Phòng bệnh suy tim và ngăn ngừa suy tim tiến triển
Suy tim là bệnh lý tim mạch xuất hiện khi tim bị tổn thương và suy giảm hoạt động chức năng, giảm bơm máu tới các cơ quan. Do đó làm cho bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức, gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Thay đổi lối sống, loại trừ các yếu tố nguy cơ như bệnh tim mãn tính, chất kích thích..sẽ làm giảm tỷ lệ mắc suy tim và cũng giúp bệnh nhân thích nghi với bệnh, ngăn suy tim tiến triển, tăng cơ hội sống và nâng cao chất lượng sống.
Các biện pháp phòng ngừa suy tim và giảm suy tim tiến triển được khuyến cáo trong bài viết sau đây:
1. Kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch
Như ta đã biết các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ tim mạch nếu không được chữa trị thì cuối cùng đều khiến tim bị tổn thương và suy yếu chức năng. Chính vì vậy điều trị tích cực bệnh lý mãn tính được coi là ‘’chìa khóa’’ giúp ngăn ngừa bệnh suy tim.
– Bệnh nhân vẫn tiếp tục sử dụng thuốc hay các biện pháp khác theo đúng chỉ định của bác sĩ, thay đổi lối sống để điều trị tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, các dị tật trên tim, các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, tăng mỡ máu, các bệnh liên quan đến tắc nghẽn thông khí ở phổi…Khi kiểm soát tốt sẽ giảm các gánh nặng lên tim, giúp tim hoạt động ổn định hơn.
– Theo dõi cơ thể và nhận ra sớm các triệu chứng bất thường để giảm các biến cố bất ngờ xảy ra. Ví dụ như phát hiện sớm cơn nhồi máu cơ tim, cấp cứu kịp thời, cơ tim sẽ tránh được tổn thương do thiếu máu nuôi dưỡng và suy yếu.
Kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch phòng suy tim
2. Thay đổi lối sống lành mạnh
Việc xây dựng lối sống ‘’healthy’’ giúp nâng cao sức khỏe toàn diện, không chỉ phòng bệnh suy tim mà còn nhiều bệnh lý khác của cơ thể.
– Thực đơn hàng ngày nên gồm đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên ưu tiên chọn các thực phẩm giàu chất béo tốt như omega 3 trong các hồi, cá thu, các loại thịt trắng, sữa ít béo…Bổ sung nhiều loại rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên cám giàu vitamin và chất xơ giúp phòng ngừa các bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch.
– Nên tránh các đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào, đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, các đồ uống có gas.
– Hạn chế nạp đường, thực hiện chế độ ăn giảm muối cho người bệnh suy tim để tránh tích nước, giảm phù giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
– Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có cồn, trà đặc, cà phê…
– Hạn chế hiện tượng thừa dịch trong hệ tuần hoàn vì sẽ tăng gánh nặng cho tim, tạo điều kiện tái phát các triệu chứng. Mỗi ngày bạn chỉ nên nạp đủ nước với lượng nhỏ hơn 2l, tránh cho tim làm việc vất vả.
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học
Bỏ thuốc lá: Trong thuốc lá có nhiều chất độc hại là nguyên nhân của nhiều bệnh lý tim mạch như loạn nhịp tim, xuất hiện các mảng xơ vữa…Không chỉ không hút thuốc lá mà còn cần tránh xa môi trường có nhiều khói thuốc.
Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì cũng là nguyên nhân cũng như yếu tố thúc đẩy của nhiều bệnh lý trong cơ thể. Khi thừa cân khiến cơ tim phải hoạt động gắng sức hơn để phù hợp với nhu cầu sử dụng năng lượng của cơ thể, lâu dần khiến tim suy yếu. Nên theo dõi các chỉ số về cân nặng của thể như BMI để giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể mình và lên kế hoạch giảm cân hợp lý để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Kiểm soát cân nặng hợp lý
Ngủ đủ giấc, không nên thức khuya: Một giấc ngủ sâu, chất lượng kéo dài 6-7 tiếng sẽ giúp tim có thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục tốt nhất, giúp tim thực sự khỏe mạnh và làm việc hiệu quả hơn.
Tinh thần lạc quan, vui vẻ: Luôn giữ tâm lý thoải mái, tránh stress trong công việc, gặp xúc động mạnh sẽ tránh làm nhịp tim tăng đột ngột, bảo vệ tim hoạt động tốt hơn.
Luyện tập thể thao thường xuyên duy trì sức khỏe:
– Việc luyện tập thể dục thể thao luôn được khuyến khích để nâng cao sức khỏe, giúp tăng sức bền cho bản thân, tim hoạt động tốt hơn, duy trì vóc dáng săn chắc…
+ Mỗi người sẽ chọn một môn thể thao phù hợp với thể trạng của mình như bơi lội, đạp xe, đi bộ, các bài tập yoga, aerobic, thái cực quyền…
+ Việc tập luyện cũng cần duy trì thường xuyên với một chế độ đều đặn. Hoặc nếu như là một con người quá bận rộn bạn chỉ cần dành ra 15 phút tập các động tác nhẹ nhàng cũng giúp bảo vệ trái tim của bạn không bị suy yếu.
+ Tránh việc ngồi quá lâu tại một vị trí, tăng cường vận động mọi lúc, mọi nơi như chọn đi thang bộ thay vì đi thang máy, chọn đi bộ đi làm nếu như khoảng cách không quá xa,…
– Đối với bệnh nhân bị suy tim vẫn luôn khuyến khích vận động ở cường độ phù hợp với sức chịu đựng của cơ thể. Hãy lắng nghe cơ thể mình và lên kế hoạch tập luyện và nghỉ ngơi trong giới hạn cho phép. Không quá dùng sức để thực hiện vì sẽ khiến tình trạng tim ngày càng yếu hơn.
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao phòng suy tim
3. Thăm khám sức khỏe định kỳ
Ngay cả khi bạn đang khỏe mạnh hay đang điều trị bệnh thì việc kiểm tra sức khỏe cũng cần được làm thường xuyên. Điều đó giúp bạn biết được toàn diện sức khỏe của mình, phát hiện sớm các bệnh lý nguy cơ và được điều trị kịp thời ngay cả khi chưa có triệu chứng bộc lộ.
Suy tim là bệnh tiến triển âm thầm trong thời gian dài nên các dấu hiệu không đặc trưng và chỉ có thể được phát hiện sớm nếu đi khám tổng quát. Hơn nữa nếu có thành viên trong gia đình mắc bệnh lý tim mạch thì bạn nên đi khám để kiểm tra sức khỏe cho mình.
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị hiệu quả
4. Giáo dục bệnh nhân suy tim để cải thiện chất lượng cuộc sống
Tuy rằng bệnh suy tim không thể chữa trị được triệt để nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân có thể sống lâu hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Việc giúp bệnh nhân hiểu được về bệnh cũng như tuân thủ điều trị là điều quan trọng mang lại hiệu quả nhất là với bệnh nhân suy tim mạn tính, hạn chế bệnh tiến triển ngày càng nặng hơn.
– Giúp bệnh nhân chuẩn bị sẵn tâm lý sống chung với bệnh để có sự phối hợp tố trong điều trị bệnh.
– Giúp bệnh nhân thay đổi lối sống, thói quen xấu, tránh các yếu tố nguy cơ, không dùng các thuốc có hại cho suy tim như thuốc chống viêm, corticoid…
– Tuân thủ dùng thuốc theo đúng phác đồ điều trị suy tim cho bệnh nhân.
– Bệnh nhân cần theo dõi các diễn biến sức khỏe như nhịp tim, huyết áp, mức độ khó thở, các triệu chứng của suy tim…Khi gặp các triệu chứng bất thường khi dùng thuốc hay các triệu chứng của suy tim nặng hơn cần thông báo ngay với bác sĩ để cấp cứu kịp thời.
Giáo dục bệnh nhân suy tim về cách chăm sóc và điều trị bệnh
Để phòng ngừa suy tim và ngăn ngừa suy tim tiến triển nặng bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và luôn dành cho cơ thể mình sự chăm sóc toàn diện nhất. Điều đó không chỉ giúp bạn khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ hơn mà còn giảm gánh nặng về điều trị bệnh cho cộng đồng.