Tỉ lệ béo phì ngày càng tăng cao ở Việt Nam
Ngày nay, đi kèm với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, thì vấn đề thừa cân, béo phì cũng là thách thức rất lớn với nền y tế Việt Nam khi mà tỉ lệ béo phì ngày càng tăng cao. Vậy khi nào là béo phì? Đừng bỏ lỡ những thông tin sau đây để hiểu rõ hơn về thừa cân béo phì và cách phòng ngừa chúng.
1. Béo phì là gì?
Năm 2016, trên thế giới có khoảng 41 triệu trẻ em < 5 tuổi và khoảng 340 trẻ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì. Ở Việt Nam, theo kết quả của Viện dinh dưỡng quốc gia, năm 2020, tỷ lệ béo phì ở trẻ em là 19,0%, tăng gấp 2,2 lần so với 10 năm trước đó (8,5% trẻ em thừa cân, béo phì năm 2020).
Béo phì, thừa cân là hai khái niệm khác nhau:
– Thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá ngưỡng bình thường, không phù hợp với chiều cao hiện tại.
– Béo phì là sự tích tụ mỡ quá nhiều trên toàn cơ thể, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Để xác định bạn có bị thừa cân, béo phì hay không, có thể dựa vào chỉ số BMI. Đối với người Việt Nam, được tính theo tiêu chuẩn người châu Á thì BMI > 25 được xem là béo phì.
BMI của người châu Á, tính theo IDI & WPRO BMI > 25 được xem là béo phì
Một số biểu hiện của người thừa cân béo phì có thể quan sát được bằng mắt thường như:
– Mặt tròn, cổ có ngấn lớn, má phính xệ.
– Có nhiều mỡ ở các vùng trên cơ thể như bụng, ngực, đùi, nách.
– Tăng cân nhanh chóng, không kiểm soát được.
– Đổ nhiều mồ hôi, tốn sức khi chạy nhảy bình thường.
Béo phì mang lại nhiều tác hại đối với sức khỏe, do đó, mỗi người cần xác định rõ tình trạng sức khỏe của mình để có phương pháp điều chỉnh phù hợp, từ đó ngăn ngừa béo phì.
2. Nguyên nhân gây béo phì
Gần đây, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người “work from home” hay trẻ em nghỉ học không đến trường đã khiến nguy cơ thừa cân, béo phì tăng cao do những đối tượng này ít vận động nhưng lại có nhiều thời gian để ăn, ngủ khiến năng lượng nạp vào thì nhiều mà tiêu hao thì ít.
Một số nguyên nhân dẫn đến béo phì có thể kể đến như:
– Chế độ ăn uống chưa đúng cách, sử dụng quá nhiều thực phẩm dầu mỡ, đường muối, đồ ăn sẵn, gây thừa năng lượng khiến chúng tích tụ trong cơ thể, tạo thành “mỡ”.
Ăn uống quá nhiều thực phẩm chứa lượng calo lớn gây béo phì
– Căng thẳng, lo âu thường xuyên: Tình trạng Stress dài ngày sẽ khiến cơ thể sinh ra nhiều Peptit, thúc đẩy hình thành khối mỡ.
– Sử dụng quá nhiều thực phẩm chứa Gluten, hoạt chất có nhiều trong bánh mì, Pizza, các loại bánh ngọt…
– Rối loạn chuyển hóa lipid khiến cơ thể có xu hướng tích tụ nhiều mỡ, gây béo phì.
– Lười vận động: Khi năng lượng nạp vào lớn hơn rất nhiều so với năng lượng được sử dụng, chúng hình thành mỡ thừa.
– Ngoài ra, gen di truyền cũng là một nguyên nhân dẫn đến béo phì.
3. Hậu quả của béo phì
Tình trạng béo phì nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể, gây rối loạn chức năng của các cơ quan, bộ phận. Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sau:
– Tiểu đường, các bệnh lý tim mạch như mỡ máu cao, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành…
– Tê mỏi tay chân: Khi các mô mỡ quá nhiều sẽ gây chèn ép hệ thần kinh, hệ thống mao mạch của cơ thể, chân cũng phải chịu một áp lực nặng hơn khi vận động, di chuyển.
– Trầm cảm: Người béo phì thường có hình thể to lớn hơn bình thường, không thể tránh khỏi tâm lí tự ti về ngoại hình, dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm.
– Sỏi mật: Tỉ lệ bị sỏi mật ở người béo phì cao gấp 4 lần người bình thường.
– Các bệnh lý xương khớp: Trọng lượng cơ thể quá lớn khiến hệ khung nâng đỡ của cơ thể phải chịu áp lực lớn, gây đau nhức xương khớp, thoái hóa khớp, bệnh Gout, loãng xương…
Béo phì gây tác động xấu đến nhiều cơ quan trong cơ thể
– Ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp: Người béo phì thường có hơi thở nông, gấp hơn người bình thường, dễ bị hụt hơi khi làm các công việc tay chân và nguy cơ rối loạn nhịp thở, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy… tăng do mỡ quá nhiều đè nặng lên các cơ quan của hệ hô hấp.
– Mỡ tích tụ ở khắp nơi trong cơ thể, trong đó có gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ, lâu dài tình trạng này không được điều trị gây ra viêm gan, xơ gan… Béo phì cũng ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hóa khác, cản trở hoạt động tiêu hóa thức ăn.
– Một tác hại nữa của béo phì không thể không nhắc tới là nguy cơ vô sinh ở cả nam giới và nữ giới. Béo phì gây suy giảm chức năng sinh lý, giảm ham muốn tình dục, rối loạn kinh nguyệt ở nữ và tình trạng rối loạn cương dương ở các quý ông…
– Ở phụ nữ mang thai, béo phì không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thai phụ mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ:
+ Phụ nữ mang thai dễ bị sảy thai, sinh non, tiền sản giật, nguy cơ tiểu đường thai kỳ tăng và tiềm ẩn nhiều căn bệnh khác.
+ Trẻ sinh ra dễ có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa, sinh non, mỡ máu cao…
4. Cách khắc phục tình trạng béo phì
Tác động của béo phì đến cơ thể là rất nguy hiểm, đặc biệt là ở người già. Hệ miễn dịch, tiêu hóa và các cơ quan khác của người cao tuổi đã dần trở nên suy kiệt, tốc độ hấp thu, chuyển hóa các chất cũng chậm hơn khiến những biến chứng do béo phì gây ra ở các đối tượng này cũng nặng hơn, nếu không can thiệp kịp thời có thể tử vong.
Cần thăm khám bác sĩ để có phương pháp điều trị béo phì phù hợp
Để điều trị béo phì, có thể thực hiện các biện pháp sau đây:
– Thay đổi chế độ ăn uống: Giảm lượng thức ăn chứa quá nhiều năng lượng, ưu tiên các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt.
– Tập thể dục thường xuyên để đốt cháy nhiều calo hơn, đồng thời cải thiện sức khỏe của cơ thể. Có thể đi bộ, đạp xe, đi bơi… 60 – 90 phút mỗi ngày với cường độ vừa sức, phù hợp với mỗi người để cải thiện hiệu quả tình trạng béo phì.
– Giảm cân đúng cách, không ăn kiêng một cách cực đoan. Cố gắng giảm cân nhanh chóng sẽ ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe, thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
– Dùng thuốc giảm cân:
+ Đôi khi người bị béo phì có thể được chỉ định thuốc giảm cân, tuy nhiên chúng thường gây ra ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể như rối loạn tiêu hóa, hô hấp, đau đầu và một số triệu chứng khác.
+ Chỉ sử dụng thuốc khi chế độ ăn uống và tập thể dục không có hiệu quả giảm cân, trọng lượng cơ thể có nguy cơ cao đến mức báo động với sức khỏe.
+ Một lưu ý nữa khi dùng thuốc đó là, chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, không sử dụng bừa bãi các loại thuốc giảm cân, kem tan mỡ trên thị trường, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
– Phẫu thuật Barective: Cắt bỏ một phần dạ dày/ruột non hoặc thay đổi một phần cách thức hoạt động của chúng làm cho dạ dày nhỏ hơn, cảm giác no xuất hiện sớm hơn, cơ thể không tiêu thụ nhiều thực phẩm như trước đây.
5. Phòng ngừa tình trạng béo phì
Béo phì ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tăng nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm, do đó, nên thực hiện một số biện pháp sau đây để phòng tránh béo phì:
– Thay đổi lối sống: Để phòng ngừa béo phì, mỗi người cần thiết lập cho bản thân một lối sống lành mạnh:
+ Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh stress.
+ Không thuốc lá, hạn chế rượu bia.
+ Bỏ thói quen ăn uống khi đọc sách, xem tivi… Ngừng ăn khi không đói. Ăn chậm, nhai kỹ để tạo cảm giác no lâu, hạn chế lượng thức ăn hấp thu.
– Tập thể dục thường xuyên: Lối sống ít vận động gây tích tụ calo trong cơ thể, lâu ngày chúng tích tụ thành mỡ và dẫn đến béo phì. Tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày để tăng cường giải phóng năng lượng.
Béo phì ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tăng nguy cơ mắc nhiều căn bệnh nguy hiểm
– Theo dõi cân nặng thường xuyên để kiểm soát trọng lượng cơ thể trước khi chúng trở thành vấn đề lớn.
– Uống nhiều nước: Nước giúp quá trình thải trừ các chất trong cơ thể và chuyển hóa chất béo tốt hơn. Người uống nhiều nước mỗi ngày có thể giảm thêm 1 kg so với những người uống ít hơn.
– Ngủ đủ giấc: Theo nghiên cứu, ngủ thêm 1 tiếng mỗi đêm sẽ giúp giảm tới 6kg mỗi năm. Ngủ quá ít làm cảm giác thèm ăn tăng lên, khiến cơ thể nạp nhiều năng lượng hơn.
Béo phì là tình trạng đang ngày càng phổ biến và cần được quan tâm. Tuy nhiên việc giảm cân lành mạnh, điều trị béo phì thật sự không dễ. Do đó, cần lựa chọn phương pháp điều trị khoa học để nhanh chóng cải thiện nó, tránh các tác động xấu cho cơ thể.