banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Ngô Thù Du (Quả) (Fructus Evodiae rutaecarpae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
ngô thù du

Quả gần chín, phơi khô của cây Ngô thù du  [Evodia rutaecarpa (Juss.) Benth. hoặc Evodia rutaecarpa  (Juss.) Benth. var. officinalis (Dode) Huang hoặc Evodia rutaecarpa (Juss.) Benth, var. hodinieri (Dode) Huang], họ Cam (Rutaceae).

Mô tả

Quả hình cầu hoặc hình cầu dẹt, đường kính 0,2 cm đến  0,5 cm, mặt ngoài màu lục vàng thẫm đến màu nâu, thô, xù xì. Có nhiều điểm chấm dầu nhô lên hoặc trũng xuống. Đỉnh quả có kẽ nứt hình sao 5 cánh, chia quả thành 5 mảnh. Gốc quả còn sót lại cuống phủ lông tơ vàng. Chất cứng, giòn. Mặt cắt ngang quả thấy rõ 5 ô, mỗi ô chứa 1 hạt đến 2 hạt màu vàng nhạt. Mùi thơm ngát, vị cay, đắng.

Bột

Bột màu nâu. Lông che chở đa bào gồm 2 đến 6 tế bào, dài 140 µm đến 350 µm, vách ngoài có mẩu bướu rõ rệt. Một số khoang tế bào chứa các chất màu vàng nâu đến đỏ nâu. Lông tiết có đầu hình bầu dục, gồm 7 đến 14 tế bào thường chứa chất tiết màu vàng và chân có 2 đến 5 tế bào. Cụm tinh thể calci oxalat hình cầu gai hoặc hình lăng trụ, đường kính 10 µm đến 25 µm. Tế bào mô cứng hình gần tròn  hoặc hình chữ nhật, thành dày và có ống trao đổi rõ, đường kính 35 µm đến 70 µm, khoang rộng. Mảnh mô mềm có chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai, hình lăng trụ. Đôi khi còn thấy các mảnh vỡ màu vàng của các khoang dầu.

Xem thêm: Cẩu Tích (Thân rễ) (Rhizoma Cibotii Culi) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A. Lấy 0,5 g bột dược liệu, cho vào ống nghiệm, thêm 10 ml dung dịch acid hydrocloric 1 % (TT), lắc mạnh vài phút, lọc. Lấy dịch lọc làm các phản ứng sau:
Lấy 2 ml dịch lọc, thêm 1 giọt thuốc thử Mayer (TT), lắc đều, sẽ có tủa màu trắng ngà.
Lấy 1 ml dịch lọc, thêm từ từ 2 ml dung dịch p-dimethyl aminobezaldehyd (TT), đun nóng trên cách thủy, giữa hai lớp dung dịch sẽ hình thành vòng nâu đỏ.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (60 °C đến 90°C) –  ethyl acetat –  triethylamin (7:3:  0,1).
Dung dịch thử: Lấy 0,4 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol  96 % (TT), siêu âm 30 min ở nhiệt độ phòng, lọc, dịch lọc được dùng làm dung dịch chấm sắc ký.
Dung dịch chất đối chiếu: Hòa tan riêng biệt rutaecarpin chuẩn và evodiamin chuẩn trong ethanol 96 % (TT) để được dung dịch có nồng độ chất chuẩn lần lượt là 0,2 mg/ml và 1,5 mg/ml.
Dung dịch dược liệu đối chiếu: Nếu không có các chất chuẩn trên, lấy 0,4 g bột Ngô thù du (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí. Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch  thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với với vết rutaecarpin và evodiamin trên sắc ký đồ của dung dịch chất  đối chiếu hoặc có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch dược liệu đối chiếu.

Độ ẩm

Không được quá 15,0 % (Phụ lục 9.6, 2 g, 105 °C, 5 h).

Tro toàn phần

Không được quá 10,0 % (Phụ lục 9.7).

Xem thêm: Câu Kỷ Tử (Fructus Lycii) – Dược Điển Việt Nam 5

Tạp chất

Cuống quả đã tách rời và tạp chất khác: Không quá 7,0 %  (Phụ lục 12.11).

Chất chiết được trong dược liệu

Không được dưới 30,0%, tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10).  Dùng ethanol 50 % (TT) làm dung môi.

Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu (Phụ lục 12.7). Dùng 100 g dược liệu. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 0,25 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Ngô thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 11, khi quả chưa nứt, cắt cành có quả, phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp (40°C đến 50°C), loại bỏ cành, cuống, lá, cuống quả và tạp chất khác.

Bào chế

Ngô thù du chế: Giã hoặc tán thô Cam thảo và sắc với đồng lượng nước, lọc bỏ bã, cho Ngô thù du sống vào dụng cụ có nắp, trộn với nước sắc Cam thảo và ủ cho thấm hết, sao se, lấy ra phơi khô. Dùng 6 kg Cam thảo cho 100 kg Ngô thù du.

Bảo quản

Để nơi khô mát.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn, khổ, tiểu độc. Quy vào kinh tỳ, vị, can, thận.

Công năng, chủ trị

Ôn trung, tán hàn, chỉ thống, giáng nghịch, chỉ ẩu.

Chủ trị: Quyết âm đầu thống, hàn sán đau bụng, hàn thấp, cước khí, thượng vị đau trướng kèm nôn, ợ chua, ngũ canh tả.

Dùng ngoài: Hòa dấm đắp huyệt dũng tuyền, chữa loét miệng lưỡi, huyễn vựng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 1,5 g đến 4,5 g, phối ngũ trong các bài thuốc.

Dùng ngoài với lượng thích hợp.

Kiêng kỵ

Không dùng kéo dài và cho người âm hư nội nhiệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *