banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Cóc Mẳn (Herba Centipedae minimae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Cóc mẳn

Tên khác: Cỏ the

Toàn cây đã rửa sạch phơi hay sấy khô của cây Cóc mẳn [Centipeda minima (L.) A. Br. et Aschers.], họ Cúc (Asteraecae).

Mô tả

Thân mảnh, nhỏ, mềm, phân nhánh nhỏ, màu xanh nhạt hoặc nâu xám dài 5 – 20 cm. Trên thân, có lá nhỏ không cuống, mọc so le, mép có 1 đến 3 răng cưa nhỏ ở mỗi bên mép. Gân chính nổi rõ ở mặt dưới lá. Có nhiều rễ nhỏ, màu vàng nâu. Cụm hoa hình đầu, màu vàng nhạt, mọc ở ngọn, ở kẽ lá, đối diện với lá.

Vi phẫu

Thân: Ngoài cùng là lớp biểu bì gồm các tế bào hình chữ nhật, thành khá dày, dài 20 µm đến 30 µm, rộng 20 µm đến 25 µm, xếp đều đặn, mang lông tiết đa bào và lỗ khí; lớp cutin mỏng bên ngoài biểu bì thường có răng cưa mịn. Mô mềm vỏ gồm các tế bào hình cầu, thành mỏng, đường kính 75 µm đến 125 µm; các khuyết to cùng với các túi tiết tinh dầu nằm rải rác trong mô mềm. Các bó libe-gỗ gồm 7 đến 8 bó xếp thành vòng tròn; mô mềm ruột là những tế bào hình cầu xếp cạnh nhau, còn có những khoảng gian bào nhỏ ở các vách tiếp xúc.

Lá: Phần gân chính gồm có: biểu bì trên gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật có các lỗ khí rải rác. Mô mềm dưới lớp biểu bì gồm những tế bào hình cầu, thành mỏng. Bó libe-gỗ hình trứng: gỗ với những mạch gỗ nhỏ ở phía trên, libe ở phía dưới. Biểu bì mặt dưới lá có nhiều lỗ khí và đôi khi có lông tiết đa bào.

Phần phiến lá: Mô mềm giậu gồm 2 đến 3 lớp tế bào hình chữ nhật hay hình nhiều cạnh, nằm dưới lớp biểu bì. Mô mềm khuyết gồm 2 đến 3 lớp tế bào hình bầu dục hay hình bầu dục dài, có những khuyết nhỏ. Giữa 2 lớp mô mềm là dấu vết các bó libe-gỗ.

Xem thêm: Cỏ Mần Trầu (Herba Eleusinis indicae) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Bột có màu xanh lục nhạt, xanh xám hoặc nâu xám, mùi hắc, vị đắng hơi tê. Quan sát dưới kính hiển vi thấy: mảnh biểu bì gồm những tế bào thành mỏng ngoằn ngoèo có nhiều lỗ khí, đường kính lỗ khí khoảng 25 µm có 4 tế bào đến 6 tế bào phụ, hình dạng không cố định. Lông che chở đa bào ở hoa (quả) dài 175 µm đến 200 µm thường bị gãy vụn- lông tiết đầu đa bào đường kính 40 µm đến 44 µm. Hạt phấn hoa hình cầu, màu vàng nâu, đường kính khoảng 20 µm có 3 lỗ nảy mầm, mặt ngoài có nhiều gai sần. Mảnh mạch xoắn, mạch mạng, mạch điểm. Chất tiết màu vàng nâu, nâu vàng, đỏ nâu.

Định tính

A. Cân khoảng 10 g bột thô dược liệu, cho vào bình nón có nút mài. thể tích 100 ml. Thêm 50 ml ethanol 80 % (TT). Đun trên cách thủy sôi 10 min. Gạn, lọc dịch chiết. Thu hồi dung môi dưới áp suất giảm. Thêm vào cắn 5 ml nước cất. Loại tạp bằng cách lắc với ether dầu hỏa (30 °C đến 60 oC) (TT) 3 lần, mỗi lần 5 ml, loại bỏ lớp ether dầu hỏa, và làm bay hết dung môi trên cách thủy sôi. Lấy dịch chiết nước còn lại, làm các phản ứng sau:

Lấy 1 ml dịch chiết trên, thêm 1 ml dung dịch vanilin 1 % trong ethanol (TT), thêm vài giọt acid sulfuric (TT), xuất hiện màu tím hoa cà.

Lấy lượng dịch chiết còn lại ở trên, thêm 10 ml dung dịch acid sulfuric 10 % (TT), đun cách thủy sôi 30 min. Để nguội rồi lắc với cloroform (TT) 3 lần, mỗi lần 5 ml. Lấy 5 ml dịch chiết cloroform vào ống nghiệm, cô trên cách thủy đến cạn, thêm 2 ml anhydrid acetic (TT), thêm 2 giọt đến 3 giọt acid sulfuric (TT), xuất hiện màu đỏ tía.

B. Phương pháp sắc ký lớp mòng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G.

Dung môi khai triển: n-Butanol – ethyl acetat – nước (4:1: 5).

Dung dịch thử: Hòa cắn thu được ở phần Định lượng trong 5 ml methanol (TT) được dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 10 g Cóc mẳn (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl dung mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí ở nhiệt độ phòng, phun hỗn hợp thuốc thử gồm dung dịch vanilin 1 % trong ethanol 96 % (TT). sấy bản mỏng ở nhiệt độ 105 °C đến khi các vết hiện rõ. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết của dung dịch đối chiếu.

Xem thêm: Tô Mộc – Dược Điển Việt Nam 5

Tro toàn phần

Không quá 14,8 % (Phụ lục 9.8).

Tro không tan trong acid

Không quá 2,8 % (Phụ lục 9.7).

Định lượng

Cân chính xác khoảng 10 g bột dược liệu (qua rây số 355), loại tạp bằng ether dầu hỏa (30 °C đến 60 °C) (TT) trong bình Soxhlet, tãi mỏng bã dược liệu để bay hơi hết dung môi. Tiếp tục chiết saponin bằng ethanol 80 % (TT) trong bình Soxhlet trong 1 h. Thu hồi ethanol trong dịch chiết dưới áp suất giảm tới dạng cao đặc. Hòa tan cao bằng 5 ml nước cất. Lắc kỹ với n-butanol (TT) 5 lần. mỗi lần 5 ml. Gộp các dịch butanol, cất thu hồi dung môi n-butanol. Sấy cắn ở nhiệt độ dưới 70 °C tới khối lượng không đổi. Cân cắn.

Hàm lượng chất tan trong butanol không ít hơn 3,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hái vào khoảng tháng 1 đến tháng 3, chủ yếu là cây mọc hoang. Sau khi nhổ lấy cả cây, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Bào chế

Trước khi dùng, rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ. Vi sao.

Bảo quản

Trong bao bì kín, để nơi khô ráo.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào kinh phế.

Công năng, chủ trị

Khu phong thắng thấp, tán hàn thông khiếu, tiêu sưng.

Chủ trị: Cảm, tắc mũi trĩ mũi, đau họng, ho gà, hen hàn, chấn thương.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 8 g đến 12 g, dạng thuốc sắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *