Suy thận
Như chúng ta đã biết, thận là cơ quan cực kỳ quan trọng trong việc lọc máu và loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Hiện nay, các bệnh lý về thận đa dạng và thường có rất ít triệu chứng rõ ràng cho tới khi bệnh đã tiến triển nặng. Vậy nên, việc tìm hiểu thông tin về bệnh suy thận cũng như các triệu chứng, dấu hiệu sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm, hạn chế biến chứng của bệnh.
I. Tìm hiểu chung về bệnh suy thận
Thận là cơ quan thải trừ quan trọng của cơ thể. Nó bao gồm 2 quả thận nằm sát thành sau của bụng và ở 2 bên cột sống gần cơ thắt lưng chính. Thận phải nằm thấp hơn thận trái 1 đốt sống. Đây là cơ quan đảm nhiệm chức năng lọc máu nhằm loại bỏ các chất thải và chất độc hại ra khỏi cơ thể. Đồng thời, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa vitamin, axit amin, glucose, hormone và các chất quan trọng khác vào máu; điều hòa sự cân bằng điện giải bên trong cơ thể.
Hình ảnh cấu trúc thận
1. Suy thận là gì?
Suy thận là hiện tượng thận bị suy giảm chức năng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Suy thận do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng dựa theo thời gian mắc bệnh người ta chia bệnh suy thận làm 2 loại: suy thận cấp tính và suy thận mạn tính. Chính vì vậy, nắm rõ các dấu hiệu nhận biết của bệnh sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
2. Mức độ nguy hiểm của bệnh suy thận
Suy thận cấp tính sẽ chỉ xuất hiện khoảng vài ngày, có thể hết bệnh hoặc hồi phục 1 phần chức năng sau khi được chữa trị đúng phương pháp trong vài tuần.
Tuy nhiên suy thận mạn lại là quá trình suy chức năng thận không hồi phục. Sử dụng biện pháp điều trị chỉ giúp làm chậm tiến triển của bệnh và hạn chế thấp nhất các biến chứng có thể xảy ra.
Khi chức năng thận bị suy giảm trên 90%, bắt buộc bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Nếu không được chữa trị kịp thời, các sản phẩm chuyển hóa độc hại của cơ thể sẽ bị tích tụ lại, không thể bài tiết ra ngoài sẽ gây độc cho người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bệnh suy thận có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau:
– Bệnh lý tim mạch.
– Hiện tượng phù tay, chân, tăng huyết áp và phù phổi cấp.
– Tăng nồng độ kali trong máu gây nguy hiểm đến tính mạng.
– Thiếu máu.
– Giảm ham muốn tình dục.
– Tổn thương ở hệ thần kinh trung ương dẫn đến mất khả năng tập trung, thay đổi tính cách hoặc co giật đột ngột.
– Suy giảm phản ứng miễn dịch khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng.
Xem thêm: Các cấp độ và mức độ nguy hiểm của suy thận
II. Nguyên nhân gây bệnh suy thận
Sỏi thận có thể dẫn đến suy thận
1. Nguyên nhân gây suy thận cấp tính
Suy thận cấp tính xảy ra do 3 cơ chế chính:
– Thiếu lưu lượng máu chuyển đến thận.
– Bệnh lý ở thận.
– Nước tiểu bị tắc nghẽn, không thể ra khỏi thận.
Một số nguyên nhân thường gặp gồm có:
– Chấn thương nặng dẫn đến mất máu quá nhiều.
– Cơ thể mất nước.
– Nhiễm trùng máu.
– Phì đại tuyến tiền liệt.
– Sử dụng thuốc có ảnh hưởng tới chức năng thận hoặc trúng độc.
– Biến chứng sản khoa: sản giật, tiền sản giật, hội chứng HELLP.
2. Nguyên nhân gây suy thận mạn tính
– Bệnh đái tháo đường, cao huyết áp.
– Viêm cầu thận mạn tính.
– Viêm thận kẽ.
– Bệnh thận đa nang.
– Tắc nghẽn đường tiết niệu lâu dài do phì đại tiền liệt tuyến, bệnh sỏi thận và bệnh ung thư.
– Trào ngược bàng quang – niệu quản dẫn đến tình trạng nước tiểu chảy ngược vào thận.
– Viêm đài bể thận tái diễn nhiều lần.
III. Nhận biết dấu hiệu suy thận
Trong giai đoạn đầu của bệnh, cần nhận biết sớm một số dấu hiệu dưới đây để tránh bệnh chuyển biến sang suy thận mãn tính.
1. Khó ngủ
Bệnh nhân bị suy thận mạn tính thường có tình trạng ngưng thở lúc ngủ. Tình trạng này có thể diễn ra trong vài giây cho đến 1 phút. Sau những lần tạm ngừng, hơi thở bệnh nhân sẽ trở lại trạng thái bình thường kèm theo có âm thanh khịt mũi lớn. Việc ngáy to và kéo dài cũng là dấu hiệu đáng lo ngại cần lưu ý và kiểm tra sớm.
Khó ngủ – Dấu hiệu bệnh suy thận
2. Đau đầu, mệt mỏi và suy nhược cơ thể
Khi giảm chức năng thận, các chất độc sẽ bị tích tụ lại trong cơ thể. Thêm vào đó, thận cũng đảm nhiệm sản xuất ra 1 loại hormone là tín hiệu cho quá trình sản sinh ra hồng cầu. Vì vậy, suy thận sẽ gây ra thiếu máu dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Nếu cơ thể đã được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc nhưng vẫn tiếp diễn tình trạng mệt mỏi, thiếu sức sống cần phải đến ngay bệnh viện để kiểm tra.
3. Da khô và ngứa
Quả thận khỏe mạnh sẽ thực hiện tốt những công việc như loại bỏ các chất thải và chất dư thừa trong máu, hỗ trợ sản xuất tế bào hồng cầu và giúp duy trì mức khoáng chất phù hợp với bệnh nhân. Nếu bị suy thận, tình trạng phát ban, da khô và ngứa toàn thân có thể xảy ra do mất cân bằng dinh dưỡng và khoáng chất.
4. Hơi thở có mùi hôi
Khi thận không lọc được chất độc hại ra khỏi cơ thể, nó có thể gây ra hiện tượng nhiễm độc niệu. Đây chính là nguyên nhân khiến miệng bị hôi. Ngoài ra, độc tố trong máu còn khiến cho bệnh nhân cảm thấy thức ăn có mùi vị kim loại hoặc không ngon, dẫn đến chán ăn.
5. Khó thở
Bệnh nhân suy thận có thể mắc phải tình trạng khó thở sau những hoạt động gắng sức, đặc biệt là khi hít vào. Tình trạng này có liên quan đến 2 cơ chế. Ban đầu, thận giảm đào thải natri gây tích nước và làm ứ dịch trong cơ thể. Do đó dẫn đến suy giảm hoạt động của phổi. Tiếp theo việc thiếu lượng hồng cầu làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển oxy cho cơ thể và gây ra hiện tượng khó thở. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cảm thấy ngạt thở (như bị đuối nước) khi nằm xuống.
6. Đau lưng
Cơn đau ở vùng lưng tương ứng với vị trí của thận cũng là dấu hiệu đáng ngờ để phát hiện sớm các bệnh lý về thận. Nó có thể đau lan ra vùng xương chậu phía trước và cả vùng hông. Cần phải đi kiểm tra ngay nếu thấy dấu hiệu này.
7. Thay đổi khi đi vệ sinh
Thận đóng vai trò sản xuất nước tiểu và loại bỏ các chất thải bằng đường tiểu.Trường hợp thấy nước tiểu có nhiều bọt hoặc có màu nâu thì đó chính là 1 trong những dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về thận.
8. Phù mặt và bàn chân
Thận suy yếu khiến cho việc loại bỏ natri kém đi, gây ra hiện tượng giữ nước nhất là ở các vùng như: mặt, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân. Đặc biệt, dấu hiệu phù ở bàn chân và mắt cá chân là rõ ràng nhất. Hơn nữa, protein bị rò rỉ ra ngoài qua nước tiểu sẽ làm xuất hiện bọng mắt.
Xem thêm: Các chỉ số xét nghiệm suy thận
IV. Phương pháp điều trị suy thận
Lọc máu cho bệnh nhân suy thận
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà có các cách điều trị khác nhau. Tuy nhiên, không có phương pháp nào điều trị khỏi bệnh suy thận mạn tính. Việc điều trị nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng, hạn chế tối đa biến chứng và giảm sự tiến triển của bệnh, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Trước hết, bệnh nhân suy thận phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là việc giảm đạm và muối trong chế độ ăn.
Sau đó tùy vào tình trạng diễn biến của bệnh mà bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Đối với suy thận giai đoạn cuối, các phương pháp điều trị bao gồm:
– Lọc máu.
– Chạy thận nhân tạo.
– Cấy ghép thận.
Trong trường hợp cấy ghép thận, bệnh nhân phải uống thuốc chống đào thải suốt đời.
V. Biện pháp phòng bệnh suy thận
Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng
Để giảm tối đa nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới thận, chúng ta cần:
– Kiểm soát huyết áp trong mức cho phép.
– Kiểm soát tốt lượng đường huyết và cholesterol máu.
– Tập thể dục thường xuyên.
– Có chế độ ăn uống hợp lý, giảm lượng muối, đạm và chất béo có hại.
– Uống đủ nước từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
Xem thêm: Suy thận nên ăn gì và kiêng gì?
Trên đây là những thông tin chung nhất về suy thận, hi vọng mọi người có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh này. Hãy chủ động bảo vệ bản thân và gia đình trước sự nguy hiểm của căn bệnh SUY THẬN.