Sốc phản vệ
Sốc phản vệ vô cùng nguy hiểm, nó có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài phút nếu không được xử lý kịp thời. Chính vì vậy, việc nắm một số nguyên nhân thường gặp và phương pháp điều trị của sốc phản vệ là vô cùng cần thiết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có được những thông tin hữu ích.
1. Sốc phản vệ là gì?
Theo Bộ Y tế, phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Nó gây ra các diễn biến lâm sàng khác nhau.
Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản ứng phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng vài phút. Quá trình sốc phản vệ xảy ra khi các chất lạ (được gọi là dị nguyên) tiếp xúc với có thể người gây ra phản ứng dị ứng.
2. Nguyên nhân gây sốc phản vệ
Một số người bị sốc phản vệ có thể xác định chính xác được nguyên nhân, một số khác thì không. Khoảng 20% những đối tượng bị sốc phản vệ không có các dấu hiệu nhận biết sớm ở da và niêm mạc. Biểu hiện khác có thể gặp như tình trạng giãn mạch, tụt huyết áp cũng khiến bệnh khó chẩn đoán. Phản ứng phản vệ thường xuất hiện trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên, có thể lên đến 1 giờ hoặc hơn.
Sốc phản vệ ở trẻ em với nguyên nhân thường gặp nhất là do thức ăn. Đối với người lớn, nguyên nhân chính do thuốc mà chủ yếu là do dị ứng với kháng sinh Penicillin đường tiêm.
Thuốc, thức ăn có thể là nguyên nhân gây sốc phản vệ
Một số dị nguyên thường gây ra sốc phản vệ như:
– Sữa.
– Đậu nành.
– Trứng.
– Đậu phộng.
– Hải sản có vỏ như tôm, cua,…
– Phấn hoa.
– Vết cắn từ côn trùng như ong, kiến lửa,…
– Cao su như găng tay, dây thun, bóng bay,…
Một số thuốc cũng có thể gây sốc phản vệ cần đặc biệt chú ý như:
– Penicillin đường tiêm.
– Thuốc giãn cơ dùng để gây mê.
– Aspirin, ibuprofen và các thuốc chống viêm không Steroid khác.
– Thuốc chống động kinh.
Một số trường hợp, sốc phản vệ là sự kết hợp của nhiều yếu tố như:
– Hít phải phấn hoa bạch dương và ăn táo, khoai tây sống, cà rốt,…
– Chạm vào mủ và ăn đu đủ, kiwi, hạt dẻ.
– Hít phấn hoa cỏ phấn hương và ăn chuối, dưa.
– Phấn hoa ngải cứu và ăn cần tây, đậu phộng, táo, kiwi.
Ở những người có cơ địa dị ứng sẵn thì càng tăng nguy cơ xảy ra sốc phản vệ khi tiếp xúc với các tác nhân trên. Vì vậy để hạn chế tình trạng này xảy ra nên tránh cho người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh. Đây la cách phòng ngừa tốt nhất.
3. Dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ
Một số triệu chứng của sốc phản vệ
Các triệu chứng đầu tiên của sốc phản vệ thường giống các triệu chứng dị ứng điển hình như phát ban trên da, chảy nước mũi. Dấu hiệu nghiêm trọng hơn xuất hiện trong khoảng 30 phút, bao gồm:
– Ngứa, tức ngực, khó thở, thở khò khè, ho khan.
– Lú lẫn, suy nhược, chóng mặt, ngất xỉu.
– Phát ban, da ngứa hoặc sưng.
– Nghẹt mũi, hắt hơi hoặc chảy nước mũi.
– Lưỡi, cổ họng hoặc môi bị ngứa hoặc sưng.
– Khó nuốt, đau rát cổ họng.
– Tiêu chảy, nôn mửa hoặc chuột rút.
– Mạch đập yếu.
4. Cơ chế sốc phản vệ
Cơ chế của sốc phản vệ
Phản ứng sốc phản vệ liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thẻ. Sốc phản vệ chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Giai đoạn mẫn cảm.
Các chất kích thích xâm nhập vào cơ thể qua các con đường khác nhau như tiêm truyền, hít phải, ăn uống… Dị nguyên gặp đại thực bào làm chúng được hoạt hóa, truyền thông tin qua ARN, tiết ra chất trung gian hóa học Interleukin (IL-1). Sau đó tiếp tục hoạt hóa TCD4, tham gia chuyển lớp 1 và 3, tác động lên thứ lớp TCD4 là TH1 và TH2.
Khi bị sốc phản vệ do thuốc, TH2 mang ý nghĩa quan trọng, cùng với sự tham gia của IL-4 và IL-5 kích thích sản sinh IgE. Sau đó IgE chui qua màng tương bào và gắn lên bề mặt của dưỡng bào.
Giai đoạn 2: Giai đoạn hóa sinh.
IgE gắn với dị nguyên sản sinh nhiều chất trung gian hóa học như histamin, serotonin,…
Giai đoạn 3: Giai đoạn sinh lý
Các chất hóa học được sản xuất ra làm giãn động mạch, co động mạch não, giảm huyết áp, co thắt phế quản gây cơn co thắt vùng bụng, choáng, đau đầu hoặc thậm chí bị hôn mê.
Hậu quả của quá trình này làm tính thẩm thấu mao quản tăng lên, phế quản trở nên nhạy cảm khiến giãn mạch ngoại biên, tụt huyết áp do giảm thể tích tuần hoàn. Đồng thời, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ tim, đường hô hấp dẫn đến tình trạng suy hô hấp cấp.
5. Phác đồ điều trị sốc phản vệ của Bộ Y tế
Theo phác đồ của Bộ Y tế, thuốc quan trọng hàng đầu để tiêm bắp ngay cho người bị phản vệ từ độ II trở nên là Adrenalin. Do sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản ứng phản vệ do đó, tiêm bắp ngay bằng Adrenalin phải được thực hiện để cấp cứu cho bệnh nhân. Đối với người có tiền sử phản ứng dị ứng nên mang sẵn theo người adrenalin. Sau đó nên chuyển ngươi bệnh đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ theo dõi và phòng tránh tình trạng này tiếp diễn xảy ra. Đồng thời cũng cải thiện các biến chứng mà sốc phản vệ gây ra.
Một nguyên tắc cần lưu ý là: Nếu gặp người bị sốc phản vệ, dù không phải nhân viên y tế cũng được phép sử dụng adrenalin trong trường hợp khẩn cấp để tiến hành tiêm bắp cứu chữa kịp thời.
Phác đồ điều trị sốc phản vệ của Bộ Y tế
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng vô cùng nguy hiểm, có thể tử vong trong vài phút. Vì vậy, cần chú ý đến tiền sử dị ứng của bệnh nhân, các thuốc sử dụng cũng như ghi nhớ phác đồ điều trị sốc phản ứng để có thể xử lý kịp thời.