Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Trong các báo cáo từ “Kế hoạch hành động quốc gia về Dự phòng và Kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025” của Bộ Y Tế đã thống kê có đến 80% phụ nữ Việt Nam có nguy cơ mắc virus HPV – nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung. Tỉ lệ cao nhất nằm trong độ tuổi từ 20-30 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng mang thai và sinh nở và nặng hơn là tử vong. 

Ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi nếu phát hiện kịp thời. Để giảm thiểu các hậu quả nặng nề mà ung thư cổ tử cung gây ra, chị em phụ nữ cần phát hiện sớm bệnh và được chữa trị kịp thời. Quan trọng hơn hết là thực hiện các biện pháp phòng bệnh thật hiệu quả. 

1. Tiêm phòng vắc-xin HPV – nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung

Theo các chuyên gia có đến 99% bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung đều bị nhiễm HPV. Virus này có thể lây từ người sang người khi quan hệ tình dục bằng âm đạo, hậu môn, thậm chí qua niêm mạc miệng, hầu họng khi hôn, quan hệ tình dục bằng miệng, và cả khi tiếp xúc qua da. Ta có thể thấy virus này thật sự nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm rất rộng, trong đó 2 tuýp 16 và 18 nguy hiểm nhất do chúng có thể thâm nhập sâu vào cổ tử cung của người phụ nữ gây thay đổi cấu trúc cũng như chức năng của mô tử cung.  Hiện nay cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng HPV.

Theo khuyến cáo trong độ tuổi từ 9 tuổi trở lên và muộn nhất là 26 tuổi, các bạn nữ đủ điều kiện nên được tiêm phòng vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung dù chưa quan hệ tình dục hay chưa. Lịch trình tiêm gồm 3 mũi kéo dài trong khoảng 1 năm. Việc tiêm vắc-xin này có hiệu quả gần đạt 100% tác dụng ngăn chặn ung thư và cả giai đoạn tiền ung thư ở các cơ quan sinh dục khác như âm đạo, âm hộ, hậu môn…

Vắc-xin phòng ngừa HPV nên được tiêm càng sớm càng tốt vì hiệu quả tiêm sẽ giảm dần khi tuổi càng cao. Do đó khi đủ điều kiện bạn nên đi tiêm theo đúng liệu trình được chỉ định để phòng ngừa hiệu quả nhất.

Tiêm vắc-xin HPV phòng ung thư cổ tử cung

Tiêm vắc-xin HPV phòng ung thư cổ tử cung 

2. Quan hệ tình dục an toàn

Như đã biết virus HPV có thể lây truyền qua đường tình dục. Như vậy việc quan hệ tình dục không an toàn chính là 1 yếu tố nguy cơ mạnh mẽ làm gia tăng tỉ lệ phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi quan hệ với nhiều đối tượng (quan hệ với > 2 người trong 1 năm hay có nhiều hơn 7 bạn tình trong đời) phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn. Vì thế hãy thực hiện một đời sống tình dục lành mạnh. Khi quan hệ để bảo vệ cho bản thân mình và bạn tình cần có các dụng cụ bảo vệ như bao cao su để hạn chế tối thiểu lây nhiễm virus HPV cũng như nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. 

Đồng thời việc quan hệ tình dục quá sớm cũng là một yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung. Trong giai đoạn trẻ vị thành niên các bộ phận sinh dục chưa được phát triển hoàn chỉnh nên chức năng cũng như hệ miễn dịch của bé gái còn rất yếu, chúng hoàn toàn khó có thể bảo vệ cơ thể trước các tổn thương. Đây là điều kiện thuận lợi để HPV xâm nhập và gây bệnh. 

Cùng với đó là thiếu các kiến thức trong việc phòng tránh mang thai nên khi chửa ngoài ý muốn sẽ đi nạo hút phá thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản sau này. Nếu mang thai và sinh con trước 17 tuổi còn rất dễ gây tổn thương các cơ quan sinh dục, đặc biệt là cổ tử cung. 

Quan hệ tình dục an toàn phòng ung thư cổ tử cung

Quan hệ tình dục an toàn phòng ung thư cổ tử cung

3. Tránh lạm dụng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai luôn được các chị em sử dụng như là một biện pháp tránh thai hiệu quả trong trường hợp cấp bách hay là một biện pháp để kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài sẽ gây các tác dụng không mong muốn ảnh hưởng. Đặc biệt có báo cáo rằng nếu sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên và kéo dài trên 5 năm sẽ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn.

4. Vệ sinh vùng âm đạo đúng cách để phòng ung thư cổ tử cung

Việc vệ sinh âm đạo không đúng cách sẽ gây mùi hôi khó chịu, đồng thời gia tăng các bệnh như viêm âm đạo, âm hộ do nấm, teo âm đạo…và đặc biệt có cả ung thư cổ tử cung. 

Vì thế cần chú ý trong việc vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách để phòng ngừa mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa: 

– Vệ sinh vùng kín thường xuyên, 2 lần/ngày với nước sạch hay các dung dịch vệ sinh phù hợp theo các hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ. Cần chú ý hơn nữa đến việc vệ sinh trong thời gian kinh nguyệt. Tuyệt đối không xảy ra quan hệ khi bị hành kinh vì dễ xảy ra viêm nhiễm các bộ phận sinh dục.

– Không dùng tay hay vòi hoa sen thụt rửa sâu vào âm đạo vì sẽ gây chảy máu, tổn thương niêm mạc đường âm đạo khiến các yếu tố gây bệnh dễ xâm nhập và tấn công hơn.

– Không nên mặc quần lót quá chật. Nên chọn kích cỡ thoải mái cùng với các loại vải mềm, thông khí tốt, thấm mồ hôi để giảm các tổn thương đến ‘’cô bé’’ khi cọ xát trong lúc mặc. Nên thay đồ lót thường xuyên để đảm bảo vệ sinh cũng như không tạo môi trường cho các vi khuẩn phát triển. 

– Nếu gặp các biểu hiện bất thường như chảy máu, ra nhiều dịch vàng/xanh, nhiều khí hư, mùi hôi, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt…bạn nên đi khám và điều trị dứt điểm các bệnh phụ khoa để tránh các biến chứng tiến triển nặng sau này.

Vệ sinh vùng kín đúng cách

Vệ sinh vùng kín đúng cách

5. Xây dựng chế độ dinh dưỡng tập luyện hợp lý, lối sống lành mạnh

Hệ miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cũng như tiêu diệt các tế bào ung thư. Khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu là cơ hội để các tác nhân bên ngoài tấn công. Do đó việc tăng cường sức khỏe không chỉ giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung mà còn nhiều bệnh khác nói chung.

Để có sức khỏe tốt bạn nên lưu ý:

– Việc ăn uống có vai trò quan trọng góp phần tăng sức đề kháng. Cần xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất. Đặc biệt nên bổ sung nhiều loại thực phẩm chứa vitamin C, E, A, các chất chống oxy hóa…để ngăn chặn sự tấn công của các gốc tự do gây lão hóa, biến đổi trong cơ thể.

– Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để cơ thể dẻo dai, tăng cường sức khỏe. 

– Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Nên ngủ đủ giấc vì việc thiếu ngủ không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn tiềm ẩn nguy cơ các bệnh khác trên tim mạch, thần kinh…

– Luôn giữ tinh thần lạc quan, tránh suy nghĩ quá nhiều, căng thẳng vì stress được đánh giá là một trong những yếu tố làm bệnh phát triển nhanh hơn.

– Không hút thuốc lá vì chất nicotine trong thuốc lá làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng stress oxi hóa và gây mất cân bằng hệ gen, tạo điều kiện làm xuất hiện gen gây ung thư. 

Tăng cường sức khỏe phòng ung thư cổ tử cung

Tăng cường sức khỏe phòng ung thư cổ tử cung

6. Thực hiện việc tầm soát sàng lọc ung thư cổ tử cung 

Để giảm tỷ lệ mắc bệnh cũng như để phát hiện và chữa trị kịp thời thì việc khám sàng lọc định kỳ ung thư cổ tử cung đặc biệt quan trọng. Hơn nữa ở giai đoạn đầu bệnh hầu như tiến triển thầm lặng và không biểu hiện triệu chứng nên rất khó để chẩn đoán. Nếu phát hiện sớm thì việc điều trị bệnh sẽ dễ dàng hơn, ít để lại biến chứng nặng nề.

Mặc dù việc tiêm vắc-xin cho hiệu quả phòng bệnh cao nhưng vẫn có trường hợp lây nhiễm virus nên việc khám, sàng lọc định kỹ vẫn vô cùng cần thiết. Phương pháp áp dụng là xét nghiệm tìm kiếm các tế bào cổ tử cung bất thường. Nếu phát hiện được các tế bào bất thường hay nghi ngờ tế bào ung thư bạn sẽ được tiến hành thêm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định. 

Việc tầm soát khám sàng lọc tạo ra cơ hội cứu sống nhiều người mắc hay có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung mỗi năm. Do đó đừng ngần ngại mà hãy đi kiểm tra định kỳ để phòng bệnh hiệu quả.

Khám tầm soát ung thư cổ tử cung

Khám tầm soát ung thư cổ tử cung

Bệnh ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa hiệu quả và giảm các hậu quả nghiêm trọng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân bằng việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *