Mẹo chữa viêm họng tại nhà là gì?
Khi viêm họng ở mức độ nhẹ, hoặc trong các trường hợp viêm họng mãn tính áp dụng theo các cách chữa dân gian tại nhà có thể giảm nhẹ cơn đau và các triệu chứng khác đi kèm. Các bài thuốc dân gian sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ hồi phục và hạn chế nguy cơ tiến triển bệnh thành mạn tính, dai dẳng. Sau đây là gợi ý 15 mẹo chữa đau họng siêu an toàn
1. Súc miệng nước muối giảm đau họng cực đơn giản
Súc miệng nước muối là cách đơn giản, phổ biến nhất để phòng và chữa viêm họng. Nước muối ấm có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm, làm dịu niêm mạc. Ngoài ra, nước muối sẽ làm loãng và loại bỏ dịch đờm ứ đọng, làm giảm nhanh chóng tình trạng khó nuốt, nghẹn vướng ở cổ. Không chỉ có hiệu quả trong viêm họng, súc miệng nước muối còn có tác dụng giảm đau trong các trường hợp viêm Amidan, viêm thanh quản, tổn thương hầu họng do trào ngược dạ dày – thực quản.
Cách thực hiện:
– Có thể pha nước muối bằng cách cho nửa muỗng cà phê muối vào một ly nước ấm, hòa tan rồi súc miệng. Hoặc thay thế bằng nước muối sinh lý 0,9% mua ở các hiệu thuốc.
– Chú ý thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ngày để thấy hiệu quả rõ rệt.
– Súc miệng đều đặn hằng ngày giúp phòng các bệnh về đường hô hấp.
Đay là phương pháp an toàn, có thể sử dụng an tâm ở bà bầu bị viêm họng, trẻ nhỏ bị viêm họng hiệu quả.
2. Chữa viêm họng bằng mật ong
Mật ong là vị thuốc được dùng phổ biến, thường có mặt trong các bài thuốc dân gian. Với đặc tính tiêu viêm, long đờm và giảm ho, mật ong giúp làm giảm nhanh các triệu chứng ho khan, ho có đờm, ngứa rát cổ họng. Thành phần Defensin chứa trong mật ong có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng da và niêm mạc đường hô hấp.
Bên cạnh đó, mật ong chứa nhiều các khoáng chất và vitamin rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, ngoài khả năng chữa viêm họng, mật ong còn giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, sức khỏe tổng thể, đặc biệt là hỗ trợ giảm ho hiệu quả.
Có thể sử dụng theo 1 trong 4 cách dưới đây:
– Ăn trực tiếp vài thìa mật ong sẽ giúp giảm đau và ngứa ngáy ở cổ họng.
– Pha 3 – 4 thìa mật ong với khoảng 150ml nước ấm, khuấy đều và uống. Uống nước mật ong hằng ngày rất tốt cho cơ thể.
– Sử dụng kết hợp với chanh: Nước cốt chanh kết hợp với mật ong sẽ giúp giảm đau, kháng viêm. Pha 3 thìa mật ong với nửa quả chanh, 300ml nước ấm, khuấy đều và thưởng thức.
– Ngâm tỏi với mật ong: Mật ong và tỏi đều có tính kháng viêm rất tốt. Cắt nhỏ tỏi thành lát, ngâm với mật ong khoảng 5 ngày. Lấy tỏi đã ngâm ra ngậm khoảng 3 – 5 lần/ngày. Hoặc có thể giã nhuyễn tỏi rồi ngâm với mật ong để sử dụng dần.
Chữa viêm họng tại nhà cực hiệu quả với mật ong
3. Chữa viêm họng bằng gừng tươi
Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y, thực phẩm như gừng tươi cũng được dùng phổ biến trong các phương thuốc dân gian chữa các bệnh đường hô hấp như ho, đau họng, khàn tiếng,… Gừng tươi hay còn gọi là sinh khương có vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng phát tán phong hàn, cầm ho và chỉ thống (giảm đau). Hiệu quả chữa bệnh viêm họng của gừng tươi đã được chứng minh. Hoạt chất Gingerol có khả năng kháng viêm và ức chế virus RSV – virus gây viêm họng và cảm lạnh. Ngoài ra, hợp chất này có tác dụng giảm đau, cơ chế tương tự như thuốc chống viêm không Steroid (NSAID).
Tham khảo các cách trị viêm họng với gừng dưới đây:
– Ngậm vài lát gừng tươi ở gần vùng hầu họng sẽ giúp giảm ho, giảm tình trạng đau rát, khó chịu hiệu quả. Nên thực hiện nhiều lần trong ngày để mang lại kết quả tốt.
– Uống trà gừng: Rửa sạch 1 – 2 củ gừng tươi, bỏ vỏ và xắt thành lát mỏng. Cho gừng vào nước nóng và hãm trong vòng 10 phút. Thêm mật ong, nước cốt chanh và đường phèn vào và khuấy đều. Dùng ngay khi còn nóng, uống 2 – 3 lần/ngày để đạt hiệu quả tối đa.
– Kết hợp gừng với hành củ: Dùng khoảng 60g gừng và hành khô thái nhỏ, bỏ vào đun sôi với nước sạch. Đem đi xông hơi mũi và miệng trong khoảng 20 phút. Mỗi ngày nên thực hiện khoảng 2 – 3 lần.
4. Lá bàng chữa viêm họng hiệu quả
Lá bàng non tính mát, vị chát, có tác dụng tiêu đờm, giảm sưng viêm cổ họng, thanh nhiệt. Bởi tính hiệu quả và an toàn mà lá bàng thường được sử dụng với cả trẻ em và các đối tượng nhạy cảm khác. Bạn có thể tham khảo các cách sử dụng lá bàng sau:
– Súc miệng bằng lá bàng: Giã nát lá bàng non, thêm nước vào lọc qua rây, súc miệng bằng nước này 2 – 3 lần/ngày.
– Nấu nước lá bàng non: Lấy vài lá bàng non, hãm với nước sôi như hãm trà, mỗi ngày uống 1 – 2 cốc nhỏ nước này, tình trạng viêm sẽ nhanh chóng được cải thiện.
– Xông hơi với lá bàng: Đun lá bàng với nước sôi, dùng khăn lớn trùm lại để mặt tiếp xúc với hơi nước.
Lá bàng non chữa viêm họng cực hiệu quả
5. Chữa viêm họng bằng cây Lược vàng
Cây Lược vàng chứa 2 hoạt chất Flavonoid là Quercetin và Kaempferol – 2 chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, kháng khuẩn, kháng viêm, bảo vệ cơ thể trước tác động của gốc tự do. Ngoài ra, thành phần Phytosterol trong loại cây này có tính kháng khuẩn, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Các hoạt chất trên kết hợp với nhau sẽ giúp giảm đau, giảm viêm, điều trị các bệnh đường hô hấp rất hiệu quả.
Cách sử dụng:
– Sử dụng cây lược vàng và giấm chuối: Giã nát lá lược vàng, vắt lấy nước, thêm vài giọt giấm chuối. Lấy phần nước cốt uống 2 lần, sáng và tối.
– Nhai trực tiếp lá lược vàng, ngậm 15 phút thì nhả bã. Thực hiện ngày 2 lần sau ăn.
– Nhai lá lược vàng với muối, nhai kỹ, ngậm phần bã và nuốt từ từ. Thực hiện 2 lần/ngày.
6. Tỏi trị viêm họng như thế nào?
Trong tỏi chứa rất nhiều tinh dầu, vitamin A, B1,B2, C và nhiều hoạt chất kháng khuẩn. Theo các nghiên cứu hiện đại, tỏi có tính kháng khuẩn, kháng viêm rất mạnh. Ngoài ra, ăn tỏi giúp nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể. Bạn có thể áp dụng một trong các cách sau để cải thiện triệu chứng:
– Dùng tỏi nướng: Lấy vài tép tỏi còn vỏ, nướng đến khi vỏ cháy xém. Bóc vỏ, nghiền nhỏ với một chút nước ấm và uống. Thực hiện mỗi ngày 2 lần.
– Dùng tỏi và mật ong: Bóc vỏ vài tép tỏi, đập dập, thêm vào một ít mật ong. Hấp cách thủy khoảng 15 phút rồi chắt nước uống. Uống 2 lần/ngày.
– Kết hợp tỏi và sữa: Đập dập vài tép tỏi, thêm sữa nóng, chờ khoảng 15 phút để các tinh chất từ tỏi tiết ra. Uống từ từ hỗn hợp, mỗi ngày uống 2 – 3 lần.
Tỏi được coi là kháng sinh tự nhiên, trị viêm họng rất tốt
7. Chữa viêm họng bằng lá hẹ cực đơn giản
Theo nghiên cứu hiện đại, hẹ chứa nhiều kháng sinh như Allicin, Odorin, Sunfit. Những thành phần này có hoạt tính mạnh hơn cả Penicillin. Bên cạnh đó, chất Saponin có trong lá hẹ có khả năng làm tiêu đờm, trị ho có đờm do viêm họng rất tốt.
Cách thực hiện:
– Lá hẹ hấp đường phèn: Hấp cách thủy khoảng 20 phút, ăn cả nước và cái, thực hiện 2 – 3 lần/ngày, kiên trì trong 5 – 6 ngày.
– Lá hẹ đắp họng: Hơ nóng lá hẹ với lửa, đắp lên vùng cổ họng, khi nào nguội thay lá hẹ mới. Mỗi lần đắp khoảng 20 – 30 phút, ngày 2 – 3 lần (sáng, trưa, tối).
– Có thể hấp cách thủy lá hẹ với gừng hoặc mật ong, thực hiện tương tự như với hấp đường phèn cũng mang lại kết quả tốt.
8. Trị viêm họng bằng cỏ mực
Cỏ mực chứa nhiều chất đắng, tinh dầu, Tanin, Alcaloid và Caroten,… những thành phần này hỗ trợ rất nhiều chữa các bệnh thông thường trong đó có viêm họng. Bạn tham khảo một trong các cách sử dụng cỏ mực sau:
– Nhỏ nước cỏ mực: Giã nát cỏ mực, lấy nước cốt nhỏ vào cổ họng. Mỗi lần nhỏ khoảng 1 – 2 giọt, thực hiện 3 – 4 lần/ngày đến khi tình trạng được cải thiện. (Chỉ áp dụng khi trẻ em bị viêm họng, sử dụng với người lớn không mang lại kết quả).
– Uống nước cốt cỏ mực: Lấy khoảng 100 – 300g cỏ mực, giã nát, lấy nước cốt pha với nước ấm để uống. Có thể kết hợp với rau má, cà rốt,… để dễ uống hơn. (Không thêm đá khi uống).
Cỏ mực hỗ trợ chữa các bệnh thông thường trong đó có viêm họng
9. Rễ cam thảo giúp trị viêm họng tại nhà
Rễ cam thảo có vị ngọt, tính bình, thường có mặt trong nhiều bài thuốc đặc biệt là điều trị các bệnh về dạ dày và đường hô hấp. Theo các nghiên cứu hiện đại, trong cam thảo chứa Acid glycyrrhizic có tác dụng kích thích phế quản sản sinh dịch tiết. Từ đó làm giảm độ đặc quánh của đờm và dễ dàng đẩy ra ngoài thông qua phản xạ ho. Bên cạnh đó, thành phần này có khả năng ức chế virus, nấm và vi khuẩn gây viêm nhiễm thường gặp.
Tham khảo cách sử dụng rễ cam thảo sau đây:
– Nhai vài lát cam thảo, uống nước và nhả bã. Nên dùng đều đặn vài lần trong ngày để thấy được kết quả rõ rệt.
– Dùng 5g rễ cam thảo hãm với khoảng 250 – 300ml nước sôi trong 15 – 20 phút. Uống từng ngụm nước nhỏ để các thành phần trong rễ cam thảo thẩm thấu sâu vào niêm mạc hầu họng.
Cam thảo có khả năng ức chế virus, vi khuẩn gây viêm nhiễm thường gặp
10. Trà bạc hà giúp giảm đau họng
Tinh dầu Menthol trong bạc hà cũng là bí quyết để chữa đau họng. Nhờ tác dụng làm mát cổ họng, từ đó làm giảm được triệu chứng đau rát, ngứa ngáy khó chịu. Bên cạnh đó, bạc hà chứa Acid rosmarinic có khả năng chống dị ứng và ngăn chặn sự co thắt phế quản quá mức. Khi sử dụng trà bạc hà sẽ mang lại cảm giác sảng khoái, tinh thần thoải mái.
Cách pha trà bạc hà:
– Chuẩn bị một nắm lá bạc hà tươi, rửa sạch và vò nhẹ.
– Cho lá bạc hà vào ấm, hãm với khoảng 250 – 300ml nước sôi trong 10 – 15 phút.
– Dùng trà khi còn ấm.
– Có thể thêm chút đường để tăng hương vị.
Trà bạc hà làm mát cổ họng, giảm các triệu chứng ngứa ngáy, đau rát khó chịu
11. Trị viêm họng tại nhà bằng củ cải trắng
Theo y học cổ truyền, củ cải trắng có tác dụng tiêu thũng, thúc đẩy quá trình lưu thông khí ở phế và hóa đờm. Vì vậy, củ cải trắng thường xuất hiện trong các bài thuốc chữa viêm họng, viêm phế quản kéo dài, giúp khắc phục các đau họng, ngứa ngáy, ho khan,… Các thành phần trong củ cải trắng đã được chứng minh có tác dụng ức chế vi khuẩn Gram dương.
Cách trị viêm họng tại nhà với củ cải trắng:
– Chuẩn bị 1 – 2 củ cải trắng tươi và một ít mật ong hoặc đường phèn.
– Rửa sạch củ cải, bỏ vỏ và xắt nhỏ thành sợi.
– Trộn sợi củ cải với mật ong hoặc đường phèn, đậy nắp và để qua đêm.
– Sáng hôm sau, chắt lấy nước uống.
– Thực hiện trong vài ngày để giảm nhanh các triệu chứng của viêm họng.
12. Quất hấp đường phèn chữa trị viêm họng hiệu quả
Quất hấp đường phèn là bài thuốc dân gian được nhiều bà mẹ áp dụng khi trẻ bị viêm họng. Quất có vị chua, tính ấm, có tác dụng giải cảm, nhuận phế, tiêu đờm, dùng hiệu quả khi bị ho, có đờm và khàn tiếng. Vitamin C trong tắc còn giúp nâng cao thể trạng, hỗ trợ tiêu diệt virus, vi khuẩn. Bên cạnh đó, đường phèn không chỉ giúp tăng hương vị mà còn có công dụng thanh nhiệt, nhuận phế.
Cách thực hiện:
– Chuẩn bị khoảng 3 – 5 quả quất tươi, rửa sạch, bổ đôi.
– Cho quất vào bát, thêm đường phèn hoặc mật ong.
– Hấp cách thủy trong khoảng 15 – 20 phút.
– Để nguội, ăn cả nước và cái để giảm ho, giảm đau họng.
– Thực hiện vài lần trong ngày đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Quất hấp đường phèn là bài thuốc dân gian quen thuộc trị viêm họng hiệu quả
13. Lê hấp táo tàu giúp giảm ho và đau họng
Nếu quất hấp đường phèn vẫn còn vị đắng và cay của vỏ quất thì bạn có thể tham khảo bài thuốc lê hấp táo tàu. Lê có vị ngọt, tính mát, có tác dụng tiêu đờm, bổ phế, thanh nhiệt. Bên cạnh đó, táo đỏ giúp bồi bổ sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch. Bài thuốc lê hấp táo tàu không chỉ làm giảm các triệu chứng mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Cách dùng:
– Chuẩn bị 1 quả lê to, rửa sạch và bỏ phần ruột.
– Xắt nhỏ gừng thành sợi, cắt nhỏ táo tàu.
– Cho gừng xắt sợi, táo tàu vào quả lê, thêm 1 ít mật ong hoặc đường phèn.
– Hấp cách thủy khoảng 15 – 20 phút.
– Lấy ra để nguội, ăn khi còn ấm.
Lê hấp táo tàu làm giảm các triệu chứng của viêm họng và giúp bồi bổ sức khỏe
14. Trà hoa cúc giúp đau họng
Trà hoa cúc được sử dụng với nhiều mục đích y học từ lâu như làm dịu cơn đau họng khó chịu. Bởi vì loại thảo dược này có khả năng chống viêm, chống oxy hóa giúp bảo vệ lớp niêm mạc ở cổ họng.
15. Chữa viêm họng bằng rau diếp cá
Theo Đông y, diếp cá có tính mát, vị chua giúp tiêu đờm, kháng khuẩn, tiêu viêm. Vì vậy, loại dược liệu này được sử dụng để chữa trị bệnh viêm họng và các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm phổi, viêm phế quản…
Cách thực hiện:
– Diếp cá và muối ăn: Xay nhuyễn diếp cá và muối. Thêm khoảng 200ml nước đun sôi để nguội. Lọc lấy nước cốt, uống ngày 2 lần.
– Diếp cá kết hợp mật ong: Xay nhuyễn rau diếp cá với nước, lọc lấy nước cốt, thêm mật ong. Ngày dùng 3 lần, uống trong khoảng 1 tuần giúp cải thiện triệu chứng của bệnh viêm họng.
Ngoài ra có thể thay diếp cá bằng tía tô cũng thấy rõ hiệu quả.
Lưu ý: Ưu điểm của bài thuốc dân gian là an toàn hơn phương pháp điều trị bằng cách dùng thuốc. Biện pháp này lại tốn nhiều thời gian nên cần kiên trì sử dụng trong bệnh mạn tĩnh còn cấp tính ưu tiên sử dụng thuốc tây y. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài mãi không khỏi cần đến cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám uy tín) để bác sĩ đưa ra lời khuyên và hơn nữa có các điều trị hiệu quả nhất.
Ngoài những mẹo ở trên, người viêm họng cũng cần:
– Chế độ ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.
– Điều chỉnh thói quen sinh hoạt lành mạnh: nghỉ ngơi hợp lý, không nên thức quá khuya…
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người bị viêm họng
Viêm họng thường xuyên xảy ra, đặc biệt là lứa tuổi trẻ em. Các mẹ có thể tham khảo bài viết trên đây với một số mẹo dân gian trị viêm họng tại nhà cực đơn giản và nhanh chóng. Các bài thuốc đều có nguồn gốc từ thảo dược nên tương đối an toàn và tính hiệu quả đã được chứng minh qua nhiều năm. Mong rằng nội dung trong bài viết của chúng tôi có thể giúp ích được cho bạn.
Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.