Cụm quả đã phơi hay sấy khô của cây Hạ khô thảo (Prunella vulgaris L.), họ Bạc hà (Lamiaceae).
Mô tả
Dược liệu hình chùy do bị ép nên hơi dẹt, dài 1,5 cm đến 8 cm, đường kính 0,8 cm đến 1,5 cm; màu từ nâu nhạt đến nâu đỏ. Toàn cụm quả có hơn 10 vòng đài còn lại và lá bắc, mỗi vòng lại có hai lá bắc mọc đối trên cuống hoa hay quả như hình quạt, đỉnh nhọn, có gân gợn rõ, mặt ngoài phủ lông trắng. Mỗi lá bắc có 3 hoa nhỏ, tràng hoa thường bị rụng, dài có 2 môi, 4 quả hạch nhỏ hình trứng, màu nâu với vết lồi trắng ở đầu nhọn. Thể nhẹ, chất giòn, mùi thơm nhẹ, vị nhạt.
Bột
Bột màu nâu đen, mùi nhẹ, vị nhạt. Soi kính hiển vi thấy: Lông che chở đa bào một dãy, từ 5 đến 7 tế bào, đôi khi rất dài, bề mặt lấm tấm. Mảnh biểu bì dưới của lá có lỗ khí. Tế bào biểu bì đài hoa có vách ngoằn ngoèo. Mảnh mô mềm của cành gồm tế bào hình chữ nhật, xếp xen kẽ nhau. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai, gai có đầu tù. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch mạng. Đầu nhụy có tế bào dài và tỏa ra như nan quạt.
Xem thêm: Bạch Chỉ (Rễ) (Radix Angelicae dahuricae) – Dược Điển Việt Nam 5
Định tính
A. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 15 ml ethanol (TT), đun hồi lưu trong cách thủy 1 h, lọc. Lấy dịch lọc để thử các phản ứng sau:
Lấy 1 ml dịch lọc cho vào một bát sứ nhỏ, bốc hơi trên cách thủy đến khô. Hòa tan cắn bằng 1 giọt acid sulfuric (TT), xuất hiện màu đỏ tía chuyển dần sang màu lục tối.
Nhỏ một vài giọt dịch lọc lên một tờ giấy lọc rồi phun hỗn hợp gồm dung dịch sắt (III) clorid 0,9% (TT) và dung dịch kali fericyanid 0,6 % (TT) theo tỷ lệ (1 : 1), sẽ xuất hiện màu xanh lơ.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cyclohexan – cloroform – ethyl acetat – acid acetic băng (20 : 5 : 8 : 0,5).
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol (TT), đun hồi lưu trên cách thủy 1 h, lọc. Bốc hơi dịch lọc đến khô, hòa cắn 2 lần, mỗi lần với 15 ml ether dầu hỏa (30 °C đến 60 °C) (TT) trong khoảng 2 min, gạn bỏ dung dịch ether dầu hỏa. Hòa tan cắn trong 1 ml ethanol (TT) làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g Hạ khô thảo (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra và để khô trong không khí. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Tiếp tục phun dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT), sấy bản mỏng ở 100 °C tới khi hiện rõ các vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Xem thêm: Củ Chóc (Thân rễ) (Rhizoma Typhonii trilobati) – Dược Điển Việt Nam 5
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 4 h).
Tro toàn phần
Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid
Không quá 3,0 % (Phụ lục 9.7).
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Thân cây: Không quá 5 %.
Tạp chất khác: Không quá 1 %.
Chất chiết được trong được liệu
Không dưới 7,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 96 % (TT) làm dung môi.
Chế biến
Vào mùa hạ, thu hái khi cụm quả có màu đỏ nâu, phơi hoặc sấy khô.
Bảo quản
Để nơi khô.
Tính vị, quy kinh
Tân, khổ, hàn. Vào các kinh can, đởm.
Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt giáng hỏa, minh mục, tán kết, tiêu sưng.
Chủ trị: Tăng huyết áp, mắt đỏ sưng đau, đau con ngươi, chảy nước mắt do viêm tuyến lệ, nhức đầu, chóng mặt, bướu cổ; tràng nhạc, viêm tuyến vú, nhọt vú sưng đau.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 9 g đến 15 g. Dạng thuốc sắc.