Đau đầu là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành, đặc biệt trong xã hội hiện đại. Vậy đâu là nguyên nhân và tình trạng này có đang cảnh báo cho bạn điều gì về sức khỏe của mình.
Cùng chúng tôi tìm hiểu thêm các thông tin qua bài viết dưới đây để được giải đáp thắc mắc.
1. Đau đầu do bệnh lý
Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, gần 50% số người trưởng thành trên thế giới đã từng trải qua cảm giác đau ở đầu. Có tới 70 nhóm nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng đau đầu, tuy nhiên, có khoảng 80% trường hợp là lành tính. Vậy, thường xuyên đau đầu có thể là dấu hiệu của bệnh gì? Nhức đầu có thể phân loại thành 2 kiểu: Nguy hiểm và không nguy hiểm.
1.1 Những cơn đau đầu không nguy hiểm
Một số tác nhân dẫn đến cơn đau đầu không nguy hiểm có thể kể đến như sau:
– Viêm xoang: Gần 90% bệnh nhân viêm xoang đi kèm với các triệu chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu. Muốn điều trị dứt điểm đau đầu ở trường hợp này, cần chữa khỏi viêm xoang.
Viêm xoang có thể dẫn đến đau đầu
– Tăng nhãn áp: Bệnh lý ở hệ thần kinh mắt cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau đầu. Tăng nhãn áp, rối loạn điều tiết và các bệnh về nhãn cầu khác có thể gây ra những cơn đau nửa đầu dữ dội, kèm theo là sự suy giảm thị lực, mắt đỏ,…
– Thiếu máu: Thiếu máu nặng, đặc biệt là thiếu máu lên não kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt,…gây ra các cơn đau đầu dữ dội. Người bệnh cần bổ sung thêm sắt để điều trị tình trạng thiếu máu, và khắc phục được chứng đau đầu.
– Đau đầu Migraine: Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau đầu. Trong y học gọi là rối loạn vận mạch não hoặc đau đầu vận mạch. Người bệnh đau nửa đầu ở vị trí không cố định, lúc bên trái, lúc bên phải, mức độ đau từ vừa đến nặng, mạch da đầu bị căng giật dữ dội,… Đau nửa đầu thường gặp ở những phụ nữ trung niên và xảy ra vào buổi sáng. Mặc dù tình trạng này không nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe, đôi khi gây ra các biến chứng về thần kinh.
– Bệnh lý mạn tính: Nhức đầu thường xuyên còn có thể do mắc các bệnh mạn tính khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ,…
1.2 Những cơn đau đầu nguy hiểm
Đau đầu thường xuyên và kéo dài, không thể chấm dứt kể cả khi dùng thuốc là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Nếu nhận thấy trạng thái bất thường, cần cảnh giác với những bệnh sau:
– Tai biến mạch máu não: Nhóm người có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não cần lưu ý đến triệu chứng đau đầu thường xuyên, kèm theo các biểu hiện lâm sàng khác như nôn mửa, thay đổi thị giác, mất thăng bằng, tê bì vùng mặt,… Tai biến xảy ra có thể gây ra hậu quả nặng nề, thậm chí là tử vong, do đó cần phát hiện các dấu hiệu sớm để can thiệp kịp thời.
Tai biến mạch máu não dẫn đến cơn đau đầu nguy hiểm
– U não: Khoảng 50% người có khối u não bị đau đầu dai dẳng và kéo dài nhiều tháng, thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng. Mức độ đau tiến triển tăng dần, đến dữ dội, vượt qua giới hạn chịu đựng của người bệnh. Để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, cần tiến hành chụp CT scan não hoặc MRI.
– Nhiễm trùng não – màng não: Nếu người bệnh bị đau đầu dữ dội và liên tục, kèm theo các triệu chứng của nhiễm trùng như sốt, sợ ánh sáng và tiếng động, cứng vùng gáy,… cần chọc dò não tủy, chụp MRI, xét nghiệm máu để xác định mức độ bệnh.
– Di chứng chấn thương hay tai nạn: Tiền sử chấn thương hay tai nạn dù nhẹ hay nặng, có ảnh hưởng đến vùng đầu đều có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng đau đầu. Nếu tình trạng đau đầu tăng dần, kèm theo nôn, người bệnh cần tiến hành chụp CT scan hoặc MRI sọ não để tìm ra tổn thương tụ máu mạn tính. Nếu có tụ máu, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật dẫn lưu huyết tụ để giải phóng chèn ép thần kinh.
Ở những đối tượng nhức đầu thường xuyên, cần thăm khám bác sĩ hoặc các chuyên gia để được kiểm tra, đánh giá tình trạng bệnh, cải thiện các tiệu chứng của bệnh nhanh chóng.
2. Đau đầu không do bệnh lý
Phần lớn các trường hợp đau đầu không do bệnh lý, một số nguyên nhân có thể kể đến như sau:
– Thường xuyên lo âu, tâm lý căng thẳng mệt mỏi kéo dài, (nguyên nhân thường gặp và có xu hướng ngày càng gia tăng).
Stress kéo dài dẫn đến đau đầu
– Cơ thể mất nước dẫn đến mất máu, thiếu oxy lên não.
– Thay đổi hormone phụ nữ ở các thời kỳ: sau sinh, chu kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh.
– Chế độ sinh hoạt, rối loạn giờ giấc ở những người thường xuyên thức khuya làm việc hoặc di chuyển giữa các nước ở múi giờ khác nhau.
– Tác dụng phụ khi sử dụng các chất kích thích: bia rượu, cà phê,…
Tuy đau đầu không do bệnh lý không quá nghiêm trọng nhưng khi mắc bệnh vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Người bệnh nên chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt, cân bằng lại cuộc sống.
3. Các cách giảm đau đầu hiệu quả
Với những cơn đau đầu nhẹ và không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp đơn giản dưới đây để giảm đau đầu nhanh chóng và phòng ngừa những cơn nhức đầu xuất hiện:
– Thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thẳng, lo âu.
– Uống nhiều nước mỗi ngày, 1.5 – 2 lít mỗi ngày.
– Thường xuyên luyện tập thể dục để cơ thể khỏe mạnh.
– Chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung nhiều rau xanh và các loại vitamin cần thiết.
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia rượu, cà phê,…
– Chườm đá hoặc xoa bóp nhẹ vùng thái dương.
Khi gặp tình trạng đau đầu thường xuyên và kéo dài, không nên lạm dụng thuốc giảm đau. Việc sử dụng thuốc chỉ có hiệu quả trong việc kiểm soát triệu chứng mà không có tác dụng loại bỏ nguyên nhân gây đau. Thường xuyên cầm cự bằng thuốc có thể khiến bệnh lý tiềm ẩn diễn biến nặng thêm.
Không nên lạm dụng thuốc giảm đau khi đau đầu thường xuyên
4. Đau đầu khi nào thì cần đi khám?
Khi gặp một trong các triệu chứng dưới đây, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc thăm khám bác sĩ để có các biện pháp can thiệp kịp thời.
– Đau đầu dữ dội kèm theo các triệu chứng khác: khi cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội, không thuyên giảm sau khi đã dùng thuốc giảm đau, kèm theo các triệu chứng khác như sốt, giảm thị lực, cứng cổ,… cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để có liệu pháp xử lý phù hợp.
– Đau đầu như búa bổ: đây là cơn đau thứ phát do các bệnh lý nghiêm trọng gây ra như xuất huyết não, vỡ hoặc phình động mạch não, đột quỵ, viêm màng não,…
– Đau đầu kèm theo nhức mắt: Cơn đau xuất hiện quanh hốc mắt, gây nhức, đau mặt vùng quanh mắt. Triệu chứng tăng khi vận động, tái phát nhiều lần, kèm theo sợ ánh sáng, tiếng động, nôn và buồn nôn khi đau. Đây có thể là biểu hiện của nhiễm virus cấp ở một số bệnh như sốt xuất huyết, sốt siêu vi, đau dây thần kinh số V.
Đau đầu kèm nhức mắt – cần gặp bác sĩ ngay
Trên đây là những cảnh báo về dấu hiệu đau đầu, cần có lối sống khoa học để ngăn ngừa cơn đau nhức đầu có thể xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.