Toàn cây phơi hoặc sấy khô của cây Tảo dẹt (Laminaria japonica Aresch.) hoặc Eckolonia kurome Okam, họ Côn bố (Laminariaceae).
Mô tả
Laminaria japonica : Thường cuộn bết lại với nhau thành bó, thành khối. Dược liệu có màu lục nhạt, màu nâu ánh lục hoặc màu nâu đen, bên ngoài có lớp bột màu trắng. Phần gốc có dạng sợi hình trụ, mang nhiều sợi nhỏ, màu nâu đen. Sau khi ngâm trong nước, trương nở thành dải, dài 50 cm đến 150 cm, rộng 10 cm đến 40 cm, dày lên ở phần giữa, mỏng hơn và uốn lượn ở mép. Chất hơi dai. Mùi tanh của rong biển, vị mặn.
Eckolonia kurome: Thường cuộn, xoắn lại thành khối tròn không đều. Dược liệu có màu đen. Sau khi ngâm trong nước, trương nở thành dạng lá, dài và rộng từ 16 cm đến 26 cm, dày 1,6 mm; hai mặt có gân dạng chân vịt, thùy dẹt mỏng mép có răng cưa hoặc nguyên. Chất xốp và trơn mượt.
Định tính
A. Khi ngâm trong nước sẽ trương nở, dày lên, mặt ngoài nhẵn, có dịch nhớt là chất nhày trong suốt. Khi cuốn bằng các ngón tay, không cuộn thành nhiều lớp được (đối với L japonica) hoặc có thể cuộn lại được (đối với E. kurome).
B. Ngâm khoảng 10 g dược liệu đã cắt thành mảnh nhỏ trong 200 ml nước trong vài giờ, lọc và cô dịch lọc đên còn khoang 100 ml. Lấy 2 ml đến 3 ml dịch thu được, thêm 1 giọt acid nitric (TT) và vài giọt dung dịch bạc nitrat 2 % (TT). một tủa keo màu vàng được tạo thành, tủa này khó tan trong amoniac (TT) và không tan trong acid nitric (TT).
Xem thêm: Tiền hồ (Rễ) – Dược Điển Việt Nam 5
Định lượng
Cân chính xác khoảng 10 g dược liệu đã cắt thành mảnh nhỏ, cho vào chén nung, sấy ở nhiệt độ 100 ° C trong 10 min, nung ở 400oC đến 500 °C trong 40 min. Để nguội và chuyển cắn nung vào một cốc có mỏ, thêm 100 ml nước, đun sôi khoảng 5 min và lọc. Làm như vậy đối với cắn thêm 2 lần nữa, mỗi lần 100 ml nước, gộp các dịch lọc, rửa cắn 3 lần, mỗi lần bằng một ít nước nóng. Gộp dịch rửa và dịch lọc, cô đến còn khoảng 80 ml. Để nguội, chuyển dịch thu được vào bình định mức 100 ml và pha loãng bằng nước đến vạch. Lấy chính xác 5 ml dịch thu được cho vào bình thủy tinh có nắp, thêm 50 ml nước và 2 giọt dung dịch đỏ methyl (TT), thêm từng giọt dung dịch acid sulfuric loãng (TT) đến khi màu đỏ được tạo thành. Thêm 5 ml dung dịch brom vừa mới pha (TT), đun sôi, thêm 5 ml dung dịch natri format 20 % dọc theo thành bình đựng, đun sôi trong 10 min đến 15 min. Rửa thanh bình bằng nước nóng, để nguội, thêm 5 ml dung dịch acid sulfuric loãng (TT) và 5 ml dung dịch kali iodid 15 % (TT), chuẩn độ ngay bằng dung dịch natri thiosulfat 0,01 N (CĐ) tới khi dung dịch chuyển màu vàng nhạt, thêm 1 ml dung dịch hồ tinh bột (TT), tiếp tục chuẩn độ cho đến khi hết màu xanh.
1 ml dung dịch natri thiosulfat 0,01 N (TT) tương đương với 0,2115 mg I.
Chế phẩm phải chứa không ít hơn 0,35 % I (đối với L.japonica) và không ít hơn 0,20 % I (đối với E. kurome), tính theo dược liệu khô kiệt.
Xem thêm: Tía tô (Thân) – Dược Điển Việt Nam 5
Chế biến
Thu hoạch vào mùa hè và mùa thu, vớt lấy toàn cây, phơi hoặc sấy khô. Trước khi dùng, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, để ráo nước, cắt thành sợi rộng, phơi khô.
Bảo quản
Nơi khô mát.
Tính vị, quy kinh
Vị mặn, tính hàn. Vào kinh can, vị, thận.
Công năng, chủ trị
Nhuyễn kiên, hành thủy.
Chủ trị: Bướu cổ, tràng nhạc, sán khí, phù thũng.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 g đến 12 g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.