banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Hoàng Tinh (Thân rễ) (Rhizoma Polygonati) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Hoàng tinh

Tên khác: Củ cây cơm nếp, Đại hoàng tinh, Hoàng tinh đầu gà, Hoàng tinh dạng gừng

Thân rễ đã phơi hay sấy khô của một số loài Hoàng tinh: Polygonatum kingianum Coll. Et Hemsl., Polygonatum sibiricum Red. hoặc Polygonatum cyrtonema Hua, họ Mạch môn đông (Convallariaceae).

Dựa vào hình thái khác nhau, người ta còn phân biệt Đại hoàng tinh, Kê đầu hoàng tinh (hoàng tinh đầu gà), Khương hình hoàng tinh (hoàng tinh dạng gừng).

Mô tả

Đại hoàng tinh: Thân rễ nạc, dài hơn 10 cm, rộng 3 cm đến 6 cm dày 2 cm đến 3 cm. Mặt ngoài màu vàng nhạt đến nâu vàng có các mấu vòng, nếp nhăn và vết sẹo rễ dạng sợi, trên các mấu có vết tích của thân dạng vòng tròn lõm với phần giữa lồi lên. Chất cứng, dai, khó bẻ, mặt bẻ trông như sừng, màu vàng nhạt đến vàng nâu. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt, dai dính.

Hoàng tinh đầu gà (Kê đầu hoàng tinh): Dược liệu có hình trụ, cong queo, dài 3 cm đến 10 cm, đường kính 0,5 cm đến 1,5 cm. Đốt dài 2 cm đến 4 cm, hơi có dạng chùy, thường phân nhánh. Mặt ngoài màu trắng ngà đến vàng xám, trong mờ, có những nếp nhăn dọc, vết sẹo của thân hình tròn, đường kính 5 mm đến 8 mm.

Hoàng tinh dạng gừng (Khương hình hoàng tinh): Độ dài, ngắn không đều nhau, thường nối liền nhau thành nhóm vài củ. Mặt ngoài màu vàng xám hoặc nâu vàng, xù xì, phía trên có vết sẹo của thân hình tròn lồi, đường kính 0,8 cm đến 1,5 cm.

Không dùng làm thuốc nếu dược liệu có vị đắng.

Hoàng tinh phiến: Các phiến dày không đều. Bên ngoài có màu vàng nhạt đến màu nâu vàng. Mặt phiến hơi mịn bóng, màu vàng nhạt đến nâu vàng, có nhiều vết đốm của bó mạch. Chất hơi cứng và dai. Mùi nhẹ, vị ngọt và nhớt khi nhai.

Vi phẫu

Đại hoàng tinh: Tế bào biểu bì có thành tương đối dày. Nhiều tế bào nhầy lớn chứa bó tinh thể calci oxalat hình kim, rải rác trong mô mềm. Các bó mạch nằm rải rác, thưởng ở dạng bó mạch đồng tâm.

Hoàng tinh đầu gà (Kê đầu hoàng tinh) và Hoàng tinh dạng gừng: Có dạng bó mạch chồng chất.

Xem thêm: Hà Thủ Ô Đỏ (Rễ) (Radix Fallopiae multiflorae) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silicagel G.

Dung môi khai triển: Ether dầu hỏa (60 °C đến 90 °C) – ethyl acetat – acidformic (5 : 2 : 0,1).

Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 20 ml ethanol 70 % (TT), đun hồi lưu trong cách thủy 1 h, lọc dưới áp suất giảm. Bốc hơi dịch lọc đến khô. Hòa tan cắn trong 10 ml nước. Lắc dung dịch thu được hai lần, mỗi lần với 20 ml n-butanol (TT), gộp dịch chiết n-butanol và bốc hơi đến khô. Hòa tan cắn thu được trong 1 ml methanol (TT) được dung dịch chấm sắc ký.

Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g bột Hoàng tinh (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun dung dịch vanilin 5 % trong acid sulfuric ( TT), sấy bản mỏng ở 105 °C đến khi các vết hiện rõ. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 18,0 % (Phụ lực 12.13).

Tro toàn phần

Không được quá 4,0 % (Phụ lục 9.8).

Nghiền nhỏ dược liệu, sấy khô vài giờ ở 80 °C trước khi tiến hành.

Xem thêm: Gừng (Thân rễ) (Rhizoma Zingiberis) – Dược Điển Việt Nam 5

Tro không tan trong acid

Không quá 1,0 % (Phụ lục 9.7).

Tạp chất (Phụ lục 12.11)

Phần gốc rễ còn sót và củ già đã xơ cứng: Không quá 2,0 %.

Tạp chất khác: Không quá 1,0 %.

Chất chiết được trong dược liệu

Không được dưới 45,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 50 % (TT) làm dung môi.

Chế biến

Thu hoạch vào mùa xuân, mùa thu, đào lấy thân rễ, cắt bỏ thân cây và rễ con, rửa sạch, luộc hoặc đồ đến hết lõi trắng, lấy ra, phơi hoặc sấy khô.

Bào chế

Hoàng tinh phiến: Lấy hoàng tinh sạch, ủ mềm, thái phiến dày, phơi hoặc sấy khô.

Tửu Hoàng tinh (chế rượu): Lấy Hoàng tinh sạch, trộn với rượu, cho vào thùng đậy nắp, đun trong cách thủy để dược liệu hút hết rượu, lấy ra cắt lát dày, phơi khô. Cứ 100 kg Hoàng tinh dùng 20 L rượu.

Bảo quản

Để nơi khô mát, tránh mốc, mọt.

Tính vị, quy kinh

Cam, bình. Vào các kinh tỳ. phế, thận.

Công năng, chủ trị

Kiện tỳ, nhuận phế, ích thận.

Chủ trị: Tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, sức yếu, miệng khô, ăn kém, phế hư ho khan, tinh huyết bất túc, nội nhiệt tiêu khát.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 8 g đến 16 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.

Kiêng kỵ

Người phế vị có đờm thấp nặng, không nên dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *