Có rất nhiều nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều. Đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây để biết thêm thông tin về nguyên nhân, triệu chứng của rối loạn kinh nguyệt và biện pháp điều trị bệnh hiệu quả, nhanh chóng.
1. Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt
Một số nguyên nhân gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều ở chị em phụ nữ có thể kể đến như sau:
– Bệnh phụ khoa: Kinh nguyệt bất thường có thể do các bệnh phụ khoa như u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang, tắc ống dẫn trứng, viêm buồng trứng…
– Uống rượu, hút thuốc: Một số hoạt chất có trong thuốc lá, rượu bia có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố nữ, làm kinh nguyệt không đều.
– Chế độ giảm cân không khoa học: Giảm cân cấp tốc, chế độ ăn khắt khe làm giảm mạnh Protein và chất béo trong cơ thể, các hormon sinh dục của cơ thể cũng bị giảm sản xuất, gây chậm kinh, thậm chí là tắc kinh, mất kinh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều
– Nhiễm lạnh: Cơ thể bị nhiễm lạnh ở những ngày “đèn đỏ” làm kém lưu thông máu vùng chậu, dẫn đến lượng máu kinh nguyệt giảm, thậm chí tắc kinh.
– Ảnh hưởng tâm lý: Thường xuyên phải chịu áp lực tâm lý lâu ngày, căng thẳng, mệt mỏi, thức khuya, thiếu ngủ, hay các tổn thương tinh thần có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
– Tác dụng phụ của một số thuốc điều trị tiểu đường, tim mạch… cũng làm tăng nguy cơ rối loạn kinh nguyệt.
– Ở một số đối tượng, kinh nguyệt không đều chỉ do cơ địa đặc thù, hay di truyền mà không phải vì mắc một căn bệnh nào đó.
2. Các dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt được biểu hiện bằng các tình trạng sau đây:
– Kinh sớm: Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 28 – 32 ngày, số ngày có kinh nguyệt khoảng 3 – 7 ngày. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những chu kỳ vòng kinh ngắn, dưới 22 ngày.
– Kinh nguyệt kéo dài: Một vài trường hợp kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày thậm chí hơn hai tuần mới sạch. Ở người bị viêm nhiễm vùng kín, có thể xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, khí hư ra nhiều, có màu bất thường và mùi hôi.
– Vô kinh: Khi mất kinh trên 3 tháng sau khi đã có kinh nguyệt được gọi là vô kinh. Vô kinh có thể do nhiều nguyên nhân như buồng trứng đa nang, dậy thì chậm, rối loạn chức năng tuyến yên…
– Chậm kinh: Chu kỳ kinh nguyệt bất thường ở nữ giới, khi đến kỳ hành kinh nhưng vẫn chưa có kinh. Thông thường, nếu quá 35 ngày, thậm chí chậm tới 40-50 ngày tính từ ngày hành kinh lần trước mà vẫn chưa có kinh nguyệt trở lại thì gọi là chậm kinh.
Trễ kinh là dấu hiệu của kinh nguyệt bất thường
– Bế kinh: Khi thiếu nữ trên 18 tuổi mà vẫn chưa có kinh gọi là bế kinh nguyên phát. Nếu tắc kinh trên 6 tháng khi đã có kinh và chưa tới kỳ mãn kinh thì gọi là bế kinh thứ phát.
– Xuất huyết tử cung thất thường: Có thể xuất hiện các triệu chứng như kinh nhiều, cường kinh, rong kinh… Tình trạng này có thể do u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, rối loạn chức năng tuyến yên… Đây là biểu hiện thường thấy trong rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ sau sinh và tiền mãn kinh.
3. Tác hại của rối loạn kinh nguyệt
Kinh nguyệt thất thường có ảnh hưởng tới chức năng sinh sản hay không?
Rối loạn kinh nguyệt không do bệnh lý thì không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Tuy nhiên, một số trường hợp sau có thể gây tác động không tốt tới khả năng mang thai của chị em:
– Bế kinh: Các chuyên gia cho rằng, khi mắc các bệnh về tử cung, buồng trứng, tuyến yên, vùng não dưới đồi, đều rất dễ gây bế kinh, điều này cản trở tới sự thụ tinh và làm tổ của trứng đã được thụ tinh, tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.
– Rối loạn kinh nguyệt: Kinh chậm hoặc sớm phần lớn liên quan tới mất cân bằng nội tiết, viêm nội mạc tử cung.
– Mất cân bằng nội tiết tố, dẫn đến trước và sau khi hành kinh xuất hiện triệu chứng căng sưng vú, đau đầu, sốt, nổi mụn…
– Tăng khả năng mắc các bệnh như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, u xơ tử cung…
Rối loạn kinh nguyệt làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa
Ảnh hưởng của rối loạn kinh nguyệt theo độ tuổi
Tùy theo độ tuổi khác nhau mà tác động của rối loạn kinh nguyệt tới cơ thể cũng có sự khác biệt:
– Dưới 30 tuổi: Rối loạn kinh nguyệt có thể dẫn đến mắt lờ đờ, mệt mỏi, thiếu linh hoạt, lỗ chân lông lớn, nổi mụn nhiều, da kém sắc. Độc tố tích trữ trong cơ thể, không được thải trừ hoặc kém thải trừ gây ảnh hưởng không tốt cho việc rụng trứng, dễ gây lão hóa, vô sinh.
– Đối tượng 30-40 tuổi: Gây nám da, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng thụ tinh, mang thai, gây ra các triệu chứng tiền mãn kinh sớm.
– Phụ nữ 40-55 tuổi: Thời điểm này, chị em bắt đầu tiến đến thời kỳ tiền mãn kinh, tuy nhiên kinh nguyệt vẫn xuất hiện và có sự thất thường nhiều hơn. Tình trạng mất ngủ thường xuyên xảy ra, thể lực và trí nhớ giảm sút rõ rệt, loãng xương…
– Trên 55 tuổi: Ở độ tuổi này, hầu hết đã không còn kinh nguyệt (mãn kinh). Trường hợp nữ giới trên 55 tuổi vẫn còn kinh nguyệt, hơn nữa không đều, về cơ bản, các cơ quan sinh sản, chức năng thận đã suy giảm nhiều.
4. Điều trị rối loạn kinh nguyệt
Khi xuất hiện rối loạn kinh nguyệt, chị em có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để có sự điều chỉnh hợp lý, giúp điều hòa kinh nguyệt. Ngoài ra cần có chế độ sinh hoạt và làm việc khoa học, thả lỏng tinh thần, nghỉ ngơi thư giãn phù hợp:
– Cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, các loại hạt, sữa giàu chất đạm, protein.
– Tránh các loại thực phẩm dễ gây lạnh bụng, đồ cay nóng, đồ chiên…
– Hạn chế sử dụng đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê… Tránh hút thuốc lá cũng như sử dụng thức uống có ga.
– Đi ngủ sớm, tránh thức quá khuya, ảnh hưởng đến quá trình điều hòa nội tiết tố của cơ thể.
Trường hợp rối loạn kinh nguyệt do bệnh lý, chị em cần thăm khám bác sĩ để biết được nguyên nhân gây bệnh và giải pháp điều trị phù hợp:
– Cùng một biểu hiện kinh nguyệt bất thường nhưng tình trạng và mức độ bệnh của mỗi người là khác nhau. Do đó cần thực hiện các biện pháp sau:
+ Soi âm đạo, buồng tử cung.
+ Soi ổ bụng.
+ Kiểm tra nồng độ Estrogen và Progestrogen.
– Lựa chọn phương pháp điều trị: Căn cứ vào từng người bệnh, có thể lựa chọn các liệu pháp phù hợp như điều chỉnh tâm trạng người bệnh, điều trị vật lý dung hợp, điều trị bằng thuốc nếu cần.
Tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh và tình trạng người bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị
Để cải thiện rối loạn kinh nguyệt, cần xác định nguyên nhân gây ra nhằm có hướng xử trí hiệu quả, kịp thời. Dù là nguyên nhân không đáng lo ngại hay các bệnh lý như u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang, ung thư tử cung… đều cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.