Viêm họng mạn tính là bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến
Viêm họng là một bệnh hô hấp thường gặp và có thể chữa khỏi bằng nhiều phương pháp đơn giản. Tuy nhiên nếu để kéo dài bệnh sẽ nhanh chóng trở thành viêm họng mạn tính. Vậy viêm họng mạn tính có nguy hiểm không? Bệnh có tiến triển thành ung thư? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để được giải đáp các thắc mắc.
1. Dấu hiệu của viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn tính là để chỉ tình trạng viêm nhiễm ở họng kéo dài, có thể là từ 1 tuần trở lên. Nếu như khi bị viêm họng cấp mà không chữa trị hoặc chưa được điều trị triệt để thì người bệnh rất dễ chuyển sang viêm họng mạn tính. Tình trạng này sẽ tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già, người trưởng thành. Các dấu hiệu phổ biến của viêm họng mạn tính:
– Triệu chứng toàn thân của viêm họng mạn cũng như các đợt viêm nhiễm trên đường hô hấp thông thường. Cơ thể cảm giác mệt mỏi, có sốt, đau rát họng.
– Viêm họng mạn tính có thể khư trú tại 1 vị trí nhưng thường gặp là viêm họng mãn tính lan tỏa với biểu hiện là đau họng, ngứa, cảm thấy đau và vướng khi nuốt nước bọt.
– Người bệnh hay có động tác ho khạc để tống đờm ra bên ngoài.
– Tiếng nói có thể hơi bị khàn nhẹ.
– Ở những bệnh nhân bị viêm họng mạn do bệnh trào ngược dạ dày sẽ có cảm thấy nóng rát ở vùng ngực do ợ nóng, ợ chua gây nên.
Đau rát họng kéo dài là triệu chứng dễ nhận biết của viêm họng mạn tính
Có 3 thể của viêm họng mạn tính, đó là xuất tiết, quá phát và thể teo. Khi khám lâm sàng sẽ phân biệt nhờ vào các biểu hiện ở vị trí tổn thương khác nhau.
– Viêm họng mạn tính xuất tiết: Niêm mạc sưng đỏ kèm theo tiết dịch nhầy dọc theo vạch họng. Khi quan sát ở thành họng sẽ thấy các hạt nổi lên.
– Viêm họng mạn tính quá phát: Thể này còn được gọi là viêm họng hạt.
+ Niêm mạc ở họng sẽ gồ lên và có màu đỏ hoặc hồng. Nguyên nhân là khi bị viêm dai dẳng, các tổ chức bạch huyết ở vùng cổ phát triển mạnh mẽ khiến thành niêm mạc dày lên với các đám xơ hóa to nhỏ khác nhau.
+ Các tổ chức xơ có thể cùng tập trung thành 1 dải dọc theo trụ sau amidan và tạo thành trụ giả.
– Viêm họng mạn tính thể teo: Đây là giai đoạn sau khi bị viêm họng mạn quá phát.
+ Các tuyến nang sẽ hình thành các tổ chức xơ hóa mới, các hạt ở thành họng cùng 2 trụ giả sau amidan cũng biến mất.
+ Lúc này thành họng sẽ nhẵn, mỏng, màu trắng và nhìn thấy được các mạch máu nhỏ.
+ Họng trở nên khô hơn, eo họng giãn rộng và ít tiết chất nhầy.
+ Màn hầu và lưỡi gà cũng teo nhỏ lại.
2. Bệnh viêm họng mạn tính có nguy hiểm không?
Viêm họng mạn tính không phải là bệnh truyền nhiễm hay gây các đợt bộc phát dữ dội nhưng lại là bệnh dai dẳng, tiến triển âm thầm và dễ tái phát nếu không thể loại bỏ triệt để nguyên nhân gây bệnh.
Khi không thể điều trị kịp thời bệnh gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh như:
– Gây viêm các tổ chức lân cận:
+ Khi bị viêm họng lâu ngày sẽ dẫn đến gây sưng các tổ chức lân cận ở đường hô hấp trên và gây viêm thanh quản, viêm amidan, viêm xoang hay viêm mũi…
+ Bên cạnh đó khi cổ họng sưng lâu ngày còn làm tăng nguy cơ gây bệnh viêm tai giữa do tắc ống Eustachian.
Viêm họng mạn tính có thể dẫn đến viêm tai giữa
– Áp xe thành họng: Các tổ chức viêm nghiêm trọng sẽ dần hình thành các ổ mủ áp xe. Từ đó dẫn đến tình trạng sốt cao, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho có đờm…Lâu dần sẽ gây biến dạng các tổ chức, cấu trúc của họng.
– Làm giảm chất lượng cuộc sống:
+ Khi bị viêm họng mạn tính sẽ có cảm giác vướng víu ở cổ họng và đau rát ở thành họng khiến người bệnh gặp khó khăn khi nói cũng như ăn uống. Thức ăn khi nuốt sẽ ma sát với niêm mạc họng gây đau nên bệnh nhân ngại ăn uống dẫn đến sức khỏe giảm sút, cơ thể gầy yếu.
+ Bên cạnh đó viêm họng mạn tính còn gây hôi miệng gây cảm giác thiếu tự tin khi giao tiếp.
– Viêm họng mạn tính có dẫn đến ung thư không?
Khi đặt câu hỏi này chắc hẳn bạn đã rất lo lắng về mức độ nguy hiểm của viêm họng mạn tính.
Trong các tài liệu được công bố chưa có kết luận việc bị viêm họng mạn tính là một trong những nguyên nhân gây ung thư ở họng. Tuy nhiên chưa thể loại trừ được khả năng viêm họng mạn tính có thể là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn. Do đó việc điều trị và phòng tránh viêm họng mạn tính là cực kỳ quan trọng.
3. Điều trị viêm họng mãn tính như thế nào?
Viêm họng mãn tính có thể hoàn toàn được chữa khỏi nếu có phương pháp điều trị đúng đắn.
3.1. Điều trị nguyên nhân
Một trong những điều quan trọng để chữa viêm họng mãn tính là điều trị dứt điểm nguyên nhân gây ra bệnh như viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản…
3.2. Điều trị triệu chứng
Viêm họng mãn tính thường được sử dụng các thuốc như:
– Kháng sinh: Amoxicillin, Cephalexin, Erythromycin
– Thuốc chống viêm, giảm đau: Paracetamol, Ibuprofen
– Thuốc kháng histamin: Giảm chảy nước mũi, sổ mũi.
– Thuốc long đờm.
– Thuốc xịt mũi, xịt họng: Giảm đau, giảm nề.
Xem thêm: Uống thuốc gì để trị viêm họng?
Bên cạnh đó là có sử dụng các mẹo dân gian như xúc họng bằng nước muối, sử dụng mẹo dân gian như dùng gừng, mật ong giảm đau rát họng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhanh khỏi.
4. Một số biện pháp phòng bệnh viêm họng mạn tính
Khi bị viêm họng mạn tính cần được điều trị tích cực và kiên trì, nếu không bệnh rất khó trị dứt điểm. Cùng với đó bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ đưa ra để nhanh chóng khỏi bệnh.
Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Để phòng ngừa tình trạng viêm họng mạn tính tái phát cũng như giảm các biến chứng của bệnh, một số biện pháp phòng ngừa bạn có thể áp dụng cho bản thân và gia đình như:
– Khi bị viêm họng cấp cần điều trị một cách triệt để không để bệnh kéo dài tiến triển thành viêm họng mạn tính.
– Kiểm soát và điều trị tích cực các bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA, trào ngược dạ dày thực quản (nếu có) vì chúng rất dễ gây ra viêm họng.
– Không hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia. Hút thuốc không chỉ có hại cho cổ họng mà còn là nguyên nhân phổ biến gây ung thư ở đường hô hấp như ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư phổi…
Không hút thuốc lá để phòng tránh viêm họng mạn tính
– Hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại, các tác nhân gây dị ứng như khói bụi, khói thuốc lá…
– Xây dựng lối sống lành mạnh, tăng cường sức khỏe:
+ Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.
+ Vệ sinh mũi, vùng họng, răng miệng hàng ngày để giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
+ Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ để tránh cảm lạnh khi thời tiết thay đổi.
– Vệ sinh môi trường xung quanh.
Viêm họng mạn tính là một bệnh phổ biến, dễ tái phát. Để hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh cần nhận biết được các triệu chứng bệnh điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng. Đồng thời cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh thật tốt. Hy vọng người đọc trả lời được câu hỏi ‘’Viêm họng mạn tính có nguy hiểm không?’’ ở đầu bài qua các thông tin trong bài viết trên đây.