Bệnh rối loạn lưỡng cực là gì? Có chữa được không?
Khi xã hội ngày càng phát triển, con người phải hứng chịu áp lực từ nhiều phía như công việc, học tập, gia đình đến dư luận. Điều này chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh liên quan đến thần kinh, trong đó có bệnh rối loạn lưỡng cực. Người bệnh lúc thì buồn rầu, chán nản, mất phương hướng trong cuộc sống, lúc thì phấn khích, hoạt bát, tăng động. Qua bài viết dưới đây hãy cùng tìm hiểu về bệnh đẻ có phương pháp điều trị và cách phòng ngừa hiệu quả.
I. Bệnh rối loạn lưỡng cực là gì?
Rối loạn hưng – trầm cảm, rối loạn cảm xúc hay rối loạn lưỡng cực là tên gọi chung chỉ một chứng bệnh liên quan đến sự thay đổi tâm trạng thất thường từ thấp – trầm cảm đến cao – hưng cảm.
Đặc điểm của bệnh lý này là có tính chu kỳ, trong một năm xuất hiện vài lần, trong một tuần xuất hiện nhiều lần. Tâm trạng người bệnh thay đổi xen kẽ. Khi cảm thấy chán nản, họ buồn rẩu, ủ rũ, không có hứng thú làm việc, nặng hơn là suy nghĩ tiêu cực, và nguy hiểm hơn là muốn tự tử. Ngược lại, khi cảm thấy vui vẻ, họ tràn đầy năng lượng, đôi khi là tăng động, thái quá.
Tỷ lệ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực xuất hiện nhiều ở lứa tuổi trẻ, từ 20 – 40 tuổi, không phân biệt giới tính.
Rối loạn lưỡng cực là gì?
II. Nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực
Cho đến nay, chưa rõ nguyên nhân chính gây ra bệnh rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây được coi là nguồn kích hoạt bệnh phát triển:
– Di truyền: Trong gia đình có người mắc chứng bệnh này thì tỷ lệ mắc bệnh là rất cao.
– Sự khác biệt sinh học: Bộ não của mỗi người là khác nhau, những người mắc bệnh sẽ xuất hiện những tín hiệu vật lý khác thường trong bộ não mà người khác không có.
– Hoocmon và nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố có thể làm xuất hiện các rối loạn lưỡng cực.
– Dẫn truyền thần kinh: Khi mất cân bằng nồng độ các chất trung gian hóa học trong tế bào thần kinh cũng là nguyên nhân gây ra những biến đổi chức năng sinh lý của bộ não.
– Môi trường: Áp lực công việc, xã hội, stress, những biến cố lớn trong cuộc sống là yếu tố tác động mạnh nhất đến sự thay đổi tâm trạng của người bệnh.
III. Triệu chứng của rối loạn lưỡng cực
Triệu chứng ban đầu của rối loạn lưỡng cực là giai đoạn cấp tính, sau đó lặp lại chu kỳ của sự thuyên giảm và tái phát. Biểu hiện của các đợt tái phát gồm ba giai đoạn riêng biệt: trầm cảm (trạng thái thấp nhất), hưng cảm (trạng thái cao hơn) và dạng hỗn hợp biểu hiệu của trầm cảm và hưng cảm.
Triệu chứng của bệnh rối loạn lưỡng cực
1. Giai đoạn trầm cảm
Đặc điểm điển hình của giai đoạn này gồm:
– Bệnh nhân cảm thấy đau khổ, chán nản.
– Biểu hiện khuôn mặt kém.
– Lười vận động.
– Giọng nói thay đổi.
– Giảm giao tiếp bằng mắt (mắt trầm buồn, lông mày in rãnh).
– Người bệnh cảm thấy tù túng, nhìn thế giới trở nên đen tối.
– Suy giảm dinh dưỡng nghiêm trọng.
Giai đoạn trầm cảm được chẩn đoán khi bệnh nhân xuất hiện trên 5 dấu hiệu dưới đây, kéo dài trong 2 tuần:
– Khí sắc buồn, giảm quan tâm, mất hứng thú với mọi sự việc xảy ra trong cuộc sống.
– Cân nặng, khẩu vị có thể tăng hoặc giảm.
– Mất ngủ hoặc ngủ nhiều.
– Năng lượng giảm, cơ thể mệt mỏi.
– Cảm giác tội lỗi, vô dụng.
– Giảm khả năng suy nghĩ, vận động và tập trung.
– Nghĩ tiêu cực, có kế hoạch tự tử.
Biểu hiện của trầm cảm
2. Giai đoạn hưng cảm
Biểu hiện nổi bật của giai đoạn hưng cảm là khí sắc tăng, dư năng lượng và dễ bị kích động kéo dài trên 1 tuần. Ngoài ra còn cộng thêm các dấu hiệu sau:
– Nói nhiều, nhanh, không thể dừng lại.
– Giảm ngủ.
– Tính tự trọng cao, hay suy nghĩ phóng đại mọi chuyện.
– Dễ bị phân tán.
– Tích cực tham gia các hoạt động vui vẻ đến quá mức, không mệt mỏi, mất kiểm soát như tụ tập bạn bè đánh bạc, quan hệ tình dục, chơi thể thao mạo hiểm, …
– Không thực hiện được các công việc chính của bản thân.
– Ăn mặc màu mè.
– Tin tưởng bản thân đang có trạng thái tinh thần tốt nhất.
Biểu hiện của hưng cảm
3. Giai đoạn hỗn hợp
Khi chuyển sang giai đoạn này, tình trạng của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng. Tâm trạng thất thường, suy nghĩ tiêu cực hoặc tích cực thái quá. Mối nguy hiểm lớn nhất là dẫn đến tự sát trong giai đoạn hỗn hợp.
IV. Hậu quả của rối loạn lưỡng cực
Bệnh rối loạn lưỡng cực gây ra một số hậu quả như:
– Hình thành suy nghĩ và hành vi tự sát, chủ yếu ở giai đoạn trầm cảm và hỗ hợp. Khoảng 60% – 70% số bệnh nhân ở giai đoạn này có ý định tự sát và tỷ lệ thành công chiếm 10% – 15%.
– Thực hiện các hành vi bạo lực gia đình và trẻ em khi bệnh nhân ở giai đoạn hưng cảm nặng. Người bệnh có thể đập phá, đánh người, đốt nhà, tự hủy hoại bản thân mà không rõ lý do. Trường hợp cần thiết phải cưỡng bức bệnh nhân nhập viên để kiểm soát hành vi gây hại và thực hiện điều trị.
– Nghiện ma túy, nghiện rượu, lạm dụng chất kích thích, ham mê đánh bạc, đua xe trái phép.
– Thất bại trong công việc, học hành sa sút, trốn học, bỏ học.
V. Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực
Ngoài các triệu chứng của bệnh rối loạn lưỡng cực kể trên mà người thân có thể quan sát, theo dõi được, để chẩn đoán chính xác hơn, phải đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ chuyên khoa, chuyên gia tiến hành các thăm khám chuyên sâu.
– Thăm khám lâm sàng.
– Hỏi bệnh về các triệu chứng, tiền sử gia đình, yếu tố nguy cơ.
– Đánh giá tình trạng tâm lý, tinh thần thông qua nói chuyện, trao đổi.
– Theo dõi biểu đồ tâm trạng trong ngày của người bệnh.
– Chẩn đoán phân biệt với rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn hoang tưởng hoặc tâm thần phân liệt.
– Đối với trẻ em và vị thành niên, việc chẩn đoán phức tạp và khó khăn hơn. Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm thần sớm nhất có thể.
Chẩn đoán bệnh rối loạn lưỡng cực
VI. Bệnh rối loạn lưỡng cực có chữa được không?
Rối loạn lưỡng cực có đặc tính rất dễ tái phát, tức là không thể chữa khỏi tận gốc bệnh. Tuy nhiên, có thể kiểm soát các triệu chứng nhờ dùng thuốc và trị liệu tâm lý.
1. Điều trị rối loạn lưỡng cực bằng thuốc
Trong giai đoạn trầm cảm, cần sử dụng các loại thuốc sau để điều trị tấn công:
– Thuốc an thần: dùng các thuốc Olanzapin (liều 10 mg/ngày) hoặc Quetiapine (liều 300 mg/ngày) trong vòng 3 tuần. Sau đó nếu không thuyên giảm trên ⅓ số triệu chứng thì phải phối hợp với thuốc chống trầm cảm.
– Thuốc chống trầm cảm: Clomioramin (Anafranil 25mg/75mg), Mirtazapine (Shakes 30mg), Sertraline (Zoloft 50mg), Paroxetine (Parokey 20mg).
Điều trị rối loạn lưỡng cực bằng thuốc
Khi cơn trầm cảm được kiểm soát, cần duy trì điều trị bằng thuốc chống trầm cảm ít nhất 6 tháng. Giảm liều thuốc chống trầm cảm còn ½ – ⅓ liều tấn công.
Để điều trị tấn công trong giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp, sử dụng các thuốc:
– Thuốc chỉnh khí sắc: bao gồm Lithium và thuốc chống động kinh (Valproat, Oxacarbazepin, Levodopa, Pramipexole, … Các thuốc này ít tác dụng phụ nhưng hiệu quả chậm, nên thường kết hợp với thuốc an thần.
– Thuốc an thần: giúp cắt cơn hưng cảm nhanh, kiểm soát trạng thái kích động. Có thể dùng các thuốc thế hệ cũ như Haloperidol, Aminazin hay thế hệ mới như Risperidol, Amisulprid, …
Tương tự như giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân phải tiếp tục điều trị sau các cơn hưng cảm/hỗn hợp bằng thuốc chỉnh khí sắc. Nếu ngừng thuốc thì bệnh tái phát. Do đó, cần điều trị duy trì suốt đời.
2. Liệu pháp tâm lý trong điều trị rối loạn lưỡng cực
Đây là phương pháp điều trị được sử dụng kết hợp với việc điều trị bằng thuốc, có vai trò cực kỳ quan trọng. Trị liệu tâm lý giúp bệnh nhân giải tỏa căng thẳng, kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của bản thân. Việc tư vấn, giáo dục cần áp dụng với cả người bệnh và người thân của họ.
Trị liệu tâm lý bệnh rối loạn lưỡng cực
Một số biện pháp tâm lý giúp hỗ trợ giảm các triệu chứng bệnh:
– Theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát.
– Gia đình có thể quản lý tài chính nếu bệnh nhân tiêu xài quá mức.
– Tạo điều kiện cho bệnh nhân tham gia các hoạt động xã hội, tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
– Luôn luôn động viên, chia sẻ cùng người bệnh.
Ngoài ra, người mắc rối loạn lưỡng cực phải được xây dựng chế độ sinh hoạthợp lý, điều độ:
– Hạn chế rượu, bia, chất kích thích để giảm kích động và mất ngủ.
– Không tham gia các hoạt động vui chơi mạo hiểm như đua xe.
– Tránh các hoạt động giải trí đi bar, vũ trường.
– Ăn uống lành mạnh.
– Tham gia tập luyện thể thao, thể hình hoặc các câu lạc bộ.
Như vậy, nếu áp dụng kết hợp sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý thì bệnh rối loạn lưỡng cực hoàn toàn có thể kiểm soát và thuyên giảm, tránh xảy ra các hậu quả nghiêm trọng khi không khống chế được cảm xúc. Quan trọng là khi thấy bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện nào của rối loạn lưỡng cực cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.