Bệnh trĩ ở trẻ em
Nhiều người có quan niệm sai lầm khi nghĩ rằng bệnh trĩ chỉ xuất hiện chủ yếu ở người lớn tuổi. Nhưng sự thật trĩ không là bệnh của riêng ai và gặp cả ở trẻ nhỏ tuy tỷ lệ không cao. Thông qua những chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp ba mẹ cần có những kiến thức cần thiết để phòng và điều trị bệnh trĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
I. Bệnh trĩ ở trẻ là gì?
Bệnh trĩ được hiểu là do sự căng phồng của tĩnh mạch hậu môn do sưng tấy khi gia tăng áp lực lên các tính mạch dẫn đến hình thành búi trĩ.
Cũng giống như ở người lớn bệnh trĩ ở trẻ em cũng là do sự tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn do những thói quen không lành mạnh của bé gây nên. Khi bị trĩ sẽ gây đau đớn, khó chịu, đi ngoài ra máu và bé sẽ quấy khóc, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Trẻ cũng có thể gặp cả trĩ nội, trĩ ngoại hoặc cả 2 tình trạng trên:
– Trĩ nội: Búi trĩ hình thành bên trong hậu môn gây cảm giác cộm, viêm nhiễm chảy máu khi đi ngoài. Chỉ khi ở mức độ nặng mới lòi ra khỏi hậu môn khi đi đại tiện.
– Trĩ ngoại: Búi trĩ xuất hiện ngay từ đầu ở bên ngoài, có thể sờ cảm nhận được,
– Trĩ hỗn hợp: Bệnh nhân có thể vừa đồng thời có cả phần trĩ nội và trĩ ngoại.
II. Nguyên nhân của bệnh
Những thói quen không tốt trong ăn uống hay sinh hoạt hàng ngày của bé cũng là nguyên nhân và làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng trẻ bị trĩ.
1. Trẻ ngồi bô quá lâu
Thói quen ngồi bô thực sự không tốt và đó là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến hình thành trĩ ở trẻ. Do trẻ còn bé nên ngồi bô là cách đi vệ sinh tiện lợi mà nhiều gia đình áp dụng cho con. Tuy nhiên khi ngồi bô quá lâu sẽ có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn bình thường.
Khi giữ tư thế ngồi trong thời gian dài toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên vùng chậu và khiến máu dồn lại và tích tụ lại. Điều đó sẽ vô tình làm tăng áp lực ép lên vùng hậu môn, gây chèn ép các tĩnh mạch hậu môn và từ đó hình thành nên các búi trĩ.
Do đó, cần chú ý thời gian bé ngồi bô đi đại tiện, tốt nhất không nên quá 10 phút.
Trẻ ngồi bô lâu dẫn đến trĩ
2. Trẻ bị táo bón kéo dài
Khi trẻ bị táo bón sẽ cảm thấy trướng bụng, khó chịu, và từ đó sẽ sinh ra phản xạ rặn thường xuyên hơn.
Việc trẻ thường không thích ăn rau hoa quả, những thực phẩm cung cấp chất xơ tự nhiên, uống ít nước…nhưng ba mẹ không để ý cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón. Khi đó việc trẻ hay rặn cùng với việc khối phân cứng gây trầy xước niêm mạc hậu môn cũng sẽ dễ dẫn đến bệnh trĩ ở trẻ.
3. Một số nguyên nhân khác
– Ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên nhiều bộ phận chưa được hoàn thiện đầy đủ nhất như các tổ chức cơ hậu môn còn yếu, các dây chằng hậu môn – trực tràng lỏng lẻo cũng dễ khiến trẻ mắc bệnh trĩ hơn.
– Việc xuất hiện khối u ở ruột kết cũng khiến máu ứ trệ và hình thành bệnh trĩ ở trẻ.
– Nếu trẻ ít vận động, ngồi nhiều, điều này cũng góp phần tăng nguy cơ bị trĩ.
III. Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ ở trẻ
Ba mẹ quan sát trẻ và có thể nghi ngờ con bị bệnh trĩ nếu trẻ có một số các biểu hiện sau:
1. Trẻ đi vệ sinh lâu, khó khăn
Nếu thấy trẻ ngồi đi vệ sinh lâu thì đây cũng là 1 trong những dấu hiệu của bệnh trĩ ở trẻ. Có thể do táo bón khi phân cứng và khô khiến bé khó khăn trong việc đi đại tiện nên thường ngồi lâu.
Việc tần suất đi vệ sinh của bé giảm, khoảng 5-7 ngày không đi đại tiện rất dễ dẫn đến tình trạng táo bón. Vì đi vệ sinh đau nên rất nhiều trẻ tránh việc đi vệ sinh để không bị đau, điều đó càng nguy hiểm hơn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh trĩ
2. Đi ngoài ra máu
Khi có các búi trĩ, lúc phân đi ra ngoài sẽ cọ xát gây cảm giác khó chịu, đau rát và chảy máu. Hơn nữa phản xạ rặn của bé cũng làm tăng áp lực lên tĩnh mạch làm các mạch máu vùng hậu môn bị vỡ khiến phân sẽ có lẫn máu.
Biểu hiện này dễ nhận ra nhất là khi dùng giấy để lau cho trẻ. Ba mẹ cần quan sát kĩ biểu hiện này để không bỏ quan để đến khi bệnh nặng thì việc điều trị càng khó khăn.
Việc mất máu nhiều lần sẽ dẫn đến trẻ hay mệt mỏi, khó chịu dẫn đến quấy khóc, chán ăn, cơ thể suy nhược…
3. Bất thường vùng hậu môn
Những triệu chứng bất thường quanh khu vực này sẽ phản ánh đúng nhất tình trạng trĩ của bé:
– Việc sa búi trĩ ở vùng hậu môn là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi trẻ bị mắc bệnh trĩ. Ban đầu có thể búi trĩ nhỏ chỉ lòi ra khi đi đại tiện nhưng lâu dài búi trĩ càng to không thể tự thụt vào bên trong làm cho bé cộm, đau rát hay quấy khóc.
– Hậu môn sưng tấy, nóng và ngứa. Búi trĩ có xu hướng càng sưng to hơn sau mỗi lần đại tiện, kèm theo đó hậu môn tiết chất nhầy. Vi khuẩn rất dễ tấn công gây viêm nóng, đỏ và gây ngứa cho trẻ.
Búi trĩ sa ra ngoài
IV. Chăm sóc trẻ khi bị bệnh trĩ
Để điều trị bệnh trĩ ở trẻ ba mẹ cần kết hợp cả việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày cũng như sử dụng các biện pháp y tế nếu cần thiết.
1. Điều trị táo bón
– Một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh trĩ là táo bón nên việc điều chỉnh lại chế độ ăn uống là việc quan trọng. Hãy cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung những thức ăn giàu chất xơ như các loại rau củ, hoa quả, ngũ cốc đa hạt…
– Nếu như tình trạng táo bón nặng ba mẹ có thể sử dụng các chất làm mềm phân để giúp trẻ đi ngoài dễ dàng hơn.
2. Điều trị tại búi trĩ
– Khi bị trĩ ba mẹ cần vệ sinh sạch sẽ khu vực hậu môn của bé bằng nước ấm để tránh xảy ra viêm nhiễm. Sử dụng giấy mềm, không hương liệu để tránh gây xước, kích ứng vùng hậu môn của trẻ.
– Nếu như trẻ quá đau có thể sử dụng thuốc giảm đau để làm dịu cảm giác khó chịu của trẻ.
– Một số loại thuốc bôi điều trị trĩ không chứa corticoid dành cho trẻ, kem gây tê hỗ trợ giảm đau cũng có thể sử dụng để bôi vào búi trĩ.
Khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và được hướng dẫn điều trị cụ thể. Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc đều phải có sự chỉ định của bác sĩ để có thể cải thiện nhanh nhất tình trạng của trẻ.
Xem thêm: Các phương pháp điều trị bệnh trĩ
V. Biện pháp phòng tránh trẻ bị trĩ
Bệnh trĩ ở trẻ có thể phòng tránh được bằng việc tập cho trẻ các thói quen tốt:
– Uống đủ nước mỗi ngày.
– Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng. Tập cho trẻ ăn đầy đủ chất xơ trong khẩu phần ăn từ nguồn rau củ, trái cây….
– Khuyến khích trẻ năng vận động, chơi thể thao tránh việc ngồi quá nhiều.
– Tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ. Điều đó sẽ giúp nhu động ruột của trẻ hoạt động tốt hơn, tránh bị táo bón.
– Hàng ngày vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn cho trẻ. Nếu không việc tích tụ vi khuẩn khi có vết xước sẽ tạo cơ hội hình thành các vết loét, tổn thương gây nhiễm trùng vùng hậu môn của bé.
Bổ sung chất xơ trong bữa ăn của bé
Xem thêm: Cách phòng ngừa trĩ tái phát
Bệnh trĩ ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng nếu không điều trị đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp ba mẹ có cái nhìn đầy đủ nhất để phòng và điều trị hiệu quả bệnh trĩ cho con.