banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Cỏ Cứt Lợn (Herba Agerati conyzoides) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Cỏ cứt lợn

Tên khác: Cỏ hôi, Hoa ngũ sắc

Phần trên mặt đất còn tươi hoặc đã phơi hoặc sấy đã phơi hoặc sấy khô của cây Cỏ cứt lợn (Ageratum conyzoides L.), họ Cúc (Asteraceae).

Mô tả

Thân hình trụ, phân cành nhiều, dài 20 cm đến 40 cm, đường kính 2 mm đến 4 mm. Mặt ngoài thân màu vàng nhạt đến vàng nâu hoặc có màu tím, có lông mềm, màu trắng. Lá mọc đối, hình trứng hoặc tam giác, đầu nhọn, dài 2 cm đến 6 cm, rộng 0,5 cm đến 5 cm, mép có răng tròn, mặt dưới màu xám nhạt, có 3 gân tỏa từ gốc lá, mặt trên sẫm hơn; hai mặt lá đều có lông mịn, lá có mùi thơm đặc biệt. Cụm hoa hình đầu xếp thành ngù ở ngọn thân hoặc đầu cành, cuống cụm hoa có lông mềm; tổng bao hình đầu gồm những lá bắc xếp thành hai dãy; đầu nhỏ chứa hoa hình ống bé và đều nhau; tràng ngắn có 5 thùy tam giác, hoa màu tím nhạt hoặc trắng ngà; hoa có 5 nhị. Quả bế, màu đen, có 5 sống dọc.

Vi phẫu

Lá: Gân lá lồi về 2 phía, lồi nhiều về phía dưới. Biểu bì gồm tế bào hình tròn, mang lông che chở đa bào. Sát lớp biểu bì là hàng tế bào mô dày tròn; mô mềm hẹp. Bó libe-gỗ nằm chính giữa, xếp vòng cung uốn theo gân lá (lồi nhiều về phía dưới). Tế bào libe nhỏ, xếp xung quanh gỗ. Mạch gỗ đều xếp thành hàng. Biểu bì phiến lá mang nhiều lỗ khí; hàng tế bào mô giậu không rõ.

Thân: Biểu bì gồm 1 đến 2 hàng tế bào hình bầu dục nằm ngang, xếp sít nhau mang lông che chở đa bào. Dưới lớp biểu bì là 2 đến 3 hàng tế bào mô dày. Mô mềm vỏ hẹp. Rải rác sau mô mềm vỏ là đám tế bào mô cứng. Libe hẹp ở ngoài, gỗ ở trong. Bó gỗ xếp thành vòng tròn, những chỗ lồi bên trong ứng với đám mô cứng ở bên ngoài. Mạch gỗ to nằm rải rác, tập trung nhiều ở những chỗ lồi. Mô mềm gỗ hình chữ nhật, xếp thành hàng. Tầng phát sinh libe-gỗ uốn lượn thành vòng tròn. Tế bào mô mềm ruột to, tròn, thành mỏng.

Xem thêm: Trinh nữ hoàng cung (Lá) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Bột màu lục vàng, mùi thơm, vị hơi cay. Soi bột dược liệu dưới kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì lá gồm các tế bào thành mỏng chứa nhiều lỗ khí. Lông che chở đa bào. Mảnh mô mềm gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn. Hạt phấn hoa hình cầu gai, đường kính từ 15 µm đến 25 µm, màu vàng nhạt. Mảnh nhụy hoa có đầu tròn, kết lớp lên nhau. Mảnh cánh hoa cấu tạo bởi những tế bào thành mỏng, bề mặt sần sùi, có chất tế bào. Sợi đứng riêng lẻ hoặc tập trung thành bó. Các bó sợi có mấu lồi nhọn.

Định tính

A. Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 30 ml ethanol 90 % (TT), đun sôi hồi lưu trên cách thủy 30 min. lọc. Lấy 1 ml dịch lọc cho vào bát sứ, để bay hơi tự nhiên đến cắn, nhỏ lên cắn 1 giọt acid sulfuric (TT), sẽ thấy các chỗ khác nhau có màu xanh, vàng cam. Các màu này chuyển dần sang nâu rồi nâu xỉn.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat (93 : 7).

Dung dịch thử: Lấy 1,0 g bột dược liệu, thêm 10 ml n-hexan (TT), lắc trên máy lắc trong 30 min, lọc. Dùng dịch lọc để chấm sắc ký.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 1,0 g bột cây Hoa ngũ sắc (mẫu chuẩn) tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ngoài không khí, phun lên bản mỏng dung dịch vanilin 1 % trong acid sulfuric (TT), sấy ở 120°C đến khi hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 12.13) đối với dược liệu khô. Dùng 10g bột thô dược liệu.

Tro toàn phần

Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.8).

Xem thêm: Ô đầu – Dược Điển Việt Nam 5

Tạp chất

Không quá 1 % (Phụ lục 12.11).

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây 4 min: Không quá 8 % (Phụ lục 12.12).

Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7).

Dùng 50 g dược liệu đã cắt nhỏ. Cất kéo hơi nước với 300 ml nước trong 3 h, tốc độ cất 2 – 3 ml/min, dùng 0,2 – 0,3 ml xylen (TT).

Dược liệu phải chứa ít nhất 0,3 % tinh dầu, tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hái quanh năm, tốt nhất là vào tháng 9, khi cây vừa ra hoa, lúc trời khô ráo, cắt lấy phần trên mặt đất, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi trong bóng râm hay sấy ở 30°C đến 40°C đến khô. cắt thành đoạn dài 3 cm đến 5 cm, khi dùng sao vàng.

Bảo quản

Trong bao bì kín, để nơi thoáng mát, tránh ẩm, sâu mọt.

Tính vị, quy kinh

Vị hơi đắng, mùi thơm. Tính bình. Vào kinh phế, tâm.

Công năng, chủ trị

Chỉ huyết, tiêu viêm.

Chủ trị băng huyết, rong huyết, đa kinh, chảy máu cam, chảy máu chân răng, viêm mũi, viêm xoang mũi dị ứng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 10 – 30 g dược liệu khô hoặc 30 – 50 g dược liệu tươi.

Dùng tươi: Thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống khi bị xuất huyết, hoặc băng kinh, băng huyết; hoặc giã lá tươi vắt lấy dịch, nhỏ vào lỗ mũi khi viêm xoang. Ngoài ra còn dùng dưới dạng thuốc sắc uống. Hiện nay, hoa ngũ sắc còn được điều chế dạng thuốc xịt, trị viêm xoang mũi dị ứng hoặc viêm mũi mạn tính. Dùng ngoài, cây tươi nấu nước gội đầu, tắm ghẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *