Dây ruột gà
Rễ đã phơi hay sấy khô của cây Ba kích (Morinda officinalis How), họ Cà phê (Rubiaceae).
Mô tả
Rễ hình trụ tròn hay hơi dẹt, cong queo, dài 3 cm trở lên, đường kính 0,3 cm trở lên. Mặt ngoài màu nâu xám hoặc nâu nhạt, có nhiều vân dọc và ngang. Nhiều chỗ nứt ngang sâu tới lõi gỗ. Mặt cắt có phần thịt dày màu tím xám hoặc màu hồng nhạt, giữa là lõi gỗ nhỏ màu vàng nâu. Vị hơi ngọt và hơi chát.
Vi phẫu
Mặt cắt dược liệu hình tròn, từ ngoài vào trong có: Lớp bần gồm 2 đến 3 hàng tế bào hình chữ nhật xếp thành vòng tròn đồng tâm và dãy xuyên tâm, trong lớp bần thường có các tế bào chứa bó tinh thể calci oxalat hình kim, sát lớp bần có các tế bào mô cứng xếp liền nhau tạo thành vòng. Mô mềm vỏ dày, cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, xếp lộn xộn, các tế bào ở phần ngoài bị ép bẹp. Phía trong mô mềm là libe, gồm các tế bào nhỏ tạo thành vòng liên tục. Rải rác trong mô mềm và libe có các bó tinh thể calci oxalat hình kim. Gỗ gồm các mạch gỗ lớn xếp thành bó, các bó kết hợp với nhau tạo thành lõi hình sao 5, 6 cạnh. Trong mô gỗ có những đám tế bào không hóa gỗ.
Bột
Bột có màu nâu nhạt, vị hơi chát, mùi thơm dịu. Soi dưới kính hiển vị thấy: Mảnh bần gồm các tế bào hình chữ nhật, mảnh mô mềm cấu tạo bởi các tế bào hình nhiều cạnh thành mỏng, một số tế bào chứa bó tinh thể calci oxalat hình kim. Sợi gỗ. Có nhiều tế bào mô cứng thành dày hóa gỗ, các lỗ trao đổi rõ. Nhiều tinh thể calci oxalat hình kim, dài khoảng 0,1 mm và các đoạn gãy của chúng. Rải rác có các hạt tinh bột và nhiều mạch điểm.
Xem thêm: Bá tử nhân – Dược điển Việt Nam 5
Định tính
- Đun sôi 0,10 g bột dược liệu với 1 ml dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT) và 9 ml nước, rồi lọc. Thêm acid hydrocloric (TT) cho đến phản ứng hơi acid và 10 ml ether ethylic (TT), lắc. Lớp ether sẽ nhuộm màu vàng. Gạn riêng lớp ether, thêm 5 ml amoniac (TT), lắc. Lớp dung dịch amoniac sẽ nhuộm màu đỏ tím bền vững.
- Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (30°C đến 40°C) – ethyl acetat – acid acetic băng (7,5 : 2,5 : 0,25).
Dung dịch thử: Lấy khoảng 5 g bột dược liệu thêm 10 ml nước, lắc để nước thấm đều dược liệu, để yên 15 min, nghiền bột dược liệu trong cối sứ thành bột ướt, thêm 40 ml methanol (TT), cho vào bình cầu miệng mài, đun sôi hồi lưu trên cách thủy trong 30 min, lọc, làm bay hơi dung môi đến cạn. Thêm vào cắn 5 ml nước và 20 ml ether dầu hỏa (30°C đến 60°C) (TT), lắc khoảng 3 min đến 5 min, để lắng, gạn lấy phần dịch chiết ether dầu hỏa, làm bay hơi hết dung môi. Hòa cắn trong 2 ml methanol (TT) làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g dược liệu Ba kích (mẫu chuẩn) và tiến hành chiết như mô tả ở phần dung dịch thử
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl dung dịch trên. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí, phun dung dịch kali hydroxyd 10% trong ethanol (TT). Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết (2 đến 3 vết) màu đỏ, cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Xem thêm: Qua lâu (Hạt) – Dược điển Việt Nam 5
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100°C, 5h).
Tro toàn phần
Không quá 6,0 % (Phụ lục 9.8).
Tỷ lệ vụn nát
Không quá 5,0 % (Phụ lục 12.12).
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Tạp chất khác: Không quá 1,0 %.
Tỉ lệ dược liệu xơ, hóa gỗ, đường kính dưới 0,3 cm: Không được có.
Chất chiết được trong dược liệu
Không được ít hơn 50,0 % tính theo dược liệu khô kiệt
Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh (Phụ lục 12.10), dùng nước làm dung môi.
Chế biến
Có thể đào lấy rễ quanh năm. Rễ được rửa sạch đất cát, loại bỏ rễ con, phơi khô tới khi không dính tay, đập nhẹ cho bẹp, phơi đến khô hoặc sấy nhẹ đến khô.
Bào chế
Ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch đồ kỹ hoặc luộc qua, khi còn đang nóng rút bỏ lõi gỗ, cắt đoạn, phơi khô.
Diêm ba kích nhục: Lấy Ba kích sạch trộn với nước muối cho đều, đồ kỹ, rút lõi gỗ, cắt đoạn phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 2 kg muối và lượng nước vừa đủ hòa tan, lọc trong.
Chích ba kích: Lấy Cam thảo giã dập, sắc lấy nước, bỏ bã. Cho Ba kích sạch vào, đun đến khi mềm xốp có thể rút lõi gỗ, lấy ra rút lõi khi còn nóng, cắt đoạn, phơi khô. Cứ 100 kg Ba kích dùng 6 kg Cam thảo.
Bảo quản
Để nơi khô, thoáng, tránh mốc, mọt.
Tính vị, quy kinh
Cam, tân, vi ôn. Vào kinh thận.
Công năng, chủ trị
Bổ thận dương, mạnh gân xương. Chủ trị: Liệt dương, di tinh, tử cung lạnh, phụ nữ khó mang thai, kinh không đều, bụng dưới đau lạnh, phong thấp tê đau, gân xương mềm yếu.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 3g đến 9g. Dạng sắc uống. Thường phối hợp với một số vị thuốc khác
Kiêng kỵ
Âm hư hỏa vượng, táo bón không nên dùng.