Các xét nghiệm để xác định và đánh giá mức độ tổn thương đối với bệnh nhân suy thận là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu chi tiết các xét nghiệm trong bài viết sau đây.
1. Xét nghiệm suy thận là gì?
– Suy thận là căn bệnh diễn ra âm thầm, hầu như các dấu hiệu của bệnh rất khó phát hiện, khi những triệu chứng bộc lộ rõ là lúc bệnh đã chuyển sang những sang giai đoạn cuối. Do đó, để chẩn đoán chính xác căn bệnh này cần dựa vào các chỉ số xét nghiệm suy thận.
– Xét nghiệm suy thận được hiểu là tổng hợp tất cả các kỹ thuật cho phép xác định được lượng chất dư thừa trong máu hay nước tiểu. Các chỉ số xét nghiệm suy thận giúp cho bác sĩ xác định được mức độ lọc máu hiện tại của thận và những nguy cơ với sức khỏe của bệnh nhân. Đây chính là cơ sở để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh nhân sau đó.
– Theo các bác sĩ đầu ngành, hiện nay có 4 loại xét nghiệm thường được dùng để chẩn đoán suy thận, bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, sinh thiết thận và chẩn đoán hình ảnh.
Thế nào là xét nghiệm suy thận?
2. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu được xem là cơ sở quan trọng để các bác sĩ xác định được căn bệnh và mức độ của nó. Một số chỉ số xét nghiệm máu hiện nay bao gồm:
Chỉ số Creatinin huyết thanh
– Creatinin là một loại chất thải tồn tại trong máu và được thận lọc, sau đó đào thải ra ngoài cơ thể thông qua nước tiểu. Do vậy, khi kiểm tra nồng độ của Creatinin, bác sĩ sẽ xác định khả năng hoạt động của thận có hiệu quả hay không.
– Bệnh nhân không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu và mọi hoạt động vẫn sẽ bình thường ngay sau đó. Các kỹ thuật viên sẽ lấy một lượng máu vừa đủ và mang đi phân tích.
– Nồng độ Creatinin bình thường ở người trưởng thành:
+ Đối với nam giới: Trong khoảng 53 – 106 mmol/L (tương đương 0,6 – 1,2 mg/dL).
+ Đối với phụ nữ: Từ 44 – 97 mmol/L (tương đương 0,5 – 1,1 mg/dL).
+ Đối với trẻ em, mức Creatinin bình thường là 0,2mg/dL hoặc có thể cao hơn một chút.
– Khi phát hiện chỉ số Creatinin trong máu cao một cách bất thường thì có thể sơ bộ kết luận rằng thận của người bệnh đang gặp vấn đề. Lúc này, khả năng mắc bệnh suy thận là rất cao.
– Bệnh suy thận sẽ được các định khi chỉ số Creatinin vượt ngưỡng sau đây:
+ Đối với trẻ em: Nồng độ Creatinin vượt quá 2mg/dL.
+ Ở người lớn: Creatinin vượt quá 10mg/dL.
– Bên cạnh đó, chỉ số Creatinin còn có thể giúp bác sĩ xác định được tình trạng suy thận của bệnh nhân đang ở mức độ nào. Cụ thể như sau:
+ Suy thận độ 1: Chỉ số Creatinin đối với nam là từ 110 – 130 µmol/L và nữ là từ 100 – 130 µmol/L.
+ Suy thận độ 2: Khoảng từ 130 – 299 µmol/L.
+ Suy thận độ 3: Từ 300 – 499 µmol/L.
+ Suy thận độ 4: Từ 500 – 900 µmol/L.
+ Suy thận độ 5: Chỉ số Creatinin vượt trên ngưỡng 900 µmol/L.
– Cần lưu ý rằng, trong một số trường hợp chỉ số Creatinin có thể tăng lên tạm thời, chẳng hạn như mất nước, đang sử dụng một số loại thuốc Tây (thuốc điều hòa huyết áp và thuốc chống viêm).
– Khi nồng độ Creatinin tăng chưa cao thì hầu như bệnh nhân không bộc lộ các triệu chứng của bệnh rõ ràng, thậm chí không xuất hiện triệu chứng bất thường. Điều này có thể gây cản trở rất nhiều cho việc phát hiện bệnh, nhiều người chỉ nhận thấy khi bệnh dần về giai đoạn cuối. Khi nồng độ Creatinin tăng quá cao thì sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như: Tiểu ít, tay chân sưng phù, mệt mỏi, khó thở, tăng huyết áp, thiếu máu, buồn nôn,…
Chỉ số Ure máu
– Ure là sản phẩm cuối cùng trong quá trình chuyển hóa chất đạm diễn ra trong cơ thể. Ure được đào thải ra bên ngoài qua thận. Vì vậy, việc xét nghiệm chỉ số ure trong máu có thể đánh giá chức năng hoạt động của thận.
– Bình thường giá trị của chỉ số này ở vào khoảng 2,5 – 7,5 mmol/L. Trong trường hợp, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số này gia tăng bất thường thì có thể khẳng định rằng thận đang hoạt động kém đi.
Xét nghiệm độ kiềm toan máu
– Khả năng lọc thải các acid trong máu ở những bệnh nhân suy thận sẽ bị giảm sút khiến cho độ toan của máu tăng cao.
– Thông thường, pH máu sẽ ổn định ở mức 7,37 – 7,43. Khi chỉ số này thấp hơn, có nguy cơ cao bệnh nhân bị suy thận.
Chỉ số Protein huyết tương toàn phần
Khi màng lọc cầu thận bị tổn thương sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự giảm protein huyết tương. Protein huyết tương có giá trị phản ánh chức năng lọc của cầu thận. Nồng độ của chỉ số này ở người bình thường nằm trong khoảng 60 – 80 g/L.
Chỉ số Albumin huyết thanh
Chỉ số này bình thường dao động trong khoảng từ 35 – 50 g/L. Trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh về cầu thận thì chỉ số này sẽ bị giảm mạnh.
Mức lọc cầu thận (GFR)
– GFR được xác định là lưu lượng máu lọc qua thận trong mỗi phút. Khi giá trị của chỉ số này quá thấp là dấu hiệu cảnh báo rằng thận đang đang gặp vấn đề, những độc tố sẽ bị tích tụ trong cơ thể.
– Dưới đây là các chỉ số xét nghiệm GFR để nhận biết khả năng hoạt động của thận như thế nào:
+ Trên 90 mL/phút/1.73m2: Thận khỏe mạnh và hoạt động tốt.
+ Từ 60 đến 89 mL/phút/1.73m2: Đang ở giai đoạn 2 của bệnh thận mãn tính.
+ Từ 30 đến 59 mL/phút/1.73m2: Bệnh thận mãn tính đang bước sang giai đoạn 3.
+ Từ 15 đến 29 ml/phút/1.73m2: Bệnh thận mãn tính sang giai đoạn 4.
+ Dưới 15 ml/phút/1.73m2: Giai đoạn cuối của bệnh suy thận.
Chỉ số điện giải
Chức năng thận suy giảm là nguyên nhân gây mất cân bằng nồng độ các chất điện giải. Cụ thể như sau:
– Sodium (Natri): Nồng độ trong máu bình thường ở khoảng 135 – 145 mmol/L. Ở bệnh nhân suy thận, nồng độ natri máu giảm.
– Potassium (Kali): Nồng độ trong máu bình thường ở khoảng 3,5 – 4,5 mmol/L. Bệnh nhân suy thận nồng độ Kali trong máu tăng.
– Canxi máu: Ở người khỏe mạnh, nồng độ trong máu từ 2.2 – 2.6 mmol/L. Người bị suy thận có nồng độ Canxi giảm và tăng phosphate.
Các xét nghiệm máu đánh giá suy thận
3. Xét nghiệm nước tiểu
Theo các chuyên gia, chất lượng của nước tiểu là yếu tố phản ánh trực tiếp chức năng thận. Thực hiện xét nghiệm trên nước tiểu giúp đo lượng được nước tiểu bài tiết trong một khoảng thời gian nhất định. Chỉ số này không những xác định tình trạng suy thận mà còn góp phần xác định khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Hiện nay, có 2 loại xét nghiệm nước tiểu phổ biến đó là: Xét nghiệm protein niệu và tổng phân tích nước tiểu.
– Xét nghiệm protein niệu: Chỉ số này được xác định trong vòng 24h. Ở người bình thường, protein niệu dao động trong khoảng 0 – 0.2g/L/24h. Nếu cầu thận bị tổn thương, chức năng thận suy giảm hay mắc các bệnh lý khác về thận, nồng độ protein có thể sẽ tăng cao và vượt ngưỡng 0.3g/L/24h.
– Tổng phân tích nước tiểu: Tỷ trọng nước tiểu ở mức bình thường dao động trong mức 1,01 – 1,020. Ở bệnh nhân suy thận, tỷ trọng nước tiểu bị giảm do các chất thải từ máu không được thải ra ngoài qua nước tiểu.
Xét nghiệm nước tiểu đánh giá suy thận
4. Sinh thiết thận
Sinh thiết thận là kỹ thuật chẩn đoán thường được áp dụng trong các trường hợp như suy thận cấp nội tại, viêm kẽ thận, ung thư thận, viêm mô giữa ống thận, chết mô thận, hoại tử ống thận cấp, viêm cầu thận,…
Để áp dụng kỹ thuật này, bác sĩ sẽ chỉ định lấy một mẫu bệnh phẩm từ thận và làm thành tiêu bản để soi dưới kính hiển vi. Dựa vào hình ảnh phóng đại thu được, phát hiện ra những tế bào bất thường và các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận. Ngoài ra, sinh thiết thận còn có thể chẩn đoán được những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận một cách chính xác nhất.
5. Chẩn đoán hình ảnh
Ngoài việc thực hiện các xét nghiệm để xác định sự bất thường của các chỉ số sinh hóa, sinh thiết thận thì kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng đang được sử dụng khá phổ biến trong các xét nghiệm suy thận. Hiện nay, các máy móc tiên tiến cho phép mô phỏng lại hình ảnh thận của bệnh nhân. Nhờ đó, bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện ra những vấn đề bất thường trên thận của người bệnh.
Sau đây là một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến:
– Siêu âm ổ bụng: Đây là một kỹ thuật rất phổ biến trọng y học hiện nay. Phương pháp này có khả năng phát hiện ra các trường hợp tắc nghẽn niệu quản khiến thận bị ứ nước. Trong trường hợp ứ nước 2 bên thận, bệnh nhân có thể bị suy thận cấp hay mãn tính. Bên cạnh đó, siêu âm còn xác định được những nang thận bẩm sinh, sỏi thận, khối u hoặc cấu trúc bất thường của thận.
– Chụp xạ hình bằng đồng vị phóng xạ: Đây là phương pháp duy nhất hiện nay có thể đánh giá chức năng của từng bên thận. Thông qua hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ quan sát được khả năng lọc của thận, cũng như tỷ lệ tưới máu và đưa ra đánh giá chính xác nhất về chức năng thận.
– Chụp CT bụng: Là phương pháp tái tạo hình ảnh của hệ tiết niệu dựa vào tia X. Kỹ thuật này thường áp dụng trong trường hợp có nghi ngờ bệnh nhân bị tắc nghẽn đường tiết niệu.
6. Khi nào cần đi làm xét nghiệm suy thận?
Đây là câu hỏi được rất nhiều bệnh nhân quan tâm. Theo các chuyên gia, việc xét nghiệm suy thận vô cùng quan trọng giúp phát hiện ra bệnh sớm, tăng khả năng chữa khỏi bệnh và giảm bớt biến chứng của bệnh. Do vậy, nếu nhận thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường như lượng nước tiểu thay đổi bất thường, đau hố thận, tiểu ra máu,… hãy đi thăm khám bác sĩ và làm các xét nghiệm chức năng thận. Đây thực chất đều là những xét nghiệm máu và nước tiểu đơn giản.
Đặc biệt, là những người có tiền sử mắc các bệnh lý về thận nên thường xuyên đến các cơ sở y tế uy tín để khám sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng thận để sàng lọc khả năng bị suy thận.
Những người nên làm xét nghiệm suy thận
7. Những lưu ý khi thực hiện các xét nghiệm suy thận cần phải biết
Để hạn chế tối đa sai sót trong kết quả xét nghiệm suy thận, cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Thông báo cho bác sĩ nếu như đang dùng thuốc ức chế thụ thể H2 hoặc các thuốc kháng sinh. Đây là những thuốc có thể làm tăng creatinin và dẫn đến sai số khi xét nghiệm suy thận.
– Vệ sinh vùng kín trước khi thực hiện xét nghiệm suy thận.
– Thông báo cho bác sĩ trong trường hợp đang điều trị bệnh lý đường sinh dục bằng thuốc điều trị tại chỗ.
– Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi lấy mẫu bệnh phẩm. Hãy lắng nghe và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây ra sai sót.
– Không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc vùng kín trước khi đi xét nghiệm suy thận.
– Nên thực hiện xét nghiệm ở các cơ sở y tế lớn, giúp hạn chế tối đa các sai sót không đáng có trong quá trình khám bệnh.
Lưu ý khi xét nghiệm suy thận
Hy vọng rằng với những thông tin từ Dược Điển Việt Nam cung cấp sẽ giúp bạn đọc có thêm những kiến thức về các xét nghiệm suy thận. Hãy theo dõi Dược Điển Việt Nam để biết thêm những kiến thức bổ ích nhé! Nếu còn điều gì thắc mắc hãy liên hệ ngay chúng tôi theo số hotline để được giải đáp chi tiết hơn nữa.
Xem thêm: Mức độ và cấp độ của suy thận