Phân biệt sự khác nhau giữa viêm phế quản và hen phế quản
Hen phế quản và viêm phế quản đều ảnh hưởng tới chức năng của đường thở, gây cảm giác thở rít, khò khè… vô cùng khó chịu. Chính vì vậy không ít người nhầm lẫn giữa 2 bệnh lý này dẫn đến điều trị sai cách. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam phân biệt sự khác nhau giữa hen phế quản và viêm phế quản qua bài viết dưới đây:
I. Điểm chung của hen phế quản và viêm phế quản
Thứ nhất, hen phế quản (hen suyễn) và viêm phế quản là 2 bệnh lý khác nhau nhưng đều xuất hiện tình trạng viêm ở ống phế quản. Khi phế quản bị viêm, đường dẫn khí bị thu hẹp do co thắt, phù nề. Kết quả là lượng oxy đi đến các mô và cơ quan ít hơn, dẫn đến khó thở, thở khò khè ho, tức ngực…
Thứ hai, một số yếu tố nguy cơ góp phần gây nên cả 2 bệnh phải kể đến như bụi bẩn, hít phải không khí bị ô nhiễm, thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá…
Trong đó, có một thực tế cần quan tâm đó là tỷ lệ mắc hen phế quản và viêm phế quản ở trẻ em thường rất cao. Bệnh ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, hoạt động thể chất và cả trí lực của trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời nguy cơ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ngừng hô hấp đi cùng tổn thương não… Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý chăm sóc trẻ đúng cách khi trẻ mắc 2 bệnh này.
Thứ ba, một trong những mục tiêu điều trị của cả 2 bệnh là mở rộng đường thở và giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.
II. Phân biệt hen phế quản và viêm phế quản
1. Nguyên nhân gây bệnh khác nhau
– Hen phế quản có mối liên quan lớn với yếu tố gen, gia đình. Nếu cha hoặc mẹ bị hen phế quản thì con sinh ra có khả năng 30-50% mắc bệnh. Con số này tăng đến 50-70% khi cả cha và mẹ đều mắc.
Ngoài ra, với những người có cơ địa dị ứng, căn nguyên gây cơn hen có thể là một số tác nhân kích thích như phấn hoa, hải sản, lông động vật, khói thuốc lá, bụi bẩn, thay đổi thời tiết…
– Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản lại do virus và vi khuẩn gây ra. Các loại virus hay gặp như adeno, influenza, herpes, mycoplasma pneumoniae, chlamydia. Ngoài nhóm này, bềnh còn liên quan đến các yếu tố: không khí quá khô, ẩm, người có thể lực yếu, cơ thể bị nhiễm lạnh…
Viêm phế quản mạn thường được kích hoạt bởi một số thứ trong môi trường như: khói thuốc lá, hóa chất, không khí ô nhiễm… Những chất này gây kích ứng và làm viêm đường hô hấp.
2. Một số triệu chứng khác nhau
Ngoài những dấu hiệu cảnh bảo tương tự nhau như ho, thở khò khè, tức ngực. Với viêm phế quản cấp tính có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng khác như:
– Sốt.
– Ớn lạnh.
– Nhức mỏi cơ thể
3. Diễn biến của bệnh
Mặc dù đều bị viêm ở ống phế quản nhưng 2 bệnh này lại có những đặc điểm hoàn toàn khác nhau:
– Viêm phế quản với trường hợp cấp tính có thể khỏi nếu được điều trị sớm trong vòng 5-10 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng ho lại kéo dài thêm khoảng 1-4 tuần nữa sau khi khỏi bệnh. Nếu không điều trị dứt điểm bệnh có chuyển thành mãn tính, đặc biệt ở người thường xuyên hút thuốc lá, hít phải bụi bẩn, hóa chất và không khí ô nhiễm.
– Trong khi đó hen phế quản là một bệnh mạn tính, người bệnh phải sống chung suốt đời. Nhiều tác động tiêu cực của bệnh lặp đi lặp lại trong thời gian dài như ho, khó thở, khò khè. Nếu bệnh nhân có phương pháp điều trị đúng, hiệu quả có thể khiến triệu chứng biến mất trong thời gian dài. Một số yếu tố khiến bệnh tái phát như suy giảm sức đề kháng, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm…
4. Nhóm đối tượng mắc bệnh
Bệnh viêm phế quản có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính.
Trong khi đó, những người hen phế quản thường là những đối tượng có tiền sử dị ứng mắc các bệnh viêm mũi dị ứng, chàm da, viêm da dị ứng hoặc tiền sử gia đình mắc hen phế quản.
5. Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm phế quản cấp tính, đầu tiên dựa vào tiền sử, triệu chứng và các xét nghiệm chụp X-quang phổi. Còn viêm phế quản mạn tính được chẩn đoán sự vào các xét nghiệm cận lâm sàng với các chỉ số cần thiết và chẩn đoán hình ảnh.
Trong khi đó chẩn đoán hen phế quản cần thực hiện đo thông khí phổi để xác định khả năng thở và mức độ tắc nghẽn đường hô hấp. Một số khác được chỉ định như xét nghiệm đờm, máu, chụp X-quang phổi… cũng có thể được chỉ định.
6. Phác đồ điều trị
Đối với viêm phế quản mạn tính, bác sĩ tuân theo nguyên tắc điều trị như sau:
– Tiêm phòng để ngăn ngừa bệnh cúm và viêm phổi.
– Dùng steroid với mục đích giảm viêm.
– Sử dụng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh hoặc thuốc kháng virus đặc biệt trong giai đoạn bùng phát bệnh.
– Các loại thuốc được sử dụng khác như thuốc giãn phế quản giúp đường thở thông thoáng, mở rộng hơn, thuốc tiêu chất nhầy dư thừa…
Điều trị hen phế quản cần thực hiện theo 3 mục tiêu sau:
– Giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng của mỗi cơn hen bằng cách tránh tiếp xúc với dị nguyên trong môi trường.
– Dùng thuốc gây tác dụng nhanh để điều trị những cơn hen đột ngột.
– Kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, co thắt tiềm ẩn ở đường hô hấp bằng corticoid dạng hít, thức ức chế leukotriene, theophylin…
Viêm phế quản cấp tính sẽ được cải thiện sau khi tình trạng nhiễm trùng khỏi hẳn. Nhưng viêm phế quản mạn tính và hen suyễn có thể “đeo bám” người bệnh lâu hơn. Dù đang mắc bệnh nào điều cần thiết là tránh xa các tác nhân gây ra bệnh và sử dụng thuốc mà bác sĩ kê đơn để giảm triệu chứng và giữ gìn sức khỏe.