Tụt huyết áp có thể nguy hiểm tới tính mạng
Tụt huyết áp là tình trạng gặp phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau như thuốc, bệnh lý của cơ thể, các tác động từ bên ngoài…Nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.Vậy nên làm gì để phòng tránh tình trạng này xảy ra. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
I. Như thế nào được gọi là tụt huyết áp?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch, được tạo ra bởi sức co bóp của tim và sức cản của thành mạch. Huyết áp bình thường có trị số 120/80 mmHg.
Tụt huyết áp là khi huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg hoặc huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg hoặc xảy ra đồng thời cả hai hiện tượng trên.
II. Nguyên nhân gây tụt huyết áp
Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ổn định trương lực của mạch máu và làm huyết áp bị tụt giảm. Trên lâm sàng một số nguyên nhân làm tụt huyết áp có thể kể đến như:
– Tụt huyết áp khi mang thai: Trong quá trình mang thai, người phụ nữ thường hay nôn ói dẫn tới cơ thể bị mất nước, hoặc cũng có thể do sự gia tăng nhu cầu về máu của cả mẹ và thai nhi nhưng tim không thể cung cấp đủ nên thường gây ra tụt huyết áp.
– Do mắc bệnh lý tim mạch như suy tim: Khi tim suy, tim co bóp yếu hơn khiến sức bơm của tim giảm và gây ra hạ huyết áp.
– Do tác dụng không mong muốn của một số thuốc như: Thuốc lợi tiểu, thuốc gây tê, gây mê, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị Parkinson và thuốc điều trị cao huyết áp.
– Chuyển tư thế đột ngột (hạ huyết áp tư thế đứng): Khi đang nằm, ngồi mà đứng dậy đột ngột, máu ở các chi chưa kịp trở về tim, vì vậy dễ xảy ra tụt huyết áp.
– Mất nước (do ra mồ hôi, tiêu chảy, nôn mửa, mất máu): Điều này khiến thể tích tuần hoàn giảm và gây ra hạ huyết áp.
– Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như tuổi già, stress, trầm cảm, suy nhược cơ thể, thiếu máu hoặc có thể do bẩm sinh…cũng dẫn đến tình trạng tụt huyết áp của cơ thể.
III. Triệu chứng của cơ thể khi tụt huyết áp
Một vài dấu hiệu điển hình trên lâm sàng để nhận biết bệnh nhân đang bị tụt huyết áp là:
– Chóng mặt hoặc choáng váng.
– Buồn nôn, nôn.
– Ngất xỉu.
– Mất nước (đổ mồ hôi) và khát bất thường.
– Thiếu tập trung.
– Nhìn mờ.
– Da lạnh, sần sùi, nhợt nhạt.
– Thở nhanh, nông.
– Mệt mỏi.
– Phiền muộn.
Choáng váng, mệt mỏi là biểu hiện của tụt huyết áp
IV. Tụt huyết áp có nguy hiểm không?
Tụt huyết áp ban đầu không nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị, tình trạng bệnh sẽ ngày một nặng và gây ra các biến chứng nguy hiểm cùng các tai nạn thứ phát. Một số hậu quả của tụt huyết áp cần chú ý như sau:
– Ngất đột ngột: Điều này cực kỳ nguy hiểm nếu bạn đang làm việc trên cao, đang lái xe hoặc sống một mình.
– Giảm thính lực và lâu dần có thể dẫn tới điếc.
– Suy giảm trí nhớ, nguy cơ dẫn tới mất trí nhớ nếu kéo dài. Đặc biệt nặng với những bệnh nhân mắc cả Alzheimer.
– Ngoài ra, nếu tình trạng này kéo dài còn làm cho chức năng các cơ quan như thận, tim, phổi suy giảm nhanh chóng.
V. Cách xử trí khi tụt huyết áp
1. Điều trị
Tụt huyết áp nên làm gì, ăn gì, uống gì? Đó là thắc mắc của những người gặp tình trạng này.
Huyết áp hạ không triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như chóng mặt khi đứng dậy đột ngột, ít khi đòi hỏi phải điều trị. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng hơn, phương pháp chủ yếu là điều trị nguyên nhân, cụ thể là:
– Nếu do sử dụng thuốc hạ huyết áp quá liều gây tụt huyết áp thì cần điều chỉnh lại liều sử dụng hoặc cân nhắc ngừng thuốc hoặc đổi lại thuốc khác.
– Nếu do mất nước cần bổ sung thêm nước, truyền dịch cho bệnh nhân.
– Nếu do suy tim cần điều trị suy tim, do suy giáp cần điều trị suy giáp.
2. Biện pháp không dùng thuốc
– Sử dụng nhiều muối: Muối giúp cơ thể giữ nước nhiều hơn đồng thời làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với Adrenalin (một chất làm co mạch và gây tăng huyết áp). Tuy nhiên không nên sử dụng nhiều muối trên bệnh nhân suy tim vì sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh.
Uống đủ nước giúp kiểm soát hạ huyết áp
– Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp tăng thể tích tuần hoàn, hạn chế tình trạng mất nước,góp phần làm tăng huyết áp. Người bình thường cần tối thiểu 2 lít nước/ ngày còn người bị tụt huyết áp cần cung cấp nhiều hơn.
3. Một số thuốc điều trị tụt huyết áp
– Ephedrine: Thuốc có tác dụng làm co mạch máu, kích thích hoạt động của tim, từ đó làm tăng huyết áp.
– Heptamyl: Đây là một loại thuốc trợ tim, giúp tăng sức co bóp của tim.
– Với phụ nữ có thai: Nên sử dụng các chế phẩm giúp bổ sung sắt để phòng ngừa thiếu máu.
VI. Các biện pháp phòng ngừa tụt huyết áp
Để phòng ngừa tụt huyết áp, bạn cần xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học.
1. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc giúp cơ thể tỉnh táo, một giải pháp giúp phòng ngừa tụt huyết áp hiệu quả. Hãy đảm bảo ngủ đủ từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, có thể ngủ 9 – 11 tiếng nếu ngủ sâu giấc. Khi ngủ nên gối đầu thấp, chân cao.
Ngủ đủ giấc giúp cơ thể tỉnh táo, phòng ngừa hạ huyết áp
2. Thức dậy đúng cách
Khi ngủ, máu tập chung ở các chi và vùng bụng. Nếu bạn bật ngay dậy sau khi mở mắt sẽ dễ xảy ra choáng váng do máu chưa kịp về tim. Vì vậy để tránh tụt huyết áp, bạn nên thức dậy đúng cách.
Cách làm như sau: Đầu tiên cần hít thở sâu vài nhịp, vươn vai và ngồi dậy từ từ, sau đó đưa 2 chân xuống trước và từ từ đúng dậy, hai tay có thể vịn vào giường.
3. Tập luyện thể dục
Tập luyện thể dục giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh. Nên lựa chọn các môn thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đi xe đạp. Không nên tập luyện quá sức hoặc các môn thể thao mạnh khiến cơ thể mất nước nhiều. Chú ý bổ sung nước trong quá trình tập luyện.
4. Chế độ ăn uống hợp lý
– Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là ăn nhiều chất xơ. Không nên ăn chay, ăn kiêng vì dễ dẫn tới tình trạng thiếu hụt protein và khó duy trì được huyết áp.
– Nên ăn mặn hơn bình thường vì nó giúp cơ thể giữ nước
– Sử dụng một vài sản phẩm có chất kích thích như cà phê, nước chè đặc vì nó giúp tim hoạt động mạnh hơn đặc biệt có lợi với bệnh nhân suy tim. Tuy nhiên không nên sử dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để ngăn ngừa tụt huyết áp
Nhìn chung tụt huyết áp là một bệnh không quá nguy hiểm nếu được chữa trị kịp thời và phòng ngừa đúng cách. Bạn nên xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý để phòng ngừa tụt huyết áp. Hãy báo ngay với bác sĩ nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường để nhận được lời khuyên tốt nhất.