banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Cẩu Tích (Thân rễ) (Rhizoma Cibotii Culi) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Cẩu tích

Thân rễ đã loại bỏ lông và phơi hay sấy khô của cây Cẩu tích [Cibotium barometz (L.) J. Sm.], họ Cẩu tích (Dicksoniaceae).

Mô tả

Đoạn thân rễ đã loại bỏ lớp lông màu vàng nâu bên ngoài, mặt ngoài rất gồ ghề, khúc khuỷu, có những chỗ lồi lên thành mấu, màu nâu hoặc nâu hơi đỏ, đường kính 2 cm đến 5 cm, dài 4 cm đến 10 cm, rất cứng, khó cắt, khó bẻ gãy; đôi khi còn sót lại ít lông màu vàng nâu. Dược liệu khi dùng thường đã thái thành phiến mỏng hình dạng thay đổi, mặt cắt ngang nhẵn, màu nâu hồng hay nâu nhạt, có vân.

Vi phẫu

Biểu bì gồm một đến ba hàng tế bào, bên ngoài phủ lớp cutin màu vàng, đôi khi có lông che chở màu vàng còn sót lại; bên trong biểu bì có trên 10 hàng tế bào mô cứng màu vàng nâu, lỗ rõ. Gỗ xếp thành vòng, gồm các quản bào, cả ngoài và trong đều có libe và tế bào hạ bì. vỏ và ruột gồm các tế bào mô mềm chứa các hạt tinh bột (đã bị hồ hoá đối với dược liệu đã chế biến), đôi khi có chứa chất màu nâu vàng.

Xem thêm: Nhân trần tía – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Mảnh biểu bì màu vàng, đôi khi có ít sợi lông màu nâu hoặc vàng còn sót lại. Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình nhiều cạnh hơi dài, rải rác có chứa các hạt tinh bột đơn lẻ hay tụ lại thành đám 2 đến 3 hạt (ở dược liệu chưa chế biến) hoặc các khối tinh bột đã bị hồ hoá (ở dược liệu đã qua chế biến). Các hạt tinh bột hình đĩa, hình trứng, đường kính 5 – 49 µm, đôi khi thấy rốn hạt hình vạch. Mạch gỗ hình thang. Các quản bào có mạng hình thang, đường kính 22 – 73 µm. Tế bào đá màu nâu vàng đến nâu đỏ, hình gần chữ nhật, thành dày lỗ trao đổi rõ. Tế bào nội bì màu nâu vàng hình gần vuông, hình chữ nhật hoặc hình đa giác, thành hơi dày và hơi nhăn.

Định tính

A. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol 90 % (TT), đun trên cách thủy 15 min, lọc. Lấy dịch lọc làm các phản ứng sau:

Nhỏ một giọt dịch lọc lên giấy lọc, để khô dung môi và quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Phần bên trong của vết có huỳnh quang màu vàng nhạt, rìa ngoài của vết có huỳnh quang màu lơ sáng.

Lấy 2 ml dịch lọc, thêm 3 giọt đến 4 giọt dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT), xuất hiện tủa đục màu đỏ gạch. Thêm tiếp 3 giọt đến 4 giọt dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT), dung dịch chuyển sang màu nâu đỏ, trong suốt.

Lấy 2 ml dịch lọc, thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), dung dịch có màu xanh rêu.

Lấy 2 ml dịch lọc, cô trên cách thủy tới cắn sền sệt. Thêm vào cắn 20 ml nước nóng, khuấy kỹ, để nguội, lọc vào ống nghiệm. Lắc mạnh sẽ có bọt bền.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: Toluen – cloroform – ethyl acetat – acid formic (3:5:6; 1).

Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 50 ml methanol (TT), siêu âm trong 30 min, lọc. Bay hơi dịch lọc đến khô, hòa tan cắn trong 1 ml methanol (TT).

Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột cẩu tích (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ở phần dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra để khô trong không khí. Phun hỗn hợp dung môi gồm dung dịch sắt (III) clorid 2 % (TT) và dung dịch kali fericyanid 1 % (TT) tỷ lệ 1 : 1 (được chuẩn bị trước khi dùng) đến khi các vết hiện rõ. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100°C đến 105°C,5 h)

Tro toàn phần

Không quá 3,0 % (Phụ lục 9.8).

Xem thêm: Nhũ hương – Dược Điển Việt Nam 5

Tạp chất (Phụ lục 12.11)

Tỷ lệ lông còn sót lại: Không quá 0,5 %. Lấy chính xác khoảng 50 g dược liệu, dùng kéo và dao sắc loại hết phần lông còn sót lại. Cân và tính kết quả.

Các tạp chất khác: Không quá 1,0 %.

Kim loại nặng

Không quá 20 phần triệu (Phụ lục 9.4.8, phương pháp 3).

Dùng 1 g dược liệu. Sử dụng 2 ml dung dịch chì mẫu 10 phần triệu Pb (TT) để chuẩn bị dung dịch đối chiếu.

Chất chiết được trong dược liệu

Không được ít hơn 20,0 % tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 96 % (TT) làm dung môi.

Chế biến

Thu hái vào mùa thu hoặc mùa đông. Thân rễ tươi được làm sạch lông bên ngoài, cắt thành đoạn dài 4 cm đến 10 cm hay thái phiến, phơi hoặc sấy đến khô.

Bào chế

Rang cát nóng, cho dược liệu đã thái phiến vào, tiếp tục rang cho cháy hết lông còn sót lại. Lấy ra để nguội, rửa sạch, ngâm nước 12 h, đồ kỹ cho mềm, tẩm rượu 12 h rồi sao vàng. Có thể tẩm muối ăn.

Bảo quản

Để nơi khô, mát.

Tính vị, quy kinh

Khô, cam, ôn. Vào hai kinh can, thận.

Công năng, chủ trị

Bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp.

Chủ trị: Phong hàn thấp, tay chân nhức mỏi, đau lưng, đau dây thần kinh tọa, đi tiểu nhiều.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 10 g đến 20 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với một số vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Thận hư nhiệt, nước tiểu vàng không nên dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *