banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Dâu (Lá) (Folium Mori albae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Dâu lá

Tên khác: Tang diệp

Lá phơi hay sấy khô của cây Dâu tằm (Morus alba L.), họ Dâu tằm (Moraceae).

Mô tả

Lá nhăn nheo, dễ gãy vụn. Lá nguyên hình trứng, hình trứng rộng, dài 8 cm đến 15 cm, rộng 7 cm đến 13 cm, có cuống; đầu lá nhọn, gốc lá cụt, tròn hay hình tim, mép có răng cưa, đôi khi chia thùy không đều. Mặt trên lá có màu lục vàng hoặc nâu vàng nhạt, đôi khi có nốt nhỏ nhô lên. Mặt dưới lá có màu nhạt, nổi rõ các gân lớn chạy từ cuống lá và nhiều gân nhỏ hình mạng lưới, có lông tơ mịn rải rác trên gân lá. Chất giòn. Hơi có mùi, vị nhạt, hơi chát, đắng.

Vi phẫu

Biểu bì trên gồm các tế bào khá lớn, có lông chứa nang thạch, đơn bào hoặc đa bào. Biểu bì dưới tế bào nhỏ hơn, có ít lông chứa nang thạch, nhưng nhiều lỗ khí hơn. Trong gân chính, dưới biểu bì có 2 đám mô dày, đám dưới dày và  rộng hơn. Mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình cầu gai hay hình phiến. Giữa gân lá có 1 hoặc 2 bó libe-gỗ, xung quanh libe có sợi. Phiến lá gồm 1 hàng tế bào bó giậu, chứa diệp lục, mô khuyết gồm các tế bào hình tròn hay nhiều cạnh, chứa tinh thể calci oxalat.

Xem thêm: Bạch Chỉ (Rễ) (Radix Angelicae dahuricae) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Màu lục vàng hay nâu vàng. Soi kính hiển vi thấy: Biểu bì trên có những tế bào phình to chứa nang thạch đường kính 47 µm đến 77 µm. Lỗ khí ở biểu bì dưới thuộc kiểu hỗn bào, được bao quanh bởi 4 tế bào đến 6 tế bào không đều. Lông che chở đơn bào, dài 50 µm đến 230 µm. Cụm tinh thể calci oxalat đường kính 5 µm đến 16 µm; thường gặp dạng tinh thể calci oxalat hình lăng trụ.

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Dùng lớp trên của hỗn hợp dung môi gồm toluen – ethyl acetat – acid formic ( 5 :2 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu vào bình nón, thêm 30 ml ether dầu hỏa (60°C đến 90°C) (TT), đun hồi lưu trong 30 min, loại bỏ lớp ether dầu hỏa, lấy bã bay hơi hết dung môi đến khô, thêm 30 ml ethanol 96 % (TT), lắc siêu âm trong 20 min, lọc và bốc hơi dịch lọc đến khô. Hòa tan cắn trong 10 ml nước nóng, đun trên cách thủy 60 °C, khuấy kỹ để hòa tan, lọc và bốc hơi dịch lọc tới khô, hòa cắn trong 1 ml methanol (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g bột lá Dâu (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành; Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký trong bình được bão hòa trước 10 min bằng pha động đến khi dung môi đi được khoảng 8 cm, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 15,0 % (Phụ lục 9.6, 3 g, 105 °C, 5 h).

Tro không tan trong acid

Không quá 4,5 % (Phụ lục 9.7).

Xem thêm: Cần tây (quả) (Fructus Apii graveolens) – Dược Điển Việt Nam 5

Tạp chất

Không quá 0,5 % (Phụ lục 12.11).

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 5,0 % tính theo dược liệu khô kiệt. Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol (TT) làm dung môi.

Chế biến

Sau khi mới có sương (vào mùa thu), thu hái lá bánh tẻ, loại bỏ lá vàng úa và tạp chất, rửa sạch, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khô.

Bào chế

Dược liệu khô, loại bỏ tạp chất, vò nát, bỏ cuống lá, rây bỏ vụn nhỏ.

Bảo quản

Để nơi khô, tránh mốc.

Tính vị, quy kinh

Cam, khô, hàn. Vào các kinh phế, can.

Công năng, chủ trị

Sơ tán phong nhiệt, thanh can, minh mục.

Chủ trị: Cảm mạo phong nhiệt, phế nhiệt ho ráo, chóng mặt, nhức đầu hoa mắt, mắt sây sẩm, đau mắt đỏ.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 5 g đến 12 g. Dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Bệnh hư hàn thì không nên dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *