Cách chữa hen phế quản mạn tính

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Cách chữa bệnh hen phế quản

Cách chữa bệnh hen phế quản

Hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp, biểu hiện bởi những cơn khó thở ngắn hoặc dài tùy từng đối tượng do co thắt cơ trơn phế quản. Bệnh kéo dài mạn tính và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người bệnh. Kiểm soát tốt cơn hen, hạn chế số lần phải dùng đến thuốc cắt cơn hen cấp là mục tiêu trong điều trị dùng cho những người đang phải “sống chung với hen phế quản”.

I. Bệnh hen phế quản mạn tính là gì?

Hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp, biểu hiện bởi những cơn khó thở ở nhiều mức độ, có thể thoáng qua, khó thở nhẹ cho đến cơn kịch phát nếu không sử dụng thuốc ngay có thể dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng trên não, tim do không cung cấp đủ oxi.

Hen phế quản mạn tính là bệnh gì?

Hen phế quản mạn tính là bệnh gì?

Vì là bệnh mạn tính nên việc điều trị cũng không có giới hạn thời gian chung, tùy vào mức độ đáp ứng và thể trạng của bệnh nhân. Bệnh nhân cần phải học cách “sống chung với hen” và tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo được chất lượng cuộc sống ở mức tốt nhất có thể.

II. Hen phế quản mạn tính có chữa khỏi được không?

Hen phế quản là tổ hợp của nhiều nguyên nhân gây bệnh, do vậy rất khó để xác định được chính xác nguyên nhân gây ra hen trên một đối tượng cụ thể là gì, nên việc điều trị dứt điểm gần như là không thể. Tuy nhiên, cũng đã có trường hợp ghi nhận bệnh nhân hen đã không có các biểu hiện bệnh suốt nhiều năm thậm chí vài chục năm tưởng như đã khỏi nhưng bất ngờ xuất hiện trở lại.

Hen phế quản có chữa được không?

Hen phế quản có chữa được không?

Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hen phế quản. Do đó, điều trị triệu chứng cũng như kiểm soát, hạn chế tối đa các cơn hen để người bệnh có thể sinh hoạt như bình thường và tránh những biến chứng do hen là sự ưu tiên lớn nhất cho đối tượng cũng như gia đình có người bị hen phế quản.

III. Cách chữa hen phế quản mạn tính

Nguyên tắc điều trị hen phế quản:

– Tránh các yếu tố dị nguyên gây khởi phát cơn hen.

– Luôn dự phòng đầy đủ thuốc cho cơn hen cấp.

– Kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ tử vong do hen, tần suất gặp phải các cơn hen cấp, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc.

1. Các yếu tố dị nguyên cần phải tránh

Những người bị hen phế quản thường có cơ địa dễ dị ứng hơn so với người bình thường, do đó cần biết rõ bản thân dị ứng với những gì để tránh tiếp xúc.

Từ không khí:

– Trong nhà: Lông động vật nuôi trong nhà như chó, mèo. Bụi bặm từ chăn, nấm mốc vi sinh vật do phòng ẩm thấp kém thông thoáng.

– Ngoài môi trường: Phấn hoa vào mùa “mưa phấn” như mùa hoa sữa khoảng cuối thu sang đông. Không khí ô nhiễm, khói bụi đường phố, khu công nghiệp.

– Nơi làm việc: Bụi phấn ở trường học, bụi đá ở các khu khai thác, chế tác đá, bụi vải mịn ở các xưởng may,…

Từ thức ăn:

– Thức ăn thủy hải sản như tôm, cua, cá biển, hạt đậu phộng là những thực phẩm có tỉ lệ gây dị ứng được ghi nhận nhiều nhất.

– Những phẩm nhuộm có trong thực phẩm cũng là những dị nguyên gây ra dị ứng.

– Thức ăn bị ôi thiu, hoặc lẫn các hóa chất cũng có thể gây dị ứng làm khởi phát cơn hen.

Yếu tố cảm xúc: Việc xúc cảm quá mạnh như cười lớn, khóc, lo lắng, sợ hãi cũng gây ra con hen.

Vận động gắng sức: Việc chơi thể thao hoặc công việc lao động chân tay tốn nhiều thể lực ở môi trường không thông thoáng, ô nhiễm cũng dễ gây ra cơn hen cấp.

Thuốc điều trị hen phế quản

Thuốc điều trị hen phế quản.

2. Điều trị hen phế quản bằng thuốc

Điều trị cắt cơn hen trong cơn hen cấp: Là thuốc có tác dụng nhanh, và dùng khẩn cấp khi bệnh nhân lên cơn khó thở hoặc đợt hen cấp.

– Thuốc cắt cơn hen ưu tiên:

– Liều thấp ICS/formoterol khi cần đối với bệnh nhân bậc 1,2.

– Liều thấp ICS/formoterol khi cần cho bệnh nhân vừa duy trì vừa cắt cơn trong một bình hít cho bậc 3, 4, 5.

– Thuốc cắt cơn hen khác: SABA khi cần cho bệnh nhân đang dùng ICS hoặc ICS/LABA duy trì trong một bình hít riêng cho cả 5 bậc.

Thuốc kiểm soát cơn hen

– Thuốc ưu tiên

+ Bậc 1: Liều thấp ICS/formoterol khi cần.

+ Bậc 2: Liều thấp ICS mỗi ngày hoặc liều thấp ICS/formoterol khi cần.

+ Bậc 3: Liều thấp ICS/LABA.

+ Bậc 4: Liều trung bình ICS/LABA.

+ Bậc 5: Liều cao ICS/LABA.

– Thuốc kiểm soát cơn hen khác

+ Bậc 1: Liều thấp ICS khi cần dùng SABA.

+ Bậc 2: LTRA hoặc liều thấp ICS khi cần dùng SABA.

+ Bậc 3: Liều trung bình ICS hoặc liều thấp ICS+LTRA.

+ Bậc 4: Liều cao ICS + tiotropium hoặc liều cao ICS + LTRA.

+ Bậc 5: Thêm corticoid uống liều thấp, cần cân nhắc các tác dụng phụ.

Thuốc điều trị phối hợp với cơn hen nặng: Là thuốc được phối hợp khi bệnh nhân có triệu chứng hen dai dẳng, và/hoặc có những cơn cấp mặc dù đã tối ưu điều trị bằng liều cao ICS/LABA và đã tuân thủ phòng tránh các yếu tố nguy cơ.

3. Kiểm soát cơn hen phế không dùng thuốc

Cai thuốc lá: Bệnh nhân hen phế quản cần ngưng hút thuốc, nếu khó khăn trong việc tự cai thì nên đến các trung tâm hỗ trợ cai nghiện.

Tập luyện thể lực: Tập luyện đều đặn, thường xuyên giúp nâng cao thể trạng chung, giúp giảm tần suất khởi phát cơn hen. Chú ý nên lựa chọn môi trường tập luyện trong lành, không có các yếu tố dị nguyên và chỉ tập những môn vừa sức, không nên vận động mạnh.

Đối phó cảm xúc: Bệnh nhân nên học cách thư giãn bằng cách hít thở nhịp nhàng khi có cảm xúc mạnh.

Tránh yếu tố kích phát cơn hen: Bệnh nhân cần cung cấp cho người trong gia đình biết những thực phẩm mà mình dị ứng để tránh vô tình thêm vào món ăn.

Tránh sử dụng một số thuốc: Một số thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng hen như thuốc nhóm NSAID (đặc biệt là Aspirin) hoặc thuốc chẹn beta.

Chế độ ăn khoa học: Ăn bổ sung thêm rau xanh và trái cây tươi.

IV. Lưu ý về điều trị cho bệnh nhân hen phế quản

Người bị hen phế quản cần lưu ý gì

Người bị hen phế quản cần lưu ý gì?

– Bệnh nhân nên đến gặp các dược sĩ, bác sĩ có chuyên môn để được hướng dẫn sử dụng đúng cách các dụng cụ hít trong điều trị hen và nên tự thực hiện trước mặt họ để đảm bảo đúng kỹ thuật trước khi ra về.

– Thường xuyên kiểm tra thuốc để đảm bảo thuốc vẫn còn đủ liều dùng.

– Luôn mang theo thuốc bên mình mỗi khi đi ra ngoài.

– Sau mỗi đợt điều trị cần đến các cơ sở y tế để đánh giá lại mức độ bệnh cũng như khả năng đáp ứng của thuốc để có thể thay đổi thuốc nếu cần.

– Cần xử trí các bệnh lý đi kèm:

+ Béo phì.

+ Bệnh trào ngược dạ dày, thực quản.

+ Dị ứng với thức ăn và phản vệ.

+ Viêm mũi, viêm xoang, polyp mũi.

+ Rối loạn lo âu, trầm cảm.

– Những đối tượng cần chú ý:

+ Vận động viên: Hoạt động thể lực mạnh, gắng sức trong một thời gian dài sẽ là nguy cơ để cơn hen cấp khởi phát, nên thận trọng và chuẩn bị thuốc luôn sẵn sàng để phòng.

+ Phụ nữ có thai, phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh: Có sự thay đổi của tuyến nội tiết, được cho là có liên quan đến hen phế quản. Có trường hợp ghi nhận là giảm tình trạng hen, có trường hợp lại làm tăng hoặc xuất hiện lại sau nhiều năm không bị.

+ Người cao tuổi: Là đối tượng dễ mắc các bệnh lý nền khác, bệnh của người cao tuổi, sức khỏe suy giảm nên cần có sự chăm sóc đặc biệt.

+ Bệnh nhân đang điều trị với Aspirin hoặc thuốc chẹn beta.

Hen phế quản là một bệnh mạn tính nên việc điều trị mất tương đối nhiều thời gian, chi phí cho thuốc cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Việc tuân thủ các hướng dẫn điều trị là biện pháp tốt nhất để giảm thiểu những ảnh hưởng do bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm những biến chứng có thể gặp phải và giảm thiểu chi phí cho điều trị.

Xem thêm: Phân biệt viêm phế quản và hen phế quản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *