Acid folic là acid (2S)-2-[[4-[[(2-amino-4-oxo-1,4-dihydropteridin-6-yl) methyl] amino] benzoyl] amino]pentandioic, phải chứa từ 96,0 % đến 102,0 % C19H19N7O6 tính theo chế phẩm khan.
Tính chất
Bột kết tinh màu vàng nhạt hoặc vàng cam. Thực tế không tan trong nước và hầu hết các dung môi hữu cơ, tan trong các dung dịch acid và kiềm loãng.
Định tính Acid folic
Có thể chọn một trong hai nhóm định tính sau:
Nhóm I: A, B.
Nhóm II: A, C.
A. Góc quay cực riêng (Phụ lục 6.4): Từ +18° đến +22° (tính theo chế phẩm khan).
Hòa tan 0,25 g chế phẩm trong dung dịch natri hydroxyd 0,1 M(TT) và pha loãng thành 25,0 ml với cùng dung môi.
B. Trong phần Định lượng, thời gian lưu của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng với thời gian lưu của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu ( 1).
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Amoniac đậm đặc – propanol – ethanol 96 % (20 : 20 : 60).
Dung dịch thử: Hòa tan 50 mg chế phẩm trong hỗn hợp methanol – amoniac đậm đặc (9 : 2) rồi pha loãng thành 100 ml với cùng hỗn hợp dung môi.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 50 mg acid folic chuẩn trong hỗn hợp methanol – amoniac đậm đặc (9 : 2) rồi pha loãng thành 100 ml với cùng hỗn hợp dung môi.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 2 μl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm. Để khô bản mỏng ngoài không khí và soi dưới ánh sáng từ ngoại ở bước sóng 365 nm. vết chính trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử phải tương ứng với vết chính thu được trên sắc ký đồ từ dung dịch đối chiếu về vị trí, kích thước và màu sắc.
=> Đọc thêm: DUNG DỊCH ACID BORIC 3 % (Solutio Acidi borici 3 %) – Dược Điển Việt Nam 5.
Tạp chất liên quan
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).
Pha động: Methanol – dung dịch có chứa kali dihydrophosphat 1.116 % và dikali hydrophosphat 0,550 % (12 : 88).
Dung dịch thử: Hòa tan 0,100 g chế phẩm trong 5 ml dung dịch natri carhonat 2,86 % và pha loãng thành 100,0 ml bằng pha động. Pha loãng 2,0 ml dung dịch thu được thành 10,0 ml bằng pha động.
Dung dịch đối chiếu (1): Hòa tan 0,100 g acid folic chuẩn trong 5 ml dung dịch natri carbonat 2,86 % và pha loãng thành 100,0 ml bằng pha động. Pha loãng 2,0 ml dung dịch thu được thành 10,0 ml bằng pha động.
Dung dịch đối chiếu (2): Hòa tan 20 mg acid pteroic (TT) trong 5 ml dung dịch natri carbonat 2,86 % và pha loãng thành 100,0 ml bằng pha động. Trộn 1,0 ml dung dịch thu được với 1,0 ml dung dịch đối chiếu (1) và pha loãng thành 100.0 ml bằng pha động.
Dung dịch đối chiếu (3): Pha loãng 2,0 ml dung dịch thử thành 20,0 ml bằng pha động. Pha loãng 1,0 ml dung dịch thu được thành 20,0 ml bằng pha động.
Dung dịch đối chiếu (4): Hòa tan 10,0 mg acid N-(4-aminobenzoyl)-L-glutamic (TT) trong 1 ml dung dịch natri carbonat 2,86 % và pha loãng thành 100,0 ml bằng pha động. Pha loãng 1,0 ml dung dịch thu được thành 100,0 ml bằng pha động.
Dung dịch đối chiếu (5): Hòa tan 12,0 mg acid pteroic (TT) trong 1 ml dung dịch natri carbonat 2,86 % và pha loãng thành 100,0 ml bằng pha động. Pha loãng 1,0 ml dung dịch thu được thành 100,0 ml bằng pha động.
Điều kiện sắc ký:
Cột kích thước (25 cm X 4,0 mm) được nhồi pha tĩnh B (octylsilyl silica gel dùng cho sắc ký lỏng, hạt tròn, 5 μm), diện tích bề mặt 350 m2/g, kích thước lỗ xốp 10 nm, hàm lượng carbon 12,5 %.
Detector quang phổ tử ngoại ở bước sóng 280 nm.
Tốc độ dòng: 0,6 ml/min.
Thể tích tiêm: 5 μl.
Cách tiến hành:
Tiến hành sắc ký dung dịch thử và các dung dịch đối chiếu (3), (4), (5) trong khoảng thời gian gấp 3 lần thời gian lưu của acid folic.
Thời gian lưu tương đối so với acid folic (thời gian lưu khoảng 8,5 min): Tạp chất A khoảng 0,5; tạp chất B khoảng 0,6; tạp chất C khoảng 0,9; tạp chất E khoảng 1,27; tạp chất D khoảng 1,33; tạp chất F khoảng 2,2.
Kiểm tra tính phù hợp của hệ thống: Trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (2), độ phân giải giữa pic của acid folic và acid pteroic (tạp chất D) ít nhất là 4,0.
Giới hạn: Trên sắc ký đồ thu được từ dung dịch thử:
Diện tích của bất kỳ pic phụ nào tương ứng với tạp chất A không được lớn hơn diện tích của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (4) (0,5%).
Diện tích của bất kỳ pic phụ nào tương ứng với tạp chất D không được lớn hơn diện tích của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (5) (0,6 %).
Diện tích của các pic tạp chất khác ngoài pic chính và các pic tương ứng với tạp chất A, tạp chất D không được lớn hơn diện tích của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3) (0,5 %).
Tổng diện tích của bất kỳ pic tạp chất nào khác ngoài pic chính và các pic tương ứng với tạp chất A, tạp chất D không được lớn hơn hai lần diện tích của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3) (1,0 %).
Bỏ qua những pic của dung môi và các pic có diện tích nhỏ hơn 0,1 lần diện tích của pic chính thu được trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu (3) (0,05 %).
Ghi chú:
Tạp chất A: Acid (2S)-2-[(4-aminobenzoyl)amino]pentandioic(acid N-(4-aminobenzoyl)-L-glutamic).
Tạp chất B: 2,5,6-triaminopyrimidin-4(1H)-on.
Tạp chất C: Acid (2S)-2-[[4-[[(2-amino-4-oxo-1,4-dihydro-pteridin-7-yl)methyl]amino]benzoyl]amino] pentandioic (acid isofolic).
Tạp chất D: Acid 4-[[(2-amino-4-oxo-1,4-dihydrop-teridin-6-yl)methyl]amino]benzoic (acid pteroic).
Tạp chất E: Acid (2S)-2-[[4-[bis[(2-amino-4-oxo-1,4-dihydro-pteridin-6-yl)methyl]amino]benzoyl]amino] pentandioic (acid6-pterinylfolic).
Tạp chất F: 2-amino-7-(cloromethyl)pteridin-4(1H)-on.
Nước
Từ 5,0 % đến 8,5 % (Phụ lục 10.3).
Dùng 0,150 g chế phẩm.
Tro sulfat
Không được quá 0,2 % (Phụ lục 9.9, phương pháp 2).
Dùng 1,0 g chế phẩm.
Định lượng Acid folic
Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3). Điều kiện sắc ký như mô tả trong phần Tạp chất liên quan.
Tiến hành sắc ký dung dịch thử và dung dịch đối chiếu (1).
Tính hàm lượng của C19H19N7O6 trong chế phẩm dựa trên diện tích pic của acid folic thu được trên sắc ký đồ của dung dịch thử và dung dịch đối chiếu (1) và hàm lượng của acid folic chuẩn.
=> Tham khảo: ACID BORIC (Acidum boricum) – Dược Điển Việt Nam 5.
Bảo quản
Trong đồ đựng kín, tránh ánh sáng.
Loại thuốc
Ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu.
Chế phẩm
Viên nén.