C) (TT), đun hồi lưu trên cách thủy đến khi dịch chiết không màu và loại bỏ dịch chiết ether dầu hỏa. Tiếp tục chiết với 100 ml methanol (TT) đến khi dịch chiết không màu. Cất thu hồi dung môi methanol còn khoảng 20 ml. Để nguội, lọc, tráng giấy lọc bằng 10 ml methanol (TT). Gộp dịch lọc và dịch rửa, bốc hơi trên cách thủy còn khoảng 10 ml. Để nguội, rót từ từ dịch chiết methanol vào cốc đã có sẵn 50 ml ether (TT) có nắp, lắc đều, đậy nắp và để cốc vào tủ lạnh qua đêm. Gạn lấy tủa, tủa được để ngoài không khí cho bay hết hơi ether. Hòa tan tủa trong 10 ml methanol (TT), đun nóng trên cách thủy nếu không tan hết. Để nguội, lọc, tráng giấy lọc bằng 10 ml methanol (TT). Gộp dịch lọc và dịch rửa, bốc hơi trên cách thủy còn khoảng 10 ml. Để nguội, rót từ từ vào một cốc đã cân bì chứa sẵn 50 ml ether (TT), để lạnh qua đêm. Gạn lấy tủa. Sấy cốc cùng tủa thu được (saponin toàn phần) ờ 60°C đến khối lượng không đổi, cân. Tính hàm lượng phần trăm của saponin trong dược liệu.
Hàm lượng saponin toàn phần không được ít hơn 5,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Hàng năm, có thể thu hái lá từ 2 đến 3 lần. Hái những lá già và lá trưởng thành, phơi trong bóng râm, chỗ thoáng gió hoặc sấy ở 50°C đến 60°C đến khô.
Bảo quản
Trong bao bì kín, để nơi khô mát, tránh nấm mốc.
Tính vị, quy kinh
Vị đắng, ngọt. Tính mát. Vào kinh tâm, tỳ, thận.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt tư hỏa (giải thử, giải nhiệt, tiêu viêm) bình can hạ áp.
Chủ trị: Cảm nắng sốt cao, các chứng do thử nhiệt như: viêm họng, lỵ, viêm dạ dày cấp tính; đau đầu hoa mắt.
Còn dùng trị bệnh tăng huyết áp, cholesterol máu cao; trừ lỵ do thấp nhiệt.
Cách dùng, liều lượng
Dùng dưới dạng hãm, hoặc sắc. Ngày dùng 8 g đến 10 g.
Kiêng kỵ
Vì vị thuốc rất đắng nên không nên dùng liều quá cao và thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa.