banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Cơm Cháy (Hoa) (Flos Sambuci javanicae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Cơm cháy hoa

Hoa phơi hay sấy khô của cây Cơm cháy (Sambucus javanica Blume), họ Cơm cháy (Sambucaceae).

Mô tả

Hoa khô màu từ vàng nhạt đến vàng nâu, mùi hắc đặc biệt, đường kính 1,5 mm đến 2,5 mm. Năm tràng hoa hình bánh xe, đầu nhọn. Bộ nhị gồm 5 nhị xếp xen kẽ cánh hoa. Bao phấn 2 ô, nứt dọc, hướng ngoài. Bộ nhụy cấu tạo bởi 3 lá noãn chia bầu thành 3 ô, mỗi ô mang 1 noãn. Một số hoa không sinh sản biến thành thể tuyến hình chén, đường kính 1 mm đến 2 mm.

Soi bột

Bột màu vàng nâu, mùi hắc đặc biệt, không vị. Mảnh mô mềm cánh hoa gồm các tế bào hình đa giác, xếp đều đặn, mảnh mô mang lỗ khí, lông tiết đa bào. Hạt phấn màu vàng, hình tròn, có 3 lỗ nảy mầm, lớp vỏ ngoài sù sì, đứng riêng lẻ hay tụ lại thành đám. Mảnh mạch xoắn, mạch điểm.

Xem thêm: Tía tô (Lá) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

Lấy 10 g bột dược liệu vào túi giấy lọc, cho vào bình Soxhlet, chiết bằng ether dầu hỏa (30 oC đến 60 °C) (TT) đến khi dịch chiết không còn màu xanh. Lấy bã ra để bay hơi hết ether dầu hoả. Cho bã vào bình nón, thêm 30 ml ethanol 90 % (TT), đun cách thủy 15 min, lọc nóng. Lấy dịch chiết làm các phản ứng:

Nhỏ 1 giọt dịch chiết lên tờ giấy lọc, để khô rồi hơ lên miệng lọ có chứa amoniac (TT), màu vàng của vết dịch chiết sẽ tăng lên.

Cho 2 ml dịch chiết vào ống nghiệm, nhỏ 2 đến 3 giọt dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT) vào ống nghiệm thấy xuất hiện kết tủa màu vàng, tiếp tục thêm 1 ml nước cắt, tủa sẽ tan.

Cho 2 ml dịch chiết vào ống nghiệm, thêm một ít bột magnesi (TT) và 3 đến 4 giọt acid hydrocloric (TT) rồi đun trong cách thủy, dung dịch xuất hiện màu hồng.

Độ ẩm

Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 °C, 4 h).

Xem thêm: Thương truật (Thân rễ) – Dược Điển Việt Nam 5

Tro toàn phần

Không quá 9,0 % (Phụ lục 9.8).

Tạp chất

Không quá 1 % (Phụ lục 12.11).

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 25,0 % tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng nước làm dung môi.

Chế biến

Hoa được thu hái ngay sau khi nở, đem phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 °C đến 60 °C. Khi dùng cần vi sao.

Bảo quản

Trong bao bì kín. Để nơi khô ráo, tránh sâu mọt.

Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính ấm, hơi có độc. Vào kinh can, thận.

Công năng, chủ trị

Tiêu phù lợi tiểu, trừ hàn thấp.

Chủ trị thấp thũng (phù do trung tiêu, tương tự hội chứng thận hư), phong hàn thấp tí.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 10 g đến 12 g, dưới dạng thuốc hãm hoặc sắc.

Kiêng kỵ

Những người tỳ vị hư hàn, phân sống nát, không nên dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *